Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh sa ngã & phục thiện

Thứ Tư, 20/04/2016, 11:34
Đương chức, gã được mệnh danh là "Công tử Bạc Liêu xứ Nghệ" khi vung tiền không tiếc tay, với việc chỉ quen xài loại tiền có mệnh giá 500.000 đồng. Ít ai biết được rằng, số tiền ấy có được là do chiếm đoạt của các nạn nhân mà gã lừa chạy việc trong thời gian giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh.

Với việc chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của 86 nạn nhân thông qua 116 vụ lừa đảo, gã bị kết án tù chung thân.

Trong chuyến công tác tại Trại giam số 6 (Tổng cục VIII-Bộ Công an), đóng chân tại xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương (Nghệ An) vào giữa tháng 3 vừa qua, tôi tình cờ gặp lại Bùi Xuân Lâm (SN 1979), quê xã Thạch Sơn, huyện Anh Sơn, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An. Cuộc gặp gỡ đầy trớ trêu bởi lúc Lâm còn đương chức, hai cơ quan chúng tôi nằm sát cạnh nhau nên cũng thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc. Dù tôi ít tuổi hơn, và Lâm là Phó Giám đốc nhưng gã rất vui tính, gần gũi với anh em nên ai cũng quý mến, nể trọng. 

Đường sa ngã của Phó Giám đốc TTVH tỉnh

Bẵng đi một thời gian không thấy Lâm tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, hỏi chuyện thì mấy người cơ quan cho biết, gã viết đơn xin nghỉ đi chữa bệnh ở Hà Nội rồi mất dạng. Có nguồn tin Lâm vỡ nợ và đã tự ý bỏ trốn, bỏ việc. Đó là thời điểm đầu năm 2012, khi ấy gã vừa mới chân ướt chân ráo từ Trung tâm văn hóa huyện Anh Sơn về chưa đầy 2 năm. 

Nhiều người biết đến Lâm thậm chí còn quả quyết rằng, với một người luôn vô tư, vui tươi và tài giỏi như anh thì cơ hội thăng tiến đang rộng mở, không dễ gì Lâm đánh đổi đời mình vì những phù hoa trước mắt. 

Bùi Xuân Lâm say sưa trình bày một bài hát do chính mình sáng tác.

Thế nhưng, đời không thể nói hết được chữ ngờ, đến ngày 10-2-2012, tin Bùi Xuân Lâm đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đầu thú và khai nhận hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng chục người với số tiền gần chục tỷ đồng sau nhiều ngày trốn chạy thì mọi chuyện mới vỡ lẽ. Hóa ra, vỏ bọc hào nhoáng, tiêu tiền như nước của Lâm được vẽ ra bấy lâu nay là từ tiền lừa đảo của các nạn nhân mà có, và đó cũng chỉ là một trong những chiêu trò do chính gã nghĩ ra để tiếp tục dấn sâu vào tội lỗi khi đã nhúng chàm.

Kết quả điều tra sau đó của cơ quan Công an càng khiến cho những người biết về Bùi Xuân Lâm không khỏi ngỡ ngàng: Chỉ trong thời gian từ tháng 10-2010 kể từ khi nhậm chức Phó Giám đốc đến tháng 1-2012, Bùi Xuân Lâm đã thực hiện trót lọt 116 vụ lừa đảo, trong đó có 86 nạn nhân trực tiếp, 23 người qua trung gian và 8 đại gia trong lĩnh vực xây dựng bị lừa chạy dự án, công trình với số tiền hơn 9,9 tỷ đồng. 

Với việc phạm tội để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, Bùi Xuân Lâm bị kết án tù chung thân và được chuyển đến thụ án tại Trại giam số 6. Trong môi trường trại giam, điều khiến tôi ngạc nhiên khi gặp lại là Lâm đã hoàn toàn thay đổi, sau khi được cán bộ quản giáo làm công tác tư tưởng, đã yên tâm cải tạo và phát huy sở trường của mình để khuấy động phong trào văn hóa, văn nghệ trong trại giam. 

