Vị bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên xứ cờ hoa

Thứ Tư, 21/10/2020, 08:22
"Kẻ điên loạn" hay "Thằng khùng ở Lầu 5 góc" là biệt hiệu mỉa mai được giới truyền thông phương Tây thời hậu chiến đặt cho chính khách diều hâu James Forrestal (1892-1949), người từng được mệnh danh là "cánh tay phải" của Tổng thống Mỹ Harry S.Truman (1884-1972), đã biến thành nạn nhân của những ảo vọng ngông cuồng do chính mình tạo dựng.


Cách đây 7 thập niên, vào ngày 22/5/1949 J.Forrestal đã nhảy từ tầng 16 của một cao ốc xuống đất tự tử khi vừa rời ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa kỳ…

"Chúa ơi, tôi có nghĩa vụ phải loan báo với các ngài trường hợp nghiêm trọng này", Tổng thống H.Truman vừa nói vừa nhìn một lượt các cố vấn thân cận, đang quy tụ tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng trong một phiên họp kín. Đó là buổi sáng ngày 4/3/1949, Tổng thống đang cầm trong tay là đơn xin từ chức của đương kim Bộ trưởng Quốc phòng J.Forrestal.

"Thưa ngài Tổng thống - Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Roscoe H. Hillenkoetter (1897-1982) báo cáo - Không còn nghi ngờ gì nữa, J.Forrestal đã bị nhuốm chứng tâm thần nặng và ông ta đang có ý định tự vẫn, nhằm chạy trốn những kẻ săn đuổi vô hình… Trong nhà ông ta chúng tôi đã tìm thấy rất nhiều thuốc ngủ: trong ngăn kéo bàn làm việc, tại phòng ngủ và ngay cả ở phòng tắm. Tôi có lý do để khẳng định điều J.Forrestal muốn tự tử là có thật!".

Ông J.Forrestal (phải) trong lễ nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của nước Mỹ.

"Cần phải áp dụng các biện pháp cấp bách đối với con người này, để giảm bớt gánh nặng cho chúng ta - Tổng thống H.Truman ra lệnh - Quản thúc bí mật và theo dõi tâm lý chặt chẽ. Việc Bộ trưởng Quốc phòng bất ngờ từ chức phải được giải thích với công luận một cách hợp lý nhất, còn với cá nhân ông ta cần áp dụng theo quy chế "chăm sóc đặc biệt".

Cuộc sống và cái chết của James Forrestal có thể được coi là "bài học chính trị kiểu mẫu" dưới tiêu đề "nạn nhân của chính mình". J.Forrestal là một trong những "cha đẻ" của Chiến tranh Lạnh và điên cuồng chạy đua vũ trang, biến thành một kẻ cuồng tín về những điều bịa đặt hoang đường của "Hiểm họa Nga Xô", rốt cục tự kết liễu đời mình do những điều hoang tưởng đó dằn vặt.

Cuộc đời J.Forrestal là sự nghiệp của một kẻ "lên voi xuống chó". Chỉ trong vòng 2 thập niên, từ một nhân viên môi giới trái phiếu J.Forrestal đã leo lên chức Chủ tịch Ngân hàng Dillon, Read & Co, một trong 7 tổ chức tài chính hàng đầu nước Mỹ, với mức lương thường niên là 180.000 USD - số tiền khủng khiếp khi ấy.

Đến thời điểm Hoa Kỳ tham gia Thế chiến I, J.Forrestal sung vào Hải quân và phục vụ trong lực lượng Hàng không quân sự, rồi giải ngũ với quân hàm trung úy. Trước khi quân Mỹ chính thức can dự vào Thế chiến II, J.Forrestal tái ngũ và được bổ nhiệm làm trợ lý đặc biệt cho Bộ trưởng Bộ Hải quân Frank Knox (1874-1944), chức vụ mà Tổng thổng Mỹ Franklin D.Roosevelt (1882-1945) từng nắm giữ trước khi khởi đầu sự nghiệp chính trị của mình.

