Trở thành tỉ phú sau khi chấp hành án phạt tù

Thứ Ba, 21/04/2015, 16:00
Chỉ vì quá ham muốn được làm giàu nhanh chóng, anh đã bước chân vào con đường tù tội sau khi tham gia vào đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Trở về sau bản án 6 năm tù, bằng tình thương yêu của người vợ hiền và quyết tâm đứng dậy từ nơi vấp ngã, anh đã trở thành ông chủ trang trại thực sự, được tuyên dương là điển hình làm kinh tế giỏi. Hơn thế nữa, anh còn xây dựng được gia đình hạnh phúc, nuôi dạy các con học đại học nên người.

Về xã Khánh Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) chúng tôi được chính quyền địa phương giới thiệu đến thăm gia đình anh Phạm Công Khai (SN 1971), một người đã từng lầm lỡ nhưng biết vượt qua số phận để vươn lên, làm lại cuộc đời. Nhìn ngôi nhà khang trang đầy đủ tiện nghi cùng hệ thống trang trại bề thế tại vùng đất nghèo Khánh Thành, ít ai nghĩ rằng anh đã từng phải vướng vòng lao lý.

Một lần lầm lỡ

Anh Phạm Công Khai sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em, cha mất sớm, một mình mẹ anh tần tảo nuôi mấy anh chị em ăn học. Vì thương mẹ, cũng vì gia đình quá nghèo không đủ điều kiện để học thêm nên anh chỉ học hết lớp 12 rồi ở nhà để làm kinh tế. 

Anh Khai chia sẻ, bản thân lập gia đình khi còn trẻ tuổi nhưng anh luôn nuôi ý chí làm giàu. Nghĩ là làm, anh đã học làm thợ mộc để mở một xưởng mộc nhỏ. Nhưng hoạt động một thời gian ngắn, không mang lại hiệu quả nên anh đã quyết định chuyển nghề sang buôn bán gạo, đưa từ quê lúa Yên Thành đến phân phối tại các huyện miền núi của tỉnh Nghệ An.

Anh Phạm Công Khai bên người mẹ già của mình.

Cũng từ đây cuộc đời anh đã bước sang một trang mới. Vì muốn được làm giàu nhanh chóng và thiếu sự hiểu biết pháp luật nên anh đã sa chân vào con đường tội lỗi, buôn bán trái phép chất ma túy. Chỉ sau 5 tháng dính vào cái chết trắng, đến tháng 7/2000 anh đã bị Công an huyện Diễn Châu bắt tại nhà riêng khi đang tàng trữ trái phép chất ma túy. 

Ngay sau đó, anh bị tòa tuyên án 6 năm tù và được thụ án tại trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An. “Khi bị bắt, tui không còn nghĩ được chi nữa, chỉ biết cuộc đời mình đến đây là hết, đi tù là mất hết tất cả, vô trong trại tui như người mất hồn, không thiết ăn uống chi cả. Nhưng sau đó thì được sự động viên quan tâm của giám thị trại giam nên tui đã tự hứa sẽ quyết tâm hoàn lương, cải tạo tốt để sớm về làm lại cuộc đời”, anh Khai nhớ lại.

Trong thời gian thụ án, vốn là người đa tài lại có tính tự giác, biết phấn đấu và cải tạo tốt nên 4 năm ở trong trại anh đều làm đội trưởng đội phạm nhân. Khi ở nhà anh đã tham gia làm nhiều nghề nên khi vào trại các giám thị giao cho anh làm đội trưởng để giúp đỡ các phạm nhân khác. 

Trong trại giam, anh Phạm Công Khai được Ban giám thị tin tưởng giao nhiệm vụ làm đội trưởng đội thợ mộc, sau khi đào tạo được nhiều phạm nhân có tay nghề cao, anh lại được điều sang làm đội trưởng đội thợ xây, tiếp tục làm đội trưởng đội trồng hoa màu và cuối cùng là đội trưởng đội xay xát. Ở ngành nghề nào anh cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, luôn gương mẫu để anh em phạm nhân học tập và noi theo. 

“Khi được đặc xá không ai muốn tui về, vì mất đi một người đa tài”, anh Khai tếu táo bông đùa. Ngày 2/9/2004 anh được đặc xá, ra tù trước thời hạn để trở về với gia đình và xã hội.

Trở thành ông chủ trang trại

Ra trại, anh Phạm Công Khai vẫn nuôi ý chí làm giàu, nhưng lần này anh đã quyết tâm làm giàu bằng chính sức lao động của mình và tuân thủ đúng pháp luật. Chỉ sau 1 tháng ra trại anh đã lao ngay vào công việc. Vẫn là đi buôn, nhưng lần này anh buôn lợn vào tỉnh Hà Tĩnh. 

Những năm anh đi trại vốn liếng đã không còn, ra tù anh không có nổi một chiếc xe máy, anh phải đi bằng xe đạp chở những con lợn con vào tận Hà Tĩnh, ngày nắng cũng như ngày mưa, anh kiên trì chở cả xe lợn trên 10 con, vừa gò lưng đạp xe vừa rao bán khản cả cổ họng nhưng không vì thế mà anh nản chí hay nề hà. 

