Phía sau ánh hào quang của một nhà vô địch thế giới về võ thuật

Chủ Nhật, 01/10/2017, 13:26
Rời bục vinh quang, Phạm Thị Phượng trở về với chức phận người phụ nữ của gia đình, mưu sinh bằng đủ thứ nghề. Khác với những gì chúng tôi hình dung trước đó về viễn cảnh cuộc sống của một "nữ hoàng" Vovinam từng giành ngôi vị số một ở hai kì thế vận hội liên tiếp, chị sống vất vả trong một ngôi nhà đơn sơ, bình dị trong con hẻm nhỏ ở quận 8 (TP Hồ Chí Minh)…

Học võ, học cách làm người

Nghề chính của chị khi rời võ đài là thợ may. Có thời điểm chị ra đường bán nước dừa, rảnh nữa thì đi tiếp thị, quảng cáo... Nói chung là việc gì chị cũng làm, miễn sao có tiền trang trải cuộc sống bộn bề lo toan, khi chồng chỉ là lái xe và con còn quá nhỏ.

Nhìn người phụ nữ nhỏ bé, thanh thoát, ít ai ngờ đó là nhà vô địch thế giới môn võ Vovinam. Duyên nợ gắn chị với nghiệp võ rất tình cờ. Phạm Thị Phượng kể, hồi bé chị hay bị mọi người bắt nạt. Về mách mẹ, mẹ không bênh vực còn rầy la: "Con không trêu người ta sao họ ăn hiếp con chứ". Phượng vừa tức vừa buồn vì mẹ không hiểu con, nghĩ chị là một đứa trẻ không ngoan.

Năm 1988, trường cấp hai Phượng đang học đưa môn võ Vovinam vào giảng dạy và xem như là một môn học thể dục. Trường bắt buộc ai cũng phải học nếu không phải có đơn từ phía gia đình. Nghĩ đến những trận đòn bọn trẻ bắt nạt mình, Phượng đăng kí học ngay.

Chị về xin phép gia đình cho theo học nhưng không dám nói là đi học võ mà chỉ nói học thêm. Chị âm thầm học suốt 3 năm và được chọn thi lên đai. Càng học, Phượng càng bị những thế võ, những đường quyền cuốn theo. Chị đam mê lúc nào không biết.

Lần đầu tiên thi đấu, Phạm Thị Phượng giành giải nhất toàn trường và được tặng một chiếc đai vàng hai gạch. Phượng mang phần thưởng về treo lên cột nhà làm kỷ niệm và lấy đó làm động lực cho hành trình theo đuổi nghiệp võ. Một hôm, mẹ thấy trên cột nhà có cái dây bằng dù màu vàng, bà có ý định lấy xuống làm dây mắc võng nhưng các anh trai Phượng ngăn lại và nói cho mẹ biết đó là chứng nhận võ thuật.

Lúc này, gia đình mới biết Phượng đi học võ. Ba kịch liệt phản đối, nhất quyết không đồng ý cho con gái học võ. Mẹ lại nhiệt tình ủng hộ. Bà hiểu rằng, với đứa con gái yếu mềm như thế, tập võ để rèn luyện sức khỏe và có thể phòng vệ cho bản thân những lúc gặp rủi ro, bất trắc trong cuộc sống. Sau cùng, Phượng cũng được sự ưng thuận của mọi người.

Con đường theo đuổi nghiệp võ của Phượng đầy khó khăn, gian khổ. Chị sống trong gia đình nghèo lại đông anh em, ba mẹ đi làm thuê làm mướn khắp nơi nên ngoài giờ học chị phải quần quật làm thêm phụ giúp ba mẹ. Khi thì học may vá, khi lại cùng anh trai bán nước dừa ngoài đường; nhưng dù làm gì đi chăng nữa, Phượng không bao giờ từ bỏ ý định tập võ vào mỗi buổi tối.

Không những thế, chị còn truyền niềm đam mê võ học đến tất cả các anh chị em trong nhà.10 anh chị em trong nhà thì có đến`9 người yêu thích võ. Càng tập, chị càng nhận ra, học võ chính là học cách làm người và yêu thương người hơn.

Ý nghĩ học võ để trả thù ngày xưa chợt tan biến khi Phạm Thị Phượng hiểu được chân lý của võ đạo.Tố chất đầu tiên là người học võ phải biết khiêm nhường, chịu đựng. Khi người ta đánh mình chỉ được đỡ chứ không được đánh lại. Nếu có thể, mình sẽ bỏ chạy vì mình có sức khỏe hơn người bình thường.

Chị kể: "Có lần mấy anh trai trêu tôi, tôi càng bực mình thì lại càng trêu nhiều hơn. Theo phản xạ, tôi vung tay ra phía sau để đỡ nhưng không ngờ trúng ngay lưng anh trai. Anh ấy khụy xuống chao đảo rồi lặng im bỏ đi. Từ đó, mỗi lần có tranh cãi không thể giải quyết được là tôi chỉ khóc". Trong những lần thi đấu cấp trường, cấp quận, Phượng đã làm không ít đối thủ phải chùn bước trước giải đấu. Chị thường được thầy giáo chọn thi đấu với các anh chị lớn hơn mình.

Phượng giải thích: "Trong đấu võ, không có sự phân biệt. Ai có sức khỏe có niềm tin thì vào thi đấu". Kỷ niệm khiến Phạm Thị Phượng nhớ mãi là lần đấu với một bạn nam cùng lớp. Giữa sàn đấu, trước rất nhiều môn sinh, Phượng đã hạ gục người bạn một cách ngoạn mục.

