Đạo diễn Oliver Lorelle:

Tình yêu là điều đẹp đẽ nhất trên cõi đời này

Thứ Sáu, 14/07/2017, 14:27
"Bầu trời đỏ" (Ciel rouge) là bộ phim Pháp thứ 4 được quay hoàn toàn tại Việt Nam, sau "Người tình", "Điện Biên Phủ", "Đông Dương" - ba bộ phim ra mắt cách đây trên dưới hai chục năm và đã gặt hái được thành công lớn, góp phần vào việc quảng bá, đặc biệt là về du lịch của Việt Nam đến bạn bè năm châu.

Trong buổi chiếu ra mắt "Bầu trời đỏ" tại Việt Nam vừa qua, đạo diễn Oliver Lorelle đã dành thời gian chia sẻ về "đứa con tinh thần" của mình.

Bộ phim "Bầu trời đỏ" được quay vào năm 2015, tại hồ Ba Bể, Bắc Kạn và quanh vùng Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang). Lấy bối cảnh thời kỳ đầu của cuộc chiến Đông Dương, bộ phim kể về anh lính trẻ người Pháp tên là Philippe, nhập ngũ tham gia chiến đấu tại Việt Nam.

Một cú sốc lớn khi anh hiểu mình buộc phải tra tấn một cô gái Việt Minh trẻ tuổi, đấu tranh vì độc lập. Anh quyết định bỏ trốn cùng cô, trong một hành trình vô định giữa rừng nhiệt đới hoang vu, tách biệt khỏi thế giới, khỏi cuộc chiến tranh.

Đạo diễn Olivier Lorelle.

Trái ngược với 3 bộ phim đã nêu trên, ở bộ phim này, vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam được đặt lên hàng đầu, chiến tranh chỉ là bức phông nền để tôn lên câu chuyện tình yêu của hai nhân vật chính.

Bộ phim là câu chuyện tình yêu rất đặc biệt của họ.

- Thưa đạo diễn Oliver Lorelle, tại sao Việt Nam lại là mảnh đất hướng đến trong tác phẩm điện ảnh "Bầu trời đỏ" của ông?

+ Tôi đã nghĩ tôi phải viết một kịch bản nào đó về cuộc chiến tranh Đông Dương khi nghiên cứu tài liệu trong thư viện ở Pháp. Tôi cũng đã tưởng tượng ra khung cảnh của bộ phim ở Philippines, Campuchia… những nơi có thể quay dễ dàng hơn. Và tôi phải cảm ơn một người bạn của tôi, anh ấy đã đưa tôi đến Việt Nam, đến đất nước của các bạn.

Tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới NSƯT Chiều Xuân - người đã biến mong muốn của tôi thành sự thật. Chúng tôi đã cùng cầu nguyện làm sao để có những cảnh quay đẹp nhất có thể. Tôi cũng muốn cảm ơn toàn thể ê-kip của tôi, những người có nhiều nguồn gốc khác nhau, đặc biệt là những người bạn Việt Nam.

Hai nhân vật chính của bộ phim "Bầu trời đỏ".

Tôi nói điều này có thể hơi lớn lao một chút, đó là, tôi hiểu vì sao người Việt Nam lại thắng trong cuộc chiến này. Tất cả mọi thứ mà tôi yêu cầu như dựng một cái lều, làm cái này cái kia thì mọi người làm rất nhanh, trong điều kiện kinh tế khá là eo hẹp. Tất cả mọi thứ đều có thể làm được, xoay xở được.

- Nhân vật cô gái tên Thy trong bộ phim này có được xây dựng dựa trên một nguyên mẫu nào không?

+ Trong những bài nghiên cứu, tôi có tình cờ đọc được một tài liệu tên là "Áo dài của Xuân", kể về một cô gái sinh ra trong một gia đình khá giả ở Hà Nội, học ở trường Pháp, năm cô 16 tuổi đã bỏ tất cả để theo Việt Minh.

