Quý nhân sở hữu quý vật

Thứ Sáu, 26/02/2016, 15:27
Mê mải với thú chơi đồ cổ chưa lâu, nhưng anh Vũ Thành Nam đã sở hữu một khối lượng đồ cổ đáng nể. Nhà sưu tập đèn cổ từng lập kỷ lục Guinness, Linh mục Nguyễn Hữu Triết đã phải thốt lên: "Khách tham quan không thể không choáng ngợp trước "rừng" chum chóe đa số là cỡ lớn với những họa tiết, điển tích, đồ án tinh vi đa dạng của Vũ Thành Nam".


Ngoài công việc làm báo, giữ cương vị là Tổng biên tập Báo Người công giáo Việt Nam, anh Nam say mê đồ cổ đến nỗi, anh xem đó là một phần cuộc sống của mình.

Cái duyên của người chơi đồ cổ và câu chuyện "Tước-Lộc-Phong-Hầu"

Mùa xuân Bính Thân này, nhà sưu tập đồ cổ Vũ Thành Nam ra mắt độc giả một cuốn sách do anh dày công chủ biên, sưu tầm, bàn về các cổ vật thuộc dòng gốm sứ Vạn Ninh - dòng gốm sứ nổi tiếng được sản xuất tại vùng đất Quảng Ninh cách đây hàng trăm năm. Cuốn sách công phu được anh Nam ấp ủ nhiều năm, thông qua quá trình sưu tầm, tìm hiểu về cổ vật. Sở dĩ anh Nam chọn mùa xuân năm Khỉ để xuất bản cuốn sách của mình, vì anh rất tự hào về một cổ vật có liên quan đến hình ảnh con Khỉ. 

Đó là chiếc chóe thuộc dòng gốm sứ Vạn Ninh, cao 63cm, có tuổi đời khoảng 100 tuổi. Những người chơi đồ cổ và am hiểu đồ cổ đều hiểu rất rõ, sự hiếm hoi xuất hiện của hình ảnh con khỉ trong các cổ vật. Người ta cho rằng, người chơi cổ vật phải rất may mắn mới có thể có cơ duyên sở hữu được các cổ vật có liên quan đến hình ảnh các con vật như Cóc, Rắn, đặc biệt là Khỉ. 

Ngay từ khi "ngã" vào niềm say sưa cổ vật, nhà báo Vũ Thành Nam đã tìm đọc các sách nghiên cứu về cổ vật. Không những thế, anh còn bỏ thời gian, công sức, thuê thầy về dạy chữ Nho, Hán tự để có thể đọc, hiểu và giải mã các tích, các đồ án trên từng cổ vật. 

Anh Nam kể lại: "Có lần tôi đọc một cuốn sách rất hay về đồ cổ, ở đó, cụ Vương Hồng Sển có nhắc về hình tượng con khỉ. Hầu là khỉ độc và hầu là chức tước. Tích "Tước - Lộc - Phong - Hầu" trong cổ vật gắn với con chim sẻ (tước), con nai (lộc), tổ ong (Phong) và con khỉ (hầu). Điển tích trên cổ vật gắn với những hình ảnh con vật này thể hiện ước vọng của người đàn ông xưa tu chí học hành đỗ đạt thì sẽ được phong hàm phẩm chức tước, hưởng lộc triều đình, sống lâu và có các mối quan hệ bạn bè hữu hảo. Tôi rất ấn tượng về điển tích này, và thầm ước một ngày nào đó mình có được cơ duyên gặp được cổ vật quý liên quan đến điển tích này. 

Thế rồi trong một lần về quê, tôi vu vơ hỏi một người bạn, xem anh ấy có biết ai trong vùng sở hữu đồ vật cũ như bình, chum, chóe mà có hình ảnh con khỉ không. Anh ấy lục trong trí nhớ một hồi rồi bảo, có biết một người có chiếc chóe có hình con khỉ. Tôi vội vã theo bạn đến nhà người đó. Khi nhìn vào chiếc chóe ở nhà anh ta, tôi biết rằng đây là cổ vật thuộc dòng gốm sứ Vạn Ninh, dòng gốm sứ mà tôi cực kỳ yêu thích. Lòng si mê điên cuồng rồ dại với đồ cổ trong tôi đã dâng lên, tôi mừng như nghẹn thở. 

Nhưng từ yêu thích đến sở hữu là cả một cơ duyên. Lỡ đâu người chủ của đồ vật không nhượng lại cho tôi thì sao. Muốn vậy, tôi phải "kiểm tra" trình độ hiểu biết của ông ta về vật quý mà ông ta đang sở hữu. Nhiều năm "chơi" đồ cổ, tôi ngại nhất là gặp những người hiểu biết về cổ vật, thật khó để thuyết phục họ "nhượng" đồ cho mình. 

Nhà sưu tập Vũ Thành Nam bên hai chóe cổ Vạn Ninh do anh sở hữu. 

Tôi mới hỏi người chủ của chiếc chóe quý, những hình ảnh thể hiện trên chóe có ý nghĩa gì vậy. Người chủ chỉ vào hình ảnh chú khỉ đang chọc tổ ong cho hũ mật rơi xuống phía dưới có con nai và con chim tước đang xòe cánh và bảo, điển tích này ý nói một kẻ làm (tức con khỉ) cho hai kẻ lười nhác hưởng (ý nói con khỉ chăm chỉ chọc tổ ong cho con chim tước và con nai hưởng mật ngọt). 