Nhìn hình ảnh Lâm say sưa thuyết trình sách và cháy hết mình trong ca khúc do chính anh sáng tác với tựa đề "Gửi em trang sách, bài thơ" trong cuộc thi phạm nhân tuyên truyền, giới thiệu và kể chuyện theo sách do Trại giam số 6 tổ chức vào ngày 18-3 vừa qua, chẳng ai dám nghĩ đó là tinh thần của một phạm nhân đang "cõng" trên mình cái án chung thân đời người. Nhưng với Bùi Xuân Lâm là vậy, lúc nào cũng sẵn sàng cháy hết mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường nào.

Phục thiện trong trại giam

Trong cuộc trò chuyện với "cựu" Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Nghệ An sau đó, tôi đã được nghe giãi bày nhiều tâm sự, kể cả con đường dẫn đến sa ngã cũng như nỗ lực phục thiện trong trại giam. Lâm kể, là người hoạt náo, hòa đồng nên quen biết rộng, nhiều người thấy vậy nên đã lân la nhờ vả xin việc vào biên chế tại các cơ quan nhà nước. 

Thời gian đầu, Lâm cũng đã xin việc được cho một số người nên uy tín càng tăng lên và gã càng ngày càng thích thú với "nghề" tay trái của mình. Hằng ngày, Bùi Xuân Lâm tận dụng mối quan hệ công chức của mình, lân la tìm hiểu chỉ tiêu tuyển dụng nhân sự, nhu cầu biên chế của nhiều cơ quan, thậm chí những khi bí thông tin, gã lên mạng Internet để tìm kiếm thông báo tuyển dụng, sau đó "nổ" với người cần việc về những suất biên chế mà chỉ gã mới biết trước được để nhận lời "chạy việc", nhận tiền trước để tiêu xài. 

Để các nạn nhân tin tưởng, Bùi Xuân Lâm hứa sẽ xin việc cho vào các vị trí quan trọng tại các cơ quan, doanh nghiệp ăn nên làm ra. Với một số doanh nghiệp xây dựng, Lâm còn "nổ" có khả năng xin chỉ định dự án thi công, cải tạo các công trình trong tỉnh.

Uy tín và vị thế của Bùi Xuân Lâm được nâng lên một bậc khi được cân nhắc ngồi vào vị trí Phó Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh. Tiếp tục những chiêu lừa cũ, nhưng lần này là những nạn nhân mới, có thế lực kinh tế hơn so với các nạn nhân "ao làng" huyện như trước, do vậy mà "miếng mồi" của gã cũng béo bở hơn. 

Bằng cách rêu rao có quan hệ với nhiều quan chức và bản thân sắp lên giám đốc, Bùi Xuân Lâm đã dễ dàng thò tay móc tiền người khác để thỏa mãn cho thú tiêu tiền như nước và đồng bóng của mình. 

Phạm nhân này chia sẻ thêm, thực ra thì trong thời gian công tác ở huyện, do cuộc sống quá túng bấn, khó khăn nên bản thân đã mở cửa hàng kinh doanh, dịch vụ tại Trung tâm văn hóa huyện Anh Sơn nhưng nhanh chóng thua lỗ và vết trượt bản thân bắt đầu từ đấy. 

Phạm nhân Bùi Xuân Lâm trong một hoạt cảnh tham gia Hội thi "kể chuyện theo sách".

Ban đầu, Lâm cũng chỉ nghĩ đơn giản là giúp đỡ người khác, vừa được mang ơn lại được cảm ơn sau khi thành công nên chẳng mất mát gì. Thế nhưng, công việc ngày càng khó khăn, cộng với nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con nên Lâm đã "nóng tay bắt lỗ tai", lấy tiền của người khác để giải quyết chuyện của bản thân. Cái vòng luẩn quẩn ấy ngày một phình to ra, buộc Lâm phải tìm đối tượng để lừa đảo, kiếm tiền của người mới khắc phục một phần cho người cũ.

Nói về thú tiêu tiền như nước, Bùi Xuân Lâm thừa nhận, đó chỉ là chiêu trò để tự khoe mẽ, đánh bóng bản thân, nâng cao vị thế để tiếp tục lừa thêm được nhiều người khác. 

