Ông lão U90 cả đời gắn liền với nghề làm đèn kéo quân

Thứ Hai, 28/09/2020, 08:12
Tết Trung thu đến gần, người ta lại hoài niệm về những món đồ chơi xưa cũ gắn liền với văn hóa dân gian. Mỗi loại đồ chơi lại có một câu chuyện đầy ý nghĩa, đúc kết từ cuộc sống của người dân với những đạo nghĩa làm người. Và câu chuyện của chiếc đèn kéo quân, qua lời kể của ông Nguyễn Văn Quyền (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) – một trong những người thợ làm đèn kéo quân cuối cùng của nơi này cũng là một bài học đáng nhớ.


Đèn kéo quân và câu chuyện về đạo hiếu

Đèn kéo quân hay còn gọi là đèn cù là một loại đồ chơi truyền thống bằng giấy dán vào khung tre, khi thắp nến lên thì những hình ảnh được thiết kế bên trong sẽ hiện ra trên mặt đèn giống như rối bóng và xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại. Mặt ngoài của đèn được dán giấy nilon hoặc giấy can như bốn màn ảnh hoặc có thể bằng vải mỏng.

Ðể chiếc đèn có nhiều hình phong phú, người ta lồng và cắt dán đến bốn, năm tầng. Nhưng cùng thời gian, khi ngày càng có nhiều loại đồ chơi hiện đại, hấp dẫn trẻ em, những trò chơi dân gian dần dần bị quên lãng và đèn kéo quân cũng không nằm ngoài quy luật ấy.

Ông Quyền tỉ mẩn với những chiếc đèn kéo quân.

Hiện nay, tại thôn Đàn Viên cũng chỉ còn 2 người làm đèn kéo quân đó là hai anh em ông Vũ Văn Sinh và ông Nguyễn Văn Quyền. Với hàng chục năm kinh nghiệm làm đèn, nhưng mỗi khi nhắc đến như một nghệ nhân có tiếng, ông Quyền lại xua tay nói “đó chỉ là kĩ thuật làm đồ chơi cho con trẻ” ngày trước, chưa thể đến mức nghệ nhân. Ông Quyền cũng cho rằng, dù ở Đàn Viên từng có rất nhiều người biết làm đèn kéo quân những cũng không thể gọi là làng nghề, vì đây không phải là một nghề nuôi sống gia đình mà đó là văn hóa, làm cho người ta gợi nhớ đến một thời xưa cũ. Chỉ đơn giản như vậy thôi.

Chỉ vào chiếc đèn đang làm dở của mình, ông Quyền nói: “Đồ chơi dân gian như đèn kéo quân mang ý nghĩa vì nó có câu chuyện, dựa vào đó người ta dạy con trẻ biết về đạo nghĩa làm người, biết trọng chữ hiếu, thờ mẹ kính cha…”.

Kể câu chuyện của món đồ chơi truyền thống này, ông Quyền cho rằng, người ta thường nhớ về sự tích của một người nông dân nghèo khó, mồ côi cha, hiếu thảo với mẹ tên Lục Đức. Nhân dịp Tết Trung thu, theo lệnh vua, người dân nô nức thi nhau chế ra những chiếc đèn kỳ lạ để thi tài nhưng không chiếc nào làm vua vừa ý. Bỗng một đêm, Lục Đức mơ thấy thần tiên và được chỉ cho cách làm đèn kéo quân.

“Đó là câu chuyện mọi người hay lưu truyền, nhưng từ xưa đến nay, các cụ trong làng tôi lại lưu truyền một câu chuyện khác, đó là về một người con hiếu thảo tên Lục Thức. Do cha mất sớm, Lục Thức phải làm lụng vất vả nuôi mẹ già. Thấy mẹ thui thủi ở nhà một mình buồn chán, Lục Thức đã tự làm chiếc đèn kéo quân, bên trong dán những hình người nhảy múa. Khi đèn thắp lên, hình người xoay trong nhà rất vui mắt. Trẻ em xung quanh thấy chiếc đèn kì lạ liền vào chơi với mẹ già của Lục Thức, giúp chàng trai có thể yên tâm hơn về mẹ…”, ông Quyền kể.