Từ ngày đó, anh bạn đã từ bỏ học võ. Sau nhiều năm gặp lại, anh ta nói với Phượng: "Mình rất thích môn võ nhưng vì Phượng mà mình bỏ cuộc. Chính Phượng đã làm cho mình cảm thấy hổ thẹn với bạn bè, thầy cô. Mình là con trai mà bị đứa con gái hạ gục, ngất xỉu ngay tại chỗ. Mình nghĩ sau này có bước lên đài vinh quang đi chăng nữa cũng vẫn bị trận thua năm đó làm tì vết". Phượng chỉ cười và thấy tiếc cho người bạn. Đó là quy luật của người đấu võ, đã "xung trận" phải chơi hết mình trên tinh thần cống hiến. Nơi ấy, không có chỗ cho sự chùn bước và nể nang.

Phía sau vinh quang

Năm 1992 bắt đầu đánh dấu con đường chinh phục đỉnh cao của Phạm Thị Phượng khi chị giành huy chương đồng giải đấu toàn thành phố. Liên tiếp những năm sau đó, Phượng "ẵm" trọn chiếc huy chương vàng ở môn đối kháng và đi quyền cá nhân. Từ năm 1994 trở đi, hầu như trên đấu trường nào chị cũng giành vị trí số một.

Vợ chồng võ sĩ Phạm Thị Phượng hạnh phúc trong ngày cưới.

Chồng Phượng cũng là một võ sĩ Vovinam có đẳng cấp. Quen nhau 8 năm trên sân tập luyện, cùng trải qua những buồn vui, tủi khổ của nghiệp võ, năm 2003, anh chị quyết định tiến tới hôn nhân. Trước khi lấy chồng, Phượng thường thủ thỉ với ông xã tương lai về niềm đam mê Vovinam của chị. Đến khi kết hôn, chị lại khất nợ với chồng về chuyện có con để tập trung cho nghiệp võ. Là người cùng nghề, chồng chị đã thấu hiểu và chia sẻ cùng vợ.

Nổi tiếng trên đấu trường là thế, tiếng tăm vang khắp thế giới là vậy nhưng cuộc sống gia đình võ sư Phạm Thị Phượng không mấy khá giả như người ta nghĩ. Những khi rời sàn đấu hay cả những lúc vừa bước xuống bục vinh quang cao nhất thế giới, Phượng lại hòa mình vào công việc thường nhật.

Phạm Thị Phượng chia sẻ: "Để dung hòa được giữa tập võ và thợ may là một việc không đơn giản. Giữa nhu và cương là hai trường phái đối lập rõ rệt. Khi tập luyện, tôi trở thành con người mạnh mẽ, kiên quyết, còn khi ngồi may vá tôi lại là người phụ nữ thùy mị, trầm lắng".

Học võ và giỏi võ chỉ là sự yêu thích chứ không thể lấy đó làm cái nghề để nuôi sống gia đình. Thế nên mỗi ngày, trên những cung đường bụi tung mịt mùng, người ta đã quá quen thuộc với hình ảnh của "nữ hoàng Vovinam" cưỡi trên mình chiếc xe gắn máy cà tàng rong ruổi buôn bán.

Đôi tay cứng, chắc của chị thoăn thoắt đẽo, vạc vỏ dừa một cách chuyên nghiệp. Công việc mưu sinh tất bật là thế nhưng mỗi khi sắp tới giải đấu, Phượng lại gác công việc sang một bên để tập trung luyện tập.

Chị từng đặt chân qua nhiều quốc gia trên thế giới để lĩnh hội cũng như thi đấu với các võ sĩ nước ngoài. Một nữ võ sĩ nhỏ thó, chỉ 45kg nhưng có thể tung ra những cú đá xuất thần làm nốc ao đối thủ cao lớn hơn mình. Hầu hết các võ sĩ nước bạn đều biết đến danh tiếng của Phượng nên mỗi khi đi thi đấu, chị luôn là đối tượng để họ quan tâm, để ý.

Chị nhớ, lần cùng đoàn sang Pháp dự giải, trong khi đang đi dạo trong khuôn viên nhà thi đấu thì gặp một võ sĩ người Pháp to cao lực lưỡng. Nhìn thấy Phượng, anh ta liền khoanh tay đứng chặn đầu, ra hiệu thách đấu. Chị ái ngại nhìn vị HLV đi cùng, ông ta mỉm cười nói với chị: "Hãy cho người Pháp kia thấy được khả năng Vovinam của chúng ta đi, nếu em không thể hiện sẽ bị họ coi thường đó".

Những chiếc cúp gắn với vinh quang của võ sư Phạm Thị Phượng.

Phượng lấy bình tĩnh, tung người dùng hai chân kẹp cổ võ sĩ thách đấu rồi thực hiện thao tác bẻ cổ khiến đối phương ngã nhào xuống đất. Anh ta đứng dậy ôm chầm lấy Phượng vỗ mạnh vào vai chị. Từ đó, mỗi khi có dịp sang Việt Nam, võ sĩ này thường tìm gặp chị, nắm chặt tay chị bày tỏ sự cảm phục.

Năm 2011, Phạm Thị Phượng bảo vệ thành công ngôi vô địch thế giới để an tâm quay về làm một người vợ thực sự. Vậy là sau 9 năm lỡ hẹn với chồng, giờ đây chị đang hạnh phúc vì "trả nợ" cho chồng bé trai bụ bẫm. Phượng tâm sự: "Mình còn mê võ lắm nhưng không thể thờ ơ với thiên chức của người vợ, người mẹ được. Ông xã chờ đợi mình như vậy là đủ rồi. Thời con gái xuân sắc mình dấn thân theo nghiệp võ, bây giờ đã đến lúc phải dừng chân".

Ngọc Hoa
.
.
.