Những điều ít biết về Đội trưởng Đội Vệ sỹ của Chủ tịch Mao Trạch Đông

Thứ Hai, 31/08/2015, 07:00
Cuối mùa hè năm 1966, phong trào "cách mạng văn hóa" bước vào giai đoạn mới sau khi Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình bị tước bỏ mọi quyền lực. Và ghế Chánh văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được ông Uông Đông Hưng tiếp quản và đây là bước ngoặt quan trọng thứ hai trong sự nghiệp chính trị của Cục trưởng Cục Bảo vệ Trung ương Đảng. Chủ tịch Mao Trạch Đông bổ nhiệm ông Uông Đông Hưng làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng vì khi đó đây là "trung tâm" không những của mọi nguồn thông tin, mà còn là nơi lưu trữ các loại hồ sơ tuyệt mật, cũng như các văn kiện cơ mật khác của Đảng.
Vai trò trong "cách mạng văn hóa"

 Chủ tịch Mao Trạch Đông bổ nhiệm ông Uông Đông Hưng làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng vì khi đó đây là "trung tâm" không những của mọi nguồn thông tin, mà còn là nơi lưu trữ các loại hồ sơ tuyệt mật, cũng như các văn kiện cơ mật khác của Đảng.

Tại thời điểm đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng bị "đóng cửa" (từ mùa hè năm 1966), nên Văn phòng Trung ương Đảng tiếp quản hầu như mọi công việc quan trọng của Ban Bí thư. Sau khi văn phòng của "tổ cách mạng văn hóa" do Trần Bá Đạt cầm đầu và "văn phòng hành chính" cùng Quân ủy Trung ương do Lâm Bưu khống chế bị hủy bỏ thì quyền lực của ông Uông Đông Hưng càng được mở rộng.

Ngoài việc được "nâng cao uy tín" trong Đảng, ông Uông Đông Hưng còn từng bước mở rộng ảnh hưởng trong hệ thống Công an. Từ năm 1959, Bộ Công an do Tạ Phú Trị lãnh đạo, nhưng ông không kiểm soát được công việc. Bởi mọi quyết sách lớn khi đó nằm trong tay "nhóm pháp chính Trung ương" gồm 5 người là Bành Chân, La Thụy Khanh, Khang Sinh, Dương Thượng Côn và Tạ Phú Trị. Và khi phong trào "cách mạng văn hóa" nổ ra, hoạt động của Công an, Kiểm sát và Tòa án đều bị đặt dưới "quyền kiểm soát quân sự". Và điều này đồng nghĩa với việc ông Uông Đông Hưng "tiếp quản" quyền kiểm soát an ninh trong cả nước.

Trong "cách mạng văn hóa", quyền lực của ông Uông Đông Hưng được tăng dần theo tháng năm. "Sự kiện Vũ Hán" xảy ra tháng 7/1967 do quân đội tiến hành, nhưng vụ binh biến đó đã được dập tắt nhờ công lao của Chu Ân Lai. Nhưng sau sự kiện đó, ông Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm Tổ phó "tổ cách mạng văn hóa" của quân đội nhằm tăng thêm "tai mắt" cho Chủ tịch Mao Trạch Đông. Mặc dù có quan hệ khá mật thiết và chặt chẽ với Lâm Bưu và Giang Thanh trong "cách mạng văn hóa", nhưng ông Uông Đông Hưng chỉ trung thành với Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Từ tháng 5/1968, ông Uông Đông Hưng được báo chí xếp vào danh sách 1 trong 14 nhà lãnh đạo do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Lâm Bưu đứng đầu. Trong "cách mạng văn hóa", ông Uông Đông Hưng đã tiến hành nhiều phi vụ đặc biệt bởi người của "bộ đội 8341" từng bắt giữ Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Bành Chân, La Thụy Khanh, Dương Thành Vũ và nhiều nhà lãnh đạo khác. Sau khi bị bắt, tất cả những người này đều do ông Uông Đông Hưng quản lý tại "Nhà khách đặc biệt" ở Bắc Kinh hoặc tại "Trường cán bộ 725" ở Giang Tây.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 9 (tháng 4/1969), ông Uông Đông Hưng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị. Và khi đó "bộ đội 8341" được báo chí Trung Quốc tâng bốc thành đơn vị kiểu mẫu về mọi mặt, nhưng ông Uông Đông Hưng không cho họ nói mình là Tư lệnh kiêm Chính ủy của đơn vị này. Tháng 9/1971, sau khi vụ tạo phản của Lâm Bưu thất bại, ông Uông Đông Hưng được bổ nhiệm làm thành viên tổ điều tra tội ác của "tập đoàn phản đảng Lâm Bưu, Trần Bá Đạt".

