Phi công "miệt vườn"

Thứ Hai, 25/07/2016, 12:46
Một thời vùng vẫy trên bầu trời, người phi công anh hùng ấy đã trở thành huyền thoại của Không quân Việt Nam. Nhưng khi trở về mặt đất, ông xuất hiện với chiếc khăn rằn quấn ngang đầu, trong bộ dạng chân đất thứ thiệt của lão nông miệt vườn. 

Cánh tay ông chắc nịch, những thớ gân cuộn thành từng đường săn lại và những ngón tay bẻ cong gấp khúc theo chiều lái máy bay thưở nào. "Nói có sách mách có chứng", ông gồng lên cho chúng tôi xem sức mạnh của cánh tay phi công, cánh tay nông dân nâng cả tạ khoai sắn.

Ông cười rung rinh chòm râu lão nông miệt vườn: "Phải luyện dữ lắm mới giữ được thế này đấy, mỗi buổi sáng tui dậy thật sớm ra vườn tưới cây. Chỗ nào không có nước là phải đi vài trăm mét ra ao xách vào. Cứ làm riết như vậy tự nhiên nó khỏe đâu cần tập thể dục làm gì".

Dù đã 80 tuổi nhưng Anh hùng Nguyễn Văn Bảy vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.

Ở tuổi "bát thập", trí nhớ có phần lãng đãng, đôi tai cũng câu lọt câu ra, nhưng hồi ức về những ngày lái máy bay "cảm tử" trên bầu trời miền Bắc chưa bao giờ ông bỏ sót dù là chuyện nhỏ. Rồi ông bảo, cái duyên nợ đưa ông đến với người lính phi công tình cờ nhưng lại rất tự nhiên.

17 tuổi, ông theo tiếng gọi Tổ quốc lên đường đi đánh giặc. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc. Có đợt tuyển chọn phi công, người ta thấy ông cao to lại có sức khỏe hơn người, thế là cho vào học lái máy bay. Trước khi học làm phi công phải học chữ, mà văn hóa của ông lúc ấy chỉ mới lớp ba, chữ nghĩa vừa đủ đánh vần cái tên trên tờ khai lý lịch.

Ông bắt đầu vào "lò" luyện văn hóa, học liền 7 ngày thì xong chương trình văn hóa, nghe cán bộ thông báo ông đã lên đến lớp 10. Sau đó, ông chuyển qua học những lớp về kỹ thuật lái máy bay. Vốn con nhà nông đích thực lại hay mày mò sửa chữa máy móc nên mấy cái thông số, kỹ thuật hạ cánh, cất cánh, ông rành lắm, chỉ vài lần đã thuộc làu.

Đại tá Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội.

Năm 1965, Nguyễn Văn Bảy là một trong số ít phi công đầu tiên của Việt Nam hoàn thành cơ bản khóa học ở Liên Xô trở về nước chuẩn bị cho cuộc chiến với không lực Hoa Kỳ.

Ông may mắn được gặp Bác Hồ, lời Bác nhắn nhủ lúc nào cũng ghi tạc trong tim người lính phi công: "Những học sinh miền Nam phải ra sức học tập rèn luyện để trở thành những phi công giỏi, chiến đấu giải phóng đất nước và còn chở Bác vào miền Nam thăm đồng bào nữa".

Những ngày đầu bay trên bầu trời quê hương, Nguyễn Văn Bảy đã ý thức được trách nhiệm nặng nề nhưng vô cùng vinh quang đang đặt trên vai phi công. Ông bay mải miết, chiến đấu bằng một tinh thần quả cảm và ý chí sắt thép.

Nguyễn Văn Bảy tham gia 13 trận thì bắn hạ 7 chiếc máy bay của địch. Cả 7 lần lập chiến tích lẫy lừng nhưng chưa một lần nào ông phải nhảy dù hoặc làm một chiếc máy bay nào hư hại.

Ông cho biết: "Chỉ khi nào cấp bách lắm, hết đường xử lý rồi mình mới dùng đến phương án nhảy dù. Việt Nam mình còn nghèo, máy bay đâu có nhiều nên mình phải tận dụng tối đa, trân trọng bảo vệ nó như trái tim, khúc ruột của mình".

Niềm vui của phi công Nguyễn Văn Bảy sau khi hạ cánh về căn cứ an toàn (ảnh tư liệu).

Trong chuyến bay vào ngày 7/10/1965, khi lái máy bay chiến đấu MiG17 trên bầu trời Yên Thế (Bắc Giang), máy bay của ông bị trúng đạn thủng nhiều lỗ ở buồng lái, cánh quạt, có chỗ thủng to bằng cái tô ăn cơm. Với vận tốc 700 - 800km/h trên bầu trời, gió thốc vào chỗ thủng như muốn hất văng phi công ra khỏi buồng lái, gió táp vào mặt chẳng khác nào vòi rồng phun nước, đến thở cũng khó.

Loay hoay mãi trong buồng lái, né tránh đủ kiểu cũng không tài nào tránh được sức gió khủng khiếp dội vào, Nguyễn Văn Bảy lấy bàn tay của mình bịt chỗ thủng, một tay cầm lái. Lúc đầu thì loạng choạng nhưng sau ông giữ được thăng bằng, thấy ổn vậy là lái một mạch về tới địa điểm hạ cánh an toàn.

Thấy ông bước xuống máy bay với nụ cười thật tươi, chuyên gia Liên Xô tiến lại xem và đếm được tổng cộng 82 lỗ thủng. Họ kinh ngạc thốt lên: "Chúng tôi chưa bao giờ thấy một trường hợp nào như thế này. Ở trong hoàn cảnh ấy, người phi công chỉ có cách duy nhất là nhảy dù.

