Vĩnh biệt Trần Lập:

“Xin cho cơn mơ cho bông hoa sẽ mãi trong tim ta”

Thứ Tư, 23/03/2016, 15:12
Tôi không thích cách ai đó nói rằng Trần Lập sẽ trở thành một huyền thoại hay một tượng đài bất tử. Cách nói đó quá cao sang, khiên cưỡng, có lẽ không phù hợp với tinh thần của Trần Lập. Tôi chỉ muốn nói một điều giản dị thôi, rằng, các bạn trẻ hôm nay và cả ngày mai nữa, nếu phút nào đó bạn ngã lòng, bi quan, chán nản, muốn buông xuôi, hãy nghe Trần Lập và soi mình trong bóng dáng của anh, bạn sẽ thấy mình được truyền lửa để tiếp tục cuộc hành trình…

Ngày 17/3 tràn ngập truyền thông và mạng xã hội hình ảnh Trần Lập. Những chia sẻ xót xa, những tiếc nuối, nhớ thương, những cảm phục. Công chúng chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi của nhạc sĩ tài hoa Thanh Tùng vài ngày trước đó, thì lại phải ngậm ngùi chia tay Trần Lập. Hai người đàn ông thuộc hai thế hệ khác nhau, nhưng đều có những ảnh hưởng mạnh mẽ trong công chúng yêu âm nhạc. 

Trần Lập giờ này có thể đang rong chơi đâu đó rồi, và có thể anh không biết, rằng nước mắt của những người ở lại đã rơi âm thầm, dù cho họ chẳng phải họ hàng thân thiết của anh. Họ đơn thuần chỉ là những khán giả, chưa chắc đã đến nỗi cuồng si âm nhạc của anh, nhưng chắc chắn, cảm mến con người mạnh mẽ trong anh, con người luôn dám đương đầu và vượt qua mọi thử thách. Cảm mến một thái độ sống tích cực, một biểu tượng của lạc quan, và là một người truyền cảm hứng sống bất tận cho tuổi trẻ.

Trần Lập, linh hồn của Bức tường - ban nhạc rock thành công nhất ở Việt Nam, có số lượng người hâm mộ kỷ lục, điều này ai cũng biết. Nhưng tôi tin một điều những tiếc nhớ của công chúng dành cho Trần Lập hôm nay không hẳn chỉ vì âm nhạc của anh. Sức lan tỏa của cái tên Trần Lập còn nằm trong lối sống, trong cách anh biểu đạt tình yêu, niềm lạc quan tin tưởng vào cuộc đời, cách anh đối mặt với những cam go, thử thách. Cho dù trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư, Trần Lập đã không thắng, nhưng tinh thần của Trần Lập vẫn còn nguyên sức mạnh động viên, cổ vũ những người cùng cảnh ngộ, những người đã và đang đối mặt với khó khăn trên đường đời. 

Tôi nhớ những ngày đầu năm mới 2016, trong cái lạnh cắt da cắt thịt, Trần Lập nén cơn đau di căn mà anh đang phải chịu đựng, đến bệnh viện phát quà cho các bệnh nhi ung thư. Hình ảnh của anh khi đó đã tiều tụy, hốc hác đi nhiều. Ngay trong đau đớn, tinh thần lạc quan của Trần Lập vẫn sáng lên qua ánh mắt, nụ cười ấm áp, những chia sẻ gần gũi nhẹ nhàng trên mạng xã hội. 

“Mình thấy lòng tốt của xã hội vẫn còn đó thôi đâu mất đi được. Lòng tốt luôn đến một cách tự nhiên và quan trọng là nó luôn được bộc lộ mà không quá sức họ. Cái tốt có thể không đến từ những hành động quá lớn lao nhưng nhiều cái tốt giản dị nhỏ bé mà được hợp lại thì lại mạnh mẽ vô cùng”.

Trần Lập xuất thân trong một gia đình đông anh em. Tuổi thơ của anh lấm lem như bao đứa trẻ quê nghèo Thành Nam khi ấy. Khát khao được bay xa, vượt ra khỏi bức tường nhà chật hẹp để thực hiện những ước vọng của chính mình đã được ấp ủ trong trái tim cậu bé 6 tuổi. 

