Từ một cuộc đối thoại thế hệ trong âm nhạc

Thứ Bảy, 09/06/2018, 14:30
Di sản là kết tinh trí tuệ, tài năng của những người tài ở mỗi thế hệ. Các giá trị tạo dựng trong quá khứ được gìn giữ, phát triển nhờ có những tài năng trẻ, những người đủ năng lượng, sức vóc trang trải một cuộc đối thoại giữa thế hệ mình với thế hệ đi trước.


Trong âm nhạc, một trong những người trẻ như thế, tốn nhiều giấy mực của báo chí là Tùng Dương. Với live concert vừa diễn ra tại Hà Nội, một mình làm nên một cuộc trò chuyện âm nhạc với 4 vị nhạc sĩ được xem là những cây đại thụ của nhạc Việt đương đại: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Tùng Dương đã gây một ấn tượng mạnh trong công chúng. Đời sống nghệ thuật luôn cần những cuộc đối thoại như vậy, để những giá trị thực sự, những vẻ đẹp thực sự được tiếp nối, được thắp lửa…

Tham vọng lớn của một "oắt con"

4 “ông lớn”: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến đã từng nghĩ đến 1 live show chung cho bộ tứ. Nhưng nhiều năm trôi qua, một chương trình như vậy vẫn chỉ nằm trong ý nghĩ của họ, chưa có cơ duyên trở thành hiện thực.

Ở tuổi đều đã ngoài 70, họ thậm chí không còn nghĩ về show diễn đó nữa, thì bất thần nó đến. Nói như Tùng Dương, phải ở thời điểm đủ duyên, câu chuyện này mới có thể được diễn ra.

Tự nhận mình chỉ là một “thằng oắt con” trước các “ông lớn” giống như những người bố, người chú rộng lòng mà cũng vô cùng khó tính, Tùng Dương dấn thân cho một cuộc vẫy vùng ít nhiều có tính đánh cược.

Là đánh cược với khán giả, đánh cược với chính bản thân mình về bản lĩnh cũng như chiều sâu văn hóa. Một ca sĩ tuổi đời còn trẻ, hát nhạc của 1 người trong “bộ tứ sông Hồng” thôi cũng đã đủ toát mồ hôi, nói gì đến cả 4 người, mỗi người một màu sắc âm nhạc khác nhau, một cá tính âm nhạc riêng biệt, thậm chí là đối nghịch.

Thuyết phục được một lúc cả 4 “tráng sĩ sông Hồng”, để họ hoan hỉ với cuộc chơi của riêng Tùng Dương, đủ thấy mối thiện cảm lớn mà các vị nhạc sĩ này dành cho anh chàng quái kiệt của sân khấu âm nhạc đương đại.

Sau cái gật đầu của những người lớn đó, mọi áp lực sẽ dồn lên đôi vai của “cậu oắt con” Tùng Dương. Mỗi nhạc sĩ trong bộ tứ, với hơn 70 năm tuổi đời của họ, những trải nghiệm đời sống, những kết tinh văn hóa họ mang tới trong tác phẩm của mình, có lẽ còn hơn cả gánh nặng, là một thách đố âm thầm không thể không làm cho công chúng tò mò, hồi hộp chờ đợi.

Rằng Tùng Dương sẽ loay hoay thế nào trên gia tài đồ sộ đó. Riêng số lượng bài hát của 4 vị nhạc sĩ thôi cũng đã đủ chật ních một cái đầu, để sự chọn lựa hát gì trên sân khấu trong một show diễn chừng hơn 3 tiếng đồng hồ trở nên khó khăn.

Nhưng khó khăn hơn cả là việc Tùng Dương sẽ kể một câu chuyện ra sao trên sân khấu, để vừa hấp dẫn phần nghe, phần nhìn với khán giả, lại vừa “bày biện” được hết tinh thần của 4 nhạc sĩ, những người mà tầm vóc, bề sâu, bề rộng văn hóa của họ không dễ có thể đo đếm được.

