Vượt qua lầm lỗi, trở thành Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc thị trấn

Thứ Hai, 13/06/2016, 14:46
Mắc nghiện thuốc phiện trong những ngày lang thang ở các bản vùng cao thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cuộc đời thầy giáo Cao Minh Chính (hiện ở khu 6, thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) những tưởng đã chẳng thể cứu vãn, khi hàng chục lần cai nghiện rồi lại tái nghiện... 


Nhưng với sự động viên của gia đình, sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, anh Chính đã tìm lại được chính mình. Nghị lực sống của người đảng viên hiện đang là Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, thị trấn Ninh Giang khiến chúng tôi càng thêm cảm mến.

1. Cao Minh Chính mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những ký ức trong trẻo của chàng trai 23 tuổi, lần đầu đặt chân lên vùng rừng núi hẻo lánh xa xôi Tây Bắc của Tổ quốc, ngày ấy còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Trước mắt chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Bắc (nay là Trường Đại học Tây Bắc) vừa chân ướt chân ráo nhận công tác tại Phòng Giáo dục huyện Mường Tè là bao hoài bão, muốn mang sức trẻ đóng góp cho sự nghiệp trồng người. 

Anh Chính cùng với cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Ninh Giang chuẩn bị công tác bầu cử.

Từ thị xã Lai Châu vào đến Mường Tè ngày ấy chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Khoảng thời gian đó, đang là cuối mùa mưa, con đường vào huyện trơn như đổ mỡ, lặn lội 4 ngày anh mới vào đến trung tâm huyện Mường Tè. Thời gian đầu, anh được phân công làm cán bộ chuyên môn Phòng Giáo dục huyện Mường Tè, sau thì chuyển sang làm việc tại Trường bổ túc Cán bộ và cuối cùng làm công tác giảng dạy tại một trường cấp hai ở bản Nậm Củm. 

Ngày đó, cán bộ dưới xuôi lên nhận công tác tại các huyện miền núi hẻo lánh, xa xôi của tỉnh Lai Châu còn rất ít. Nhiều bạn học của anh, sau ngày nhận công tác đã bỏ về quê vì không chịu được điều kiện sống khắc nghiệt nơi rừng thiêng, nước độc. Nhưng thầy giáo Cao Minh Chính đã tìm được niềm vui của mình bằng việc truyền ngọn lửa đam mê học tập đến với những học trò vùng cao. Ngày ngày, sau buổi đến trường, anh lại làm bạn với những trang giáo án... 

Trong những chuỗi ngày gian khó ấy, sự trong sáng, ngây thơ của đám học trò vùng cao là niềm động viên anh vượt qua khó khăn. Nói đến đây, anh Chính ngưng lại: Những ngày ấy, gian khó thật chẳng kể được bằng lời. Ngoài những khó khăn về điều kiện vật chất còn là sự nghèo nàn về đời sống tinh thần. 

Những đêm mưa rừng xối xả, khi đám học trò trở về với gia đình, chỉ có mình anh vò võ với nỗi cô đơn bao trùm... Đồng lương tích cóp sau những giờ lên lớp, ngoài trang trải cho cuộc sống hằng ngày, anh lại giúp đỡ những học trò nghèo ham học. Bởi thế mà cả năm tích cóp cũng chỉ được đôi lần về thăm nhà...

"Tôi bắt đầu sa ngã vào khoảng những năm 1989, khi cùng đoàn cán bộ huyện Mường Tè tham gia cuộc tổng điều tra dân số ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện", anh Chính nhớ lại. Khoảng thời gian đó, Mường Tè là đầu nguồn sông Đà, nơi dân đào vàng thường tụ tập, kéo theo đó là tệ nạn cờ bạc, ma túy và mại dâm nên thuốc phiện không khó kiếm như bây giờ. 

Rồi khi xuống bản, bà con cũng có thể cho nhau để sử dụng hoặc đổi được bằng những thứ đồ dùng mang từ dưới xuôi lên. Ban đầu chỉ thử cho biết rồi anh Chính nghiện lúc nào mà không hay. Những lúc "đói" thuốc, người anh rệu rã, chẳng muốn làm gì, suốt ngày ngáp ngắn, ngáp dài. Sự việc này rồi đơn vị cũng biết, họ động viên anh cai nghiện. Về phần Chính, anh cũng bị dằn vặt rất nhiều. 

