“Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài…”

Thứ Năm, 07/05/2015, 09:00
Bệnh cam tẩu mã ăn hết cả vòm miệng biến giọng nói thành méo mó, ngọng nghịu. Nhưng, những cái cây cao nhất bao giờ cũng mọc trên những đất đai cằn cỗi nhất. Bao đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần tưởng như không thể vượt qua được đó lại là ý chí, là nghị lực, là quyết tâm để chị vươn lên. Người con gái mang tên loài hoa đẹp đã không chỉ chiến thắng được khiếm khuyết hình hài, mà còn gạn chắt nỗ lực để trở thành một ca sĩ - một bông hoa đẫm đầy hương cảm trong lòng người yêu nhạc Trịnh. Chị là Tô Thanh Thủy Tiên.

Căn bệnh oái oăm

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở ngoại ô Sài Gòn, cha mất từ khi mới ba tuổi đầu. Một mình người mẹ phải tảo tần sớm tối với từng bó rau, con cá ở chợ cóc để lo cho bảy đứa con. Sáu, bảy tuổi đầu, Thủy Tiên đã phải biết giúp mẹ bán hàng trong cái góc phố nghèo ở quận Bình Thạnh ấy. 

Lên 8 tuổi, bỗng dưng đôi môi xinh xẻo của cô xuất hiện những nốt đỏ tấy, ngứa ngáy suốt ngày đêm. Nhà nghèo, lại đông con nên Thủy Tiên không thể đến bệnh viện để kiểm tra. Mọi người tưởng cô bị nấm nên cứ ra hiệu thuốc mua thuốc mỡ về bôi thôi. Nhưng càng bôi, những vết sưng tấy càng lan rộng rồi chuyển sang lở loét, nham nhở, nhức buốt lên tận óc. Đau quá mà không khóc được, vì nếu khóc, thì lại càng đau.

Ca sĩ Tô Thanh Thủy Tiên trên sân khấu.

Nhớ lại những cơn đau quằn quại lăn từ trên giường xuống dưới đất ấy, bây giờ Thủy Tiên vẫn rùng mình kinh hãi, thậm chí đôi khi vô tình nhìn thấy dao kéo hay tiếng kim loại lanh canh va vào nhau, cô cũng sợ đến sởn da gà... Đến lúc bệnh nặng quá, không chịu nổi đau đớn nữa thì Thủy Tiên mới được đi khám, bác sĩ chẩn đoán cô bị bệnh noma (còn gọi là cam tẩu mã), thứ bệnh ngay cả trên thế giới cũng là vô cùng hiếm.

Khi đi khám thì bệnh của Thủy Tiên đã quá nặng, rơi vào hoại tử và ảnh hưởng đến tính mạng. Các bác sĩ chỉ có một cách duy nhất để cứu mạng sống của cô là phải phẫu thuật cắt hết những phần đã bị hoại tử. Đôi môi xinh xẻo của cô bé lên tám tuổi cứ mỏng dần, mất dần. Nhưng nào đã hết… Khi vết thương chưa kịp lành, mới lên da non thôi thì các vết lở loét đã lại gặm nhấm. Lại chẳng còn cách nào khác ngoài phẫu thuật.

Từ đó cho đến khi 14 tuổi, Thủy Tiên phải phẫu thuật thêm sáu lần nữa. Thế là gần như năm nào cô cũng phải lên bàn mổ… Cho đến lần thứ bảy – là ca phẫu thuật lớn nhất trong cuộc đời thơ bé của cô. Chính tay bác sĩ Thụ – người nổi tiếng về tạo hình đã cắt bỏ phần sẹo xấu quanh vòm miệng, để rồi khép khoảng hở và bóc tách phần môi trong bị dính vào lợi, khuôn miệng gọi là đã đẹp hơn rất nhiều so với hiện trạng bệnh tật của Thủy Tiên lúc ấy.

