"Ông thần" tội phạm học

Thứ Hai, 07/09/2020, 14:44
Ernst August Ferdinand Gennat (1/1/1880-20/8/1939) có rất nhiều  tên. Các đồng nghiệp cảnh sát gọi Ernst là "ông thần ba mắt" hoặc "người hay cau có". Những tên tội phạm gọi ông là "Gã béo xứ Alexanderplatz". Còn giới sử học, họ gọi ông là "cha đẻ ngành tội phạm học Đức".


Người cha của Ernst Gennat là một quản giáo tại nhà tù  Plotzensee (Berlin), và gia đình ông sống không xa khu vực đó. Ngay từ nhỏ cậu bé Ernst đã được tiếp xúc với những tầng lớp dưới của xã hội mà hiểu được động cơ, thói quen, suy nghĩ của họ. Đồng thời, cậu bé cũng nuôi mộng được tiếp nối nghề nghiệp của cha mình. Ernst sau này dành bốn năm học luật tại Đại học Friedrich Wilhelms, nhưng trước khi nhận được bằng tốt nghiệp thì chàng trai trẻ đột nhiên bỏ học. Đó là vì Ernst đã nghe thấy tiếng gọi thật sự của mình: trở thành một viên thám tử!

Khi Ernst thi đỗ vào ngành cảnh sát năm 1902, tại Đức vẫn chưa có khái niệm ngộ sát. Cảnh sát Đức cũng chưa có những ban cục chuyên điều tra về những vụ án mạng, lừa đảo, v.v... Đội ngũ sỹ quan cảnh sát phần lớn gồm những cựu binh, con cháu của các gia đình quý tộc nghèo, v.v… chỉ mới tốt nghiệp bằng đại học y hay luật mà thôi. Một vụ án có thể diễn ra, rồi năm sáu tiếng sau thì cảnh sát mới đến hiện trường. Tóm lại, lực lượng cảnh sát Đức đương thời rất thiếu tính chuyên môn và chuyên nghiệp, lạc hậu hơn hẳn những quốc gia châu Âu khác.

Nhận ra điều này, Ernst Gennat đã dành nhiều năm đầu trong sự nghiệp để chỉ trích chính lực lượng cảnh sát mà mình đang phục vụ. Ông còn tìm mọi cách để thành lập bằng được một đội điều tra chuyên về các vụ ngộ sát. Sự nhiệt tình và thẳng thắn của Ernst khiến ông trở thành cái gai trong mắt nhiều đồng nghiệp lẫn cấp trên. Ông đã từng nhiều lần bị cảnh cáo, thậm chí là không được thăng quân hàm cho dù có thành tích điều tra đáng nể. Thế nhưng cuối cùng thì nguyện vọng của Ernst cũng được hoàn thành, và ông được thăng chức làm chỉ huy phòng điều tra ngộ sát của Sở Cảnh sát Berlin vào năm 1925.

Một trong số những bức ảnh hiếm hoi của Ernst Gennat.

Điều đầu tiên Ernst Gennat làm là tuyển mộ nhân viên mới cho phòng ban của mình. Có một điều đặc biệt đã xảy ra, đó là ông không tuyển những người đồng nghiệp cũ của mình mà trực tiếp đến các trường đại học, viện nghiên cứu để mời các thạc sỹ, giáo sư… về làm cảnh sát. Ông nhận được không ít những cái bắt tay lạnh nhạt, nhưng cũng có một số người nhận lời, và cuối cùng Ernst tuyển được 22 sỹ quan vào đội điều tra ngộ sát. 

Có ý kiến băn khoăn rằng, các sỹ quan mới này đều là những người làm nghiên cứu, hẳn không quen được với môi trường khắc khổ của cảnh sát Đức. Vậy mà Ernst đã làm được điều không thể: đưa họ trở thành các viên cảnh sát mẫu mực, chuyên nghiệp. Nhờ vào tài "lạt mềm buộc chặt" mà Ernst làm cho cấp dưới cảm thấy mình là người được tôn trọng, nhưng đồng thời cũng phải tỏ ra xứng đáng với sự tôn trọng đấy. Thế là họ sẵn sàng túc trực 24/24h, làm việc không biết mệt mỏi, và sẵn sàng xông xáo đến cả những góc khuất tối tăm nhất của xã hội.

Tài tổ chức của Ernst Gennat còn thể hiện ở cách ông sắp xếp đội điều tra. Bất cứ tổ điều tra một vụ án nào cũng sẽ có hai vị thanh tra một già một trẻ, bốn đến mười thám tử, một thư ký, và nếu cần là cả chó nghiệp vụ nữa. Trong trường hợp có nhiều vụ án liên quan, cứ hai thanh tra và một thư ký nữa sẽ được điều làm tiếp viện. 

Cứ bốn tuần, cả đội điều tra họp lại trao đổi thông tin kinh nghiệm, và nếu cần thì đổi trách nhiệm điều tra các vụ án cho nhau. Cách tổ chức tinh tế này đem lại hiệu quả ngay lập tức: chỉ trong năm 1931, đội điều tra đã phá 108 trong 114 vụ ngộ sát, đạt tỷ lệ thành công 94,7%. Trong khi cùng thời điểm đó, ban điều tra các vụ trộm cướp của sở cảnh sát chỉ phá được 52% các vụ án mà họ nhận được. Thành tích xuất sắc của đội điều tra ngộ sát khiến họ trở thành người nổi tiếng trên báo chí Đức.

