Những nghệ nhân dân gian giữ làn điệu sắc bùa

Thứ Bảy, 05/01/2019, 08:09
Ngày cuối năm, hai cụ già tuổi đã 83, một người không nhìn thấy gì, một người chẳng nghe được gì, đã ngồi lại bên nhau say sưa kéo đàn nhị, ngân nga điệu hát sắc bùa, điệu hát mà họ đã dành cả đời để theo đuổi và gìn giữ. Đó là các cụ Trần Biểu và Huỳnh Tròn ở xã Phổ An, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi…


Hát sắc bùa là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian đã được hình thành từ rất lâu, thường được diễn ra trong các lễ hội của địa phương, hoặc trong dịp Tết cổ truyền, với những câu chúc tụng tốt lành, xua đi những điều xấu, điều dữ. Phổ An là một trong những địa phương có nhiều nghệ nhân gìn giữ được nét độc đáo riêng biệt của nghệ thuật hát sắc bùa mà điển hình là hai cụ Trần Biểu và Huỳnh Tròn.

Cụ Biểu kể rằng, ông nội của cụ là ông Trần Hàm, sinh thời cũng là một trong những “cây đa, cây đề” trong diễn xướng loại hình nghệ thuật dân gian này. Có lẽ vì thế mà cái máu đam mê hát sắc bùa đã ngấm vào cụ lúc còn bé thơ. Cho đến khi lên mười, cụ theo chân cha đi diễn khắp nơi cùng với đoàn hát, được các thế hệ đi trước chỉ dạy và truyền đạt lại.

Cụ Trần Biểu đàn và hát sắc bùa cho các em nhỏ nghe để truyền lửa đam mê.

Cứ như thế, ngọn lửa đam mê trong cụ ngày một lớn hơn, không cách nào dứt ra được… Trong lúc trò chuyện với chúng tôi, thỉnh thoảng cụ Biểu lại chen vào vài ba câu hát sắc bùa, giống như một thói quen, một niềm đam mê không thể diễn tả thành lời. Cụ kể, từ năm 1966-1975, cuộc chiến tranh diễn ra khốc liệt hơn, cụ tham gia du kích xã, chống giặc càn.

Tuy không thể đi hát, đi diễn nhưng cụ vẫn không quên được những lời ca, làn điệu sắc bùa. Đến khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, cụ trở về quê hương, tham gia vào đội hát sắc bùa của địa phương và trở thành một trong những thành viên gạo cội cho tới bây giờ.

“Cách đây khoảng chục năm, mắt của tui yếu dần, rồi mù hẳn. Không còn nhìn thấy ánh sáng, mọi sinh hoạt thường ngày của tui cũng không được như trước nữa, duy chỉ có tình yêu với sắc bùa là chưa bao giờ thay đổi, thậm chí ngày càng mãnh liệt hơn...”.

Cụ Biểu trầm ngâm rồi nói tiếp: “Ngày trước, tui thường ghi chép lại những làn điệu sắc bùa vào một cuốn sổ để sau này có cái truyền lại cho con cháu. Nhưng từ khi bị mù, không ghi chép được nữa, thì chỉ còn cách hát lại cho mấy đứa nhỏ nghe, để mấy đứa nhỏ chép lại. Những làn điệu sắc bùa nằm trong đầu tui hết rồi”. Cụ Biểu còn dí dỏm kể thêm, ngày trước người ta mời đi hát ở đâu cụ cũng đi, bây giờ ai mời thì tự tới nhà chở đi rồi diễn xong chở về, chứ không thì chịu.

“Mù thì mù, chứ vẫn nghe, vẫn hát được mà. Vì mê quá rồi, nên dù có khó khăn tới đâu, tui cũng theo, không bỏ được”. Vừa nói, ông vừa nắm lấy tay người bạn già là ông Huỳnh Tròn ngồi kế bên rồi cười bảo: “Như ổng nè, điếc mà vẫn đánh trống như thường đó thôi!”…

Thấy cụ Biểu quay qua mình vỗ vai ra hiệu, cụ Tròn cười ngại ngùng. Vì không nghe được nên cụ Tròn rất khó để tham gia vào cuộc trò chuyện. Lạ một điều, mặc dù người khác hỏi chuyện cụ Tròn không nghe được, nhưng chỉ cần cụ Biểu nói to, ra hiệu cầm đàn hát là cụ Tròn gật đầu hiểu ý ngay.

Khi nhìn thấy cụ Biểu lần mò theo mép bàn để đi tìm cây đàn nhị, cụ Tròn lập tức đứng dậy đỡ tay cụ Biểu dắt vào trong, giống như cái cách mà hai ông vẫn thường làm để hỗ trợ nhau mỗi lần cùng đi diễn hát sắc bùa.

