Những 'tượng đài' trên nền cọ

Thứ Ba, 08/09/2015, 10:03
Đối với bà, nghệ thuật không hề có đáp số nhất định, cũng không có đỉnh cao cuối cùng. Cái đích của nghệ thuật là cái mình muốn đạt tới, thấy thỏa mãn ở một kết quả cụ thể trong một giai đoạn cụ thể. Điều quan trọng là tâm huyết và yêu nghề. Bà đã từng phát biểu như vậy trong các buổi giao lưu gặp gỡ. Và cái đích của người họa sĩ này là những tấm chân dung chân thực nhất về Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH).
Mẹ qua nét vẽ thời gian

Đã có rất nhiều đầu báo viết về bà, nhiều thước phim quay về bà. Nhưng dường như vẫn chưa đủ. Đặng Ái Việt được mệnh danh là ''người họa sĩ thép", bà đã vượt qua ngưỡng cửa thời gian và sức khỏe, vượt qua ranh giới ngặt nghèo của tình yêu và đam mê. Ở tuổi "thất thập", bà vẫn một mình rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng xuyên rừng, xuyên đêm đến những vùng xa xôi cách trở nhất để tìm chân dung Mẹ VNAH.

Đối với bà, không có từ ngữ nào đủ sức nặng để ca ngợi sự vĩ đại của những người Mẹ VNAH. Chỉ có khắc họa tấm chân dung các Mẹ, thì mới thỏa một phần nào đó tình yêu thương và lòng biết ơn về những người Mẹ phi thường nhất của Việt Nam. Vẽ được một Mẹ cũng giống như được ôm các Mẹ vào lòng để sẻ chia hy sinh, mất mát và những giông tố đời người.

Không biết có một sức mạnh vô hình nào đó đã cho người phụ nữ này ý chí và quyết tâm để vượt qua một hành trình dài đằng đẵng, đầy hiểm nguy, bất trắc trên chiếc Chaly nhỏ bé.

Họa sĩ Đặng Ái Việt miệt mài vẽ Mẹ VNAH.

Đặng Ái Việt sinh ra trên quê hương có dòng sông Tiền (Tiền Giang) hiền hòa chảy xuôi về biển. 15 tuổi, bà vào chiến khu tham gia cách mạng. Gia nhập đoàn văn công, đi học hội họa rồi về Báo Phụ nữ giải phóng. Ngày đó, tất cả thanh niên như bà đều thấm nhuần lý tưởng của Đảng, chiến đấu vì độc lập dân tộc. Đối với bà, cái đích của nghệ thuật là cái mình muốn đạt tới, thấy thỏa mãn ở một kết quả cụ thể trong một giai đoạn cụ thể. Điều quan trọng là cái tâm nhiệt huyết và yêu nghề.

Bà là vợ cố Nghệ sĩ nhân dân - Anh hùng lao động Phạm Khắc. Sau ba năm trọn tang chồng, bà đã thực hiện ước mơ mà mình ấp ủ từ thời trẻ, đó là công trình mỹ thuật vẽ chân dung Mẹ VNAH trên mọi miền đất nước. Đây là thời điểm bà bắt đầu thực hiện những khát vọng nghệ thuật mà mình đã ấp ủ suốt cuộc đời. Khi NSND Phạm Khắc còn sống, bà đã chọn cách lánh mình, lặng lẽ đứng sau ánh hào quang của chồng và làm tốt công việc nội trợ của người phụ nữ. Để khỏi quên nghề, thỉnh thoảng bà vẫn đi vẽ, tham gia trong các triển lãm tranh cùng bạn bè. Bà nén mình trong khát vọng được lao động để thỏa sức vùng vẫy cho nghệ thuật hội họa.

Chiếc xe Chaly rong ruổi trên hành trình dọc chiều dài đất nước.