Có lẽ chỉ có phi công Việt Nam mới dám mạo hiểm như vậy". Sau này nói chuyện với đồng đội, ông tâm sự thật lòng là ông không biết đến sự nguy hiểm vào lúc đó, nghĩ tiếc máy bay quá nên đánh liều, không ngờ lại thành công.

Nhưng sự cố trên bầu trời không đáng nhớ bằng những lần "đối đầu" với không quân Mỹ. Ông Bảy giải thích: "Đối đầu ở đây không phải là húc đầu vào nhau hay liều mình đâm vào máy bay địch. Đối đầu là những trận vờn nhau suốt mấy giờ liền trên bầu trời.

Mình hiểu được tâm lý của địch, chúng rất sợ giáp lá cà nên mình cứ cho máy bay "quất tới luôn", nó thấy thế sẽ phải tránh, giữa lúc ấy mình đánh bất ngờ, chúng không thể trở tay kịp".

Với những thành tích lẫy lừng trên bầu trời, năm 1967, Nguyễn Văn Bảy đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và là một trong ba anh hùng đầu tiên của Không quân Việt Nam. Niềm vui như được nhân đôi khi cùng năm này, cậu con trai đầu lòng của ông với người vợ cùng quê ra đời.

Ông đặt tên con là Phi Hùng để ghi nhớ những trận đánh phi thường trên bầu trời. Ngày hòa bình, Nguyễn Văn Bảy trở thành cán bộ nòng cốt của lực lượng Phòng không Không quân Việt Nam.

Trở về đời thường, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy là lão nông thực thụ.

Dưới sự hướng dẫn, đào tạo của ông, nhiều thế hệ phi công đã trưởng thành đóng góp thành tích không nhỏ vào thành tích chung của bộ đội Phòng không Không quân Việt Nam.

Những phi công Hoa Kỳ từng đối đầu với Nguyễn Văn Bảy trên bầu trời đã quay lại Việt Nam tìm gặp "đối thủ" năm nào bắn hạ họ. Trong số những vị khách ở phía bên kia chiến tuyến có Trung tướng Không quân Mỹ GS.Steve Richie, phi công từng lái máy bay F-4 hơn 40 năm trước trên không phận miền Bắc đã tìm về tận Đồng Tháp để gặp phi công Nguyễn Văn Bảy.

Ông Bảy vui vẻ tiếp đón vị tướng Hoa Kỳ bằng một bữa cơm có thịt gà thả vườn, cá dưới ao và rượu tự nấu. Ông Steve Richie vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon và cũng khâm phục luôn cái tài "miệt vườn" của vị anh hùng phi công.

Sang Việt Nam lần này, tướng Steve Richie mang theo người con gái của một người bạn từng là phi công nhưng đã mất tích trong một trận đánh với phi công Việt Nam tại miền Bắc. Sau hơn 40 năm, người con gái ấy luôn trăn trở, khắc khoải về tin tức cha mình.

Cô hi vọng có thể cha vẫn còn sống và thất lạc đâu đó ở đất nước Việt Nam. Sau khi nghe trình bày, ông Bảy hớp ly trà nóng chậm rãi trả lời: "Nếu đúng như mô tả của cô và lời tường thuật của ông Steve Richie thì chính tôi đã bắn cháy chiếc máy bay ấy nhưng tôi không thấy phi công nhảy dù.

Vẫn biết rằng, quá khứ khi được khơi lại sẽ mang đến nỗi đau và sự thất vọng cho đứa con đi tìm cha, nhưng đó là sự thật không thể chối cãi. Người Việt Nam phải chiến đấu để bảo vệ đất nước và người Việt Nam cũng phải chịu những nỗi đau mất mát rất lớn cho cuộc chiến này".

 55 tuổi, Đại tá Nguyễn Văn Bảy xin nghỉ hưu "non". Trả lời cho câu hỏi ấy, ông chỉ nói một điều đơn giản: "Tôi xuất thân từ nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn. Khi đất nước lâm nguy thì mình phải đứng lên.

Tôi đã làm tròn nghĩa vụ của một người lính, sẵn sàng chết vì Tổ quốc. May thay, tôi còn sống là quý lắm rồi. Thôi thì mình rút lui để cho thế hệ kế cận tiếp tục phát huy".

Vừa dứt quân ngũ, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy cùng vợ quay trở về quê mẹ Đồng Tháp dựng lều đào ao, nuôi cá và làm ruộng. Nói rồi ông cười thỏa mãn: "Giờ tao như thế là sướng nhất, lúa gạo tao làm ra để ăn không bán. Gà vịt, khoai sắn cũng thế, không bao giờ phải ra chợ mua.

Lúc nào ghé nhà tao cũng có mồi nhắm rượu. Đêm tao ngủ cũng ngửi thấy mùi lúa, cái mùi suốt 22 năm đánh giặc tao luôn thèm nhớ. Bọn bay xem, có anh hùng nào sướng được như tao không".

Nhìn bóng dáng ông cao vời vợi đổ xuống bóng chiều, dáng đi thanh thản và thỏa mãn với những gì mình đã có cả trong quá khứ lẫn hiện tại, nó toát lên một vẻ đẹp kiêu hãnh không gì sánh được của người anh hùng giữa thời bình.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy tên thật là Nguyễn Văn Hoa, sinh năm 1936 tại Đồng Tháp. Cuộc đời ông gắn liền với con số 7 ly kì. Vì là thứ 7 nên người ta gọi ông là Nguyễn Văn Bảy. 17 tuổi đi làm cách mạng. Học 7 ngày lên 7 lớp. Lái máy bay MiG17 bắn hạ 7 máy bay địch. Năm 1967 được phong anh hùng, con trai đầu lòng sinh năm 1967...

Ngọc Thiện
.
.
.