Sau cái chết đáng ngờ vì bệnh tim của người đứng đầu Hải quân Mỹ F.Knox dạo cuối tháng 4/1944, chỉ hơn nửa tháng sau đến ngày 19/5 J.Forrestal nghiễm nhiên ngồi vào ghế Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ, trở thành một trong những kẻ cuồng chiến nhất trong guồng máy công nghiệp - quân sự Mỹ.

Trong Thế chiến II, J.Forrestal từng ra ra lệnh cấm phi cơ cường kích trực thuộc Hải quân không được ném bom các cơ sở của Tập đoàn Hóa chất IG Farbenindustrie AG ở Đức, nơi ông ta đang sở hữu số cổ phần trọng yếu.

Đổi lại, J Forrestal rất nhiệt huyết với kế hoạch ném xuống đất Nhật Bản những trái bom nguyên tử đâu tiên mới "ra lò"! J.Forrestal cũng là một trong những kẻ đầu tiên hung hăng phát biểu trên Đài Phát thanh New York, nhằm chống cái gọi là "Đại họa Cộng sản Quốc tế". "J.Forrestal tự tổ chức và chỉ đạo cuộc chiến của cá nhân mình chống lại Chủ nghĩa Cộng sản - Giáo sư Tiến sĩ Alexandr Rogow, nhà sử học gạo cội của Đại học Stanford ở tiểu bang California cho biết - Ngay từ lâu trước khi cuộc Chiến tranh Lạnh nổ ra, J.Forrestal từng nói với một chiến hữu thân cận: "Chỉ có tôi, anh và Walter Bedell Smith (1895-1961) cựu Đại sứ Mỹ ở Liên Xô là những người duy nhất thấy được bọn Đỏ hiển hiện trước mắt".

Trong năm 1946, chính J.Forrestal đã thành công trong việc thuyết phục Tổng thống H.Truman cử các chiến hạm tới vùng Địa Trung Hải, nhằm ngăn chặn các phong trào tiến bộ ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Qua sự kiện này, J.Forrestal trở thành đồng tác giả của "Học thuyết Truman", chính thức được công bó vào năm 1948, qua đó người Mỹ muốn thể hiện vai trò "sen đầm quốc tế" của mình.

"Sự báo thù của J.Forrestal đối với đường lối chính trị ôn hòa của cựu Tổng thống F.Roosevelt" - báo giới Mỹ từng viết như vậy khi hay tin J. Forrestal chính là tác giả của việc thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), ra mắt cùng với việc xuất hiện cơ quan Lầu Năm góc cùng một thời điểm là ngày 18/9/1947. Cơ cấu của NSC gồm Tổng thống, Phó tổng thống, các Bộ trưởng Quốc phòng, Ngoại giao và Tài chính, cũng như viên tướng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) và Giám đốc CIA.

Trong những năm đầu tiên trên cương vị "siêu Bộ trưởng" mới, J.Forrestal đã ra sắc lệnh "thanh lọc những hoạt động chống Mỹ", trong đó 2,5 triệu người đã bị kiểm tra và không ít kẻ đã bị sa thải cả trong lực lượng vũ trang cũng như trong các tổ chức chính thức của nhà nước. "Điều tệ hại nhất lại xảy ra chính ở quê hương chúng ta, nơi những kẻ thân Nga Xô luôn rắp tâm ngóc đầu dậy đe dọa sự ổn định của Thế giới tự do"(!), đó là những lời "phàn nàn" mà J.Forrestal nói ở Tây Berlin dạo đầu năm 1948, với viên Tướng Mỹ 4 sao Lucius Clay (1898-1978) Tư lệnh Lực lượng Đồng minh đồn trú tại Tây Đức, hòng biến thành phố này thành một "tiền đồn quân sự", hay một "trái bom nguyên tử ít tốn kém nhất" nhằm răn đe Khối Xô Viết.

