Vị thám tử vĩ đại của xứ sở Kangaroo

Thứ Bảy, 21/11/2020, 07:20
Mới thoạt nhìn qua Ronald William Iddles, không ai nghĩ rằng, ông lại được mệnh danh là “thám tử vĩ đại nhất Australia”. Trong sự nghiệp kéo dài 43 năm của mình, Ron (cái cách mà đồng nghiệp thân mật  gọi ông) là thám tử thành công nhất trong lịch sử ngành cảnh sát đất nước kangaroo.


Làm phép thống kê, người ta đã có được con số  thú vị sau đây: 99% vụ án, thậm chỉ cả những tội ác đã từng diễn ra trong nhiều thập niên trước, một khi đã qua tay Ron, cuối cùng đều tìm được thủ phạm. Và ngay cả khi đã nghỉ hưu, Ron vẫn tiếp tục cống hiến cho nền an ninh Australia theo những cách khác của riêng bản thân.

Ron Iddles sinh năm 1955 tại bang Victoria trong một gia đình nông dân chuyên nuôi bò sữa. Thời trẻ thơ, điều mà cậu bé Ron thích nhất là một series phim truyền hình trinh thám mang tên “Homicide”. Chính vì hâm mộ những nhân vật trong phim mà Ron mới mơ ước trở thành thám tử. Sau khi tốt nghiệp đại học, Ron gia nhập sở cảnh sát Victoria, năm 1972. 

Tại đó, ông giữ nhiều vị trí khác nhau được tám năm trước khi nhận được vụ án đầu tiên dưới cương vị thám tử. Trong khi truy đuổi ba tên giết người, một kẻ trong số đó vật lộn với ông. Cả hai người rơi từ trên thành một cây cầu vượt xuống con đường bên dưới. 

Tuy bị gãy xương và chảy máu trong nhưng Ron vẫn tìm được cách chế ngự ba tên giết người. Đây là chiến công đầu tiên trong một loạt chuỗi các chiến công kéo dài cả sự nghiệp của Ron.

Trên tay Ron Iddles không lúc nào không có hồ sơ một vụ án đang điều tra.

Ngay từ những ngày đầu, Ron Iddles đã tự đưa ra cho mình một số quy tắc điều tra gọi chung là “Nguyên tắc ABC”. Theo lời của ông, thì: “Nguyên tắc ABC gồm có A -  Assume nothing - không đưa ra bất kỳ giả định nào. Còn B - Believe nothing - không tin vào bất kỳ điều gì. Và cuối cùng C - Check everthing - kiểm tra tất cả mọi thứ. Thông thường, những người cảnh sát rất dễ để mình bị các định kiến và giả định kéo lệch hướng trong quá trình điều tra. Quy tắc ABC là cái cách để tôi không mắc phải việc đó!”

Sau khi giải quyết thành công một số vụ án nghiêm trọng, Ron Iddles được sở cảnh sát Victoria điều sang công tác tạm thời tại Cục Tội phạm quốc gia, đơn vị điều tra liên bang của Australia. Ông công tác tại đó cho đến năm 1989, vì lý do sức khoẻ nên xin nghỉ việc trở thành lái xe tải đường dài và thợ xây. 

Tuy vậy, không lâu sau, vì quá nhớ nghề Ron đã trở lại làm cảnh sát. Ông được bổ nhiệm vào đơn vị điều tra ngộ sát chuyên giải quyết nhưng vụán phức tạp nhất. Năm 2012, Ron trở thành trưởng phòng một bộ phận mới trong sở cảnh sát Victoria. Nhiệm vụ của bộ phận này là lật lại hồ sơ những vụ trọng án tồn đọng lâu năm rồi sử dụng các kỹ năng, công nghệ điều tra hiện đại để phá án.

Thành công nối tiếp thành công, và danh tiếng Ron bắt đầu lan ra cả nước. Ông trở thành viên thám tử mà bất kỳ toà soạn hay đài truyền hình nào cũng đều rất muốn tìm đến để xin ý kiến. Vị trí “bộ mặt của cảnh sát Australia” tuy vậy có phần khiến công việc của Ron trở nên rắc rối hơn, nên sau hai năm rất thành công tại cương vị mới, Ron rời khỏi vị trí này. 

Theo lời Ron ông muốn có thể “toàn tâm toàn ý” làm công việc Tổng Thư ký Công đoàn Cảnh sát Australia. Năm 2016 Ron Iddles chính thức nghỉ hưu, tuy vậy, ông vẫn đảm nhận một số vị trí không chính thức khác làm cầu nối giữa cảnh sát và cộng đồng. Trong khoảng thời gian này, Ron cùng với nhà văn Justine Ford xuất bản một cuốn sách tự truyện về mình. Tác phẩm này sau đó được chuyển thể thành một series phim tài liệu và chương trình phát thanh. Ron tham gia dẫn chương trình phát thanh này.

Trong khi còn công tác tại sở cảnh sát, Ron được mọi người biết đến vì sự tận tâm. Không thám tử nào ở Australia lại làm việc chăm chỉ và tận tình hơn ông. Có những khoảng thời gian dài mấy ngày cả đồng nghiệp lẫn người nhà đều không thấy mặt Ron. 

Hoá ra ông dành thời hết thời gian của mình vùi đầu trong những tập hồ sơ và báo cáo trong phòng lưu trữ của sở cảnh sát để truy tìm một đầu mối cho vụ án. Còn việc thẩm vấn thì không cần nói nhiều. Bất kỳ tên tội phạm nào cũng sợ  Ron vì ông sẵn sàng đi đến tận cùng để lấy được lời khai. Nhờ nguyên tắc ABC và sự “cứng đầu” của mình mà trong số 320 vụ giết người được Ron đảm nhận trong sự nghiệp, số vụ án ông không thể phá được chỉ đếm trên một bàn tay.