Dương nói đúng, nhân vật chính cho show diễn này là 4 tác giả. Nếu có thể, Dương chỉ là nhân vật chính thứ 5 mà thôi. Làm sao để một người trẻ kể chuyện về 4 người lớn, vẽ chân dung họ đủ thuyết phục với công chúng, thông minh nhất mà cũng thăng hoa, đắm say nhất.

Ở đó, cá tính của Tùng Dương phải hòa quyện trong 4 cá tính tác giả, dịu êm có, hào sảng có, tự sự có mà dạt dào nguồn cội linh thiêng có. Tôi muốn gọi cuộc biến hóa này của Tùng Dương là một sự “phân thân hợp nhất”.

Tùng Dương phải làm sao để mọi sự trái ngược phải được trở nên có lý, bằng chính những lựa chọn và xử lý thông minh của mình, để có một show diễn không làm thất vọng những người lớn khó tính “chưa hề bị lẫn” (như cách mà Dương tếu táo khi nói về các nhạc sĩ tuổi ngoài 70 mình rất ngưỡng vọng). Và không làm thất vọng công chúng, những khán giả ái mộ Dương.

Ở tuổi 35, Tùng Dương đã có 10 live show “bỏ túi” - một gia tài không hề nhỏ so với tuổi đời làm nghề của cậu. Live concert “Tùng Dương hát bộ tứ sông Hồng” với hai đêm diễn chật ních khán giả thêm một lần chứng minh Tùng Dương là ngôi sao có thể chuyên chở những lắng dịu và bùng nổ ngoài sức tưởng tượng của công chúng.

Với gia tài đồ sộ về số lượng ca khúc, chất liệu cũng như cá tính âm nhạc của 4 nhạc sĩ lớn, người ta đến xem Tùng Dương thực chất là xem cách một anh nhà giàu sử dụng tài sản mình có như thế nào, văn hóa tiêu dùng tài sản của anh ta ra sao? Tùng Dương tỏ ra thông minh khi thu xếp cách kể chuyện thông qua những chủ đề khác nhau để dẫn dắt khán giả.

Chiếm lĩnh sân khấu và làm chủ cuộc chơi sang trọng của mình, Tùng Dương cùng các khách mời Bằng Kiều, Hà Trần đã đưa khán giả đi xuyên qua những miền đất đẹp đẽ của âm nhạc - những miền đất nói như cách của nhạc sĩ Dương Thụ, là những giấc mơ của đời sống.

Biên độ của giọng hát, của văn hóa chất chứa trong một “cậu oắt con”, thật ngạc nhiên, có thể đưa người xem vượt núi rừng Tây Nguyên, băng qua đại ngàn Yên Tử, trở về khi thì dịu dàng khi thì cuộn xiết với dòng sông Cái chở nặng phù sa trong tâm thức người Việt.

Gánh nặng của cải di sản Tùng Dương mang trên vai, gia tài mà 4 nhạc sĩ trao cho cậu toàn quyền trong show diễn, đã được cậu giải quyết “ngon ơ” bằng bản lĩnh âm nhạc vững vàng, bằng cá tính âm nhạc mạnh mẽ, bằng lao động nghệ thuật nghiêm cẩn. Và bằng một năng lượng nham thạch khổng lồ có khả năng lôi cuốn, thiêu đốt người nghe.

Lựa chọn độc hành trong nghệ thuật

Tùng Dương thuộc thế hệ 8X, một nam ca sĩ có khả năng biến hóa đa dạng trong nhiều loại hình âm nhạc. Một người làm nghệ thuật, chảy đi cùng với thời đại của mình là chuyện hiển nhiên.

Nhưng Dương không chỉ hát ca khúc các nhạc sĩ trẻ cùng thế hệ mình mà luôn luôn muốn ngoái lại phía sau, nhận diện, ghi dấu, trao nhận các giá trị văn hóa được tạo ra từ những người đi trước, tiếp nối và tri ân họ. Một người nghệ sĩ thực sự, theo tôi, là người ý thức được vai trò của mình.