May mắn anh buôn bán được, sau đó mới mua một chiếc xe máy đi lại cho đỡ vất vả. Được một thời gian đi mua giống thấy không an toàn và ở nhà có máy xay xát thuận tiện cho việc nuôi lợn nên vợ chồng anh quyết định tự nuôi lợn để nhân giống cung cấp vào Hà Tĩnh.

Nghĩ là làm, vợ chồng vay vốn xây chuồng nuôi lợn, do thiếu kinh nghiệm nên lúc đầu còn gặp nhiều khó khăn. Do chăn nuôi trong vườn nhỏ hẹp, nhưng số lượng lợn lại nhiều, gây ồn ào và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng hàng xóm nên vợ chồng anh quyết định đổi ruộng để làm trang trại. Ý tưởng đó của anh đã được chính quyền xã Khánh Thành ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình.

Chị Phan Thị Hằng, vợ anh Khai bên trang trại của gia đình. 

Có trang trại rộng rãi anh đã nuôi thêm mấy chục con lợn, nuôi thêm gà và kết hợp đào ao thả cá. Với ý tưởng làm giàu bài bản và quy mô, chỉ sau thời gian ngắn vợ chồng anh đã làm chủ trang trại lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tổng thu nhập của gia đình anh Khai sau khi trừ tất cả các chi phí hằng năm mang lại nguồn lợi trên 500 triệu đồng. 

Không những làm tốt công việc kinh doanh của mình, vợ chồng anh còn nhiệt tình giúp đỡ, tư vấn cho nhiều hộ dân đang có ý định làm mô hình kinh doanh giống mình. 

Với những thành tích đó, nhiều lần vợ chồng anh Khai được huyện Yên Thành chọn đi báo cáo điển hình sản xuất nông thôn cấp tỉnh và được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Nông dân sản xuất giỏi tỉnh Nghệ An” giai đoạn 2010 – 2012. Năm 2014 anh được mời đi dự hội thảo những người lầm lỗi trở về quê hương làm kinh tế giỏi.

Có được cơ ngơi và cuộc sống khá giả như ngày hôm nay chị Phan Thị Hằng vợ anh Khai không thể quên được những ngày tháng khổ cực khi anh đang ở trại: “Chồng thì đi tù để lại cho tui mẹ già với 3 đứa con nhỏ dại, túng thiếu đủ điều, không ai dám cho nhà tui vay tiền vì sợ không trả được, nhưng vì các con nên tui vẫn phải cố gắng động viên mẹ, nuốt nước mắt để gánh vác gia đình”, chị Hằng nhớ lại. 

Chồng vướng vòng lao lý mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do chị Hằng gánh vác, bỏ lại 3 đứa con nhỏ cho bà nội, chị lên tận Con Cuông để buôn gạo kiếm sống. Tuy 3 đứa con của anh Khai lúc bấy giờ còn nhỏ nhưng hiểu được nỗi vất vả của mẹ nên đã rất chăm ngoan học giỏi. 

Với nỗ lực vượt qua quá khứ lầm lỗi, hai vợ chồng anh Khai và chị Hằng đã từng bước tạo dựng cho mình cơ ngơi khang trang, bề thế nhất nhì xã Khánh Thành. 

Con gái đầu của anh chị là cháu Phạm Thị Khương (SN 1990), sau khi tốt nghiệp Đại học Khoa Học Huế, nay đã lập gia đình và lập nghiệp tại Đà Nẵng. Hai con trai sinh đôi năm 1992 hiện cũng đang rạng danh trên con đường học vấn. Người anh là Phạm Công Trường, hiện đang học năm thứ 5 Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và em là Phạm Công Sinh, đang du học ở Úc và cả hai anh em đến nay cũng đã lập gia đình. 

“Có lẽ các con là niềm tự hào lớn nhất đối với tui, đứa nào cũng ngoan và học giỏi, các cháu đều thành đạt và đã có gia đình. Cháu Trường sắp có đứa thứ 2, còn cháu Sinh mới cưới vợ, hai vợ chồng đều đang du học ở Úc”, anh Khai tự hào cho biết.

Nói về anh Phạm Công Khai, Thượng tá Tô Văn Thành, cán bộ quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, người thầy một thời của anh Khai trong thời gian thụ án cho biết, anh Khai là người rất đa tài và có ý chí phấn đấu. Bản thân anh đã vượt qua lầm lỗi để vươn lên trong cuộc sống và thường xuyên liên hệ, kết nối với Trại tạm giam để giúp đỡ phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết thêm, anh Phạm Công Khai là điển hình trong tái hòa nhập cộng đồng sau chấp hành án phạt tù trên địa bàn. Chính quyền địa phương luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho những người biết vươn lên sau lầm lỡ như anh Khai, để từ đó xây dựng và nhân rộng thêm nhiều điển hình tiên tiến khác.

Anh Phạm Công Khai bên người mẹ già của mình

Chị Phan Thị Hằng, vợ anh Khai bên trang trại của gia đình

Anh Phạm Công Khai bên người mẹ già của mình

Chị Phan Thị Hằng, vợ anh Khai bên trang trại của gia đình

Quỳnh Hoa
.
.
.