Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc:

“Tôi muốn kết nối âm nhạc với những lĩnh vực nghệ thuật khác”

Thứ Ba, 08/09/2020, 18:38
Phan Đỗ Phúc tốt nghiệp tiến sĩ ngành cello tại Mỹ nhưng anh chọn trở về Việt Nam “truyền bá” cây đàn cello đến với khán giả. Anh coi đó là sứ mệnh của mình trên con đường âm nhạc đầy trải nghiệm và ý nghĩa này.

- Tôi rất ấn tượng trước những buổi trò chuyện và chia sẻ về âm nhạc của anh. Vì sao anh trở về Việt Nam và đi sâu vào giáo dục âm nhạc? Anh có thể chia sẻ về con đường của mình?

+ Tôi đến với cây đàn cello rất tự nhiên từ lúc 7 tuổi. Năm lớp 11 tôi được học bổng sang Ý du học. Tôi luôn chú trọng học vấn chứ không chỉ tập trung vào đàn bởi tôi nhìn con đường dài, lúc bé cần phát triển cân bằng, sau này đi vào mũi nhọn. Ngày nhỏ, việc học khá vất vả, nhưng bố là người luôn động viên tôi, ông đưa tôi đi học, ngồi nghe cô giáo dạy và trả bài cùng tôi. Bố tôi làm ở Viện Vật lý, mẹ là kế toán, nhưng bố mẹ tôi rất yêu âm nhạc.

Nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc.

Tôi nhìn lại con đường của mình là cơ duyên và may mắn. Gia đình tôi không khá giả, nếu không có học bổng toàn phần tôi không thể đi du học. Nhưng tôi may mắn, từ 2007, rời Việt Nam lên đường sang Ý, sau đó sang Mỹ học tiếp đại học, hoàn thành chương trình tiến sĩ, đều do nỗ lực và may mắn của mình. Tôi là công dân toàn cầu nên tư duy mang tính toàn cầu chứ không chỉ có âm nhạc.

- Tôi được biết, anh bắt đầu với đàn organ, vậy cơ duyên nào đưa anh đến với cello vốn khá xa lạ ở Việt Nam?

+ Lúc bắt đầu học tôi không chọn, đàn chọn mình chứ mình không chọn. Sau này tự vấn, tôi thấy cello rất đặc biệt, âm vực của cello bao quát một quãng rộng, rất trầm và rất cao, phong phú hơn những nhạc cụ khác. Những người học cello thường thích âm trầm, có độ sâu và dày, tôi gắn bó vì âm sắc của nó rất đặc biệt, chạm ngay đến trái tim khán giả. Nhiều bạn nghe lần đầu đều chia sẻ như thế, âm hưởng tự nhiên của cello có sức mạnh.

Còn người chơi đàn, phải dùng cả cơ thể để chơi, chứ không chỉ các ngón tay. Cảm giác khi chơi cello, cả người mình làm âm nhạc, rất sâu. Cây đàn khuôn hình như một con người, lúc chơi người nghệ sĩ được giải thoát năng lượng trong cơ thể, không chỉ âm thanh mà cả thể chất. Đàn cello quá hiếm ở Việt Nam. Dàn nhạc giao hưởng rất thiếu người, nếu học đàn dây tử tế dễ có nhiều cơ hội công việc tốt.

- Hiện nay ở Việt Nam, phong trào học nhạc cụ cổ điển khá phát triển như piano, violin… Theo anh, với tư cách là một giáo viên, điều gì quan trọng nhất để các em có thể đi đường xa với con đường âm nhạc cổ điển?

Nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc biểu diễn cùng nhóm Tư tấu.

+ Tôi không khuyến khích việc học đàn như một cái máy. Tôi muốn dạy học sinh phải tư duy, chứ không chỉ ngồi cày, phải biết sử dụng đầu óc nhiều hơn một chút. Nếu học nhạc chỉ cày rất nguy hiểm vì số ít cày được, tự tin, vênh vang về cái không phải là giá trị của âm nhạc, còn không cày được lại nản và bỏ. Vì thế tôi kết hợp với nghệ sĩ Trang Trịnh làm những dự án phổ cập giáo dục âm nhạc đến trẻ nhỏ, giúp các em cảm nhận được vẻ đẹp của âm nhạc. Lúc dạy tôi muốn  học sinh hỏi nhiều. Và việc học nhạc với trẻ con, người thầy đóng vai trò rất quan trọng.

Âm nhạc là một môn phái khác biệt. Mỗi học sinh mình phải tiếp cận một cách khác nhau. Có bạn tai nghe tốt nhưng tay không nhanh, có bạn tư duy tốt, nhưng tai nghe lại chậm, mình phải nhận diện học sinh và động viên để bạn tự tin, cố gắng. Các gia đình ở Việt Nam hiện nay cho con theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp thường sẽ ít học văn hóa, nhưng tôi nghĩ không hẳn đó là sự lựa chọn tốt nhất. Ngoại trừ những bạn thần đồng, còn phần lớn nếu bị gò vào kỷ luật đánh đàn sớm, không hẳn các em sẽ có một tuổi thơ hạnh phúc.

- Nếu để làm công việc giảng dạy và biểu diễn, chắc chắn ở nước ngoài anh có nhiều cơ hội hơn. Vậy tại sao anh chọn trở về?

+ Tôi đi du học từ năm 17 tuổi, tôi luôn tự hỏi, mình sẽ làm được gì cho cuộc sống này. Con đường du học vất vả, tôi phải luôn nỗ lực, nhiều bài học, nhiều nỗi đau, sự vấp ngã, nó thấm vào mình thành máu thịt. Chính những trải nghiệm đó giúp tôi lớn lên và thấu hiểu cuộc đời hơn. Tôi hiểu mình đang đi đâu và biết mình phải làm gì rồi mới tập trung vào cây đàn cello.

