Những gì NSND Thế Anh để lại sẽ trở thành di sản của điện ảnh Việt

Thứ Ba, 01/10/2019, 14:13
Điện ảnh Việt vừa mất đi một người mà tên tuổi đã in sâu trong tâm trí của nhiều thế hệ người xem: NSND Thế Anh. Ông ra đi ở tuổi 81, để lại phía sau mình một khoảng trống cũng như lòng tiếc thương của người hâm mộ.


1. Trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật của mình, NSND Thế Anh đã tham gia gần 100 bộ phim và nhiều vở kịch. Ông đi song song cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh, hầu hết đều được các đạo diễn ưu ái vào vai chính và vai nào cũng tạo ra những ấn tượng khó quên. 

Trong điện ảnh, ông nổi tiếng với vai Trung úy Phương trong phim ''Nổi gió'', Ba Duy trong “Mối tình đầu”, Dư trong “Đường về quê mẹ”, tiểu đoàn trưởng pháo binh trong “Em bé Hà Nội”, một số vai diễn trong “Không nơi ẩn nấp“, “Đêm hội Long Trì”, “Kiếp phù du”.. 

Ở sân khấu kịch, ông thành công với vai bác sĩ Hải trong “Đôi mắt”, chàng thủy thủ Rubakov trong “Chuông đồng hồ điện Kremlin”, cố vấn Mỹ trong “Anh Trỗi”, sĩ quan tình báo trong “Hoa anh túc” và những vai khác trong “Âm mưu và tình yêu”, “Khúc thứ ba bi tráng”… 

Tình yêu dành cho nghệ thuật với ông đã trở thành một thứ tình yêu bản năng, không thể nói khi nào nhiều hơn, khi nào ít hơn. Chính vì vậy, ngay trong những năm tháng cuối đời ông vẫn miệt mài đi đóng phim, diễn kịch khi có kịch bản hay . 

Ông bảo: "Nghệ thuật là nghiệp chướng của tôi, là máu chảy trong cơ thể tôi rồi. Có hôm diễn xong, tôi ngồi thở dốc, con trai tôi lo lắng. Nó bảo sao bố lại hành xác mình đến thế. Bố ăn được bao nhiêu mà bố cứ bươn bả với công việc như vậy. Mấy đồng cátsê có đủ cho bố uống cà phê sáng không. Sao bố không ngồi nhà nghỉ ngơi để chúng con an lòng. Mặc dù biết con nói như vậy là có lý, nhưng tôi không chiều theo nó được. Vì cuộc sống của tôi là điện ảnh, là sân khấu". 

NSND Thế Anh có người bạn thân cùng thế hệ là NSND Đoàn Dũng. Mấy năm trước, khi NSND Đoàn Dũng chưa qua đời, hai người bạn thường đi đâu cũng có nhau. Họ vẫn nhiệt tình, năng nổ tham gia vào các sự kiện của sân khấu, điện ảnh từ Hà Nội đến Sài Gòn. Mặc dù tuổi cao, nhưng các ông vẫn đau đáu với nghệ thuật. 

NSND Thế Anh có thể ngồi cả buổi để bàn về sân khấu, điện ảnh một cách nghiêm túc. Ông sẵn sàng trả lời bất cứ câu hỏi nào với thái độ thẳng thắn, xây dựng. 

Ông cũng là một người hết sức hài hước, dường như trong ông luôn có một đứa trẻ hồn nhiên ẩn nấp vậy. Chính vì thế, ngay khi tuổi đã cao, đi lại chậm chạp hơn nhưng ở đâu NSND Thế Anh cũng nhận được sự quan tâm, quý mến của người hâm mộ. 

Đến nỗi  NSND Đoàn Dũng thường đùa: “Bạn tôi càng già càng hot. Ngồi đâu cũng có người hâm mộ xin chữ ký, xin chụp hình. Đi với hắn là tôi cứ phải “nhường” hắn cho người khác liên tục đấy”.

NSND Thế Anh trong vai Ba Duy gai góc phim “Mối Tình đầu”.

