Ông tổ ngành sinh trắc học

Thứ Sáu, 09/10/2020, 07:43
Chắc hẳn hầu hết bạn đọc đã từng ít nhiều hơn một lần trong đời nghe đến cụm từ “sinh trắc học” được các phương tiện truyền thông nhắc đến ngày càng thường xuyên. Thế nhưng “sinh trắc học” là gì?! 


Định nghĩa một cách đơn giản thì, nó (sinh trắc học) là một bộ môn khoa học áp dụng thống kê lên các đặc điểm sinh học của con người. Lấy ví dụ như tròng mắt, mỗi người lại có một tròng mắt đặc trưng cho riêng mình. Một nhà sinh trắc học sẽ chụp ảnh tròng mắt của từng người, rồi sử dụng toán học để tìm ra những điểm đặc biệt nhất đối với con ngươi mỗi người. Sau này để xác định danh tính một cá nhân thì nhà sinh trắc học chỉ cần xem xét tròng mắt người đó và so sánh với thống kê của mình mà thôi.

Sinh trắc học từ trước đến nay luôn gắn liền với ngành cảnh sát. Bộ môn khoa học này có nguồn gốc sâu xa từ việc cảnh sát sử dụng dấu vân tay ở hiện trường làm bằng chứng. Ngày nay các lực lượng cảnh sát không chỉ dừng lại ở việc lấy dấu vân tay mà họ còn có thể xác định nhân thân qua tròng mắt, hộp sọ, hành vi, hay thậm chí là cả gene nữa. Thế nhưng cơ sở những phương pháp sinh trắc học được ngành cảnh sát hiện đại sử dụng vẫn không có nhiều thay đổi so với khi chuyên gia Alphonse Bertillon người Pháp khởi xướng ra chúng.

Cảnh sát Pháp theo học một lớp xác định nhân thân theo phương pháp của Alphonse Bertillon.

Alphonse Bertillon (22/4/1853 - 13/2/1914) sinh ra trong một gia đình khoa học. Cha ông là nhà thống kê Louis Bertillon nổi tiếng, một trong những người chịu trách nhiệm cho việc thống kê dân số tại nước Pháp sau cách mạng năm 1789. Người anh trai Jacques Bertillon của ông cũng là một nhà khoa học được tôn vinh vì những cống hiến cho việc thống kê các đại dịch chết người trên thế giới. Ấy thế nhưng, bản thân Alphonse lại đến với khoa học khá muộn.

Sau khi bị đuổi khỏi ngôi trường Li-xê Hoàng gia Paris (tương đương với đại học ngày nay) danh tiếng, Alphonse trải qua một số công việc khác nhau nhưng không thành công. Năm 1875, ông bị gọi nhập ngũ. Rồi thì Alphonse xuất ngũ bốn năm sau đó mà không hề có bằng cấp hay kinh nghiệm nào trong tay làm “vốn liếng”. Cuối cùng, người của cha ông đã phải  trực tiếp ra tay giúp con trai mình nhận được một công việc bàn giấy thấp bé ở Sở Cảnh sát Paris.

Nhiệm vụ hằng ngày của Alphonse đơn giản chỉ là sao chép và sắp xếp các bộ hồ sơ của cảnh sát Paris. Đây là một công việc mang tính chất hết sức “vặt vãnh”, nếu không muốn nói là nhàm chán. Thế nhưng không biết vì sao mà Alphonse trở nên bị ám ảnh vì những tập hồ sơ, hay đúng hơn là những đối tượng tình nghi được nói đến trong những hồ sơ lạnh lẽo ấy. Khi đó cảnh sát Paris dưới sáng kiến của nguyên giám đốc sở Eugène Francois Vidocq đã bắt đầu lưu giữ hồ sơ những tên tội phạm tại thành phố.

Nhưng mà cảnh sát chỉ ghi lại phương pháp gây án, địa bàn hoạt động, đồng bọn v.v… chứ những thông tin về ngoại hình tên tội phạm thì không hề được lưu trữ, gây khó khăn cho cơ quan pháp luật trong việc xác định, truy bắt đối tượng. Hầu hết các vụ án xảy ra trước đó được cảnh sát Paris giải quyết thông qua lời khai của nhân chứng trực tiếp, hay hiếm hoi hơn là qua tranh truyền thần hay ảnh chụp. Trong trường hợp nhân chứng và cảnh sát không nhìn thấy, nhớ rõ để có thể khẳng định đối tượng gây án là ai, vụ án lập tức sẽ rơi vào bế tắc.

Alphonse lớn lên quanh những câu chuyện trong công việc của cha và người anh trai mình. Ông hiểu rằng mỗi cá nhân có một số đặc điểm nhận dạng độc nhất mà những người đi làm thống kê có thể dùng để tìm hiểu đối tượng đó. Vậy là Alphonse bắt tay vào việc xây dựng một hệ thống nhận dạng con người dựa trên nền tảng đặc điểm cơ thể của họ. Ông dựa vào mô hình thống kê được áp dụng trong bệnh viện để xây dựng phương pháp của mình, theo đó thì cảnh sát sẽ đo đạc chiều cao, cân nặng, hình dạng tai - mũi, đặc điểm vết sẹo, hình xăm v.v… của một cá nhân.

 Những số liệu nói trên sẽ được ghi vào đằng sau một bức ảnh của người đó - đây là tiền đề của việc chụp ảnh chân dung bán thân để dán vào hồ sơ ngày nay. Khi có vụ án xảy ra, cảnh sát sẽ yêu cầu nhân chứng mô tả lại đối tượng thông qua những đặc điểm nói trên, rồi đem bản mô tả nhận được đi đối chiếu với cơ sở dữ liệu của họ để xác định kẻ gây án.

