"Aloner" tĩnh lặng, an nhiên

Thứ Bảy, 23/04/2016, 10:52
“Hồi còn trẻ, tôi vẫn bị người ta gọi là aloner, nghĩa là người cứ đi một mình. Lúc đó, tôi tự hỏi mình có vấn đề gì không. Khi tôi lớn lên, tôi thích sự một mình. Tôi một mình nhưng không hề cảm giác cô đơn. Thế giới của tôi là âm nhạc. Chỉ âm nhạc mà thôi. Con người có thể làm cho nhau buồn nhưng âm nhạc không bao giờ như thế cả". Danh ca Tuấn Ngọc chia sẻ niềm đam mê lớn nhất đời mình là âm nhạc trước đêm nhạc “Vàng son một thuở” vinh danh những nhạc sỹ lừng danh diễn ra vào ngày 24-4 tới đây tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).


Ngồi trước mặt tôi là một trong những giọng ca nam xuất sắc của âm nhạc Việt Nam. Trong chiếc áo sơ mi trắng, ca sỹ Tuấn Ngọc trẻ hơn so với tuổi 70 của mình. Ông trò chuyện điềm tĩnh, thư thái, thỉnh thoảng nói vài câu khá hài hước, làm những người đối diện cảm thấy dễ chịu.

Khác với một trong những người người đồng hành với ông trên sân khấu “Vàng son một thuở” tới đây là ca sỹ Bảo Yến tuyên bố sẽ giải nghệ ở tuổi 60 để đi tu, ca sỹ Tuấn Ngọc bảo ông không đi tu được. “Mình vẫn còn sân si lắm. Tôi không từ bỏ âm nhạc được. Đến chết vẫn không bỏ được. Thỉnh thoảng, vẫn có vài người hỏi bao giờ Tuấn Ngọc hết hát, hát lâu quá rồi? Bao giờ những người yêu thích giọng hát của tôi nói rằng, nghe Tuấn Ngọc hát thì rất thích nhưng nếu Tuấn Ngọc đừng hát nữa thì thích hơn – lúc đó tôi sẽ ngừng”.

Ca sỹ Tuấn Ngọc.

Với danh ca Tuấn Ngọc, đi hát là một điều may mắn, được sống đủ đầy với âm nhạc là một niềm hạnh phúc. Mặc dù, ông đã đứng hát trên sân khấu suốt mấy chục năm qua nhưng với ông, âm nhạc chưa bao giờ thôi lạ lẫm. Lúc nào nó cũng đẹp, cũng lấp lánh. Và hơn hết, đến với âm nhạc, ông được chia sẻ, được giãi bãy.

Tuấn Ngọc được ba mình – nghệ sỹ Lữ Liên - đưa vào âm nhạc từ rất sớm. Lúc 4 tuổi, ông đã hát trong chương trình thiếu nhi trên Đài Phát thanh Đà Lạt. Khi Sài Gòn còn thưa thớt các phòng trà và câu lạc bộ, Tuấn Ngọc mới 13, 14 tuổi, đã theo chân những nghệ sỹ lớn tuổi hơn đi ca tại đây. Ông từng hỏi ba mình, tại sao ba lại có thể dạy con hát sớm thế.

“Ba tôi tưng tửng, ông bảo ông không dạy tôi. Hồi đó, ông ngồi chơi đàn ở nhà, tôi cứ đi qua đi lại trước mặt, nghe nhiều tới mức quen hết điệu rồi tự nhiên hát theo. Lúc đó tôi còn bé lắm. 3-4 tuổi gì đó. Khi tôi được hát trên Đài Phát thanh Đà Lạt, micro không kéo lên kéo xuống được nên tôi phải đứng lên ghế hát. Tôi vào nghề một cách tự nhiên, thành nghề lúc nào không biết”, ông nhớ lại.

Tuấn Ngọc ghi dấu ấn trong lòng giới ái mộ gần 2/3 thế kỷ. Ông hát tự nhiên như hơi thở. Giọng ông vang và ấm, không to quá, đủ kéo ông đến gần với khán giả. Ngay cả khi ông thể hiện những nốt cao, người nghe cũng không cảm thấy gượng. Khi đàn nhả tông trầm, tự khắc chất giọng đó cũng trầm theo, dẫn dụ người nghe chìm đắm trong một nỗi buồn đẹp và trong một không gian âm nhạc lãng mạn, tình tứ.

