Ông Tập Cận Bình trước cơ hội lãnh đạo trọn đời?

Thứ Sáu, 09/03/2018, 15:27
Ðảng Cộng sản Trung Quốc (ÐCSTQ) ngày 25-2 vừa qua đã đề xuất bỏ giới hạn tối đa 2 nhiệm kỳ với chức Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước trong Hiến pháp, một bước dọn đường giúp Chủ tịch Tập Cận Bình có thể tiếp tục tại vị sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2023.


Cho tới nay, Hiến pháp của Trung Quốc chỉ cho phép Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước được tại chức tối đa 2 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ 5 năm). Đề xuất mới, nếu được thông qua, sẽ giúp ông Tập Cận Bình có thể tại chức vô thời hạn. Không chỉ vậy, Chủ tịch nước ở Trung Quốc cũng là người kiêm luôn chức Tổng Bí thư đảng và Tổng Tư lệnh quân đội.

Quyền lực tuyệt đối

“Trong hơn 20 năm qua, việc kết hợp vai trò lãnh đạo của ba vị trí Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương đã được định hình và phát huy hiệu quả. Việc dỡ bỏ giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước có thể giúp duy trì hệ thống bộ ba này và tăng cường thể chế đối với vai trò lãnh đạo của đảng và nhà nước”, Thời báo Hoàn cầu viết.

Đề xuất mới của ĐCSTQ cũng bao gồm việc đưa tư tưởng Tập Cận Bình vào Hiến pháp Trung Quốc. Trước đó, trong Đại hội 19 của ĐCSTQ vào tháng 10 năm ngoái, tư tưởng Tập Cận Bình đã được đưa vào Điều lệ đảng, giúp ông Tập ngang hàng với các lãnh đạo quá cố Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Ông Mao Trạch Đông chính là người có công sáng lập nước CHND Trung Hoa năm 1949 và ông Đặng Tiểu Bình chính là “kiến trúc sư trưởng” cho công cuộc cải cách, mở cửa đất nước. Hơn nữa, chỉ có ông Mao Trạch Đông là lãnh đạo Trung Quốc còn đương quyền được đưa tên vào Điều lệ ĐCSTQ. "Lý luận Đặng Tiểu Bình" chỉ được nêu trong Điều lệ Đảng sau khi ông Đặng Tiểu Bình qua đời năm 1997.

Ông Vương Kỳ Sơn (trái) và ông Tập Cận Bình.

Theo tờ New York Times của Mỹ, quyết định mới nhất của ĐCSTQ đồng nghĩa với việc quyền lực của ông Tập được củng cố mạnh mẽ và tạo được sự thống nhất toàn diện, cao độ. Theo kế hoạch, đề xuất này sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận sắp tới, tại phiên họp đầu tiên của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, dự kiến bắt đầu vào ngày 5-3.

Tầm nhìn 30 năm

Theo các nhà quan sát, nếu đề xuất gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ này trở thành sự thật, ông Tập Cận Bình sẽ có đủ thời gian để thực hiện kế hoạch có tầm nhìn kéo dài 30 năm của mình. Tầm nhìn của ông Tập bao gồm 2 nội dung chính làm cộng đồng quốc tế lo ngại trước sự nổi lên của Trung Quốc: Hiện đại hóa quân đội, và chương trình thương mại và cơ sở hạ tầng toàn cầu được gọi với cái tên Một Vành đai - Một Con đường.

Sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đang thúc đẩy chi tiêu quốc phòng của hàng loạt các quốc gia trong khu vực, từ Nhật Bản cho đến Ấn Độ, trong khi phía bên kia eo biển Đài Loan cũng đang cảnh báo nguy cơ xung đột sẽ leo thang nếu Đại lục mở rộng các hoạt động gây căng thẳng. Trong khi đó, Australia đã thiết lập các quy định về sự hạn chế can thiệp chính trị từ các yếu tố liên quan đến Trung Quốc, còn cường quốc kinh tế khác lại hoài nghi về hiệu quả của dự án Vành đai - Con đường.

Việc tập trung quyền lực một mặt giúp ông Tập Cận Bình có thể dễ dàng tiến hành những cuộc cải cách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế và giúp Trung Quốc “giành lại vị thế xứng đáng trên trường quốc tế”, nhưng mặt khác cũng mở đường cho Trung Quốc hiện thực hóa tham vọng về biển, lãnh thổ.