Những lúc không vật thuốc, anh thấy xấu hổ với gia đình, bạn bè; người thầy giáo ấy lảng tránh đôi mắt trong trẻo của đám học trò, mỗi lần đứng trên bục giảng. Và anh quyết tâm từ bỏ thuốc phiện, nhưng muốn cai nghiện thật không dễ dàng. Những ngày đó, anh Chính tự nhốt mình ở trong phòng để đoạn tuyệt với nàng tiên nâu nhưng anh đã không thắng nổi chính mình...

2.  Trong nỗi tuyệt vọng chán chường, năm 1995, anh Chính bỏ việc về quê với hy vọng môi trường mới sẽ giúp anh đoạn tuyệt được thuốc phiện. Đến lúc này, bố, mẹ anh mới biết cậu con trai mà họ đặt niềm tin và hy vọng dính vào thuốc phiện. Nước mắt của người mẹ, khiến anh cảm thấy như có muôn ngàn mũi kim đâm vào tim. Anh tự trách mình là đứa con bất hiếu... 

Để quên đi cảm giác thèm thuốc và cũng là để kiếm kế sinh nhai, anh xoay xở làm đủ mọi nghề như thợ mộc, thợ nề nhưng chưa ráo mồ hôi đã hết tiền. Trong quãng thời gian này, anh quen biết chị Lưu Thị Quyên, một cô gái cùng quê hiền lành, tốt nết rồi cả hai nên vợ nên chồng. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, gánh nặng nợ nần cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn khiến cuộc sống của vợ chồng anh rơi vào bế tắc. Những cuộc cãi vã trở nên thường xuyên hơn... cuộc sống gia đình mỗi ngày càng trở nên ngột ngạt. 

Giữa lúc này, huyện Mường Tè thiếu giáo viên, anh đã nộp đơn xin tuyển dụng lại và được chấp nhận, tiếp tục trở lại Nậm Củm làm giáo viên dạy môn toán và vật lý. Xa gia đình, trong lúc buồn chán, anh Chính lại tiếp tục tái nghiện. Nhắc lại những chuỗi ngày đó, đôi mắt của anh đục mờ: Chiều dần tà, khi mọi người trở về với mái ấm gia đình thì tôi lại vò võ gặm nhấm nỗi cô đơn... 

Nghĩ đến cậu con trai vừa sinh đã xa bố và người vợ tần tảo nơi quê nhà, tôi không cầm được nước mắt. Cũng năm đó, người mẹ mà anh Chính vô cùng kính yêu qua đời nhưng anh không về để nhìn mặt lần cuối. Chính điều đó đã tác động sâu sắc vào tâm lý của người đàn ông ấy.

"Cai nghiện ma túy không dễ dàng... dù cố gắng nhưng trong đầu vẫn vấn vương nghĩ đến. Nếu vào được một môi trường tốt có thể tiến bộ nhưng nếu không thì sẽ dính lại. Đã quyết tâm từ bỏ ma túy thì phải cách ly với môi trường xấu và tránh xa với những người bạn nghiện", anh Chính bộc bạch với chúng tôi. Chính trong thời gian buồn chán đó, anh tiếp tục gặp gỡ các đối tượng nghiện thuốc phiện rồi lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy.

Ma túy đã biến chàng trai khỏe mạnh năm nào thành kẻ thân tàn, ma dại. Vợ con chẳng được một đồng nào do bố gửi về vì có bao nhiêu cũng đều đổ vào bàn đèn thuốc phiện... Sau 4 năm, anh Chính lại trở về địa phương những mong có thể cách xa được môi trường ma túy để tìm lại chính mình. Ngày mới trở về, cuộc sống của vợ chồng anh không lúc nào được "sóng yên, biển lặng". 

Anh Chính đang chăm tỉa cây cảnh.

Vợ anh chỉ là cô thợ may, đồng tiền kiếm được mỗi tháng chỉ ba cọc ba đồng, trong khi người chồng lại là một kẻ nghiện ngập nên một mực đòi ly hôn... Nhìn cảnh con thơ nheo nhóc, cha già không nơi nương tựa, một lần nữa anh quyết tâm cai nghiện. Anh xin vợ một cơ hội để có thể được làm lại từ đầu. Những ngày đầu đoạn tuyệt với ma túy thật không dễ dàng. 