Nhưng cũng chưa hết được. Năm 2001 và 2002 cô lại phải trải qua hai ca phẫu thuật chỉnh hình nữa. Hai ca ấy không làm diện mạo cô khá lên so với ca phẫu thuật của bác sĩ Thụ – lúm đồng xu xinh xinh vĩnh viễn không còn, vùng biểu cảm của khóe môi trái đã hoàn toàn mất đi và má trong bây giờ là mép. 

Hai cuộc chỉnh hình ấy, mỗi lần tiêm chín mũi thuốc tê quanh mép, vẫn vừa không thay đổi được vừa đau đớn đến tận tâm can. Mà rồi mất thịt, mất máu, phải kiêng khem cả nửa năm trời sau mỗi lần phẫu thuật. Các bác sĩ đều nhận định Thủy Tiên là ca rất khó tạo hình, phải từng bước, từng bước nhỏ một, mà cũng không dám chắc là khẩu hình có được vẹn tròn hơn không…

Bầu trời trong lu nước

Tâm lý tuổi mới lớn vốn đã đầy biến động, lại thêm đã không còn nguyên vẹn hình hài, người con gái ấy khóc càng nhiều hơn bao giờ hết, nhất là mỗi lúc thấy khuôn mặt mình trong chiếc gương soi. Mà nào đã hết, gương mặt méo mó đã đành, cả giọng nói bây giờ cũng méo mó, ngọng líu; vì bờ môi có còn nữa đâu, những cố gắng của các bác sĩ cũng chỉ là “vá víu” để gương mặt cô bớt đi phần nào dị dạng.

Cả hai mất mát ấy đều là quá lớn, cô chỉ muốn có một căn phòng rộng và kín để chốt chặt cửa lại mà khóc. Nhưng ngôi nhà nghèo khó ở cái xóm lao động cũng nghèo ấy chỉ có duy nhất cái lu nước rất lớn của cả gia đình. Cô đã thu mình trong chiếc lu mà khóc, để không ai nghe thấy tiếng mình khóc, ngoài bản thân.

Ca sĩ Tô Thanh Thủy Tiên.

Cũng nhờ chiếc lu khiến chỉ mình mới nghe được tiếng khóc mình, Thủy Tiên đã nảy ra ý luyện tập giọng nói trong chính chiếc lu ấy. Chỉ là học phát âm từng từ, từng chữ như một đứa trẻ bập bẹ học nói, nhưng với Thủy Tiên lúc ấy là cả một nỗ lực gian khổ. Cứ hai lần một ngày, mỗi lần hơn một tiếng đồng hồ, cô gục vào lu nước học nói, nhiều ngày cơ miệng đau, mỏi, đến bữa còn chẳng thể nhai được cơm.

Cứ ròng rã như thế suốt 2 năm trời, cuối cùng cô gái kiên cường ấy đã làm được - cô đã có thể nói mà không còn ngọng nghịu nữa. Nói được rồi nhưng cô vẫn tiếp tục vùi đầu trong lu nước. Thế giới của cô, bầu trời của cô đã gói cả trong lu nước lâu rồi. Nhưng có một điều rất khác: giờ co mình trong lu, cô không khóc nữa, tiếng hát đã cất lên thay cho những giọt nước mắt thân phận.

Cô học hát từ những băng casset sưu tầm, bỏ vào cái đài cũ kỹ mà hát theo. Và rồi, có lẽ cũng chính vì hai chữ “thân phận” mà cô đặc biệt say mê âm nhạc Trịnh Công Sơn. Ở đó, cô như được san sẻ nỗi đau, như được tìm thấy lại tình yêu cuộc sống. Thế giới của cô, dẫu sách vở học trò đã khép lại, dẫu lối đi về chỉ vỏn vẹn từ nhà ra chợ, nhưng cô vẫn tìm thấy cái đẹp, vẫn khơi lên tin yêu trong cuộc đời bé mọn tội nghiệp ấy.