Ông Uông Đông Hưng khi còn trẻ (trái) lúc về già.

Có một chi tiết đáng quan tâm, đó là ông Uông Đông Hưng duy trì quan hệ tốt với một số nhà lãnh đạo lão thành như Đặng Dĩnh Siêu (vợ Chu Ân Lai) và giúp Đặng Tiểu Bình trốn khỏi Bắc Kinh trong thời kỳ "cách mạng văn hóa", nên sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông chết, "bè lũ 4 tên" chấp chính, rồi Đặng Tiểu Bình quay lại chính trường, lãnh đạo "bộ đội 8341" luôn là nhân vật khiến mọi người phải cần tới.

Giang Thanh từng lên án "bộ đội 8341" không đáng tin cậy, nhưng lời buộc tội này đã bị Chủ tịch Mao Trạch Đông bác bỏ. Sau đó, Giang Thanh còn đưa Mao Viễn Tân (cháu của Chủ tịch Mao Trạch Đông) làm Phó Chánh văn phòng Trung ương kiêm Chính ủy "bộ đội 8341", nhưng không thỏa thuận trước với ông Uông Đông Hưng, nên đây là một trong những nguyên nhân khiến Cục trưởng Cục Bảo vệ Trung ương Đảng "trở cờ" vào phút cuối. Nhiều người từng nói rằng, nếu "bè lũ 4 tên" nhận được sự giúp sức của ông Uông Đông Hưng thì họ đã thành công và chính cục Trung Quốc đã đi theo chiều hướng khác.

Bắt giữ "bè lũ 4 tên"

Vì nắm được quá nhiều tài liệu bí mật, nên ông Uông Đông Hưng đã có quyết định đúng khi "phò tá" Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình. Chính vì thế nên cuộc đảo chính ngày 6-10-1976 mới diễn ra và lật đổ "ách thống trị của bè lũ 4 tên", sau khi người của "bộ đội 8341" lần lượt bắt giữ Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và những người khác.

Tại thời điểm đó, trong phòng làm việc của Chánh văn phòng Trung ương Đảng có một không khí bận rộn khác thường, người ra vào nhiều, tấp nập, khẩn trương. Bởi theo chỉ thị của Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh, Uông Đông Hưng đã tiến hành một cách có trình tự việc bắt giữ "bè lũ 4 tên". Bởi ông Uông Đông Hưng từng được Chủ tịch Mao Trạch Đông gọi là chỉ huy tuyến đầu "có biện pháp ngăn chặn Giang Thanh".

Khi đó, ông Uông Đông Hưng lần lượt triệu tập các tổ hành động đặc biệt đến để trực tiếp giao nhiệm vụ. Từng thành viên trong tổ đều được lựa chọn kỹ lưỡng và nghiêm túc. Tiêu chuẩn đầu tiên là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, có lập trường kiên định, có sức khoẻ và võ nghệ tốt, có quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài và có kinh nghiệm trong công tác cảnh vệ.

Ông Uông Đông Hưng trong 1 lần đi công tác.

