Nhạc trưởng Lê Phi Phi: Tôi muốn góp phần làm phong phú hơn những "sân chơi" âm nhạc

Chủ Nhật, 12/01/2020, 07:16
Khoảng 10 năm trở đây, nhạc trưởng Lê Phi Phi luôn dành nhiều thời gian về Việt Nam tham dự các chương trình nghệ thuật. Đó cũng là cách anh muốn đóng góp cho quê hương. Trong các ngày mồng 8, 9 tháng 1 này, nhạc trưởng Lê Phi Phi đảm nhiệm vai trò chỉ huy đêm nhạc đặc biệt "Rock Symphony" tại Nhà hát Lớn Hà Nội.


- Nhạc cổ điển symphony giao hưởng là đỉnh cao của âm nhạc không lời, nhạc rock cũng là thể loại đỉnh cao của âm nhạc có lời. Những người có yêu cầu thưởng thức cao, phong phú thì ưa thích các thể loại âm nhạc này, vì nó hàm chứa đủ sắc thái cuộc đời và làm họ cảm thấy thoả mãn. Vậy cuộc phối hợp giữa hai thể loại này sẽ diễn ra như thế nào?

+ Sự phối hợp giữa 2 thể loại âm nhạc này đã được thế giới làm từ mấy thập kỷ nay, đó là những live show của những ban nhạc nổi tiếng thế giới như: Sting, Queen, Scorpions… Ở Việt Nam, tôi đã dàn dựng 3 chương trình có tính chất như thế ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những chương trình trên đã được khán giả đón nhận nồng nhiệt ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là khán giả trẻ. 

Nhạc trưởng Lê Phi Phi.

- Vậy theo anh, “điểm chạm” của hai thể loại âm nhạc này là gì?

+ Rock được coi là âm nhạc cổ điển của dòng nhạc giải trí. Trên khắp thế giới, ở đâu rock cũng được yêu thích. Trong lịch sử thành lập và phát triển của mình từ những thập kỷ 40, 50 của thế kỷ trước, rock không chỉ là một thể loại âm nhạc giải trí đơn thuần mà còn tạo cho xã hội một phong cách sống - rocker. Rock cũng đóng góp về mặt phản ánh hiện thực những sự kiện đang xảy ra trong xã hội, trên thế giới…

Âm nhạc của rock thường mang những tiết tấu mạnh mẽ, âm lượng lớn ở những bản rock metal, heavy nhưng lại cũng rất dịu dàng, nhẹ nhàng ở ballad rock. So với thể loại pop, rock sâu sắc, thực tế hơn. Còn nhạc cổ điển là thể loại đã tồn tại hàng bao thế kỷ. Dàn nhạc giao hưởng là đỉnh cao của sự hoà hợp nhiều nhạc cụ tạo ra được một tần số âm thanh acccoustic nhưng hoành tráng, mạnh mẽ và cũng có thể đạt tới những sự êm dịu, nhẹ nhàng đến tuyệt đối, đi vào sâu thẳm nhất của lòng người nghe. Và điều đó là sự giải thích dễ hiểu cho sự kết hợp giữa hai thể loại âm nhạc giải trí là rock và âm nhạc hàn lâm cổ điển, sự hoành tráng và sâu lắng, êm dịu được nhân đôi.   

- Anh có thể chia sẻ về những bản nhạc được chọn trong đêm diễn này và các nghệ sĩ khách mời. Anh làm thế nào để dung hòa giữa hai thể loại trong một đêm diễn mà không làm mất đi bản sắc riêng của từng thể loại âm nhạc?

+ Đây là lần thứ 3 tôi dàn dựng Rock Symphony ở Việt Nam. Lần đầu tiên là một chương trình nhạc cổ điển được phối theo phong cách rock chơi cùng ban nhạc rock, nhưng phải từ lần thứ hai thì tôi mới thực sự chọn những tác phẩm rock kinh điển, quen thuộc từ những năm 1950 để kết hợp với dàn nhạc giao hưởng.

Từ thời trẻ, chúng tôi những sinh viên Nhạc viện Hà Nội (bây giờ là Học viện Âm nhạc Quốc gia), Nhạc viện Tchaikovsky (Liên bang Nga) đã nghe đủ các thể loại âm nhạc, trong đó có rock. Tôi có thể khẳng định là những bản nhạc nổi tiếng mà tôi yêu thích như: "Love me tender" (Elvis Presley), "Hotel California" (Eagles), "Still loving you" (Scorpions), "We are the champions", "Bohemian rhapsody", "We will rock you" (Queen), "English man in Newyork" (Sting), "Knokning on heaven door" (Guns and Roses)… cũng là những bản nhạc hit trên toàn thế giới qua các thời đại, thậm chí  có một số lượng lớp trẻ nhất định là fans của những nhóm nhạc này.