Cụ thể, trong thời gian này, Lâm chỉ tiêu duy nhất loại tiền có mệnh giá 500.000 đồng, lúc nào cũng một xấp dày để trong túi quần để khoe mẽ. Mỗi lần đi qua ngã ba, ngã tư hay cầu phà, thấy cần phải "giải xui", Lâm dừng xe, rút ra một vài tờ 500.000 đồng vứt lại rồi mới đi. 

Tương tự, Lâm còn có sở thích hầu đồng, bói toán và năng đi lễ chùa. Nhiều người còn kể lại rằng, tiền công đức và những lần đặt lễ giải hạn, Lâm vẫn chỉ bỏ lễ loại tiền có mệnh giá cao nhất. 

Nói về quãng thời gian ăn chơi trác táng của mình, "Công tử Bạc Liêu xứ Nghệ" cho biết, trong gần 2 năm, bản thân đã "nướng" hơn 2 tỷ đồng vào hầu đồng, lễ chùa, giải hạn và rải ở ngã ba, ngã tư đường. Có khoảng 1,5 tỷ đồng dùng vào việc ăn uống, thiết đãi bạn bè và bao chân dài nhằm khuyếch trương thanh thế và đánh bóng tên tuổi.

Chia sẻ nỗi lòng mình, phạm nhân Bùi Xuân Lâm cho biết, thực ra thì mình chỉ tư vấn cho người có nhu cầu tìm việc chứ hoàn toàn không phải để nhằm mục đích lừa đảo, trục lợi. Bởi bản thân là người có tài, có năng lực nên được lãnh đạo cất nhắc lên các vị trí cao, thậm chí Lâm còn cho rằng, nếu không vướng lao lý còn có khả năng trở thành giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An. 

Bản thân là một "thiên tài" âm nhạc, được mời dạy nhạc cho giáo viên tiểu học trên toàn tỉnh nên không dại gì đánh đổi cả cuộc đời mình. Nỗi ám ảnh và cũng là day dứt lớn nhất của Bùi Xuân Lâm là trong thời gian sa ngã ấy, dù có lúc tiền trong người có cả hàng tỷ đồng nhưng Lâm không hề đưa về cho vợ con được một cắc. 

Vợ là giáo viên, hai đứa con nhỏ song kể cả khi Lâm được tâng bốc lên tận 9 tầng mây xanh giàu có, vợ con vẫn không hề hay biết, hằng ngày vẫn phải sống khổ sở từ những đồng lương giáo viên chắt cóp trong ngôi nhà cấp 4 đã xuống cấp do bố mẹ để lại.

Nói về cuộc sống hiện tại khi phải khoác lên mình tấm áo sọc dọc của phạm nhân, Bùi Xuân Lâm cho biết, bản thân không thể thay đổi được số phận nữa, nên luôn tâm niệm phải yên tâm cải tạo tốt để còn mong có ngày được về lại xã hội. Lâm đã tìm thấy niềm vui lớn trong trại giam khi được Ban Giám thị tạo điều kiện cho tham gia đội văn nghệ phạm nhân, được đọc sách báo mỗi ngày. 

Từ ngày có Lâm nhập trại, phong trào văn nghệ của phạm nhân ở Trại giam số 6 có nét tươi mới hơn khi gã thường xuyên sáng tác các ca khúc mới theo chủ đề và với lối diễn xuất sáng tạo, đội văn nghệ của Phân trại số 1 nơi Bùi Xuân Lâm đang thụ án bao giờ cũng giành giải cao tại các cuộc thi. 

Dẫu biết, đường về còn xa ngái, hậu quả mà Bùi Xuân Lâm gây ra vẫn còn dai dẳng ngoài xã hội, song quay đầu lại là bờ, từ trong đất trại, kẻ một thời lầm lỗi ấy đang tự sửa mình để hướng thiện, đó thực sự là nỗ lực đáng được ghi nhận.

Thiên Thảo
.
.
.