Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Sự kỳ vọng của nhân dân

Thứ Bảy, 02/02/2019, 11:17
Chiều 23-10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ nhậm chức tại Quốc hội, sau khi được bầu làm Chủ tịch nước với 99,79% phiếu bầu, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực kiện toàn bộ máy lãnh đạo của đất nước.


“Vừa mừng vừa lo”

Chia sẻ trước Quốc hội ngay sau lễ tuyên thệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu: "Có người muốn hỏi, muốn biết tâm trạng tôi lúc này như thế nào. Tôi nói thực là vừa mừng vừa lo. Mừng vì được Quốc hội và nhân dân tin cậy yêu mến, lo làm thế nào hoàn thành tốt nhất trọng trách của mình trước đất nước".

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết thời gian vừa qua đất nước đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng cũng đứng trước không ít những khó khăn, thách thức. Do đó, ông cho rằng còn rất nhiều nhiệm vụ nặng nề đang chờ trước mắt. 

“Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín trên trường quốc tế như hiện nay. Ta có quyền tự hào về thành tựu toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã đạt được. Nhưng tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, say sưa với thắng lợi, ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Cần hết sức cảnh giác, trách nhiệm trước diễn biến mới. Bởi trên thế giới hiện nay, không biết điều gì sẽ xảy ra, không chủ quan”, ông nói.

Lựa chọn của lịch sử

Sau sự kiện Ban Chấp hành Trung ương Đảng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước, nhiều chuyên gia, học giả cho rằng đây là cuộc tái hiện lịch sử sau 67 năm. Nhà báo Nhị Lê, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, khẳng định việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước không phải là câu chuyện mới. Tháng 2-1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã bầu Chủ tịch nước Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng. Người làm song trùng hai nhiệm vụ từ 1951 đến khi mất. 

"Trong 18 năm đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước bước qua muôn vàn khó khăn, từ cuộc kháng chiến chống  Pháp đến những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Có thể thấy, hoạt động của Đảng, Nhà nước trong thời gian đó hết sức mạnh mẽ và tốt đẹp", nhà báo Nhị Lê nhìn nhận.

Theo ông Lê Quang Vĩnh, Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nhìn rộng ra toàn thế giới, người đứng đầu đảng cầm quyền luôn là người đứng đầu chính phủ hoặc là nguyên thủ quốc gia hoặc cả hai. "Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước nên hiểu là việc tự nhiên, hợp ý Đảng, lòng dân. Đây là việc tự nhiên trong đời sống chính trị của các nước trên thế giới", ông Vĩnh nói.

Là người từng tham gia 5 khóa của Ban Chấp hành Trung ương, ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cũng đánh giá việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là phương án tốt nhất và hợp lòng dân. "Từ sau khi Bác Hồ mất năm 1969 đến nay, do nhiều yếu tố, điều kiện, chúng ta thôi không thực hiện nữa. Khi có cơ hội, chúng ta thực hiện việc Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước là rất tốt", ông Vũ Mão phân tích.

Trong khi đó, một nhà ngoại giao phương Tây tại Việt Nam đánh giá việc Tổng bí thư được giới thiệu làm Chủ tịch nước là động thái cho thấy sự nhất quán trong chính sách đối ngoại lẫn đối nội của Việt Nam.

Được nhân dân tin tưởng

Bày tỏ nhất trí cao với việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, ông Dương Quang Phái - nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) - nhấn mạnh rằng, đây “là quyết định chính xác, hợp lòng dân”. Bởi, tính đến thời điểm này, Tổng Bí thư là người đủ uy tín, đủ năng lực để giữ chức vụ Chủ tịch nước. 

Theo lý giải của ông Phái, từ khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư, đất nước ta đã có nhiều chuyển biến cả về kinh tế - xã hội và chính trị trong bối cảnh tình hình thế giới có những biến đổi khó lường. Đây là công lao của toàn Đảng, toàn dân, nhưng trong đó có đóng góp rất lớn của người đứng đầu. Đặc biệt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Tổng Bí thư là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã làm được rất nhiều việc, không để các vụ án chìm xuồng, kể cả các vụ án liên quan đến lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước.

Nguyên Vụ trưởng cũng tâm tư rằng, được phân công 2 nhiệm vụ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ vất vả hơn, song ông tin tưởng với sự tín nhiệm của nhân dân, cử tri cả nước, cùng với tâm huyết với Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển hơn nữa.

Trước sự kiện Tổng Bí thư nhậm chức Chủ tịch nước, một người dân là ông Đỗ Văn Ân (ở Thụy Khê, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là người trong sạch, liêm khiết, đủ đức, đủ tài, có uy tín rất lớn trong Đảng, xứng đáng vào vị trí quan trọng, xứng tầm quốc gia và quốc tế. Trong thời gian giữ cương vị người đứng đầu Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã để lại trong lòng người dân hình ảnh rất uy tín, tâm huyết với đất nước, luôn lấy dân làm thước đo, lấy dân làm chuẩn mực, lấy lợi ích và quyền lực của dân làm mục tiêu phấn đấu của hành động. Ông là tấm gương được lòng dân.

Có thể nói, ấn tượng nhất là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay với những kết quả bước đầu đáng ghi nhận. Câu nói của Tổng Bí thư: “Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”, hay “Chống tham nhũng, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, cho thấy quyết tâm phòng chống “giặc nội xâm” và quyết xử lý vấn đề này đến nơi đến chốn. Bằng chứng là trong 2 năm qua nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn lần lượt được phanh phui, đưa ra xét xử đúng người, đúng tội, kể cả cán bộ cấp cao của Đảng mắc sai phạm, được nhân dân đồng tình ủng hộ. 

“Nghị quyết của Trung ương, cùng với thái độ kiên quyết, rõ ràng, dứt khoát của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đưa phong trào đấu tranh phòng, chống tham nhũng sang một trang mới. Do đó củng cố được lòng tin của dân với Đảng”, ông Ân nhấn mạnh.

Lực lượng Công an phải nêu cao ý chí chiến đấu, thường xuyên tự soi, tự sửa

Sáng 3-1-2019, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 74, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước biểu dương và chúc mừng những thành tích đã đạt được trên các mặt công tác của lực lượng Công an trong năm 2018 và nửa đầu nhiệm kỳ qua.

Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, năm 2019 là năm có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Công việc của ngành Công an sẽ nhiều hơn và phức tạp hơn. Rất nhiều nhiệm vụ lớn, khó phải làm và làm tốt hơn nữa đang chờ đợi trước mắt. Vì vậy, không được chủ quan, thoả mãn với chiến công, thành tích; mà phải chủ động hơn nhận diện các nguy cơ, thách thức, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế, tích cực đổi mới, tập trung lãnh đạo, đồng sức, đồng lòng, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, để có thể đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải nêu cao ý chí chiến đấu, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện theo các yêu cầu về tư cách, phẩm chất, xây dựng cho bằng được các mối quan hệ (với tự mình, với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với đối tượng, đối tác và kẻ địch) như 6 điều Bác Hồ đã dạy. Phải coi đây là việc làm thường xuyên, trở thành tiềm thức trong trái tim, khối óc và hành động thực tế trong công tác, chiến đấu hằng ngày của mình, luôn giữ mình trong sạch, vững vàng, không bị sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, "lợi ích nhóm", không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường, không lợi dụng cương vị công tác của mình để làm phương hại đến lợi ích chung, lợi ích chính đáng của Đảng, Nhà nước, nhân dân. Có như thế mới bảo vệ được uy tín, danh dự và phát huy truyền thống anh hùng, cách mạng của lực lượng Công an nhân dân.

Hà Linh
.
.
.