Từ đứa trẻ trâu đến quan lãnh binh Sơn Tây Quách Đình Nhật

Thứ Sáu, 06/11/2020, 08:04
Từ xa xưa, vùng mường Động (Kim Bôi, Hòa Bình) có 3 dòng họ lớn là Đinh, Quách, Bạch chia nhau ăn lang (cai quản), trong đó dòng họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng có uy thế hơn cả.


Chuyện kể rằng, tại mường Nội xã Hạ Bì có một khu ruộng dưới chân núi Khụ (gần suối nước khoáng nóng Kim Bôi) là nơi người mường Nội ra đây uống rượu ăn thề: "Ai theo lang mường Nội thì sống/Ai theo lang mường Động thì chết". Đọc câu thề xong, mỗi người uống cạn bát rượu rồi đập bát vào vách đá. Ngày nay, người dân ở đây vẫn gọi khu ruộng này là "Khu ruộng Đập Bát" là thế.

Trong bốn mường: Bi, Vang, Thàng, Động thì mường Động (Kim Bôi) ít ruộng hơn cả. Vì thế, sở hữu những khu ruộng lớn đối với họ là rất quan trọng. Dòng lang họ Quách Đình ở mường Nội làm chủ khu ruộng lớn gọi là ruộng trăm trâu, nghĩa là hàng trăm con trâu cùng tham gia bừa khu ruộng ấy cùng lúc. Ác thay, nguồn nước tưới tiêu cho khu đồng ấy lại lấy từ một bai nước nằm trên đất Vĩnh Đồng do dòng lang họ Đinh Công mường Động cai quản. Do vậy, giữa họ Đinh Công và họ Quách Đình vừa đấu tranh lại phải vừa hợp tác, mà hợp tác thời ấy thường là giao kết thông gia.

Ông Quách Đình Tâm (trái) và ông Quách Đình Chí hậu duệ đời thứ 5 của cụ Quách Đình Nhật.

Ông Quách Đình Nhật tên chữ là Quách Đình Chính, sinh ra trong một gia đình nhà lang họ Quách Đình ở làng Bờ, mường Nội, Hạ Bì giáp xã Vĩnh Đồng (vào cuối thế kỷ XVIII). Thật bất hạnh, Quách Đình Nhật mồ côi cả cha mẹ từ lúc tuổi còn thơ ấu nên chưa thể làm lang mà phải ở trong gia đình họ hàng chờ lớn. Lợi dụng hoàn cảnh này, các lang dòng họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng nảy âm mưu thủ tiêu Quách Đình Nhật để chiếm dân, chiếm đất mường Nội.

Thế rồi một ngày, họ hẹn nhau tới nhà một Ậu gia bàn kế hoạch thủ tiêu Quách Đình Nhật. Vì chỉ khi rình bắt được Nhật đi chăn trâu sớm thì mưu gian, kế hiểm của họ mới có thể diễn ra dễ dàng. Ậu gia chủ nhà cùng các Ậu gia khác bàn bạc bên cửa voóng. Họ phân công nhau đón lõng Quách Đình Nhật trên đường thả trâu sẽ thủ tiêu…

Thật may cho chú bé Nhật, đứa con gái chủ nhà lại là bạn chăn trâu của Nhật còn ở gian trong nên biết chuyện. Sợ bạn chăn trâu của mình bị thủ tiêu, cô bé khẽ khàng xuống cầu thang lối sau, tháo dõng, dắt trâu ra khỏi nhà. Đến bìa rừng, cô bé cố đợi Quách Đình Nhật và nói cho bạn biết âm mưu thâm độc này. Hai đứa trẻ vào lùm cây đổi quần áo cho nhau, dồn nắm cơm xôi mang theo cho Nhật, rồi cậu bé lập tức trốn khỏi mường Nội, qua dốc Ba Bị, dốc Xống … tìm về hướng miền xuôi…

Bàn bạc, phân công nhau xong, các Ậu gia xuống ngay màn thang đi tìm Nhật để thực hiện âm mưu thâm độc này nhưng không thấy thằng bé đâu. Họ chia nhau vào rừng, nhất là những nơi đám trẻ trâu thường chăn thả, không ai nghĩ thằng bé Nhật trốn về xuôi. Chính thế, mà Quách Đình Nhật đã trốn thoát.

Những phụ nữ người Mường giã gạo.

Sau một ngày hết băng rừng, vượt suối, hễ nghe tiếng người, chú bé Nhật lại nấp vào bụi cây ven đường. Nửa đêm hôm đó, tới một làng Lan Lữ thuộc phủ Mỹ Lương (Mỹ Đức, Chương Mỹ và Lương Sơn) gặp một tư gia có cánh cổng gỗ lớn, mệt quá Nhật nằm tại đó đợi sáng. "Nhà giầu tham việc", có lẽ vậy mà mới sáng tinh mơ, gia nhân mở cổng đi làm đã thấy ngay đứa trẻ trai nằm ở cổng nhà liền báo gia chủ. Biết hoàn cảnh của đứa trẻ miền rừng, gia chủ mang lòng thương nên đã cưu mang. Chỉ mấy ngày tiếp xúc, chủ nhà nhận thấy đứa bé nhanh nhẹn, tháo vát và biết việc nên quyết định giữ Nhật lại nuôi.