Họ không chỉ sống với hiện tại của riêng mình, mà họ còn mang sứ mệnh giống như một chiếc cầu, nối quá khứ và tương lai. Họ biết rằng, tiếp nhận và phát triển các giá trị đẹp đẽ trong quá khứ chính là mang đến cho hiện tại và tương lai một di sản truyền thống làm giàu có cho văn hóa dân tộc mình. Không hề to tát khi đặt vấn đề như vậy.

Và Tùng Dương cũng không phát ngôn lớn lao về lựa chọn của mình, nhưng thực sự Dương đang làm điều đó. Dám bước chân vào một lựa chọn “hóc hiểm”, một mình độc hành trong không gian âm nhạc rộng lớn, tìm dấu chân của những người đi trước, những người được xem như đại thụ của đời sống âm nhạc, một nghệ sĩ trẻ như Dương không thể thiếu sự tự tin.

Tự tin vào nội lực, bản lĩnh, và nhất là tự tin vào chiều sâu văn hóa mình có, để có thể thẩm thấu một cách đầy đủ nhất những phù sa kết tinh trong sự nghiệp của từng nhạc sĩ lớn. Không có sự tự tin ấy, cuộc vượt vũ môn của Tùng Dương không thể thành công. Dương đã từng tạo lên một cơn sốt trong đời sống nhạc Việt khi cover lại ca khúc “Chiếc khăn Piêu” mấy năm về trước.

Nói như nhạc sĩ Nguyễn Cường, trong con người “cậu oắt con” Tùng Dương chứa đựng một sức mạnh của văn hóa Việt. Dương có khả năng làm sống lại những giá trị cũ, và đó là dấu hiệu của tài năng lớn. Tôi muốn nói lại một ý đã từng viết về Tùng Dương, rằng Dương là một kẻ có thuật giả kim.

Mọi thứ vào tay Dương đều có khả năng chuyển hóa thành vàng. Biến ảo đa dạng, ngùn ngụt ý tưởng và luôn rừng rực cháy là điều mà mọi người đều có thể cảm nhận về Dương. Và show diễn “bộ tứ sông Hồng” vừa rồi thêm một lần một minh chứng cho điều đó.

Nghệ thuật chưa bao giờ là lãnh địa dễ dãi. Nếu chúng ta đang nhìn thấy một sự dễ dãi nào đó trong đời sống nghệ thuật, là bởi có những người nhân danh nghệ thuật để mưu cầu những điều thực dụng khác, và họ đã không tình nguyện lãnh nhận những khắt khe của nghệ thuật.

Tùng Dương thăng hoa trong đêm diễn.

Họ đi kiểu bầy đàn mà sợ con đường độc hành. Nhưng độc hành, nghiệt ngã thay, lại là con đường mà một người làm nghệ thuật thực sự phải lựa chọn. Họ phải đi với toàn bộ sự cô đơn và hoan hỉ của mình. Họ phải đối diện với hoặc là đỉnh cao hoặc là vực thẳm. Không có sự bình bình hay trung dung ru ngủ. Họ phải là một độc bản, dù ở nghĩa nào đi nữa.

Tùng Dương là một độc bản. Với tài năng, gu thẩm mỹ và sự quái kiệt của mình, ngỡ như Tùng Dương đã được “ai đó” trao cho chiếc chìa khóa, để mở chiếc hộp đen chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa kết tinh trong âm nhạc. Đó là may mắn không chỉ cho cá nhân Tùng Dương, mà cho cả đời sống âm nhạc vốn luôn cần sự trao truyền, tiếp biến.

Và tôi chắc một điều rằng, 4 “tráng sĩ sông Hồng”: Dương Thụ, Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến ngồi dưới khán phòng theo dõi những bước chân âm nhạc của Tùng Dương trên sân khấu, trong đêm nhạc tôn vinh các ông vừa rồi, sẽ là những người hạnh phúc hơn ai hết. Bởi họ biết rằng, những giá trị họ tạo ra, sẽ luôn còn trong hôm nay, trong tương lai, nhờ những người trẻ tài năng như Tùng Dương.

Vũ Quỳnh Trang
.
.
.