Có một điều khá thú vị khi nghe lại một vài băng nhạc thời kỳ đầu mà ông thu, ví dụ như băng “Tứ quý” gắn với tiếng hát của 4 giọng ca vàng “trùng dương hội tụ” là Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Khánh Ly, Duy Trác vào năm 1971 hay như “Thuở ban đầu” kết hợp cùng danh ca Lệ Thu vào năm 1981…

Ta có thể thấy rằng, nếu cái tĩnh trong giọng hát của ông thời kỳ đầu gắn liền với cách hát tiếng Việt chưa tròn chữ, đôi chỗ còn ngập ngừng run run như đánh vần và phát âm chữ “e” đặc trưng thì khi Tuấn Ngọc kết hợp cùng ca sỹ Thái Hiền ra băng “Lời gọi chân mây” vào năm 1989, cách hát tiếng Việt đã cải thiện đáng kể. Nghe Tuấn Ngọc của những năm 70 vào thế kỷ trước và Tuấn Ngọc sau này ca “Bao giờ biết tương tư”, một ca khúc của nhạc sỹ Phạm Duy chúng ta có thể thấy rất rõ điều này.

Ca sỹ Tuấn Ngọc nói: “Càng sống càng nhận ra điều tốt nhất trong cuộc đời mình, đó là đừng nên chê trách ai cả”.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, ông cũng công nhận, thời kỳ đầu mình hát tiếng Việt chưa chuẩn lắm vì ngày đó, ông chỉ mê nhạc Mỹ và hát nhạc tiếng Anh nhiều hơn. Nhưng sau này, ca sỹ Tuấn Ngọc nhận ra nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc hay chẳng kém nên ông bắt đầu chuyển dần địa hạt âm nhạc của mình.

Bên cạnh một tiếng Việt đẹp, thơ, trầm, bổng réo rắt tròn vành vạnh, cách nhấn nhá, xử lý kỹ thuật hát của Tuấn Ngọc cũng ngày một điêu luyện hơn. Nếu chất giọng tĩnh qua những ca khúc “thời còn xanh” được bộc bạch một cách tự nhiên, mộc mạc như là đặc sản thì vài chục năm sau đó, đặc sản đó sau khi đã ngấm “men đời” đã trở nên trải nghiệm, lắng đọng, da diết hơn.

Và rồi chúng ta có “Mắt lệ cho người”, “Riêng một góc trời”, “Đời đá vàng”, “Khúc thụy du”… cùng một loạt bài hit gắn liền với tên tuổi Tuấn Ngọc. Các nhạc sỹ lớn của âm nhạc Việt Nam như Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… cũng xem ông là giọng ca nam hát những nhạc phẩm trữ tình thành công nhất của mình.

Tuấn Ngọc bảo, ông đồng ý rằng mình là người may mắn trong âm nhạc. Nhưng nếu chỉ có may mắn thôi, chưa đủ, phải có chuyên môn và một thái độ chăm chỉ, cầu thị nữa. “Nhiều người thấy tôi hát lâu và giữ giọng được tốt cứ nghĩ tôi có năng khiếu. Cuộc đời đâu có giản dị thế. Âm nhạc theo trào lưu, hôm nay mình thấy hay nhưng ngày mai đã thấy nó lỗi thời rồi”. Ông cũng phải học hỏi, luyện tập liên tục và vẫn phải cập nhật các xu hướng âm nhạc để làm sao cho phù hợp.

Mặc dù, các con của ca sỹ Tuấn Ngọc đều thành công trong sự nghiệp, nhưng không có ai đi theo nghiệp của ông cả. Với ông, đi hát là một hạnh phúc và ông thấy buồn vì con mình không có được thứ hạnh phúc đó. Tuy nhiên, buồn thì buồn vậy thôi, mỗi người có một số phận, một lựa chọn, ông tôn trọng điều đó. Riêng ông, ông luôn hát để trả ơn đời và “cảm ơn vì khán giả vẫn yêu mến tôi đến giờ phút này”.

“Năm 1990, trong một lần song ca cùng Khánh Ly, trước khi vào hát là màn giới thiệu, thấy tôi im lặng, Khánh Ly chọc rằng: Câm à? Đến mức đó mà tôi vẫn không dám nói gì”. Tuấn Ngọc là người ít nói, ngại nói về bản thân: “Ngày đó, nếu không nói gì thì thích hơn. Tôi cũng không tưởng tượng được một ngày, tôi lên sân khấu nói chuyện lại được khen là duyên và hài hước như bây giờ.

Tôi nhận ra, ca sỹ không phải ra sân khấu hát xong là xong. Âm nhạc chính là đối thoại. Nói chuyện với khán giả cũng là một trong những công việc của mình. Từ đó, tôi tập gần với khán giả hơn. Và tôi thấy, người với người đến gần với nhau, làm cho nhau vui hơn, tôi cũng thấy vui lây”.