Tôi nghe xong thầm nghĩ, thế là ông ta chả hiểu gì về điển tích sâu xa người xưa gửi gắm trên chiếc chóe này. Ông ta không hiểu giá trị của chiếc chóe, và nhiều khả năng mình sẽ có duyên sở hữu cổ vật này. Đúng như dự đoán, cuộc thương lượng giá cả chiếc chóe khá suôn sẻ. Tôi đã là chủ nhân của chiếc chóe cực kỳ hiếm này. Đối với tôi, đó là một cơ duyên, một niềm may mắn lớn".

Nhà sưu tầm cổ vật Vũ Thành Nam chia sẻ thêm, về mặt tâm linh, anh cảm thấy việc mình được sở hữu chiếc chóe "Tước-Lộc-Phong-Hầu" là một điềm lành. Từ khi có chiếc chóe trong tư gia, công việc của anh cực kỳ suôn sẻ thuận lợi, công danh phất lên như diều gặp gió. Anh liên tiếp được cất nhắc, bổ nhiệm, và trở thành Tổng biên tập khi tuổi đời còn rất trẻ. 

Anh Nam cho rằng, ngoài khả năng về tài chính, niềm đam mê cháy bỏng, thì người chơi đồ cổ rất cần có "cơ duyên". Vì sao mình gặp được món đồ quý này, sở hữu được nó, là cả một cơ duyên, chứ không phải chuyện cứ nhăm nhăm đi tìm là sẽ thấy.

Đại gia đồ cổ mặc quần rách

Năm 2010, nhân đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, nhà sưu tập Vũ Thành Nam đã trưng bày một triển lãm gây ấn tượng mạnh giữa lòng Thủ đô. Đấy là triển lãm mang tên "Rồng trong gốm cổ Việt". Thời điểm đó, anh Nam đã sở hữu hàng nghìn cổ vật quý hiếm. Hiện nay, số lượng cổ vật của anh đã tăng lên rất nhiều. Chơi cổ vật, nghề công phu, tốn kém. 

Anh Nam nói, sở dĩ anh có thể sống chết với niềm đam mê của mình, là bởi anh có "đại gia" chống lưng, chứ nghề báo thì không thể nào cho anh dư dả mà tham gia cuộc chơi tốn kém này. Đại gia của anh là một người phụ nữ. Người đã ở chung nhà với anh mười mấy năm năy, sinh cho anh 2 đứa con một trai một gái đẹp đẽ. Người làm kinh tế giỏi giang, đảm đương mọi chuyện từ tiền nong đến bếp núc, để anh được thỏa chí tang bồng. 

Chiếc chóe Vạn Ninh gắn với điển tích “Tước - Lộc - Phong - Hầu” của nhà sưu tập Vũ Thành Nam.

Chị Hồng Thanh vợ anh Nam là một nghệ nhân may áo dài nổi tiếng của làng Trạch Xá. Hiện chị đang làm chủ một tiệm may áo dài lớn trên phố Huế. Vốn chiều chồng, chị Thanh luôn sẵn sàng "đầu tư' cho niềm đam mê của chồng. Cứ khi anh gặp được món đổ cổ ưa thích, bà xã đều vui vẻ "dốc hầu bao" để anh có thể sở hữu chúng. Để in một cuốn sách về cổ vật vừa rồi, bà xã đã mạnh tay chi cho chồng 200 triệu, vì "thấy anh say sưa quá không nỡ chối từ". 

Nhà báo Vũ Thành Nam chia sẻ rất thật: "Có hôm mình mặc chiếc quần rách, đồ ở nhà thôi, cô con gái lớn trong nhà nhìn bố mới trêu: "Đại gia đồ cổ mà mặc quần rách kìa". Ngẫm lại, quả có đúng thật. Mình lúc nào cũng chỉ quan tâm đến những món đồ quý, lúc nào cũng nhẵn tiền trong túi. Các thú vui khác phải gạt bỏ sang một bên. Chỉ cần nghe nói ở đâu có đồ gì hay, lạ, độc, là hăm hở lên đường. Nhưng mà niềm vui khi được sống chết với niềm đam mê thì không bút nào tả hết được".

Nhà báo Vũ Thành Nam nói, càng chơi cổ vật, anh càng thẩm thấu những giá trị văn hóa tốt đẹp bao đời mà cha ông ta truyền lại. Mỗi đồ vật đều có linh hồn, và ẩn chứa trong đó những bài học cực kỳ sâu sắc về ứng xử cuộc đời. Anh quan niệm, chơi đồ cổ là giữ gìn di sản của cha ông. Anh không cho phép mình thương mại hóa thú đam mê này. 

"Tôi đang có điều kiện thì tôi sưu tập. Chuyện đổi vật nó lấy vật kia trong giới chơi đồ cổ là bình thường. Chuyện mua cái nọ bán cái kia cũng là lẽ đương nhiên, làm sao cho bộ sưu tập của mình hoàn thiện, có ý đồ, ý tưởng rõ ràng. Còn chuyện bán kiếm lời, nhăm nhăm làm sao kiếm tiền thì tôi không bao giờ nghĩ đến. Những món đồ quý hiếm được trả tới tiền tỉ tôi cũng không màng. Tôi luôn tin vào những yếu tố tâm linh, trong thú đam mê đồ cổ. Rằng mình phải kính vật, thì vật mới đến với mình. Rằng quý vật luôn tìm quý nhân để gửi thác. Mình muốn sở hữu các quý vật, hãy hành xử như một quý nhân. Bằng cách trau dồi để trở thành một người hiểu biết, lịch lãm trong văn hóa, không hám chuyện tiền nong. Mỗi cổ vật dường như luôn ẩn giấu trong nó một sức mạnh kỳ bí, và chỉ chọn những chủ nhân hiểu biết, thông tuệ để thuộc về...”

Hội Quân
.
.
.