Nghệ sĩ Phan Đỗ Phúc biểu diễn ở Nhà Thờ Lớn.

Âm nhạc cổ điển ở Việt Nam còn mới, năm 1940 những nghệ sĩ cello đầu tiên mới xuất hiện, còn ở châu Âu đã có từ hàng trăm năm trước. Tôi học nhạc cổ điển phương Tây, học văn hóa của họ và tôi muốn trở về Việt Nam làm việc. Về Việt Nam mang lại cho mình nhiều cơ hội, mình có giá trị hơn cho cộng đồng.

Tôi là người luôn tò mò về cuộc sống, muốn kết nối mọi người bằng âm nhạc nghệ thuật. Tôi càng mở rộng, quỹ khán giả càng lớn và sức lan tỏa sẽ rộng hơn. Nhiều khán giả chưa nghe cello bao giờ, nhưng khi nghe họ lại mê. Mỗi người sinh ra trong cuộc đời đều có một sứ mệnh nào đó. Âm nhạc giúp bạn biết tư duy, yêu cái đẹp, sau này các bạn sẽ có đời sống tinh tế hơn. Giá trị của âm nhạc nằm ở đó.

Nhóm tứ tấu dây Glanz Quartet.

- Vậy những dự định sắp tới của anh tại Việt Nam là gì?

+ Tôi hướng tới một nghệ sĩ đa năng, làm nhiều việc hơn là một nghệ sĩ biểu diễn. Có thể đó là một yếu điểm, vì tôi sẽ không tập trung hoàn toàn vào công việc biểu diễn. Nhưng tôi luôn hạnh phúc trên con đường mình đi, vừa đi vừa khám phá, kết nối âm nhạc với nhiều lĩnh vực khác nhau. Tôi nghĩ, điều quan trọng là chúng ta hiểu được giá trị của âm nhạc, nếu hiểu được sẽ thấy vui. Âm nhạc vừa là nghề, vừa là lẽ sống, rất hiếm nghề mang lại cho tôi tất cả những giá trị đó. Tôi muốn truyền tải cho học sinh hiểu được những giá trị của âm nhạc, nó là tinh túy và phải lao động, nỗ lực và thúc đẩy mình vượt qua giới hạn của bản thân theo chiều hướng tốt.

- Vậy trong quỹ thời gian hạn hẹp của mình, anh dành cho cây đàn cello vào lúc nào?

 + Tôi dành tất cả buổi sáng trong tuần để tập đàn, chiều muộn và tối sẽ đi diễn và dạy. Mình phải nuôi dưỡng tình yêu thì mới truyền được năng lượng cho học sinh. Năm 2020 này, tôi cùng 3 nghệ sĩ Hojin Kim (violin), Nguyễn Mỹ Hương (violin), Patcharaaphan Khumprakob (viola) thành lập nhóm tứ tấu Glanz. Với niềm đam mê chung dành cho âm nhạc cổ điển, nhóm Glanz String Quartet mong muốn đưa nghệ thuật cổ điển gần hơn với công chúng thông qua việc giới thiệu, chia sẻ với cộng đồng những tác phẩm kinh điển của thể loại tứ tấu dây- một hình thức nghệ thuật tương đối ít phổ biến ở Việt Nam. Chúng tôi đã bắt đầu những buổi biểu diễn ở Viện Goethe và Trung tâm Nghệ thuật đương đại VCCA.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc sinh năm 1990, giành được nhiều thành công trên thế giới với tư cách là nghệ sĩ độc tấu, hoà tấu và nhạc công dàn nhạc. Anh từng đảm nhiệm vai trò bè trưởng cello (Principal Cellist) của nhiều dàn nhạc danh tiếng ở Mỹ và quốc tế, bao gồm New York Classical Player Orchestra, Stony Brook Symphony Orchestra, Stony Brook Contemporary Chamber Players, Stony Brook Baroque Players, Napa Valley Festival Orchestra và Pacific Music Festival Orchestra. Năm 2020, sau khi tốt nghiệp xuất sắc Tiến sĩ biểu diễn Cello tại Đại học Stony Brook, New York, anh trở về Việt Nam hoạt động với tư cách bè trưởng cello của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời (the Sun Symphony Orchestra) tại Hà Nội. Anh từng hợp tác biểu diễn cùng nhiều tên tuổi lớn như nghệ sĩ cello Colin Carr, nghệ sĩ violin Eugene Drucker và Philip Setzer, nghệ sĩ viola Larry Dutton của nhóm tứ tấu dây Emerson; anh cũng là một trong những thành viên sáng lập của nhóm tam tấu piano dây Trio de Novo tại New York. Gần đây, anh cùng nhóm hoà tấu đã giành giải nhất cuộc thi Lauren V. Ackerman Chamber Music Competition, New York 2018; và cùng nhóm tứ tấu piano Amici giành giải nhì cuộc thi hoà tấu thính phòng Vietnam International Chamber Music Competition 2019. Với tâm huyết đặc biệt dành cho lĩnh vực giáo dục nghệ thuật, Phan Đỗ Phúc từng tham gia giảng dạy trong Chương trình Âm nhạc thính phòng dành cho người lớn của Đại học Stony Brook - và tại Trường Âm nhạc & Nghệ thuật Herald - nơi anh đồng thời cộng tác với vai trò trợ lý chỉ huy dàn nhạc. Gần đây nhất, học sinh cello và piano của anh đã đạt giải nhất và nhì cuộc thi New York International Young Performing Artists 2019 và đã biểu diễn tại Carnegie Hall, New York.
Lan Tường (thực hiện)
.
.
.