Thời gian này đang triều Minh Mệnh. Bên cạnh việc thi tuyển quan văn, nhà vua còn chú ý đến tuyển chọn quan võ. Nơi Nhật tá túc lại là đất vật, đất võ nên gia chủ cho Nhật theo các lò dạy võ. Đủ 18 tuổi, Quách Đình Nhật tham gia thi và trúng tuyển được triều đình cấp mũ áo để vinh quy.

Nghe đồn Quách Đình Nhật trúng tuyển quan võ và sắp vinh quy về Mường Nội, các Ậu gia, những kẻ âm mưu giết cậu bé Nhật ngày nào bán tín, bán nghi. Tuy vậy, họ đã câu kết với nhau tìm cách chống chế nếu Quách Đình Nhật gây chuyện trả thù.

Mặt khác, họ bàn dùng luật nhà lang để khống chế Quách Đình Nhật. Khi Quách Đình Nhật trở lại Mường Nội, các chức sắc trong làng không ơ hờ, nhưng cũng không vồ vập. Được vài ngày, họ lấy cớ Quách Đình Nhật đã lớn nên phải lấy vợ để nối dõi dòng lang. Từ đó họ chọn người nữ gọi là nàng - con nhà lang dòng họ Đinh tên là Đinh Thị Bình để tổ chức đám cưới. Khi Nhật tỏ ý không muốn lấy người họ chọn thì họ họp làng và ra tuyên bố nhốt đôi trai gái này vào một nhà, bao giờ có con mới thả ra…

Trong tâm, không phải Nhật về để làm lang nơi đất Mường này dù đó có là quê hương mình đi nữa. Mục đích của Quách Đình Nhật trở lại Mường Nội tìm người bạn chăn trâu họ Bùi (họ dân), người đã cứu mình thoát chết và trốn thoát để lấy làm vợ.

Trước sự chối từ người con gái nhà lang mà các Ậu gia ép với âm mưu xấu xa, Quách Đình Nhật bị họ nhốt lại và canh gác cẩn mật. Dụ dỗ Nhật không được, họ đã nghĩ ra một mưu kế thâm độc: Nếu Nhật không chấp thuận, không lấy cô nàng họ đã chọn, thì họ sẽ cho phá bai Chiềng ở Vĩnh Đồng (mường Động) triệt nguồn nước cấy hái của mường Nội (vùng Hạ Bì ngày nay)  và như thế dân bản sẽ chết đói hoặc phải bỏ đi nơi khác.

Trước tình thế này, Quách Đình Nhật đã ngậm đắng nuốt cay mà chấp thuận ở với bà Đinh Thị Bình để cứu lấy dân làng và có con trai là Quách Đình Hoạt. Từ đó bai nước thuộc xóm Chiềng được người dân chuyển tên gọi là bai Quan cho đến nay (Bai nước nhờ Quan Quách Đình Nhật mà tồn tại).

Do có thời gian vài năm sống ở mường Nội, với tư cách của mình, Quách Đình Nhật đã gây được uy tín trong anh em, họ hàng và được họ tin tưởng, bảo vệ. Thế rồi đến một ngày, Quách Đình Nhật tuyên bố với các Quan lang, Ậu gia và dân làng là mình đã hoàn thành trách nhiệm, nay giao lại vợ và con trai cho dân làng để về Hòa Lạc. Sự ủng hộ của họ hàng làm cho các lang trong vùng không dám manh động. Khi các nhà lang nói, ai ủng hộ lang Nhật thì hãy đi theo ông ta.

Nhà thơ Lê Va (tholeva@gmail.com).

Do đã bàn nhau trước nên chỉ chờ có vậy, gần một nửa ổ nhà Quách Đình Nhật theo ông ra Hòa Lạc, trong đó có cô bạn chăn trâu năm xưa cùng theo ông về quê mới và rồi họ thành vợ chồng. Trở lại vùng Hòa Lạc (xã Tiến Xuân nay thuộc huyện Thạch Thất, Hà Nội), ông Quách Đình Nhật được bổ làm Quan Lãnh binh Sơn Tây và sau này con trai ông là Quách Đình Ngọc làm Quan Thương tá Sơn Tây. Mỗi khi ông Nhật trở lại thăm quê đều "trống dong cờ mở" và được đón rước long trọng.

Khi mất ông qua đời, thi thể ông được đưa từ Hòa Lạc về Kim Bôi. Thời gian trên đường đi kéo dài nhiều ngày, tối đâu dừng đấy, các nơi đưa thì hài ông qua đều tổ chức làm ma đón, ma đưa nghiêm trang, cho đến khi về đến mường Nội mới chính thức làm ma theo phong tục của quan lang Mường. Phần mộ ông Quách Đình Nhật lúc đầu đặt tại nghĩa địa dòng họ Quách Đình ở quê, sau đó được bí mật đưa lên hang trên núi Đỏ. Sau này, người ta cũng không biết mộ ông ở hang nào trên núi Đỏ. Sinh thời ông Quách Đình Nhật có 4 người vợ, trong đó có ba bà người Mường và một bà người Kinh.

Ngày nay, hậu duệ của ông Quách Đình Nhật tại mường Nội - Kim Bôi và Tiến Xuân - Thạch Thất  - Hà Nội duy trì quan hệ họ tộc thân mật. Hàng năm họ lại tập trung về Hạ Bì, Kim Bôi để giỗ tổ dòng họ Quách Đình.

Lê Va
.
.
.