Những nhà sáng chế "chân đất"

Thứ Hai, 22/02/2016, 21:18
Họ là những người nông dân chính hiệu, không được học hành bài bản nhưng tư chất thông minh, ham học hỏi, thích sáng tạo. Bằng những nghiên cứu cá nhân, họ đã sáng tạo ra những sản phẩm độc đáo, ứng dụng cao khiến cho ngay cả những nhà khoa học kỳ cựu cũng bất ngờ.


Nông dân mê sáng chế

Người đầu tiên gây ấn tượng với tôi là bác nông dân Nguyễn Nam Quân (xã Tân Dĩnh, thành phố Bắc Giang), người đã chế tạo thành công một chiếc lò đốt rác chỉ với 14 triệu đồng. Ông Quân sinh năm 1952, từng đoạt giải ba học sinh giỏi môn toán toàn tỉnh, nhưng theo tiếng gọi Tổ quốc, chàng trai 16 tuổi Nam Quân đã lên đường nhập ngũ.

Năm 1976 Nguyễn Nam Quân xuất ngũ (với thương tật 1/4), về quê lấy vợ, làm vườn, cấy lúa. Cuộc sống vất vả, nhiều khi ông đã nảy ra những sự sáng tạo khiến vợ con ngỡ ngàng. Ví như trong một lần thấy con đi học về trách "tại cái bảng ở lớp lóa quá, con nhìn chẳng rõ, viết không được", ông Quân liền nghĩ ngay đến chuyện tìm ra thành phần gây lóa và cách khắc phục.

Anh Nghĩa (trái) bên máy cấy đang hoàn thiện.

Là người mê hóa học nên chẳng mấy khó khăn, ông đã tìm được cách chống lóa. Thành công này không chỉ giúp lớp của con ông có bảng tốt để học tập mà nhiều trường học, đơn vị trong tỉnh Bắc Giang cũng áp dụng, làm bảng chống lóa.

Chưa dừng ở đó, khi phong trào trồng sắn dây tận dụng những khu đất trống của bà con trong khu vực phát triển thì họ cũng phải đối diện với công việc giã, nghiền củ rất vất vả. Khi đó, ông Quân đã chế tạo ra chiếc máy nghiền sắn dây với công suất nhỏ nhưng rất tiện lợi, mỗi giờ nghiền được một tạ củ, giúp giảm bớt gánh nặng, vất vả cho bà con mỗi khi vào mùa.

Mới đây nhất, ông Quân đã sáng tạo ra chiếc lò đốt rác độc đáo, ít tốn kém nhưng tiện lợi, có thể ứng dụng rộng rãi. Căn nguyên của việc sáng chế đó là, một hôm "nhà sáng chế nông dân" Nguyễn Nam Quân bị bệnh phải đến Trạm Y tế truyền nước, cả ông và bác sĩ Thế đều chứng kiến đôi vợ chồng công nhân nọ dọn rác thải, dù đi ủng nhưng vẫn bị kim tiêm đâm chảy máu chân. Cả hai rì rầm: "Thôi, cạch đến già, không làm cái nghề này nữa!".

Rút kim truyền nước, ông Quân nói với bác sĩ Thế: "Các anh phải làm gì đi chứ, nhiều năm qua bà con đã khổ sở vì ô nhiễm, mùi khói nồng nặc, nay tình trạng này vẫn để tiếp diễn sao?". Nghe ông Quân than phiền xong, bác sĩ Ngô Duy Thế (Trạm trưởng Trạm Y tế) nói: "Trước đây bác đã từng có nhiều sáng chế. Bác về nghĩ giúp em tìm ra cách nào đó chứ chúng em hết cách rồi".

Ông Quân nhận lời. Thế là từ hôm làm "hợp đồng miệng" với bác sĩ trạm trưởng, ông Quân đã về nhà trăn trở nghĩ, tìm tài liệu, nghiên cứu lò đốt rác hoàn thiện nhất, không chỉ để giúp bác sĩ Thế mà còn giúp nhiều người dân khác nữa.