Không những thế, nhiều chuyên gia cho rằng, việc một nhà lãnh đạo tại vị quá lâu có thể gây ra những hệ lụy không mong muốn. Nhà sử học Zhang Ming nhận định: “Ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nắm quyền lâu nhất có thể. Ông ấy có thể làm bất kỳ điều gì ông ấy muốn và đang tìm cách truyền đi một thông điệp rõ ràng thông qua việc này”.

Cùng chung quan điểm, Giáo sư luật Carl Minzner tại Đại học Fordham, New York cảnh báo: “Điều này sẽ phá vỡ những chuẩn mực về chính trị mà Trung Quốc đã duy trì sau khi cải cách”.

Trong khi đó, Giáo sư Jerome Cohan tại Đại học Luật New York, cho biết những nỗ lực nhằm kéo dài nhiệm kỳ của ông Tập có thể sẽ ảnh hưởng xấu đến quyền lực mềm của Trung Quốc, nhưng có thể khiến quyền lực cứng như quân sự và kinh tế với thế giới tăng lên.

Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Natixis, Alicia Garcia Herrero, cho biết quy mô và những ảnh hưởng mang tính lịch sử của Trung Quốc đang khiến các quốc gia trong khu vực lo ngại về nguy cơ nước này có thể đảo lộn các quy tắc đã được thiết lập từ lâu.

“Tham vọng của ông Tập là một con dao hai lưỡi. Nó phần nào mang lại lợi ích cho Trung Quốc khi duy trì sự ổn định về chế độ và sự lãnh đạo trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Nhưng mặt khác, nó cũng làm tăng sự nghi ngờ và thậm chí là sự sợ hãi của các nước trong khu vực và cả cộng đồng quốc tế”, ông Herrero nhận định.

Cuộc chiến “Đả hổ diệt ruồi”

Ở trong nước, đề xuất sửa đổi Hiến pháp trên đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Một số ý kiến cho rằng cần có giới hạn cụ thể về thời gian tại nhiệm của lãnh đạo, dù có thể nhiều hơn 2 nhiệm kỳ.

Một số nhà phân tích quốc tế cho rằng việc ĐCSTQ gỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức Chủ tịch nước cho ông Tập Cận Bình cũng đồng nghĩa với việc tạo đà cho ông tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng mang tên “Đả hổ, diệt ruồi”.

Dự thảo sửa đổi cũng cho phép thành lập một cơ quan chống tham nhũng quốc gia có thẩm quyền rộng rãi để giám sát các công chức. Các nhà phân tích cho biết Ủy ban Giám sát quốc gia mới sẽ cung cấp cho ông Tập nhiều công cụ để nhắm mục tiêu vào đối thủ và những người bị xác định là “kỳ đà cản mũi” trong việc thực thi các chính sách của ông, đặc biệt là ở các cấp thấp hơn của chính phủ.

Hơn 5 năm nắm giữ quyền lực, ông Tập đã giám sát một cuộc chiến chống tham nhũng mạnh mẽ. Đây được xem là một nỗ lực tái cơ cấu khốc liệt trong đảng, bao gồm cả việc lật đổ những nhà lãnh đạo cấp cao, vốn được xem là không thể đụng đến.

Cuộc chiến này hầu hết nhắm đến phe cánh của cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân. Ông Giang và các tay chân của mình đã tạo thành một phe đối lập, mâu thuẫn với Chủ tịch Trung Quốc hiện nay Tập Cận Bình.

Rất nhiều các quan chức cao cấp, là đồng minh thân cận của ông Giang, đã bị thanh trừng trong chiến dịch chống tham nhũng “Đả hổ, diệt ruồi” của Chủ tịch Tập Cận Bình, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào tháng 11-2012. Những nhân vật nổi bật có thể kể đến như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai...

Để giữ cuộc chiến này tiếp tục, có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tập đang tìm cách giữ lại ông Vương Kỳ Sơn, đứng đầu cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng trong nhiệm kỳ vừa qua.

Ông Vương, người từng được coi là nhân vật chính trị ảnh hưởng mạnh mẽ thứ hai ở Trung Quốc sau ông Tập, đã được bầu vào Quốc hội Trung Quốc vào tháng trước, động thái được cho là mở đường cho vị trí Phó Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ tới.

Bàng Cương
.
.
.