Đọc tự truyện của anh, có thể thấy, Trần Lập bẩm sinh đã mang một khí chất thẳng thắn, mạnh mẽ khác thường. Giống như cánh cung, chỉ một hướng bay về phía trước. Như lời bài hát anh viết: “Tôi không quen cho mình nhiều đắn đo khi đứng trước nhiều lối rẽ. Bình thản trong gian nan tin ở chính mình”. Chàng trai quê Nam Định đã sống một cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng hiên ngang, khí phách, bình thản đón nhận niềm vui, hạnh phúc hay sóng gió, nguy nan.

Mỗi bài hát của Trần Lập viết ra đều chở nặng một thông điệp về cuộc đời. Đối với thế hệ 7X và 8X, âm nhạc của anh thực sự là một liều thuốc, giúp không ít người bước qua những ủ ê bi lụy thường thấy của tuổi trẻ, để đến với cuộc đời rộng lớn hơn, dám sống cho đam mê và thực hiện ước mơ của mình. 

Đôi lần, có một khẩu hiệu nào đó trong ca từ của Trần Lập. Nhưng thiết nghĩ, khẩu hiệu đó là cần thiết, nhất là khi người ta còn trẻ. Người ta cần được nói ra những mong muốn của mình, của thế hệ mình, một cách mạnh mẽ, giàu nội lực, thậm chí là quyết liệt. Trần Lập đã nhận lấy sứ mệnh đó, làm một người thắp lửa, truyền lửa cho thế hệ của mình. Không phải đến lúc anh rời xa cõi đời này, người ta mới nhận ra vóc dáng ấy, vóc dáng của một biểu tượng đẹp đẽ cho thời đại mình đã sống.

Tôi từng suy ngẫm nhiều về ý nghĩa của hai chữ nghệ sĩ. Và thế nào là một nghệ sĩ chân chính. Chúng ta đang nhìn thấy sự ngộ nhận, mạo nhận về phẩm tính cao quý này, ở không ít người hoạt động nghệ thuật. Nghệ sĩ, nếu chỉ là danh xưng, người ta hoàn toàn có thể phấn đấu để có nó. Cứ sa chân vào một vài việc liên quan đến nghệ thuật là thành nghệ sĩ. Nhưng thực chất đó chỉ là cái vỏ, chẳng mang lại mấy lợi ích cho cộng đồng, cho cuộc đời, ngoài việc trang trí cho chủ nhân sở hữu cái vỏ đó. 

Còn nghệ sĩ chân chính ư, đó không đơn thuần là một danh xưng, mà là một phẩm tính. Một điều gì đó trong máu, trong định mệnh, trong cốt cách, trong tài năng, trong tinh thần của người nghệ sĩ. Đấy là người đứng trong ánh sáng hào quang nhưng hiểu được nỗi buồn của bóng tối. Đấy là người bước trên hoa hồng nhưng hiểu được nỗi đau của những vết gai. Đấy là người nhìn như phù phiếm nhưng thực chất họ chẳng bận lòng với phù phiếm. 

Họ, bằng lao động, cống hiến, bằng tư duy nghệ thuật và cách ứng xử với cuộc đời, một cách tự nhiên nhưng lại tạo ra sức ảnh hưởng vô cùng lớn lao, vô cùng tốt đẹp trong công chúng. Họ truyền cảm hứng cho người khác, khơi gợi những yêu thương và trắc ẩn, kết nối lòng người, tình người gần lại bên nhau. Trong mỗi một thế hệ làm nghệ thuật, có rất ít người nghệ sĩ có khả năng như vậy.

Và Trần Lập là một trong số đó. Một người “đàn ông lý tưởng của thế hệ chúng ta”- như nhận xét của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Tôi không phải tín đồ của nhạc rock, không chen lấn trong những đêm nhạc của Bức tường, và thường nghe Trần Lập trên sóng phát thanh truyền hình, trên đĩa nhạc, trên mạng internet. Rất nhiều bài hát của Trần Lập tôi đã thuộc lòng phần lời từ khi nào. Và rồi nhìn cách anh sống, cách anh chiêm nghiệm hay thể hiện tình yêu cuộc sống, tình yêu gia đình, tình yêu bè bạn, tôi nhận ra, âm nhạc và cuộc đời của Trần Lập là một sự logic, một sự thống nhất tuyệt đối. 