Suốt mấy tuần "vận dụng hết vốn hiểu biết", ông kẻ, vẽ, phác thảo rồi vò, xé nhiều lần mới tạm ưng ý. Theo bản thiết kế của ông Quân, lò đốt rác cải tiến sẽ không tốn một giọt dầu nào mà nguyên liệu sẽ tự cháy hết chỉ bằng một que diêm. Sau hơn một tháng, tác phẩm hoàn thành. Đem bản thảo ra bàn với Trạm trưởng Y tế xã Tân Dĩnh Ngô Duy Thế, ông Thế đồng ý liền và ngay lập tức làm tờ trình lên UBND xã để… xin kinh phí.

Lò có hình phễu, dưới có đặt một lớp ghi kim loại, rác thải được đưa vào, tự động đốt cháy chỉ bằng một mồi lửa mà không cần sử dụng điện hay bất kỳ loại chất đốt nào khác, nhiệt độ trong lò đạt 300 đến 400 độ C, có thể đốt cả trên và dưới nên rác sẽ hoàn toàn bị cháy hết.

Thân lò hình vuông hoặc tròn gồm buồng chính chứa rác thải, được thiết kế có 2 lớp vỏ, giữa có khoảng trống chứa bột chịu lửa hoặc sợi thủy tinh chịu nhiệt nhằm ngăn không cho vỏ ngoài của thân lò bị nóng. Toàn bộ vỏ lò làm bằng kim loại, cột khói cao và có bộ phận lọc trước nên lượng khói thải ra rất ít.

Xây dựng xong, đầu tháng 7-2010, cán bộ Trạm Y tế, cán bộ xã cùng nhiều người dân chứng kiến lò thiêu rác của ông Quân hoạt động. Sau thành công của chiếc lò đốt rác thải, ông Quân đã nhận về giải thưởng Cuộc thi nhà nông sáng tạo toàn quốc, Cuộc thi của Hội nông dân Bắc Giang…

Từ chiếc lò đầu tiên ấy, nhiều nơi đến tham quan học tập, đặc biệt là Bệnh viện Hợp lực (Thanh Hóa). Hàng chục lò đốt rác y tế được xây dựng trên toàn quốc: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Sơn La, Kiên Giang, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh… Hiện nay, ông Quân đã nghiên cứu thành công mạng lọc khói để giúp lò đốt rác hoàn thiện hơn, đồng thời chế tạo rô-bốt chui vào kéo rác trong các cống ngầm, giúp người công nhân đỡ vất vả mỗi khi bị tắc cống.

Những "cú nổ" ngoạn mục

Người được phong "kỹ sư miệt vườn" là ông Lê Phước Lộc (huyện Cái Bè, Tiền Giang), người có nhiều sáng chế độc đáo, trong đó có máy cắt tỉa và vòi phun nước, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Ông Lộc nhà nghèo, học hết trung học thì đi làm nông dân rồi cưới vợ. Hai vợ chồng kiêm thêm nghề suốt lúa thuê để có tiền trang trải cuộc sống.

Nhà sáng chế Nguyễn Nam Quân.

"Kiếm ăn được", ông liền nghĩ cách chế tạo thùng suốt lúa có thể tháo ra, lắp vào lưu động. Đến mùa thu hoạch, hai vợ chồng chở máy đi khắp miệt Cái Bè rồi qua Đồng Tháp, An Giang suốt lúa mướn. Năm 2003 ông chế tạo ra chiếc kéo cắt tỉa cành, lá, hái trái cây và giành giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật Tiền Giang lần V.

Ở thời điểm đó, trên thị trường có bán loại kéo cắt tỉa lưỡi cong, dùng tay giật dây kéo, nhưng dễ gây hư hỏng, bầm dập trái kế bên, có khi kéo theo cả chùm trái. Thực tế đó thôi thúc ông Lộc bắt tay vào nghiên cứu chế tạo ra cây kéo cắt tỉa đa năng, chỉ cần đứng dưới đất đưa kéo lên cắt cành, tỉa trái. Đây là một cái máy đơn giản, rất tiện dụng đối với người nông dân miệt vườn.