Sức hút ấy của người nghệ sĩ có được là bởi những gì ông đã cống hiến không ngừng nghỉ suốt một đời cho nghệ thuật. Từ một cậu bé sinh ra và lớn lên trên phố cổ Hà Nội, không biết gì về nghệ thuật, ông đã trở thành một người nghệ sĩ của nhân dân, một cây đại thụ của điện ảnh Việt Nam, một tấm gương mẫu mực cho các thế hệ nghệ sĩ trẻ noi theo. 

Lần ra Hà Nội gần đây nhất khoảng ba năm trước, ngồi với mấy nhà báo, ông hồi tưởng về cuộc đời mình. Ông kể: “Tôi đã từng trúng tuyển vào Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đấy chứ, vì ngày xưa tôi học giỏi đều các môn lắm. Nhưng hoàn cảnh của tôi khi đó khiến tôi phải suy nghĩ.

 Ba tôi đi học ở Pháp rồi kẹt lại không về nước. Mẹ tôi long đong lận đận nuôi các con một mình. Tôi mà thành một người thầy giáo, ra trường nhiều khả năng tôi sẽ phải lên vùng cao dạy học, thời đó có phong trào như vậy. Tôi không ngại việc đó, nhưng tôi không muốn xa mẹ, muốn ở cạnh bà. 

Rồi tôi nghĩ, làm nghệ sĩ sẽ được ở Hà Nội nhiều hơn, mình chỉ đi biểu diễn quanh quẩn ở Nhà hát Lớn thôi. Tôi đi thi tuyển vào trường sân khấu điện ảnh mà không biết một tí gì về nghệ thuật. Nhưng các thầy đều cho tôi đỗ chỉ vì tôi… đẹp trai.

Các thầy bảo, đẹp trai như tôi không tuyển vào nghề này thì phí quá, nếu tôi không đủ giỏi để đóng vai chính, thì vai phụ cũng tốt. Tôi đã bước thẳng vào con đường nghệ thuật như vậy đó”.

NSND Thế Anh và diễn viên Lan Hương trong phim “Em bé Hà Nội”.

2. Tên tuổi của NSND Thế Anh gắn liền với nền điện ảnh cách mạng. Thời của ông, làm nghệ thuật trong sáng vô cùng, không có khái niệm về cát-xê, nhà đẹp, xe sang. Sau một đêm diễn, nhận tiền thù lao đủ ăn một bát phở bồi dưỡng nhưng người nghệ sĩ vẫn vui, vẫn hăng say cống hiến. 

Đi đóng phim cũng vậy, không đòi hỏi quyền lợi cho mình bao giờ, chỉ biết miệt mài học tập, nghiên cứu, hóa thân vào nhân vật sao cho tốt nhất. “Thế hệ chúng tôi làm nghề trong trẻo quá, điều này lý giải vì sao trong chiến tranh, đói khổ mà chúng tôi vẫn làm ra được những bộ phim hay, say đắm lòng người nhiều thế hệ”- Ông phát biểu tại một cuộc hội thảo về điện ảnh trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội.

NSND Thế Anh rất nặng lòng khi nói về các diễn viên trẻ hôm nay, trong đó không giấu giếm sự lo ngại cho sự đi xuống của nghệ thuật. Ông tâm sự trong một lần trả lời phỏng vấn: "Các nghệ sĩ trẻ bây giờ thường mắc một sai lầm khi cho rằng, chỉ cần một hình thức bề ngoài long lanh là họ sẽ được khán giả nhớ đến. 

Nghề diễn viên cực nhọc và khó khăn hơn nhiều. Anh phải trau dồi không ngừng kiến thức, cũng như không ngừng rèn giũa tài năng của mình, như viên ngọc phải sáng lên mỗi ngày, may ra mới được khán giả để mắt đến. 