Căn cứ vào từng đối tượng "cách ly thẩm tra" để chia thành những tổ thích hợp, mỗi tổ từ 3-4 người, và chủ chốt là 18 sỹ quan cảnh vệ có nhiều thâm niên. Bản thân ông Uông Đông Hưng trực tiếp gặp gỡ, giao nhiệm vụ, trưng cầu ý kiến của từng tổ trưởng.

Lúc biết mình được giao nhiệm vụ chính trị trọng đại, biết mình được đích thân Nguyên soái Diệp Kiếm Anh và Chủ tịch Hoa Quốc Phong giao nhiệm vụ, trong lòng họ vô cùng cảm kích, nguyện bảo vệ lợi ích của Đảng, diệt ác trừ gian, kiên quyết chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị được giao. Không ai phản đối hay thắc mắc.

Sau khi làm tốt công tác tư tưởng, ông Uông Đông Hưng ra lệnh cho toàn  trung đoàn cảnh vệ bố trí xung quanh Hoài Nhân Đường và Phong Trạch Viên, thêm vào đó là lực lượng của quân khu Bắc Kinh và lính của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh ngầm hỗ trợ họ hành động. Tối 6/10/1976, một cuộc họp khẩn cấp của Bộ Chính trị được triệu tập với sự tham dự của 11 người, đó là Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng, Trần Tích Liên, Tô Chấn Hoa, Kỷ Đăng Khuê, Ngô Đức, Nghê Chí Phúc, Trần Vĩnh Quý và Ngô Quế Hiền. Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh và Uông Đông Hưng đã báo cáo quá trình bắt giữ "bè lũ 4 tên".

Sau tuyên bố lý do triệu tập hội nghị của Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh báo cáo lại quá trình tiêu diệt "bè lũ 4 tên". Cả phòng họp đã vang lên những tiếng cười nói vui vẻ và hội nghị họp từ 22 giờ ngày 6/10/1976 đến 5h sáng ngày hôm sau. Sau khi họp xong, các thành viên của hội nghị đều nghỉ lại Ngọc Tuyền Sơn. Ngay ngày hôm sau, Diệp Kiếm Anh cho người giải cứu Đặng Tiểu Bình và những người từng bị "bè lũ 4 tên" hãm hại.

Một trong những nguyên do khiến lời nói của ông Uông Đông Hưng có trọng lượng bởi ông ở gần Chủ tịch Mao Trạch Đông quá lâu, hơn nữa lại có vị trí trong Bộ Chính trị. Nên sau khi ông Uông Đông Hưng ủng hộ Hoa Quốc Phong trở thành người thừa kế của Chủ tịch Mao Trạch Đông, mọi người đều tán thành. Do đó, Bộ Chính trị đã bầu Hoa Quốc Phong làm Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Sau khi trở thành người lãnh đạo đất nước, Hoa Quốc Phong đã cất nhắc ông Uông Đông Hưng. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 11 (tháng 8/1977), Hoa Quốc Phong đã thừa nhận công lao của ông Uông Đông Hưng trong cuộc đấu tranh với "bè lũ 4 tên" nên được bầu làm một trong bốn Phó Chủ tịch Đảng.

Từ một vệ sỹ của Chủ tịch Mao Trạch Đông, ông Uông Đông Hưng đã trở thành nhân vật số 5 trong Đảng là một kỳ tích ít người làm được, chỉ sau Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình và Lý Tiên Niệm. Và điều thành công nhất của ông Uông Đông Hưng chính là ở chỗ, bất kể là Lâm Bưu, Giang Thanh hay Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh đều phải trọng dụng, mặc dù biết ông ta đã từng "thân" với người này, "sơ" với người kia, thậm chí "đắc tội" với không ít người, nhất là trong thời kỳ "cách mạng văn hoá".

Và cho tới nay, ông Uông Đông Hưng vẫn là một trong những nhân vật thần bí nhất trong lịch sử phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Lư Tuấn Nghĩa (tổng hợp)
.
.
.