Danh tiếng của Ron Iddles cũng một phần nhờ chương trình phát thanh mà ông dẫn.

Một điểm khác khiến Ron gặt hái được nhiều thành công như vậy là tinh thần luôn đổi mới. Ông là người đầu tiên đề xuất sử dụng công nghệ mới như xét nghiệm DNA hay phân tích khuôn mặt trong khi các đồng nghiệp khác còn chưa bao giờ nghe đến những cụm từ này. Đây cũng là lý do thúc đẩy Ron đảm nhận chức Tổng Thư ký Công đoàn Cảnh sát Australia.

Trong quá trình làm việc với một số bác sỹ tâm lý phân tích tội phạm, ông đã sững sờ khi phát hiện ra chính cảnh sát cũng chịu ảnh hưởng tâm lý nặng nề vì công việc của mình. Ngoài việc phải thường xuyên đối mặt với những vụ sát hại, buôn người… rất chi đáng sợ, cảnh sát còn không có cuộc sống quy củ, thường xuyên phải thức đêm làm việc, ăn uống không khoa học…Về lâu về dài, bất kỳ sỹ quan cảnh sát nào cũng sẽ bị tổn thương tâm lý. Họ trở nên cứng nhắc hơn, dễ nổi nóng mất bình tĩnh hơn, và mất khả năng giao tiếp trôi chảy. Trên cương vị Tổng Thư ký, Ron đã nỗ lực nâng nhận thức của ngành cảnh sát và toàn xã hội về vấn đề nói trên. Ông đưa được một chương trình khám và điều trị tâm lý miễn phí cho cảnh sát đi vào hoạt động, không những giúp cho đồng nghiệp mà cả gia đình, bạn bè của mình nữa.

Ngay cả sau khi nghỉ hưu, Ron vẫn không từ bỏ thói quen làm việc của mình. Trong chương trình phát thanh do ông dẫn, Ron đưa khán giả cùng mình lật lại hồ sơ những vụ án nhiều năm rồi vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Ngay trong phần đầu tiên, ông đã điều tra thành công vụ giết người lâu năm nhất trong lịch sử sở cảnh sát Victoria.

Năm 1982, xác của cô gái Michelle Buckingham 16 tuổi được tìm thấy bên vệ đường. Trên người nạn nhân là 19 vết đâm khác nhau. Một người đồng nghiệp của Ron trực tiếp đảm nhận vụ án, và đây là một trong số ít lần sở cảnh sát Victoria không tìm ra hung thủ. Sự day dứt cuối cùng đã khiến ông lật lại hồ sơ vụ án 32 năm sau đó. Ron kể lại giây phút gặp lại bà Elvira, mẹ của nạn nhân thế này: “Tôi nói với bà ấy là mình sẽ sử dụng mọi cách để tìm ra hung thủ gây ra cái chết của con gái bà ấy. Elvira đáp lại: “Ngày xưa cảnh sát cũng nói với tôi y hệt như vậy. Vì sao lần này tôi phải tin ông chứ?”. Tôi không biết nói gì mà chỉ có thể nhìn thẳng vào mắt bà ấy. Thật may mắn làm sao, cuối cùng Elvira cũng nói: “Tôi tin ông!”. Tôi suýt nữa đã bật khóc lúc đó!”.

Thay vì chỉ tập trung vào cái chết của Michelle, Ron mở rộng tìm diện điều tra. Ông phát hiện ra có một vụ giết người với phương thức tương tự xảy ra không xa nơi Michelle chết. Qua thẩm tra tài liệu và đối chiếu chéo, ông tìm ra một người có quan hệ với cả hai nạn nhân tên Steven Bradley. 

Steven là một đối tượng có tiền sử tội phạm, nhưng từ nhiều năm nay làm việc tại một gara ôtô. Ron đã đưa Steven ra trước toà và chứng minh được rằng, y là thủ phạm trong cả hai cái chết cách đây hơn 30 năm về trước. Cuối cùng kẻ giết người cũng đã phải trả giá cho tội ác của mình, nhưng thật đáng tiếc, mẹ của Michelle đã mất trước khi toà kết thúc phiên xét xử.

Hiện nay Ron đang dồn hết tâm sức cho việc trợ giúp những đối tượng mãn hạn tù hoà nhập lại với cộng đồng. Nhiều tên tội phạm trước đây do chính Ron đưa vào tù nay lại được ông giúp đỡ tìm chỗ ở và việc làm. Có một số trường hợp thành công, đơn cử như Mark “Chopper” Red, một trong những thành viên chủ chốt của băng cướp đường  Hogshead nổi tiếng một thời. Nay đã Mark đã hoàn lương và điều hành công ty vệ sỹ. Bản thân Ron cho rằng ông có thể làm tốt được công việc này là nhờ khả năng lắng nghe của mình.

Nếu như trước đây Ron không để bất kỳ đầu mối nào lọt tai mình, thì nay ông lại lắng nghe tất cả những lời tâm sự của những con người đã từng lầm lỗi. Một lần nọ, Ron đưa ra kết luận: “Rốt cuộc thì yếu tố để thành công trong công việc thám tử lại là điều làm nên một người tốt. Bạn phải biết mở cái đầu và trái tim của mình ra để nhìn vào cái thực chất của con người!”.

Lê Công Hội (Tổng hợp)
.
.
.