 

Chiếc Chaly nhỏ nhắn của bà phải thay nhớt 9 lần, nó như con ngựa bất kham chạy mải miết và cần mẫn cho hành trình phía trước. Đến mỗi nơi có Mẹ VNAH, họa sĩ Đặng Ái Việt lại dừng xe, lấy bộ đồ nghề ra chăm chú, tỉ mẩn cho nét vẽ của mình. Hành trang của bà là chiếc ba lô cũ mục, phai màu ố vàng theo nắng mưa. Một bộ đồ vẽ giản đơn cùng những vật dụng thô sơ như chén, đũa, nước uống dọc hành trình. Bà tâm sự: "Khi vẽ xong chân dung của một Mẹ, lòng tôi thấy vui và hạnh phúc vô cùng. Tôi cố gắng thổi hồn mình vào trong từng nét vẽ để mỗi Mẹ khi thành tượng phản ánh được sự lam lũ, từng trải và đâu đó mang một nỗi buồn khắc khổ của sự mất mát".

Bà tự thúc giục mình phải đi càng nhanh càng tốt, không cho phép mình nghỉ dù chỉ một ngày, bởi các Mẹ hầu hết đều già yếu, lỡ như đến muộn không kịp vẽ chân dung thì thấy có lỗi với họ, với các vong hồn liệt sĩ đã ngã xuống. Có những Mẹ ở trong những vùng sâu, vùng xa của một tỉnh miền núi, bà ấp ủ, thai nghén, lên kế hoạch nhưng do chặng đường quá hiểm trở, vừa đến nơi đã thấy Mẹ ở trên bàn thờ, khói nhang nghi ngút.

Có những tỉnh bà đi qua, không còn một Mẹ VNAH nào sống, bà thấy tiếc và thầm trách mình: "Sao tới chậm quá! Mẹ đã không chờ được đứa con về muộn". Chiếc xe Chaly đã cùng bà vượt qua những con đèo nổi tiếng như đèo Cả (Khánh Hòa, Phú Yên), đèo Ngang (Quảng Bình - Hà Tĩnh), đèo Phước Tượng (Thừa Thiên - Huế), đèo Pha Đin (Sơn La - Điện Biên)…

Trên những cung đèo ấy, vòng xe của bà nhiều khi phải oằn mình với những ổ voi, những điểm sạt lở và còn vô số hiểm nguy rình rập. Họa sĩ vẫn đi, bà bỏ quên hết những nhọc nhằn, gian lao. Những ngày nắng lửa, mưa dầm và cả những hôm màn đêm buông xuống giữa núi rừng trùng điệp. Trên dải đất hình chữ S thân yêu, cũng có không ít người Việt Nam dám băng mình thử lửa. Nhưng họ trẻ, khỏe, đi để biết và khám phá. Còn Ái Việt đi là trách nhiệm, nghĩa vụ mang theo khát khao nghệ thuật và tình yêu sâu nặng với các Mẹ VNAH.

Huyền thoại qua nét cọ

Họa sĩ Đặng Ái Việt vào nghề tính đến nay đã gần nửa thế kỷ, mảng kí họa Mẹ VNAH là tích tụ những gì thuộc về khả năng chuyên môn của bà. Bà cập nhật số liệu Mẹ VNAH theo thống kê của Bộ LĐTB & XH rồi từ đó liên hệ với địa phương nhờ giúp đỡ làm cầu nối với các Mẹ. Vẽ xong, bà đưa cho địa phương kí xác nhận. Trong suốt hành trình đi và vẽ như vậy, bà chỉ vẽ được một phần trong số hàng vạn người Mẹ VNAH.

Về với các mẹ, họa sĩ Đặng Ái Việt nhận ra một điều: Vẽ Mẹ VNAH rất khó, vì mỗi mẹ đều đã già và có nhiều nếp nhăn, nếp nhăn nọ chồng lên nếp nhăn kia, dường như khổ đau ở các Mẹ cả đời không hết. Không chỉ vẽ chân dung, người họa sĩ phải tâm sự, truyện trò để hiểu được nỗi lòng, cuộc đời các Mẹ.