Chiếc đèn có thể gập lại của ông Quyền được đi ra ngoài thế giới.

Câu chuyện giản dị, dân dã đó cũng đi kèm với ý nghĩa của thiết kế chiếc đèn kéo quân. Chỉ vào các cạnh làm bằng nan tre, ông Quyền cho biết, đèn kéo quân có 2 loại đó là 4 cạnh và 6 cạnh, được làm với ý nghĩa khác nhau. Đèn 4 cạnh đó là quan niệm “tứ thân phụ mẫu”, thờ phụng nghĩa hiếu với bố mẹ đẻ và bố mẹ chồng/vợ. Còn đèn 6 cạnh là do sau này, ý nghĩa của đạo hiếu được mở rộng là “lục thân phụ mẫu”, ngoài việc thờ phụng bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng/ vợ thì còn thờ phụng với bố mẹ nuôi.

Đó cũng là những câu chuyện thường được ông Quyền kể lại cho con cháu, để câu chuyện của món đồ chơi, ý nghĩa của những hình dán lên các thân mặt của đèn kéo quân với ý nghĩa về lễ, hiếu, trung, nghĩa hay những chú rối bóng biểu tượng cho sĩ nông công binh hay hình ảnh các đoàn quân lính, ngựa xe, hành quân, xung trận không bị mai một.

Phát triển và bảo tồn

Nửa thế kỷ trôi qua, ông Quyền cũng đã có kinh nghiệm hơn 60 năm làm đèn kéo quân. Nhìn món đồ chơi dần mai một, bị thay thế bởi các loại đồ chơi hiện đại khác khiến người thợ già này không khỏi buồn bã. Ông nói: “Nhìn những món đồ chơi dân gian được hồi sinh như tò he, được nhiều người yêu thích, người thợ có thể sống với nghề khiến tôi rất vui nhưng cũng buồn. Buồn vì đèn kéo quân, một món đồ chơi có ý nghĩa không thể sống khỏe như vậy, ít ai có thể sống bằng cách làm đèn bởi độ phức tạp, cầu kì của nó”.

Nói là cầu kì là bởi vì, để làm ra một chiếc đèn kéo quân phải trải qua các công đoạn như: Vót tre, dựng khung, làm trục… Trong các bộ phận để tạo thành một chiếc đèn kéo quân hoàn chỉnh, khó nhất là làm trục và tán - những chiếc trục phải vừa mỏng, nhẹ nhưng không mất đi sự cứng cáp mới có thể gánh được tán.

Ngoài đèn kéo quân, diều sáo cũng là một sản phẩm bán chạy.

Khi hoàn thành xong phần khung của tán, phải dùng keo để cố định giấy xung quanh. “Công đoạn này tưởng đơn giản nhưng lại rất công phu, người thợ phải khéo tay mới có thể làm được, nếu dán không chuẩn thì trục sẽ không quay được” ông Quyền cho hay.

Với một chiếc đèn kéo quân cỡ nhỏ, nếu tính cả vốn, nguyên vật liệu và công sức làm trong khoảng tám giờ, giá bán chỉ được khoảng từ 100 đến 120 nghìn đồng. Như vậy, một ngày tập trung làm, ông Quyền chỉ có thể làm ra 2 chiếc đèn kéo quân. Vất vả là thế nhưng khi làm ra, những chiếc đèn kéo quân hầu như chỉ trưng bày là chủ yếu, chứ không phải để bán, để chơi.

Nhưng với tâm huyết của mình, ông Quyền vẫn mong muốn giữ lại trò chơi này như một nét văn hóa đẹp của dân tộc. Vì vậy mà dù đã ngoài 80, ông Quyền vẫn phóng xe máy đi khắp nơi để dạy làm đèn mỗi khi có lời mời.