Anh Chính ngáp ngắn, ngáp dài, chân tay bủn rủn không muốn làm gì. Những lúc ấy, chị Lưu Thị Quyên vợ anh thường xuyên động viên, chăm sóc. Sự động viên chia sẻ của người vợ, trách nhiệm của người cha giúp anh dần vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất. Anh Chính nhớ lại: Cứ đêm đến, tôi không ngủ được, chân tay bủn rủn như có giòi bò ở bên trong. Bây giờ nghĩ lại những chuỗi ngày đen tối ấy, tôi vẫn còn cảm thấy toát mồ hôi...

Làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng, bắt đầu bằng nghề chăm, tỉa cây... những ngày đầu đối với anh thật không dễ dàng. "Chăm cây cũng như chăm sóc một con người phải tỷ mỷ và cần mẫn", anh Chính tâm sự. Niềm đam mê với công việc, tình yêu với thiên nhiên, cây cỏ và sự động viên gần gũi của người vợ đã khiến anh thêm yêu cuộc sống và có nghị lực vượt qua được những ngày tăm tối nhất của cuộc đời. 

Từ sự bỡ ngỡ, anh Chính dần lấy được lòng tin của gia đình và những người xung quanh. Năm 2005, chính quyền địa phương đã vận động anh tham gia công tác đoàn thể. Từ Chi hội trưởng Chi hội Nông dân khu 6, phó trưởng khu, dân quân tự vệ, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn, giờ anh được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân thị trấn. Năm 2010, anh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ III của tỉnh rồi sau đó vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

3. Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi một cuộc điện thoại gọi đến... Nhận điện thoại, anh Chính vui ra mặt. Anh bảo đó là cuộc gọi của con trai lớn, hiện đang là sinh viên năm thứ 3, Học viện Nông nghiệp Việt Nam gọi về thông báo kết quả học tập. Con gái thứ 2 hiện cũng đang học trường THCS chuyên của huyện... Những đứa con ngoan chính là gia sản lớn nhất của anh.

3 năm trở lại đây, chị Quyên mắc bệnh thận, đều đặn phải lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh để chạy thận, gánh nặng gia đình từ kinh tế đến nuôi dạy và chăm sóc con cái vì thế đều đổ dồn lên đôi của anh. Vừa tham gia công tác tại địa phương, anh Chính còn kinh doanh cây cảnh; dựng thuê rạp đám hiếu hỷ để có thêm thu nhập. Hiện anh đang là Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Ninh Giang. Cùng với những việc làm cụ thể, anh Chính đã vượt qua được chính mình, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Quảng Nam: Xử lý nghiêm các hành vi cơi nới thành, thùng xe

Ông Trương Khuê, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Nam cho biết: Có đến 81,4% xe ôtô tải của tỉnh được kiểm tra đã bị chủ phương tiện tự ý thay đổi kích thước thành xe, thùng xe để chở hàng quá tải trọng cho phép. Đây là kết quả của một tuần ra quân thực hiện thí điểm việc tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng xe, chở quá tải trọng theo Công điện số 08/CĐ-UBATGTQG ngày 9-3-2016 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Ông Khuê cho biết thêm, tại huyện Núi Thành, huyện Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ, sau một tuần ra quân, Tổ kiểm tra liên ngành đã kiểm tra ngẫu nhiên 86 trường hợp, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 70 trường hợp, trong đó có 63 trường hợp tự ý thay đổi kích thước thành xe, thùng xe.

Riêng huyện Núi Thành có trên 40 phương tiện bị chủ xe tự ý thay đổi kích thước thành xe, thùng xe trên tổng số 63 phương tiện vi phạm. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến tai nạn giao thông ở huyện Núi Thành cao nhất trong 18 huyện, thành phố của tỉnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 101 vụ tai nạn giao thông, làm chết 66 người, bị thương 80 người, trong đó huyện Núi Thành đã chiếm 23 vụ, làm chết 10 người và bị thương 21 người. (X.Q.)

Xuân Mai
.
.
.