Bản thân Ernst Gennat cũng có thành tích điều tra rất đáng nể. Trong 33 năm công tác, ông tự mình phá được 298 vụ án mạng. Chìa khoá thành công của viên thám tử lừng danh này là sự kiên nhẫn, trí nhớ phi thường, và cách tiếp cận khoa học. Ernst là người đầu tiên trong lực lượng cảnh sát Đức đề nghị đưa bộ môn tâm lý học vào ngành. Ông đã tốn không biết bao trí lực để hồ sơ tâm lý của từng đối tượng tội phạm mà mình bắt được để hiểu về mục đích và thói quen gây án của chúng.

Ngôi mộ của Ernst Gennat.

Bất kỳ tên trộm, giết người tái phạm nhiều lần nào cũng rất ngại ông, vì  một khi chúng chỉ cần để lại một chi tiết nhỏ làm bằng chứng thôi, ngay lập tức Ernst đã có thể lôi tài liệu từ tập hồ sơ và tìm ra ngay thủ phạm. Nhờ vậy mà ông nhanh chóng truy ra tên giết người khét tiếng Peter Kürten sau khi hắn gây án tại Berlin. Vụ xử án PeterKürten là lần đầu tiên ngành toà án thế giới xem xét và luận tội một vụ sát nhân hàng loạt. Ngày nay việc lập hồ sơ tâm lý của tội phạm đã trở thành một phần căn bản trong quy trình điều tra của cảnh sát thế giới.

Tuy chưa từng một lần gặp Hans Gross, "cha đẻ của ngành tội phạm học", nhưng Ernst vẫn tự coi mình là học trò của nhà bác học và biến nhiều sáng kiến của ông ấy thành hiện thực. Ông đã đề ra bộ quy tắc chuẩn hướng dẫn cách hành xử với xác chết và tang chứng tại hiện trường vụ án nhằm làm sao bảo đảm tính chính xác của bằng chứng. 

Để tránh cho hiện trường bị ảnh hưởng, Ernst thuê hẳn công ty Daimler-Benz sản xuất hai chiếc xe chuyên dụng để các thám tử nhanh chóng đến được nơi xảy ra vụ án, rồi đem xác chết và vật chứng về sở cảnh sát một cách an toàn nhất. Người dân Đức còn biết đến ông với tư cách một nhà cải cách đạo đức. Ernst Gennat đặc biệt lên án việc cảnh sát Đức sử dụng tra tấn trong quá trình tra hỏi tội phạm, do ông hiểu rõ rằng người bị tra tấn sẽ tìm mọi cách để thoát, trong đó có cả nói dối và chỉ điểm sai người. 

Ernst cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phòng chống tội phạm và tăng cường sự cảnh giác trong nhân dân. Người dân và cánh phóng viên rất trân quý Ernst vì tính hài hước và sự tôn trọng ông dành cho tất cả mọi người, còn ngược lại thì Ernst nhận được rất nhiều thông tin, sự hỗ trợ từ cộng đồng trong việc phá án.

Trong những năm cuối sự nghiệp, do mắc bệnh béo phì nên Ernst chỉ có thể làm việc trong văn phòng của mình. Thế nhưng ông cũng giải quyết được rất nhiều vụ án mà không cần ra hiện trường. Sau khi Ernst Gennat trở thành Giám đốc Sở Cảnh sát Berlin, danh tiếng của ông càng ngày lan rộng. Báo chí đưa tin hằng ngày về những vụ án mà ông điều tra. Nếu ông xuất hiện ở một sự kiện nào đó thì lập tức được liệt vào hàng khách danh dự. 

Người ta viết tiểu thuyết dựa trên thành tích điều tra của ông. Thậm chí còn có nhiều đoàn khách nước ngoài đến Berlin để học tập phương pháp của Ernst Gennat hay chỉ đơn giản là được gặp mặt ông, trong đó có "vua hề" Charlie Chaplin, nhà văn Heinrich Mann, và nhà báo, nhà viết kịch EdgarWallace. Ngay cả những học trò của ông cũng nổi tiếng theo, đơn cử như thanh tra Theo Saevecke là thám tử đầu tiên trong lịch sử được TV tường thuật trực tiếp việc truy bắt tội phạm khi đang đuổi theo một tên sát nhân.

Ernst nổi tiếng đến mức sau khi phát - xít Đức lên nắm quyền và nhiều viên sỹ quan cảnh sát trên khắp đất nước bị quân SS thủ tiêu vì nghi ngờ thiếu trung thành, chúng vẫn để cho ông và những người dưới quyền bình an vô sự.  Ernst tiếp tục công tác điều tra và nghiên cứu cho đến khi qua đời vì một cơn đau tim. Đám tang của Ernst có sự tham gia của hơn 2.000 quan chức, sỹ quan cảnh sát cao cấp cùng cả một đoàn dài người dân Berlin. Di sản của Ernst ngoài một lực lượng cảnh sát Đức hiện đại chuyên nghiệp còn là hình mẫu cho các thế hệ nghệ sỹ sau này. Nhiều diễn viên nổi tiếng đã thủ vai Ernst Gennat trong các bộ phim xuất sắc của điện ảnh Đức như "M", "Das Testament des Dr. Mabuse" và "Babylon Berlin".

Lê Hội Vũ (tổng hợp)
.
.
.