Sau khi đã chọn ra những tác phẩm yêu thích, việc tiếp theo là phải thuê người phối lại cho dàn nhạc giao hưởng cùng ban nhạc rock, hợp xướng và các ca sĩ. Trong 2 chương trình tiếp theo, tôi đã lựa chọn 3 nhạc sĩ để hoàn thành công việc này, đó là một nhạc sĩ ngoại quốc cùng Nguyễn Mạnh Duy Linh và Lý Huỳnh Long. Về ban nhạc rock Việt Nam cũng có rất nhiều ban, nhưng để chơi được phong cách cùng giao hưởng thì các rocker trước hết phải có trình độ âm nhạc chuyên nghiệp để có thể đọc và đánh theo chính xác các bản nhạc được phối ra. Và cơ duyên đã đến với tôi khi chọn được ban của Lý Huỳnh Long (keyboard) - Ban Black Long.

Rock Symphony đã đi qua hai mùa thành công.

Ngoài ra còn có một nghệ sĩ solo guitar trẻ tài năng là Tim Chan (Trần Quang Thái Thịnh-HCMC) đang theo học ngành Sản xuất âm nhạc ở Úc. Ở TP Hồ Chí Minh thì các ca sĩ đều thuộc Nhà hát Nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh với Đào Mác và Hoàng Ngọc máu lửa đậm chất rock heavy, Khánh Ngọc sâu lắng ở những bản rock ballad (rock chậm). Ở Hà Nội sẽ là những ca sĩ của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam như Đào Tố Loan, Bùi Trang, Hương Diệp, Tùng Lâm, Anh Vũ, Thanh Bình và ca sĩ nhạc rock Anh Khoa. 

- Có ai đó sẽ nói rằng, Lê Phi Phi đang "phá" nhạc giao hưởng. Anh nghĩ sao?

+  Tôi làm gì mà đủ sức để có thể "phá" một thể loại âm nhạc có truyền thống hàng bao nhiêu thế kỷ, loại âm nhạc mà tôi đã dành cả cuộc đời của mình cho nó. Còn kết hợp giữa giao hưởng với các thể loại âm nhạc khác như: world music, rock, pop, dân gian… thì thế giới họ làm từ lâu rồi và ở Việt Nam cũng vậy. Xu hướng này chỉ làm phong phú hơn "sân chơi" âm nhạc cho xã hội, cho mọi tầng lớp, lứa tuổi.

Đàn violon là một nhạc cụ thuần tuý cổ điển nhưng đã có những nghệ sĩ biến nó thành một nhạc cụ chơi rock như Vanesa May, chơi Jazz như Grapelli… Dàn nhạc giao hưởng của thế kỷ 21 không chỉ chơi các tác phẩm kinh điển cổ điển nữa mà đã là một bộ phận trong đời sống giải trí tham gia vào các live show, event, festival vv...

- Anh là một chỉ huy dàn nhạc giao hưởng nhưng luôn luôn tìm tòi những âm thanh mới mẻ cho âm nhạc. Điều gì thôi thúc anh?

+ Nhạc trưởng cũng như một nghệ sĩ biểu diễn. Anh ta biểu diễn để phục vụ khán giả của mình. Nếu anh ta chỉ giữ nguyên một phong cách thì số lượng khán giả cũng hạn chế ở mức nhất định. Muốn có lượng khán giả phong phú hơn thì nhạc trưởng cùng dàn nhạc cũng phải biết cách ''tiếp thị" - không chỉ riêng Lê Phi Phi mà nhiều nhạc sĩ khác cũng vậy.

- Thời gian gần đây, anh trở về Việt Nam nhiều hơn. Vì sao anh luôn mong muốn trở về dù anh đã có một công việc ổn định ở nước ngoài?

+ Trong vòng 10 năm trở lại đây, tôi thường sắp xếp công việc của mình ở Macedonia để một năm tranh thủ kỳ nghỉ đông và nghỉ hè bên đó về Việt Nam. Trước hết là vì lý do cá nhân để được gần bố mẹ nhiều hơn, làm tròn bổn phận của người con. Tiếp theo là bổn phận của một người làm âm nhạc cổ điển ở nước ngoài về nước cộng tác với các dàn nhạc giao hưởng, nhà hát nhạc vũ kịch ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng các chương trình, đóng góp xây dựng phát triển chất lượng chuyên nghiệp của các đơn vị đó.

Hơn nữa là được làm việc, giao lưu với các đồng nghiệp, các nghệ sĩ, đặc biệt là lớp trẻ, hoà chung vào sự nghiệp phát triển nền âm nhạc cổ điển của quê hương. Và một điều cũng rất quan trọng là được làm những chương trình hay cho khán giả yêu thích nhạc cổ điển ở hai thành phố lớn của đất nước. Một thiệt thòi duy nhất là sự xa cách gia đình nhỏ của mình ở Macedonia, mặc dù năm nào vợ và con trai tôi cũng cùng về Việt Nam thăm ông bà nội và vợ tôi cũng tham gia biểu diễn cùng một số chương trình.  