Cô ca sĩ lạ lùng nhất Việt Nam

Một cái duyên tình cờ, người con gái tên Lệ Uyên biết đến câu chuyện của Thủy Tiên, biết hằng ngày cô vẫn vùi đầu vào lu nước với những khúc ca của người nhạc sĩ họ Trịnh. Lệ Uyên cũng say mê nhạc Trịnh và là thành viên của Hội Những người hát nhạc Trịnh, mỗi tối thứ bảy, họ lại gặp nhau ở Hội quán Nhạc Trịnh và hát cho nhau nghe.

Uyên tìm đến Thủy Tiên với cả thương cảm, mến phục lẫn tò mò. Và cũng chính Uyên đã chia sẻ, động viên Thủy Tiên bước ra khỏi lu nước để hòa mình với đời sống này. Uyên bảo, số phận đã nghiệt ngã với Tiên thì Tiên càng không được nghiệt ngã với chính mình. Cô đưa Thủy Tiên đến Hội quán sinh hoạt, rồi động viên Thủy Tiên lên hát.

Đứng dưới ánh đèn sân khấu mà Thủy Tiên chỉ muốn mọi thứ như tối sầm lại như trong lu nước quen thuộc kia để không ai nhìn thấy được mình, chỉ nghe được tiếng mình hát mà thôi. Lời ca, nước mắt cứ thế xen hòa vào nhau, lúc hát xong cũng là khi Thủy Tiên bật khóc lên thành tiếng, cả Hội quán thì lặng im, cô đã trở thành hội viên của Hội quán như thế.

Thủy Tiên tâm sự, cuộc đời cô, nếu không có Lệ Uyên thì mãi mãi chỉ gói trọn trong cái lu đựng nước. Trên sân khấu, Uyên phối bè mỗi lúc Thủy Tiên hát. Ngoài cuộc sống, Uyên giúp đỡ Tiên với công việc ở Khu chế xuất Tân Thuận. Họ đã cùng song hành với nhau như thế. Không bao giờ nói ra, nhưng Tiên biết, chính Uyên đã giúp cô xóa đi mặc cảm thân phận để chưa bao giờ cô phải nghĩ rằng mình là người khuyết tật…

Những mặc cảm về nhan sắc của người ca sĩ khi đứng trên sân khấu chuyên nghiệp cũng mất dần, bởi khi gắn bó với âm nhạc Trịnh Công Sơn, Thủy Tiên đã có những khán giả tuyệt vời, họ nghe cô hát bằng tấm lòng, bằng trái tim đồng cảm và sẻ chia chứ họ không nghe hay xem cô hát theo thói thường của người đời. Điều đó, không thể nói hết được rằng đã có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống và niềm đam mê của Thủy Tiên.

Mỗi lần mang âm nhạc Trịnh Công Sơn đứng trước đám đông, Thủy Tiên luôn tự trấn an rằng phải bình tĩnh và tự tin để thể hiện được cái hồn cốt của ca khúc. Nhưng cô cũng thú thật là phải cố gắng nhiều lắm mới tập được thói quen nhìn vào mắt người khác khi hát, ánh nhìn ấy chính là thay lời muốn nói rằng “xin hãy nghe tôi hát trước khi cười tôi…”. Và, người con gái đầy nghị lực đó đã làm được. Mười năm trước, trong cuộc thi hát dành cho người yêu nhạc Trịnh, khán giả ngạc nhiên trước sự xuất hiện của cô gái tật nguyền bao nhiêu thì khi cô cất tiếng hát, họ lại càng bị chinh phục bởi giọng hát trong trẻo, khỏe khoắn và giàu xúc cảm bấy nhiêu. Ở cuộc thi đó, Thủy Tiên đã giành giải nhất.

Đã mười năm chứng kiến Thủy Tiên tỏa sáng trên sân khấu chuyên nghiệp. Cũng đã quá biết nội lực và tài năng của cô ca sĩ đặc biệt ấy, song có lẽ khó ai có thể tránh khỏi được cảm thương khi nghe Tiên cất lên lời hát: “Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài. Xin cho tôi nghe lời hát cỏ cây…”.

Hoài An
.
.
.