Thiên thần ra đi, đôi mắt còn ở lại

Thứ Bảy, 07/07/2018, 07:06
Sáng 2-7, bé gái Nguyễn Vân Nhi, 12 tuổi (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đã vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh Papylome (u nhú dây thanh quản). Biết chắc sẽ có ngày mình không còn ở thế giới này được nữa nên cô bé đã nói với mẹ rằng "Con muốn hiến giác mạc của mình cho người khác mẹ ạ".


Dù rất đau đớn trước sự ra đi của con, nhưng mẹ bé Vân Nhi cùng những người thân trong gia đình cô bé đã lấy hết can đảm để thực hiện tâm nguyện cuối đời của con.

Con nhường đôi mắt mình cho người khác nhé

Theo lời chị Nguyễn Thị Hải Vân, mẹ bé Vân Nhi chia sẻ thì Vân Nhi mắc bệnh u nhú dây thần kinh thanh quản từ khi mới 2 tuổi. "Lúc biết con bị bệnh hiếm gặp, khó có cơ hội chữa khỏi, tôi đã sốc vô cùng. Nhưng tôi luôn nuôi hy vọng vào sự phát triển không ngừng của y học, biết đâu một ngày nào đó không xa, bệnh của con tôi sẽ được chữa khỏi" - chị Vân nhớ lại.

Dù trời nóng hay lạnh cô bé Vân Nhi vẫn luôn phải quấn khăn vào cổ để che vết thủng.

Chính vì hy vọng đó nên gia đình chị đã đưa bé Vân Nhi đến những bệnh viện tốt nhất, nơi có những bác sĩ giỏi nhất để chữa bệnh cho con. Chị bảo, 10 năm qua là 10 năm cả gia đình đã đồng hành cùng Vân Nhi để kéo dài sự sống.

Dù rất đau đớn vì phải chịu đựng biết bao mũi kim tiêm và những lần phẫu thuật nhưng Vân Nhi luôn tỏ ra mạnh mẽ, dũng cảm chống chọi với bệnh tật. Con hiếm khi khóc hay kêu đau đớn. Chị Vân bảo rằng chị cũng không hiểu tại sao mà một đứa trẻ như Vân Nhi lại có sức chịu đựng can trường đến vậy. Nhiều khi thấy mẹ, thấy chị hay bà ngoại khóc, Vân Nhi còn động viên ngược và nói rằng mình rất ổn.

Khi thực sự biết chắc chắn thời gian sống của con không còn nhiều, chị Vân đã luôn dành thời gian để ở cạnh và trò chuyện với Vân Nhi những câu chuyện tốt đẹp của cuộc sống; để em có niềm tin rằng chết chưa phải là đã hết, chết không có nghĩa là không thể làm được điều gì tốt đẹp cho đời.

10 năm chống chọi với bệnh tật, Vân Nhi đã quen với kim tiêm.

Chính những câu chuyện từ người mẹ mình kể đã khơi gợi sự lạc quan và mong muốn được làm việc có ích trong cô bé. Chị Vân nhớ lại: "Có lần, Vân Nhi vô tình xem trên tivi câu chuyện về bé Hải An (7 tuổi) hiến giác mạc sau khi mất, con bé đã rất cảm động. Cháu nói với tôi rằng con cũng muốn làm được như em Hải An. Tôi hỏi lại "Con chắc chắn chứ?" thì con bé đáp "Vâng ạ".

Ngày chị Hải Vân vào gặp mặt con lần cuối, Vân Nhi đã không thể trò chuyện với mẹ như mọi khi. Cô bé nằm trên giường bệnh thanh thản như đang say ngủ. Nhìn con nằm đó, nước mắt chị Hải Vân rơi lã chã. Chị nhẹ nhàng hôn lên má đứa con bé bỏng của mình như mọi lần chị vẫn thường làm vậy.

Chị Hải Vân đau đớn hôn con lần cuối.

"Tôi nắm tay con, ôm con và chúc con ngủ ngon. Tôi bảo, con hiến giác mạc của mình cho những người kém may mắn nhé. Như vậy mẹ sẽ có cơ hội được nhìn thấy con ở một hình hài khác và mẹ sẽ bớt đau hơn" - chị Vân nghẹn ngào kể lại giây phút hôn tạm biệt con lần cuối.

Khi nhận được tin bé Vân Nhi đã qua đời, buổi trưa cùng ngày, lãnh đạo Trung tâm Điều phối và Ghép tạng Quốc gia cùng Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương) đã có mặt tại Bệnh viện Nhi Trung ương để chia buồn cùng gia đình, chia tay thiên thần bé nhỏ và cũng là để thực hiện tâm nguyện của Vân Nhi. Do Vân Nhi chưa đủ tuổi nên theo luật em chỉ có thể hiến giác mạc chứ không được hiến các mô, tạng khác.

Trò chuyện với chúng tôi sau khi đã lo chu tất đám tang cho con gái bé bỏng của mình, chị Hải Vân tâm sự: "Trong thâm tâm, tôi luôn ao ước sau này sẽ được gặp người nhận giác mạc của con gái mình. Nếu người nhận là một đứa trẻ thì tôi rất muốn được nhận đứa bé ấy làm con nuôi.

Nhưng tôi biết như vậy là không được phép, vì theo quy định của pháp luật thì khi hiến tạng, cả người nhận và người cho đều không có quyền biết người kia là ai. Nhưng mà, chỉ cần nghĩ đến việc một bộ phận của con mình vẫn sống là tôi thấy được an ủi nhiều lắm rồi".