Ông Quyền kể, những buổi làm đèn ở Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Triển lãm Vân hồ… các cháu nhỏ rất hào hứng học. Nhưng niềm yêu thích đó không kéo dài, chỉ vài buổi là các cháu lại thôi. Ngay tại trong làng Đàn Viên, dù nơi đây từng nhiều người biết làm đèn, nhưng cho đến nay giới trẻ chẳng còn ai thích thú ngoài đứa cháu đang học lớp 8 của ông Quyền là em Nguyễn Văn Hiệp. Sau mỗi buổi học, Hiệp lại là người phụ giúp ông cắt hình chiếu bóng trong đèn và có thể làm hoàn chỉnh một chiếc đèn kéo quân với đủ các công đoạn.

Khi niềm hy vọng đang dần lụi tàn thì trong thời gian gần đây, có nhiều người biết tôn trọng hơn những giá trị văn hóa xưa cũ.  Nhiều người tìm đến ông Quyền để đặt hàng, không chỉ là đèn kéo quân mà còn cả lồng đèn cá, diều sáo… Cầm chiếc đèn mình mới sáng tạo khả năng gập gọn lại, ông Quyền cho biết, đây là chiếc đèn được một Việt kiều đặt để mang đi nước ngoài.

“Đèn của tôi mới đây đã được mang đi Anh, Pháp để người ta tặng nhau làm quà, trưng bày. Tôi phải nghĩ mất nhiều hôm mới có thể gập gọn lại đèn để người ta chuyển đi không bị gãy. Khi tháo lắp thì họ sẽ quay phim lại để sau này biết để lắp. Nếu không lắp đúng cách thì đèn sẽ không cân đối, không thể quay”, ông Quyền hào hứng kể.

Ngoài ra, ngày càng có nhiều trường cấp 1, cấp 2 mở lớp ngoại khóa để ông Quyền có thể đến dạy. Ngay tại huyện Thanh Oai cũng dự định mở một lớp học để ông Quyền, ông Sinh có thể đến chỉ dạy cho các cháu nhỏ cách làm đèn và hiểu ý nghĩa của sản phẩm.

Bên cạnh đó, các đơn hàng làm đèn kéo quân để trưng bày tại các quán cà phê, phục vụ tiệc sinh nhật, trang trí đám cưới hỏi, lễ, tết người dân và các dòng họ cũng tăng dần. Điều đó giúp những người như ông Quyền, ông Sinh có thêm đam mê, quyết tâm giữ nghề và sẵn sàng đi bất cứ đâu để truyền đạt lại kinh nghiệm cho các cháu nhỏ. Mong ước lớn nhất của hai nghệ nhân là qua việc dạy làm đèn để níu kéo lại cho trẻ em tâm hồn trong sáng, hướng về nét văn hóa dân gian truyền thống, tốt đẹp.

Ông Quyền cũng thể hiện mong mỏi rằng, những kiến thức về cách làm đèn kéo quân trong hơn 60 năm qua của mình có thể truyền đạt những hiểu biết của mình cho những ai quan tâm và có ý thức giữ gìn văn hóa dân gian.

“Bây giờ, đồ chơi nhựa, điện tử tràn lan trên thị trường nên cũng ảnh hưởng nhiều đến niềm đam mê với đồ chơi dân gian của những đứa trẻ. Ngay cả khi được học làm đèn kéo quân, các cháu cũng phải sáng tạo những hình mới trong đèn, không còn là sĩ nông công binh hay cảnh kéo quân nữa. Nhưng tôi tuổi đã già, giờ cố gắng làm được chút nào hay chút ấy, để bọn trẻ có cơ hội tiếp cận với đồ chơi dân gian và giữ nghề truyền thống”, ông Quyền chia sẻ.

Ngọc Trâm
.
.
.