Cô cũng như những thanh niên hồi đó, được sinh ra trong một đất nước đô hộ, tuổi còn rất trẻ nhưng khát khao muốn thay đổi. Họ chống nước Pháp với những giá trị mà các bạn đã đọc được trong những câu chuyện của Pháp. Đó là những nhân vật mới 14 - 15 tuổi đã đi theo cách mạng. Vẻ đẹp thật lãng mạn đó trong những bộ phim bây giờ ít thấy.

- Bộ phim của ông lấy bối cảnh là giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh Đông Dương. Tuy nhiên, "Bầu trời đỏ" lại không nói về chiến tranh, mà chủ yếu nói về tình yêu. Vì sao, đạo diễn lại chọn một hướng đi khác biệt như vậy? Xin hỏi, tình yêu mà ông hướng đến là một thứ tình yêu như thế nào?

+ Theo tôi, tình yêu xảy ra khi hai người có thể trao đổi, giao cảm với nhau, thể hiện được sự ngưỡng mộ lẫn nhau; đồng thời có được cái mà người kia không có được. Thí dụ ở bộ phim này, cô gái theo Việt Minh tên Thy (Audrey Giacomini đóng) rất là ngưỡng mộ Philippe (Cyril Descours đóng) khi anh ấy rất tự do và yêu thiên nhiên; còn Philippe khát khao sự mạnh mẽ của Thy.

Trong những bộ phim hiện tại, thường người ta nói về tình yêu nhưng là tình yêu trong cuộc sống thường nhật. Nghĩa là hai người yêu nhau, người kia có phản bội mình hay không, hai người đến với nhau thì sẽ cùng nhau mua nhà như thế nào, nuôi con ra sao, chứ không phải nói về tình yêu trong cuộc chiến.

Tôi cho rằng, trong cuộc chiến, tình yêu không đơn thuần là tình yêu, mà còn lớn hơn nữa. Tình yêu ấy hướng đến việc xây dựng một thế giới mới đẹp hơn, tuyệt vời hơn. Tôi sinh ra ở một thế hệ có những ước mơ lớn như vậy nên rất đồng cảm. Liên hệ tới giai đoạn đầu của cuộc chiến Đông Dương một chút thì những người lính Pháp thời kì đó, thường bị lầm đường lạc lối, họ thậm chí không biết họ làm những gì.

Ở bộ phim này, tôi thích cách 2 người yêu nhau, chỉ biết có nhau trong thế giới này. Tình yêu đó tách biệt hoàn toàn với thế giới, với cuộc chiến tranh ngoài kia.

- Bộ phim của ông đâu chỉ có tình yêu? Tôi cũng như những khán giả có mặt tại buổi công chiếu "Bầu trời đỏ" tại Việt Nam vừa qua đã rất suy nghĩ khi xem đến phân cảnh anh lính trẻ người Pháp tên là Philippe đã quay lại xả súng về phía đồng đội của mình…

+ Ngoài hai yếu tố chiến tranh và tình yêu, cũng có yếu tố về sự phản bội. Sự phản bội của Philippe khi xả súng về phía đồng đội của mình. Kể cả cô Thy, yêu một người bên kia chiến tuyến, suy cho cùng đó cũng là một sự phản bội.

Điều đó như một ẩn dụ cho việc hai người đi sang phía của nhau để nghe xem đối thủ mình như thế nào. Họ tìm hiểu về nhau rõ hơn, để cùng thay đổi, để cùng hướng tới một điều gì đó rộng lớn hơn.

Có người hỏi, cảnh xả súng của Philippe có cần thiết không? Với tôi là cần. Điều tôi muốn là sự thay đổi của cả hai. Lúc đầu, Thy đã bỏ tất cả đi theo Việt Minh. Nhưng rồi, cũng chính Thy đã bỏ tất cả để đi theo tình yêu. Philippe thì lúc đầu có vẻ yếu đuối, sau lại trở nên cứng rắn, mạnh mẽ, giận dữ và bắt đầu giết người.

"Bầu trời đỏ" được quay hoàn toàn tại Việt Nam.