Cũng vào mùa thu năm 1948 loang đi tin đồn, rằng nhân vật đầy thế lực ở Lầu Năm góc mắc chứng hoang tưởng, luôn nghi ngờ có kẻ đang theo dõi mình. "Chúng luôn rình rập tôi", J.Forrestal nói với đám bạn bè gần gũi, đồng thời giải thích "chúng" là ai: "Đó là tụi Nga, bọn Cộng sản, lũ Công đảng…". Người ta cũng đồn rằng cứ sau mỗi hồi chuông cửa là J.Forrestal lại nhảy dựng lên, chạy quanh khắp nhà… Còn những lúc đi ngủ không bao giờ y cởi giày và tất để… "sẵn sàng chạy trốn"(!).

Kết cục là nhân vật đầy quyền lực trong cỗ máy chiến tranh Hoa Kỳ, vừa đi một mình vừa hét giữa màn đêm thanh vắng ở thủ đô Washingto D.C: "Tụi Nga Đỏ đến đấy! Tụi Nga Đỏ đến đấy!". Còn trong lúc ở nhiệm sở tại Ngũ Giác đài, J.Forrestal cứ quanh quẩn suốt ngày bên "đường dây điện thoại nóng", thấp thỏm chờ đợi "loạt tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân đầu tiên" từ đối phương đang nhắm tới...

Về phần Tổng thống H.Truman, ông cứ do dự và lần lữa mãi trong việc sa thải "kẻ khùng" J.Forrestal, một trong những nhân vật chống Cộng cuồng nhiệt nhất trong nội các. Và điều đã đến phải đến, khi J.Forrestal cương quyết phản đối Tổng thống bổ nhiệm Tướng Dwight D.Eisenhower (1890-1969), người sau này là Tổng thống kế nhiệm H.Truman vào chức Chủ tịch JCS.

Không đạt được mục đích, J.Forrestal liền đâm đơn từ chức và Tổng thống H.Truman có "nguyên cớ" để loại bỏ J.Forrestal với "sự nuối tiếc sau sắc nhất"(!). Rồi Hội đồng Quốc phòng nhóm họp hôm 29/3/1949, Tổng thống H.Truman long trọng gắn cho J.Forrestal tấm Huân chương Dịch vụ xuất sắc của Quân đội Hoa Kỳ (DSM), phần thưởng cao quý nhất của quân lực Mỹ.

4 ngày sau, nhân vật diều hâu số 1 của cuộc Chiến tranh Lạnh bị bí mật tống vào Khoa Tâm thần, trực thuộc Trung tâm Y tế Hải quân Quốc gia (NNMC) ở tiểu bang Maryland. Đúng 2 ngày sau tại Washington D.C, không xa nơi J.Forrestal bị quản thúc, Hiệp ước về việc thành lập Liên minh phòng thủ Bắc Đại Tây Dương (NATO) được Lưỡng viện Quốc hội Mỹ phê chuẩn, mà một trong những "tác giả then chốt" lại chính là J.Forrestal. Các bác sĩ quân y chẩn đoán viên sếp sừng sỏ một thời bị chứng tâm thần phân liệt, một dạng "tâm thần cổ điển".

Theo nghiêm lệnh từ Nhà Trắng, tầng thứ 16 của NNMC nơi điều trị cho J.Forrestal phải được canh phòng cẩn mật, cách biệt với thế giới bên ngoài, luôn có một y sĩ Hải quân đáng tin cậy túc trực. Nhưng vào buổi sáng ngày 22/5/1949 "định mệnh" ấy, khi người y sĩ trực nhật đang quét dọn căn phòng của "ông chủ", bất ngờ J.Forrestal lao qua ngách đối diện với gian bếp, rồi luồn qua cửa sổ phía sau không có chấn song và… lao xuống đường.

Còn với công luận, người ta thông báo một cách chính thức là nguyên Bộ trưởng Quốc phòng James Forrestal, 57 tuổi, đã từ trần do "kiệt sức vì làm việc quá tải", dạng bệnh phổ biến với những quân nhân trong thời gian dài không được nghỉ phép…

Kim Dung (tổng hơp)
.
.
.