Cầm cây đàn nhị trên tay, cụ Biểu bắt đầu say sưa kéo những nốt nhạc đầu tiên một cách thuần thục. Và, thật lạ lùng, cụ Tròn ngồi kế bên, mỗi câu hát cất lên đều rất nhịp nhàng, du dương và vô cùng cảm xúc. Gương mặt có nhiều nếp nhăn của đôi bạn già đã ngoài tuổi tám mươi như bừng sáng, người phiêu theo tiếng đàn, kẻ say sưa theo tiếng hát.

Dường như đối với họ bây giờ, đam mê mạnh mẽ hơn tất cả mọi thứ, bởi cho dù có bị mù, bị điếc, thì họ vẫn tiếp tục theo đuổi nghệ thuật hát sắc bùa, vẫn quyết giữ gìn nó, giống như giữ gìn “bảo vật” quý giá mà các thế hệ cha ông đã truyền lại…

Cả cụ Biểu và cụ Tròn đều có chung một niềm trăn trở, băn khoăn, đó là làm sao để duy trì và gìn giữ được nghệ thuật hát sắc bùa một cách trọn vẹn nhất, không chỉ ở hiện tại mà còn ở tương lai, cho những thế hệ mai sau.

Cụ Biểu và cụ Tròn đều là những thành viên gạo cội trong đội hát sắc bùa của xã Phổ An.

Có lẽ cũng vì cái tâm của người đi trước và cũng vì không đành lòng nhìn làn điệu dân gian lâu đời bị mai một, mà hai cụ già, dù một người mù, một người điếc, nhưng nhiệt huyết và đam mê thì lúc nào cũng tràn trề, thôi thúc họ phải làm cái gì đó để giữ làn điệu dân gian này.

Cụ Biểu tâm sự, chỉ khi nào có người thay thế cụ duy trì và phát triển đội hát thì cụ mới có thể yên tâm nghỉ ngơi. Bây giờ, cụ vẫn tranh thủ truyền dạy lại cho cháu nội, cháu ngoại những bài hát sắc bùa, dạy cháu tập kéo đàn, gõ phách. Không những vậy, mỗi khi có trẻ con trong xóm tới nhà chơi, cụ thường lấy đàn ra, vừa đàn vừa hát, đám trẻ con thích thú xúm lại thành vòng tròn, vừa nghe vừa nhẩm hát theo.

Cụ bày tỏ: “Thấy tụi nhỏ tỏ ra thích thú vậy, tui vui lắm. Nếu sau này lớn lên, tụi nhỏ không theo đuổi nghệ thuật hát sắc bùa, thì ít ra, tuổi thơ của chúng cũng được nuôi dưỡng từ những làn điệu ấy, tui tin là chúng sẽ nhớ và trân trọng nét văn hóa này”.

Mặc dù 5 năm trở lại đây, tai cụ Tròn gần như không nghe được, nhưng cụ vẫn thường xuyên theo đoàn đi diễn hát sắc bùa.Vai trò của cụ trong đội là gõ trống. Nhiều người hỏi cụ, tại sao tai không nghe được mà vẫn gõ trống bắt nhịp được, nhưng cụ chỉ cười.

Có lẽ gần cả đời người theo đoàn hát, tới bây giờ cụ có thể cảm nhận thanh âm bằng các giác quan khác, không nhất thiết là phải nghe rõ mới có thể gõ trống được. Cũng vì muốn giữ gìn và duy trì làn điệu sắc bùa nên trong các lần đi diễn, cụ Tròn thường dẫn hai con trai đi theo để học hỏi và để các bậc cha chú truyền dạy.

Tới bây giờ, hai con trai của cụ cũng đã nằm trong số những thành viên nổi trội của đội hát, tiếp bước cha ông lưu giữ và truyền tải rộng rãi điệu hát dân gian đến với các thế hệ sau. Nhắc đến điều này, khóe mắt cụ Tròn bộc lộ rõ niềm hạnh phúc và tự hào, bởi cuối cùng thì các con ông cũng đã thay ông tiếp tục giữ lửa đam mê hát sắc bùa.

Ông Nguyễn Tấn Mỹ, Chủ tịch UBND xã Phổ An chia sẻ, để duy trì làn điệu sắc bùa, hiện tại chính quyền địa phương đang khuyến khích, kêu gọi cán bộ xã và các lớp học trò đi học các điệu múa, lời ca tiếng hát từ các bậc tiền bối trong đội hát sắc bùa địa phương, hầu hết là do cụ Biểu trực tiếp truyền dạy.

“Các cụ Trần Biểu và Huỳnh Tròn là những thành viên gạo cội trong đội hát sắc bùa của địa phương. Mặc dù tuổi đã cao, nhiều năm gần đây lại bị mù, bị điếc nhưng không vì thế mà hai cụ từ bỏ đam mê, từ bỏ điệu hát dân gian truyền thống. Nhiệt huyết và đam mê của cụ Biểu, cụ Tròn chính là động lực lớn lao để chính quyền địa phương quyết tâm khôi phục và gìn giữ làn điệu sắc bùa sau một thời gian dài bị mai một…”.

Linh Nguyễn
.
.
.