Hai bên đã vượt qua thử thách của nhau. Cuối cùng, ở phần kết bộ phim, các bạn có thể thấy rằng khuôn mặt của hai người đó rất bình yên. Chỉ còn tình yêu giữa hai người đó mà thôi. Chàng trai ấy bắt buộc phải giết người, phải giận dữ, phải điên lên thì mới vượt qua được thử thách đó.

Trong phim, có một lần, Thy có nhắc đến "duyên" khi 2 người gặp gỡ nhau. Tôi tin vào chữ "duyên" đó. Khi hai người gặp nhau, họ đã biết đó là nửa kia của mình. Dần dần, hoàn cảnh giúp họ nhận ra nhau rõ ràng hơn. Tình yêu cũng là quá trình xây dựng, mỗi người bước gần về phía người kia. Điều tuyệt vời nhất là 2 tâm hồn cùng gặp được nhau. Đó là điều đẹp nhất trên thế giới này.

- Ngoài cuộc chiến tranh ngoài kia, theo cảm nhận của tôi, còn một cuộc chiến tranh khác, có khi còn khắc nghiệt hơn, đó là cuộc chiến trong lòng mỗi người. Thy hay Philippe đều phải tự chiến đấu với chính bản thân mình rất dữ dội?

+ Có rất nhiều "cuộc chiến" trong bộ phim này. Trong đó, có cuộc chiến ngay trong bản thân mình. Tôi nghĩ rằng, chỉ khi nào giải quyết được cuộc chiến bên trong mình, mình mới lắng nghe được người khác.

"Bầu trời đỏ" là lời tụng ca về tình yêu.

Và chỉ có khi ấy, ta mới giải quyết được những vấn đề rộng lớn hơn của nhân loại. Khi không còn vướng mắc, khi ta bình an trong lòng thì không còn chiến tranh nữa. Hiện nay, ở Châu Âu nổi lên trào lưu quá yêu đất nước mình.

Quá yêu đất nước mình có thể trở nên nguy hiểm đối với những người khác. Nhân danh tình yêu, họ tấn công người khác. Tôi nghĩ, nếu mình thấy bình an, mình mới có thể yêu thương người khác. Điều này thể hiện ở phần cuối bộ phim, 2 nhân vật chính cố gắng đi tới sự bình yên trong lòng mình.

- Tôi tìm hiểu những thông tin trên mạng thì biết rằng, đạo diễn sinh năm 1963. Khi ông sinh ra và lớn lên, cuộc chiến tranh Đông Dương đã lùi xa rồi. Khi làm bộ phim này, ông có những suy tư như thế nào về cuộc chiến tranh Đông Dương, thưa ông?

+ Đúng là tôi không sống ở thời kỳ đó, không trải qua cuộc chiến đó. Nhưng khi tôi lớn lên, có chứng kiến cảnh những người lính Pháp trẻ tuổi, lầm đường lạc lối, rất yêu đất nước và trở nên điên dại vì tình yêu đó.  Trong các bộ phim Mỹ, tôi không thấy điều này. Tôi muốn làm một bộ phim lấy bối cảnh cuộc chiến tranh ấy, để nói rằng, ngay cả những người ở bên kia chiến tuyến của mình cũng đã có mầm mống của tình yêu rồi.

Sau khi đậu bằng tiến sĩ ngành Triết học, Olivier Lorelle bắt đầu viết kịch và chủ yếu kịch bản điện ảnh. Ông là tác giả của hơn 20 kịch bản phim, thường được đề cử và vinh danh trong các liên hoan phim lớn như Cannes, Venise, Berlin, Locarno...

Đặc biệt, ông đã nhận được giải César cho kịch bản hay nhất với bộ phim "Indigènes" (Kẻ ngoại lai) của đạo diễn Rachid Bouchared năm 2007, và bộ phim này, cũng nhận được giải diễn xuất tại Cannes, và được đề cử giải Oscars cùng năm. Ngoài ra, kịch bản bộ phim "Hors la loi" (Ngoài vòng pháp luật), cũng được ông viết cho đạo diễn Rachid Bouchareb, cũng được đề cử Oscars năm 2010.

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.