Cái chính là vẽ hồn người qua tranh chứ không phải vẽ hình người. Một bức tranh khắc sâu được nỗi đau tột cùng, niềm khắc khoải chờ mong đứa con cuối cùng là những liệt sĩ chưa tìm được phần mộ. Tận mắt chạm vào những nỗi đau tận cùng ấy, lòng người họa sĩ nhói lên nghẹn ngào. Không ít lần bà đã ôm chặt lấy Mẹ và khóc không thể vẽ nổi. Bà thấy mình là người hạnh phúc nhất khi tận tay cầm nắm, ôm hôn hơn một nghìn Mẹ VNAH khắp đất nước.

Đó là những người ruột thịt còn lại của những chiến sĩ kiên trung, chiến đấu và ngã xuống cho bình yên của quê hương, đất nước. Trở về với các Mẹ, bà cảm thấy như được trở về với cội nguồn, với huyết mạch xa xưa của dân tộc. Bà thấy mình thật nhỏ bé. Bà nhớ có lần được nằm ngủ lại với Mẹ trong một buổi trưa oi ả của miền Trung, cảm giác như được trở về với người Mẹ thân yêu thủa nào. Bà đã ngủ một giấc ngon lành sau những ngày tháng mệt nhọc, khói bụi ngoài đường.

Lúc nào bà cũng như thấy các Mẹ đang khắc khoải chờ mình đến, nên bà đi và mải miết đi. Kế hoạch của họa sĩ Đặng Ái Việt đặt ra và đúng y như vậy mà thực hiện, dù thế nào cũng phải thực hiện cho bằng được, trừ khi người Mẹ đó qua đời. Hôm nay, bà định vẽ Mẹ nào thì bất cứ Mẹ ở đâu, bà cũng phải đi gặp để vẽ cho bằng được. Người ta hỏi bà, vẽ chân dung hơn một nghìn Mẹ VNAH như vậy thì ấn tượng Mẹ nào nhất?

Bà bảo: "Tôi không bao giờ xếp ngôi thứ cho các Mẹ. Mỗi Mẹ đều có một vẻ đẹp riêng, mỗi Mẹ đều là câu chuyện đầy những điều chúng ta mãi tôn thờ và kính trọng. Thời chiến tranh, đất nước có những bà mẹ trong cùng một năm, tiễn chồng và ba bốn người con ra đi không bao giờ trở về nữa. Đau đớn tột cùng, nhưng Mẹ độ lượng và Mẹ biết chấp nhận đánh đổi cho cuộc sống hòa bình ngày nay". Dù chỉ mới vài năm thực hiện khát vọng của mình nhưng họa sĩ Đặng Ái Việt đã đi được hành trình khá dài.

Điều đó ít nhiều thỏa nguyện được khát vọng đã ấp ủ từ lâu trong bà. Bà tâm sự: "Nếu ông nhà còn sống chắc tôi không bao giờ có được cơ hội đi vẽ như thế này. Nhiều người khuyên tôi nên nghỉ ngơi vì tuổi tác không cho phép đi trường chinh như vậy". Nói thế thôi nhưng họ lại có cảm giác, bà đang hồi sinh những hình tượng vĩ đại nhất của Việt Nam. Nên những mệt mỏi về tuổi tác và sức khỏe dường như bất lực trước bà.

Cho đến thời điểm hiện tại, họa sĩ Đặng Ái Việt đã hoàn thành ký họa được 1.304 bức chân dung Mẹ VNAH của tất cả 63 tỉnh thành. Dù là con số "khổng lồ" như vậy, nhưng bà chưa có ý định dừng chân. Chiếc xe Chaly đã quá tàn tạ, cây cọ đã quá xơ xác, chỉ có đôi chân và trái tim của người họa sĩ là vẫn sung sức.

Và vì thế, không ngỡ ngàng khi năm 2015, họa sĩ Đặng Ái Việt là một trong 15 cá nhân và tập thể được nhận Giải thưởng Vinh quang Việt Nam.

Ngọc Thiện
.
.
.