- Anh có thấy những dấu hiệu tích cực trong đời sống âm nhạc cổ điển ở Việt Nam?

+ Có rất nhiều dấu hiệu tích cực trong đời sống âm nhạc cổ điển ở Việt Nam. Các dàn nhạc giao hưởng, nhà hát nhạc vũ kịch… đã có số lượng công chúng nhất định, các chương trình biểu diễn diễn ra thường xuyên, định kỳ hàng tháng với chất lượng và nội dung tốt hơn, phong phú hơn.

Họ đã có thể bán được vé đều đặn chứ không chỉ là giấy mời như xưa, đời sống của những người làm âm nhạc cổ điển cũng được cải thiện hơn mặc dù vẫn chưa đạt được như mức độ cần thiết - điều này phụ thuộc rất nhiều vào chính sách đãi ngộ nghệ sĩ cấp quốc gia của Nhà nước.

Các nghệ sĩ, nhóm nhạc, dàn nhạc, nhà hát cũng đã đi nước ngoài biểu diễn theo lời mời chính thức chứ không chỉ trong phạm vi trao đổi văn hoá… Có thực mới vực được đạo, nhất là "đạo" âm nhạc cổ điển, đời sống cao hơn thì nhu cầu thưởng thức văn hoá của nhân dân càng cao hơn.

- Theo anh, chúng ta có quyền hy vọng về một đời sống âm nhạc cân bằng hơn trong thời gian tới không, giữa những giá trị âm nhạc đích thực và nhạc giải trí?

+ Chúng ta không chỉ hy vọng mà phải đóng góp công sức của mình vào sự cân bằng giữa giá trị âm nhạc hàn lâm và giải trí. Làm sao mà số lượng fan của âm nhạc cổ điển phải tăng hơn nữa như đối với các thể loại âm nhạc khác. Để làm được điều này thì trách nhiệm của người làm âm nhạc cổ điển, ngoài việc biểu diễn cũng phải biết giáo dục, tiếp cận loại âm nhạc "khó hiểu" này tới công chúng.

Ngành giáo dục cũng nên đưa các chương trình làm quen, tìm hiểu và thưởng thức loại hình nghệ thuật này vào trong giáo trình dạy học, tổ chức cho học sinh, sinh viên đi nghe nhạc cổ điển, xem ballet với những chương trình dành cho thiếu nhi… Tôi quan niệm để nghe được nhạc cổ điển, khán giả phải có hiểu biết và kiến thức về nó.

- Bố anh, nhạc sĩ Hoàng Vân vẫn còn bóng dáng đâu đó trong thế giới âm nhạc của anh. Dường như, ông có ảnh hưởng rất lớn đến con đường mà anh lựa chọn?

+ Bố luôn hiện hữu trong tôi. Từ lúc nhỏ tôi đã được sống và lớn lên trong âm nhạc của ông. Tính cách của con người ông đã được truyền qua các tác phẩm và đi vào tâm hồn tôi, hình thành tính cách âm nhạc trong tôi. Đó là sự tuyệt vời về ca từ, lãng mạn, hào hùng, tươi mát tình yêu cuộc sống, tính nhân văn cao cả…

Khi tôi ra đời lập nghiệp như một nhạc trưởng, ông vẫn theo dõi từng bước đi của tôi, theo dõi từng buổi biểu diễn, góp ý xây dựng cho sự trưởng thành trong tính cách biểu diễn của tôi… Bố đã đi xa, nhưng âm nhạc của ông luôn mãi vang trong tôi mọi lúc mọi nơi…

- Một năm mới lại bắt đầu, cũng bắt đầu cho một thập kỷ mới. Anh có thể chia sẻ với khán giả những mong muốn và kế hoạch của mình trong năm mới?

+ Kế hoạch lớn nhất trong năm 2020 là tôi cùng chị gái Lê Y Linh chuẩn bị một đêm nhạc Hoàng Vân với dàn nhạc giao hưởng vào ngày 24-7 nhân kỷ niệm 90 ngày sinh của bố. Đêm nhạc này sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội và với ý tưởng hôm sau sẽ ra ngoài trời diễn ở phố đi bộ Hồ Gươm nhằm mục đích, một lần nữa các tác phẩm được yêu thích của nhạc sĩ Hoàng Vân sẽ được vang lên với các khán thính giả yêu quí ông ở diện rộng. Tất nhiên để thực hiện được ý tưởng này còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ, ủng hộ của các ban, ngành như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Cục Nghệ thuật biểu diễn TP Hà Nội và quan trọng nhất là nguồn kinh phí tài trợ của các công ty, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. 

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh. Chúc anh một năm mới sức khỏe và thành công với những dự định của mình.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.