Ba má Tuấn Ngọc ly hôn từ khi ông 14 tuổi. Gia đình ông chuyển qua Mỹ sống và cả ba và mẹ đều đi một bước nữa. Anh em ông về sống cùng má. Tuấn Ngọc trở thành chỗ dựa cho cả gia đình và phải lo hết mọi việc trong nhà. Ông bảo với tôi, năm 17 tuổi vào đời ông đã biết được thế nào là “đời đá vàng”.

Với ca sỹ Tuấn Ngọc, hạnh phúc là được hát.

Cuộc đời đâu có dễ dàng, mà ê chề lắm. Phía sau ông là đám em út và má, Tuấn Ngọc khi đó phải làm tất cả mọi việc để có tiền, kể cả bồi bàn, lao động tay chân. Rồi năm 17 tuổi, thần đồng không hẳn thần đồng, Tuấn Ngọc bắt đầu bước vào hát tại các vũ trường ở Mỹ. 17 tuổi, quá con nít, quá ngây ngô để bước vào chốn đó nhưng vẫn phải đi.

Thử tưởng tượng một cậu bé mới mười mấy tuổi đầu đi hát và lọt thỏm ở đó, khi lên hát và lúc hát xong, không ai đoái hoài hay vỗ tay mặc dù cậu biết, tiếng hát của mình ăn đứt một số người đang hát tại đó. Tuấn Ngọc đã vào đời như thế. “Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu/… Ước vọng ngày thơ ấu chưa xin được chút nào/…Ôi thôi, đời ta phung phí trong cơn buồn phiền”…

Hồi trẻ, ông chưa hiểu đời, hay trách móc người này người kia. Bây giờ, ông không trách nữa bởi ai mà chẳng có lúc nông nổi lúc này lúc kia. Ba, má hay những người khác cũng đều là con người mà thôi. Ông nói, càng sống càng nhận ra điều tốt nhất trong cuộc đời mình đó là đừng nên chê trách ai cả. Mình cũng có đúng hoàn toàn mãi được đâu.

Cũng có lúc mình sai lầm chứ. Cuộc đời có giá của nó. Và dù buồn khổ bao nhiêu cũng phải chấp nhận nó. Con người đã dám thích cái sung sướng, hạnh phúc thì cũng phải dám khổ, dám đau. Nếu không, làm sao mà sống được trên cõi đời đầy những “vách sầu” như thế này?

“Tuổi này, càng học tôi càng thấy mình chẳng bằng ai. Lẽ dĩ nhiên, có nhiều người thua tôi nhưng trên mình còn có nhiều người lắm”. Người ta thường khen ông: “Tuổi này mà anh vẫn hát tốt”. Nhưng chỉ có ông là biết ông dở thế nào. Tuấn Ngọc không dám để ai khen và cũng không tự mình khen mình bao giờ. Vì ngượng. Ngay cả khi mọi người nghe ông hát, ông cũng ngượng dù cho ông là ca sỹ. Ông thấy rõ những cái gì của mình, cái gì không phải là của mình.

Riêng chuyện tình cảm thăng trầm của hai cô em gái là Khánh Hà và Lưu Bích, ông bảo mọi người cứ hay hỏi ông thấy thế nào: “Chẳng thế nào cả! Thăng trầm hay không đều do lựa chọn của mỗi người. Mà sống trong đời sống này, ai mà chẳng thăng trầm. Phải biết chấp nhận điều đó. Bản tính con người thường bạc. Có càng nhiều càng dễ chán. Vậy nên, cái gì mình có được, phải trân quý nó, mới bền lâu được. Hạnh phúc hay bất cứ điều gì cũng vậy. Ngay cả giọng hát của mình, tôi cũng vậy”.

Tuấn Ngọc, người vẫn cứ thích đi một mình như vốn dĩ, trở nên tĩnh lặng, an nhiên hơn khi nhận ra những được – mất trong đời sống. Ông mang trải nghiệm đó vào âm nhạc của mình, làm cho nó dày hơn, sâu hơn, tinh tế hơn. Vì thế, khi giọng hát đó cất lên, dù là những bản tình ca buồn, người nghe không thấy nặng nề, u ám. Bởi đó là một tiếng hát đầy nỗi sẻ chia. Và tôi cũng chưa lần nào thấy nỗi buồn được cất lên một cách sang trọng như khi nghe Tuấn Ngọc hát. 

Đậu Dung
.
.
.