Sẽ được thấy con theo một cách khác

Mặc dù mắc trọng bệnh nhưng cô bé Vân Nhi vẫn cố gắng đến trường để được đi học như các bạn. Dù sức khỏe không tốt nhưng cô bé ấy vẫn luôn học hành chăm chỉ và có thành tích tốt. Người thân của Vân Nhi cho biết, do phải mở thanh quản để đặt ống thở từ khi 2 tuổi nên phổi của cô bé cứ yếu dần.

Từ đó đến nay, dù là mùa đông hay mùa hè, cô bé Vân Nhi đều phải quàng một chiếc khăn nhỏ trên cổ để che đi vết thủng. "Mặc dù gia đình đã xác định tâm lý từ trước đó rất lâu nhưng không nghĩ con lại ra đi nhanh như vậy" - chị Vân bật khóc nức nở khi nhắc tới con.

Trước đó, bé Vân Nhi vẫn đến bệnh viện điều trị theo định kỳ sau đó lại về. Thế nhưng chỉ khoảng 2 ngày trước khi mất, Vân Nhi bị khó thở nên gia đình đã đưa bé vào viện cấp cứu, tuy nhiên các bác sĩ kết luận tim bé đã ngừng đập và chết não. Đối mặt với sự đau đớn tột cùng ấy những người thân trong gia đình Vân Nhi vẫn không quên thực hiện di nguyện của em.

Chúng tôi có mặt tại căn nhà nhỏ nơi trước đó Vân Nhi sống cùng gia đình. Mọi thứ vẫn nguyên vẹn như chưa từng có cuộc ra đi của cô bé vậy. Chiếc bàn học vẫn lặng lẽ ở một góc phòng, bên trên là những cuốn sách, vở lớp 6 được xếp ngăn nắp.

Không giấu nổi nước mắt khi chia sẻ về cô cháu ngoại bé bỏng, bà Đặng Thị Chính, 81 tuổi nói: "Tôi có 4 đứa cháu, 2 nội, 2 ngoại, tôi thương và yêu Vân Nhi nhất. Vì từ nhỏ Vân Nhi đã ở với ông bà ngoại rồi. Nói thật, thời gian con bé ở với ông bà có khi còn nhiều hơn thời gian nó ở với bố mẹ. Hằng ngày con bé ăn uống đơn giản lắm, lúc nào cũng chỉ thích ăn cơm chan với nước canh rau muống luộc cùng sấu thôi. Mấy ngày trước khi con bé mất nó vẫn dặn tôi là bà làm món đó cho con ăn nhé. Vậy mà, giờ đây nó đã ở thế giới bên kia rồi. Cảnh đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh còn gì đau đớn hơn".

Bà ngoại Vân Nhi nói nếu có thể sẽ học cháu ngoại mình hiến xác cho y học.

Rồi bà Chính kể bà mới mổ đục thủy tinh thể, bác sĩ dặn phải ít đi lại và để mắt được nghỉ ngơi. Những ngày đó, Vân Nhi chính là đôi mắt của bà ngoại, hễ bà đứng dậy định đi đâu là cô bé lại chạy đến và nói "để cháu dắt bà đi".

Ngày Vân Nhi mất, những người con của bà Chính đã ngăn không cho bà vào bệnh viện vì sợ bà khóc nhiều sẽ ảnh hưởng đến mắt mới mổ. Khi ấy bà đã cáu lên với các con. "Tôi bảo, giá mà mẹ chết thay được cho con bé thì mẹ cũng sẵn sàng làm nói gì đến chuyện ảnh hưởng đến đôi mắt già này. Có chết tôi cũng phải vào nhìn mặt cháu mình lần cuối chứ. Ngày thường bà cháu quấn quýt nhau giờ nó đi rồi tôi phải sống thế nào đây?".

Dù vô cùng đau đớn nhưng bà Chính cũng rất tự hào về người cháu ngoại bé bỏng của mình. Bà tâm sự rằng, Vân Nhi đã làm được một việc mà không phải bất cứ một người bình thường nào cũng làm được. Ngay bản thân bà Chính, khi hay tin cháu có tâm nguyện như vậy bà đã kịch liệt phản đối bởi với một người già như bà thì luôn ăn sâu quan niệm "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay".

Bà lo sang thế giới bên kia, Vân Nhi sẽ không thể làm gì vì không còn đôi mắt dẫn đường chỉ lối. Phải mất rất nhiều thời gian người thân trong gia đình mới thuyết phục được bà chấp nhận tâm nguyện của cháu ngoại.

Và cho đến thời điểm khi bà Chính ngồi tiếp chuyện với chúng tôi thì bà đã thay đổi hoàn toàn quan niệm. Bà bảo: "Sau này tôi chết, nếu được tôi cũng sẽ hiến xác của mình cho y học. Mình chết là hết nhưng lại giúp được nhiều người khác nữa''.

Ngồi cạnh bà ngoại của mình, chị gái Vân Nhi đã khóc rất nhiều khi nghe mọi người nhắc tới đứa em gái bé bỏng. Chị chia sẻ: "Do em bị bệnh từ nhỏ nên lúc nào cũng mơ uớc sau này lớn sẽ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mình và cho cả mọi người.

Những lúc đến viện điều trị em thường xin các bác sĩ xơranh sạch về nhà tập tiêm trên các con thú nhồi bông hay trên tay bố, mẹ, chị. Nhiều lúc mình biết em rất mệt nhưng vẫn cố gắng ăn để lấy sức chống chọi với bệnh tật".

Chỉ vài ngày nữa thôi, giác mạc của Vân Nhi sẽ được tái sinh, cô bé sẽ được nhìn ngắm cuộc đời trong một cuộc sống mới. Đó cũng là điều an ủi rất lớn đối với gia đình cô bé. Bởi họ luôn tin rằng, dù Vân Nhi không còn nữa nhưng cô bé vẫn có thể dõi theo những người thân của mình theo một cách khác.

Phong Anh
.
.
.