Tôi rất "dị ứng" với một số bạn trẻ làm nghệ thuật hiện nay, cứ đèm đẹp xinh xinh mà cái đầu rỗng tuếch. Đóng được một vài phim truyền hình các bạn đã tưởng mình là ngôi sao. Thực tế, để vượt qua sự nghiệt ngã của thời gian, các bạn phải chứng tỏ khả năng của người biết đi đường trường. 

Nghĩa là biết làm cho mình vĩnh cửu, ngay cả khi nhan sắc đã tàn phai. Tôi thích câu nói: "Tất cả đều nhàm chán, trừ học vấn và trí tuệ". Coi thường học vấn và trí tuệ thì chúng ta chỉ có những phim trung bình, nhàn nhạt thôi".

3. Định nghĩa về một người nghệ sĩ giỏi, NSND Thế Anh vừa hài hước cho rằng, nghệ sĩ giỏi là người có khả năng “thò tay bóp tim” khán giả. Nghĩa là anh ta phải khiến cho khán giả vui buồn theo những số phận nhân vật mà mình hóa thân vào. 

Muốn sống thật lâu bền trong khán giả anh càng phải chứng minh mình có khả năng chạm vào cảm xúc khán giả ở mức độ “chấn động”. Nhân vật mình nhập vai phải có khả năng ám ảnh. Muốn như vậy, anh diễn mà phải là như không diễn. Hay nói khác đi, cái anh diễn phải như cuộc đời thật ngoài kia mới có thể thuyết phục. 

Chẳng thế mà hồi vào vai “con nghiện” Ba Duy trong phim “Mối tình đầu”, NSND Thế Anh đã đi lang thang nhiều đêm ngoài phố, chứng kiến cảnh con nghiện vật vã. Ông còn đến cả trại cai nghiện, sống cùng với người nghiện để về thể hiện nhân vật cho chân thực”. 

Ông cho rằng, điện ảnh là cuộc đời, không phải trên sách vở. Những gì người diễn viên thể hiện có tạo ra hiệu ứng mạnh trong công chúng không là do anh có diễn cho ra được cái cuộc đời bên ngoài vào điện ảnh hay không.

Trung úy Phương- Vai diễn để đời của NSND Thế Anh trong phim “Nổi gió”.

NSND Thế Anh là người cực kỳ ý thức về hai chữ “nghệ sĩ”. Là người nói tốt Tiếng Anh và Tiếng Pháp, lại từng có cơ hội đi nhiều, xem và tiếp xúc nhiều nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới, ông bao giờ cũng “trau chuốt” cho hình ảnh của mình thật đẹp. 

Cái “trau chuốt” ở đây không phải chỉ là chuyện hình thức, mặc dù quần áo, gu thời trang, hình ảnh lịch thiệp khi xuất hiện trước công chúng là vô cùng cần thiết. Cái “trau chuốt” ở đây còn được hiểu là sự hiểu biết từ bên trong, sự giàu có của tâm hồn nhờ đọc sách, nhờ kỹ năng ứng xử và đối đãi với mọi người. 

Khi nói về hiện tượng có nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay than rằng họ thường xuyên bị stress, chán chường, thậm chí có ý muốn tự tử, nghệ sĩ Thế Anh bày tỏ: "Khi chạy theo những thứ phù phiếm, hình thức, các bạn rất dễ lâm vào trạng thái chán chường. Nhưng nếu các bạn đọc sách nhiều, và lao động nghệ thuật bằng toàn bộ niềm đam mê của mình, không bị chi phối bởi sự vụ lợi nào đó, bạn sẽ đạt đến niềm vui và sự thỏa mãn. Sự lạc quan cũng từ đó mà ra".

Khi một tài năng lớn ra đi, là rất nhiều thương nhớ trong lòng người ở lại. NSND Thế Anh có thể yên lòng, vì ông đã sống một cuộc đời thật đẹp, một cuộc đời đầy ắp cho nghệ thuật, vì nghệ thuật. Những gì ông đóng góp cho sân khấu và điện ảnh sẽ còn mãi, trở thành di sản của nền nghệ thuật Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ qua.

Hội Quân
.
.
.