Ban đầu kết quả nghiên cứu của Alphonse không nhận được sự ủng hộ của đồng nghiệp. Không ai tin rằng lý thuyết mà ông đề ra lại có cơ sở khoa học, vậy nên sự lựa chọn duy nhất của Alphonse là đi khảo sát thực tế. Ông đến nhà tù La Santé để đo đạc cơ thể các tù nhân. Cả những người được Alphonse thống kê cũng quay ra dè bỉu chế nhạo ông. Người ta thản nhiên ra mặt xem Alphonse là một kẻ khùng điên tâm thần bất ổn. Phải đến khi những vụ án đầu tiên được phá thành công dựa trên phương pháp xác định nhân thân của Alphonse thì mọi người trong ngành cảnh sát mới bắt đầu đặt lòng tin vào ông.

Alphonse Bertillon bên cạnh chiếc máy ảnh chuyên dụng của cảnh sát.

Một ngày nọ, Sở Cảnh sát Paris tạo ra một chức danh mới: “Trưởng bộ phận xác định danh tính thủ phạm” dành riêng cho Alphonse để ông tiện việc đưa phương pháp của mình vào thực tế. Trong khi mọi người còn đang hào hứng với phát kiến mới này, con mắt của nhà thống kê đã giúp Alphonse sớm nhận ra điểm yếu của nó: Phương pháp của mình tốn quá nhiều thời gian.

Có ý kiến cho rằng, trừ khi người làm việc đo đạc có kinh nghiệm làm thợ may, việc đo đếm đến 15 đặc điểm nhận dạng khác nhau tốn quá nhiều thời gian, chưa kể đến việc chờ đợi cho ảnh chân dung được rửa xong (công nghệ phòng tối vẫn còn rất sơ khai vào thời điểm này.) Alphonse đã tốn rất nhiều thời gian để có thể sửa chữa khuyết điểm nói trên, và sau nhiều năm nghiên cứu, ông đã loại bỏ một số bước trong phương pháp đo đạc của mình, mà thay vào đó là phân tích dấu vân tay và vết máu, hai bộ môn khoa học khi đó còn non trẻ.

Sau khi xây dựng xong nền tảng cho ngành sinh trắc tội phạm học, Alphonse hướng sự chú ý của mình lên việc bảo vệ hiện trường vụ án. Khi đó ngành cảnh sát chưa có khái niệm đầy đủ về việc bảo quản bằng chứng, tang chứng… gây ra khó khăn trong việc điều tra của chính họ. Alphonse có nhiều sáng kiến để thay đổi hiện trạng này. Ông là người đầu tiên nghĩ ra cách dùng chân máy ảnh để chụp ảnh hiện trường vụ án từ trên cao. Những bức ảnh chụp toàn cảnh sẽ được Alphonse chia ra làm từng ô vuông nhỏ vừa giúp các sỹ quan bảo quản hiện trường, vừa cho họ một thước đo để nghiên cứu vụ án.

Alphonse cũng sáng tạo ra phương pháp đổ khuôn cao su nhằm lưu giữ dấu chân trên hiện trường. Vết bàn chân in trên cao su sẽ được so sánh trực tiếp với cơ sở dữ liệu nhân thân của sở cảnh sát. Một phát minh khác của Alphonse là máy đo lực kế. Ban đầu loại máy này được dùng để đo lực quay của các chuyển động quay vòng nhằm tìm hiểu về cách mà kẻ trộm phá khoá, nhưng sau này máy đo lực kế được một loạt các ngành khoa học vật lý và y khoa sử dụng.

Alphonse không để ý nhiều đến việc tên tuổi mình được báo chí Pháp nhắc đến càng ngày thường xuyên. Vào cuối sự nghiệp của mình, ông dành hết công sức cho việc nghiên cứu chữ viết. Ai cũng biết rằng, chữ viết mỗi người là khác nhau, nhưng cho đến thời điểm đó chưa có nhiều nghiên cứu những đặc điểm đặc trưng trong nét chữ. Alphonse trở thành một chuyên gia hàng đầu phương Tây về bộ môn giám định chữ viết, và có những đóng góp đáng kể của riêng mình.

Thế nhưng đóng góp lớn nhất của ông lại đến từ một sai lầm: Trong vụ án Dreyfus từng gây chấn động nước Pháp, Alphonse được gọi ra toà để giám định chữ viết bị đơn. Kết luận sai lầm của ông đã kết tội oan cho một người. Cho đến khi nỗi oan khuất được toà án hoá giải, Alphonse đã tự nguyện từ chức, còn các chuyên gia giám định chữ viết có cơ hội nghiên cứu về hạn chế và giới hạn của chính phương pháp này.

Alphonse sống những năm cuối đời trong sự yên tĩnh. Tuy vậy, công luận Pháp chưa lúc nào quên ông. Alphonse xuất hiện như một nhân vật trong nhiều tác phẩm trinh thám, trong đó có hai truyện ngắn thám tử Sherlock Holmes và một tiểu thuyết về siêu trộm Arsene Lupin. Những bộ phim truyền hình trinh thám đầu tiên cũng nhắc đến tên tuổi ông. Và, những sản phẩm của trí tuệ của Alphonse tiếp tục được cảnh sát sử dụng trong quá trình điều tra và xác định nhân thân. Chắc hẳn di sản của Alphonse Bertillon sẽ còn tồn tại và phát triển khi ngành sinh trắc học tiếp tục  không ngừng đổi mới theo chiều hướng đi lên.

Lê Công Hội (tổng hợp)
.
.
.