Thách thức của nữ Giám đốc CIA đầu tiên

Chủ Nhật, 18/03/2018, 16:18
Cùng với quyết định bổ nhiệm Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương (CIA) Mike Pompeo giữ chức Ngoại trưởng thay thế ông Rex Tillerson, Tổng thống Donald Trump đã cất nhắc Phó Giám đốc CIA Gina Haspel nắm quyền lãnh đạo cơ quan tình báo này.

Và đây là nữ Giám đốc CIA đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ. Ngay sau quyết định gây bất ngờ của ông chủ Nhà Trắng, dư luận và giới chuyên môn đã có những nhận xét khác nhau sau khi bà Gina Haspel, người có 32 năm kinh nghiệm và nổi tiếng với tác phong không khoan nhượng trong công việc, được bổ nhiệm làm tân Giám đốc CIA.

Trong mắt giới chuyên môn, bà Gina Haspel là một điệp viên chuyên nghiệp, từng điều hành một nhà tù bí mật của CIA ở Thái Lan, nơi những nghi phạm khủng bố phải trải qua những kĩ thuật thẩm vấn khắc nghiệt, nhưng được Tổng thống ủng hộ.

Ông Rex Tillerson (trái) và ông Mike Pompeo.

Và vì có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở nước ngoài, nên bà Gina Haspel được Tổng thống Donald Trump cử giữ chức Phó Giám đốc CIA hồi tháng 2-2017, nhưng chưa từng được Thượng viện phê chuẩn. Giới chuyên môn cho rằng, một trong những nhiệm vụ được coi là khó khăn nhất của bà Gina Haspel là tìm cách thiết lập mối quan hệ hiệu quả giữa CIA với Tổng thống Donald Trump.

Không ít nhân viên kỳ cựu CIA khuyến cáo, bà Gina Haspel có thể phải đối mặt với những thách thức cơ bản như có tuân theo lệnh của Nhà Trắng, có dám phát biểu trong các cuộc tranh luận do Tổng thống Donald Trump chủ trì.

Ngay sau khi biết tin, 2 Thượng nghị sĩ cấp cao cho biết, người được Tổng thống Donald Trump chọn làm tân Giám đốc CIA sẽ phải giải thích nhiều điều về công tác của bà tại cơ quan này, khi Thượng viện xem xét và phê chuẩn đề cử của ông chủ Nhà Trắng vào tháng 4 tới.

"Họ xứng đáng được giải đáp những thắc mắc trong một phiên điều trần mở", Thượng nghị sĩ Mark Warner, thành viên cao cấp nhất của phe Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện nói với các phóng viên và cho biết ông có nhiều câu hỏi chất vấn bà Gina Haspel. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện tuyên bố, bà Gina Haspel phải giải thích về "bản chất và mức độ" của sự can dự của mình trong chương trình thẩm vấn của CIA.

Bởi theo ông John McCain, việc tra tấn những người bị Mỹ bắt giữ là "một trong những chương đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ" và Thượng viện phải xem xét kỹ sự can dự của bà Gina Haspel trong "chương trình đáng hổ thẹn này".

Theo giới truyền thông, trong thời gian vận động tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần tuyên bố, ông tin vào sự hữu hiệu của các biện pháp tra tấn và sẽ quay trở lại với các biện pháp tra tấn bằng cách trấn nước, một biện pháp tra tấn bị cộng đồng quốc tế cho là dã man.

"Tôi muốn làm tất cả mọi thứ trong phạm vi những điều được phép tiến hành một cách hợp pháp. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng việc tra tấn tuyệt đối hiệu quả", ông Donald Trump tuyên bố.

Hãng Reuters đưa tin, bà Gina Haspel từng điều hành một nhà tù bí mật ở Thái Lan, nơi 2 nghi phạm Al-Qaeda là Zubaydah và Abd al-Rahim al-Nashiri bị giam giữ. Bà Gina Haspel có mặt trong vụ tra tấn 2 nghi phạm khủng bố này và bị coi đã giúp hủy những cuộn băng video ghi lại cảnh thẩm vấn và tra tấn 2 nghi phạm kể trên.

Bà Gina Haspel trở thành nữ Giám đốc CIA đầu tiên.

Cựu Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh đóng cửa các nhà tù bí mật ở nước ngoài từ năm 2009. Chính vì thông tin này nên khi bà Gina Haspel được Tổng thống Donald Trump đề cử làm Phó Giám đốc CIA hồi tháng 2-2017, dư luận đã dậy sóng.

Bởi một đại diện cấp cao của Tổ chức Human Rights Watch là John Sifton đã chỉ trích việc "một nhân vật từng tham gia vào một chương trình phi pháp" nhưng lại được bổ nhiệm làm lãnh đạo CIA. Trong khi đó, nội bộ CIA và nhiều chuyên gia tình báo lâu năm của Mỹ lại ủng hộ việc bổ nhiệm bà Gina Haspel làm Phó Giám đốc CIA.

Nhiều người nói rằng, danh tính của bà Gina Haspel còn gắn liền với một trong những giai đoạn đen tối nhất của CIA bởi người phụ nữ này bị liên kết với các biện pháp tra tấn nhục hình tại nhà tù khét tiếng Abu Graib.

Hãng Reuters từng dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Paul Ryan cho biết, chính quyền của Tổng thống Donald Trump không soạn văn kiện đề nghị xem xét lại việc cho phép CIA quay trở lại chương trình nhà tù bí mật. Những biện pháp này được ban hành dưới thời cựu Tổng thống George Bush, sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2011. 

Tờ Wall Street Journal từng dẫn lời quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Donald Trump đã trao quyền cho CIA tiến hành tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các đối tượng bị tình nghi là phiến quân. Và động thái này là sự thay đổi đáng kể so với chính sách dưới thời chính quyền của ông Barack Obama, vốn giới hạn vai trò bán quân sự của CIA.

Mạnh Phong
.
.
.