Chúng ta đã từng nhìn thấy không ít sự phi logic, thậm chí là sự mâu thuẫn trong lối sống và trong tác phẩm nghệ thuật của một vài người được gọi là nghệ sĩ, để rồi thất vọng. Cho nên “logic Trần Lập” là điều lý giải vì sao anh chàng rocker tuổi Dần này lại được công chúng mến mộ đến vậy. Công chúng không phân biệt âm nhạc Trần Lập với con người đời thường của anh. Sức hấp dẫn của âm nhạc và sức hấp dẫn của người đàn ông Trần Lập được đồng nhất. 

Không phải nghệ sĩ nào cũng làm được điều này. Bởi thực tế, nghệ thuật cho người ta cơ hội để “diễn” nhiều thứ lắm. Nhưng nghệ thuật đích thực lại chỉ có mặt khi người nghệ sĩ chẳng buồn đoái hoài đến sự diễn đó. Nó đơn thuần là dòng nước tinh khiết chảy ra từ chính trái tim và cuộc đời người nghệ sĩ. Như hoa ban trên những sườn đồi, nơi “phượt thủ” Trần Lập băng qua trong “những chuyến đi dài”, nở trắng thanh tao không phải vì nó quan tâm có người tới ngắm. Như mùa xuân rồi sẽ tới, mầm sống sẽ đâm chồi, không phải vì có người ước ao.

Sự ra đi của Trần Lập tài hoa, ở tuổi 42, một lần nữa nhắc những người ở lại về sự ngắn ngủi của phận người. Con người ham sống, ham đi, ham khám phá và luôn chất chồng bao nhiêu khát vọng phía trước như Trần Lập, chắc chắn không bao giờ sẵn sàng cho chuyến rời xa định mệnh này. Có thể những giây cuối cùng của sự sống, Trần Lập vẫn tin mình sẽ trở về nhà, trong sự yêu thương của đôi “mắt đen” người bạn đời đã cùng anh chia sẻ ngọt bùi năm tháng. Và những đứa con cần tình yêu của người cha để lớn lên. Sự sống đã tắt, nhưng ngọn lửa niềm tin mà Trần Lập đã thắp lên sẽ còn sáng mãi, an ủi người ở lại.

Cái chết, ngẫm cho cùng, cũng chính là một phần của sự sống. Nó mách bảo rằng mỗi chúng ta không thể biết tương lai dài ngắn ra sao, nhưng hoàn toàn có thể lựa chọn một thái độ sống trong hiện tại. Sống đầy ắp mỗi một ngày trong cuộc đời trên tinh thần yêu thương, trao và nhận, để nếu có bất trắc ngày mai, sẽ không phải nói lời hối tiếc. Trần Lập còn nhiều dự định dở dang, nhưng tin rằng ở bên kia thế giới, anh sẽ không hối tiếc về cuộc đời mình đã sống. 

Và rất nhiều người trẻ tuổi sẽ thức tỉnh, khi đọc những sẻ chia của anh: “Sau biến cố con người sẽ đổi thay. Có thể tóc rụng sạch và xấu xí. Nhưng tình yêu âm nhạc thì chẳng bao giờ chết và tâm hồn yêu tự do yêu cái đẹp hiển nhiên vẫn còn… Căn bệnh này nó chỉ có thể xâm nhập vào thể xác của bất kỳ ai, nhưng nó không thể giết chết tâm hồn người ta được, nó không thể giết chết lòng tốt của nhau được, nó không thể giết chết những ước mơ, những khát vọng. Ngược lại, nó đánh thức lòng tốt, đánh thức sự sẻ chia giữa những con người, và khiến người ta cảm thấy rằng đã đến lúc muốn nắm lấy tay nhau…”.

Tôi không thích cách ai đó nói rằng Trần Lập sẽ trở thành một huyền thoại hay một tượng đài bất tử. Cách nói đó quá cao sang, khiên cưỡng, có lẽ không phù hợp với tinh thần của Trần Lập. Tôi chỉ muốn nói một điều giản dị thôi, rằng, các bạn trẻ hôm nay và cả ngày mai nữa, nếu phút nào đó bạn ngã lòng, bi quan, chán nản, muốn buông xuôi, hãy nghe Trần Lập và soi mình trong bóng dáng của anh, bạn sẽ thấy mình được truyền lửa để tiếp tục cuộc hành trình…

Bình Nguyên Trang
.
.
.