Sau thành công đó, ông Lộc có hàng loạt sáng chế mới phục vụ đắc lực cho nhà vườn như kéo hái mãng cầu, hái vú sữa, hái bưởi... Những sáng chế hay cải tiến kỹ thuật của ông Lộc đều bắt nguồn từ những khó khăn trong sản xuất của bà con nông dân, giúp nhà vườn, chủ trang trại giảm thiểu chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian...

Một người nông dân mê sáng chế khác là anh Trần Đại Nghĩa ở xã Hoàng Đông, huyện Tiền Hải (Thái Bình), đã "gây sốt" cả vùng quê lúa. Là con của nông dân, anh Nghĩa từng đi Hàn Quốc theo diện xuất khẩu lao động, thấy bà con nông dân bên đó có máy làm thay, còn cha mẹ, chị em, họ hàng ở quê nhà vẫn phải cấy bằng tay, năng suất thấp mà vất vả. Từ đó anh ấp ủ ước mơ sáng chế máy cấy. Năm 2005, anh trở về quê, làm đủ thứ nghề và thử nghiệm.

Anh cho biết: "Máy cấy phải không động cơ, giá thành mới rẻ, chứ gắn động cơ thì nặng lắm, vả lại người nông dân làm sao đủ tiền mua. Tôi la cà các cửa hiệu sửa chữa xe máy, hàn xì để mua đồ, mài giũa, đấu nối các chi tiết theo bản thiết kế tôi đã vẽ ban đêm. Ngay cả khi ngồi chờ khách đi taxi, tôi cũng bỏ các bản thiết kế ra nghiên cứu. Tôi chẳng dám nói với vợ con, bố mẹ hay bất cứ ai về công việc của mình. Nhiều hôm đi sớm về khuya, vợ tôi cũng tỏ vẻ thắc mắc. Đến khi chuẩn bị bắt tay vào công đoạn lắp ráp cuối cùng, tôi mới chia sẻ với vợ về công việc mình đang làm".

Cuối cùng thì anh Nghĩa đã sáng chế ra chiếc máy cấy không cần động cơ, nhẹ, phù hợp với tập quán canh tác ở nhiều vùng quê. Anh được Hội Nông dân các tỉnh về hỏi thăm, đặt hàng, bà con nhiều vùng cả nước gửi đơn hàng về. Đến nay máy cấy Trần Đại Nghĩa đã có mặt ở hơn 20 tỉnh.

Khắp các vùng nông thôn ở đất nước ta, nhiều người nông dân vất vả, lam lũ, cực khổ nên đã cố gắng học hỏi, sáng tạo ra những chiếc máy độc đáo. Ví như ông Nguyễn Kim Chính (xã Cát Nhơn, Phù Cát (Bình Định) sáng tạo ra máy gặt lúa; anh Bùi Đỗ Hậu (xã Bính Hòa, Thanh Oai, Hà Nội chế tạo thành công máy làm bánh đa nem và máy làm bánh cuốn tự động; ông Trần Văn Lía (xã Ninh Phụng, Ninh Hòa, Khánh Hòa) chế tạo máy bắt côn trùng; anh Nguyễn Hữu Năm (sinh năm 1987, xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) sáng tạo ra máy chế biến gỗ; nông dân Vũ Đình Phúc (ở phường 7, TP Đà Lạt) chế tạo ra máy xay và tái chế phế phẩm… và hàng chục người nông dân khác đã "vui vui" sáng chế nhưng mang lại lợi ích lớn, giành nhiều giải thưởng cao.

Phải khẳng định, những người nông dân, với những sáng tạo của mình đã khiến nhiều giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư được học hành tử tế phải ngưỡng mộ. Và có lẽ, không ít người cảm thấy xấu hổ vì bản thân được học hành tử tế, nhưng những nghiên cứu chỉ ở mức sách vở, và được cất trong xó tủ. Vì thế, những sáng chế của người nông dân cần phải được tôn vinh hơn, có sự động viên khích lệ để họ tiếp tục có những cống hiến cho đời.

Dương Khánh
.
.
.