"Anh hùng xa lộ" ở ngã tư tử thần

Thứ Hai, 14/03/2016, 11:18
Chứng kiến quá nhiều người bị tai nạn thương tâm dọc Quốc lộ 5, bà Đào Thị Liên (xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, Hải Dương) đã tự nguyện lấy nhà mình làm trạm cấp cứu. Hơn 30 năm qua, bà đã cứu giúp cho hàng nghìn người gặp nạn. Nhiều người đã trìu mến gọi bà là “anh hùng xa lộ”.


Nghỉ hưu không lương để làm việc nghĩa

Buổi chiều ở ngã tư Phúc Thành (huyện Kim Thành, Hải Dương), người tham gia giao thông đông như hội. Người ta vẫn mệnh danh cho cái ngã tư này là “ngã tư tử thần” của quốc lộ 5, bởi khu vực này liên tục xảy ra các vụ tai nạn giao thông.

Bà Liên ngồi trong nhà đưa ánh mắt ra đường mà lòng nặng trĩu, bà bảo: “Ngày nào còn tai nạn giao thông là ngày đó tôi còn lo lắng. Cái nghiệp cứu người cứ vận vào tôi rồi, tôi không thể làm ngơ khi người ta gặp nạn mà không cứu”.

Cuốn sổ ghi chép những vụ tai nạn được bà Liên sơ cứu lên tới hàng nghìn người.

Bà Đào Thị Liên tiếp chúng tôi tại ngôi nhà đơn sơ ngay ngã tư Phúc Thành, ngôi nhà nhỏ chẳng có gì ngoài tủ thuốc, thiết bị sơ cứu và các loại bằng khen các ban ngành trao tặng. Ngày còn con gái, bà Liên vốn là một cô gái ưa nhìn, nhanh nhẹn và đặc biệt hát rất hay.

Khi chiến tranh đi vào những ngày tháng ác liệt nhất, bà Liên xung phong làm văn công phục vụ tại các trận địa pháo phòng không trên chính quê hương mình. Trong một lần biểu diễn văn nghệ, cô văn công ấy tình cờ quen chàng đại đội phó Sư đoàn phòng không 363, đồng chí Bùi Gia Huy. Bà mến ông ở phong thái đĩnh đạc, nghiêm nghị, ông yêu bà bởi giọng hát ngọt ngào và sự chân thành.

Họ đã chuyển từ tình đồng đội sang tình yêu từ khi nào cũng chẳng ai hay. Trong quá trình công tác, nhiều lần chứng kiến anh em đồng đội mình bị thương, hy sinh mà không thể cứu chữa, bà đã nuôi hy vọng trở thành bác sĩ ngay từ lúc đó. Sau khi giải phóng, tổ chức biết được khát vọng của bà nên đã cử đi học Trung cấp y tế tại Hà Bắc, rồi trở về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành.

Sau khi nhận công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện, bà cùng gia đình chuyển đến ngã tư Phúc Thành để tiện cho công tác. Bà cũng không thể ngờ rằng, tại ngã tư này lại xảy ra nhiều tai nạn giao thông đến vậy. Sẵn có nghề trong tay, chứng kiến những vụ tai nạn bà không thể làm ngơ. Sắm cho mình một vài dụng cụ y tế, sẵn sàng sơ cứu cho những người gặp nạn. Thế là cái nghiệp cứu người vận vào bà từ đó.

Bà Liên cho hay, ngã tư Phúc Thành là một trong những địa bàn phức tạp nhất về giao thông của huyện. Đây là đầu mối giao thông của cả huyện, có trục đường sắt giao với đường bộ, không những vậy, gần ngã tư này còn có tới 3 trường THPT, lượng học sinh tham gia giao thông rất lớn. Mỗi lần tan học, hay có tàu chạy qua là tình hình giao thông ở đây vô cùng hỗn loạn. Cộng với các xe container thường xuyên dừng nghỉ, ảnh hưởng rất nhiều đến việc đi lại của bà con.

Người đàn ông này xúc động kể về việc bà Liên cứu sống bố mình trong một lần tai nạn giao thông.

Bà Liên đưa cho chúng tôi cuốn sổ ghi chép những vụ tai nạn giao thông mà bà từng sơ, cấp cứu nói: “Tai nạn giao thông ở đây xảy ra nhiều lắm. Con người bây giờ vô cảm hơn hay sao ấy, họ sợ nhiều thứ, họ sợ liên lụy đến mình. Có người tốt bụng, nhiệt tình thì lại không biết cách có thể làm cho bệnh nhân nặng thêm. Sống ở đây, chứng kiến những cảnh thương tâm, lại làm trong ngành y, làm sao tôi có thể làm ngơ được”.

Thế rồi bà Liên quyết định nghỉ hưu không lương, bà mời tất cả con cái rồi nói rằng: “Mẹ sẽ nghỉ hưu không lương, muốn ở nhà để dốc lòng cho công việc cứu người”. Dù tất cả con cái đều sốc trước quyết định ấy của bà nhưng hầu hết đều đồng ý với nguyện vọng này. Cả gia đình gom góp tiền của để mua giường sắt, tủ thuốc phục vụ cho công việc cứu người bị nạn.

Những ngày đầu, bà Liên không tránh được miệng lưỡi thế gian, người ta bảo bà là “hâm”, là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Rồi còn những kẻ ác khẩu, cho rằng bà làm vậy mục đích để hôi của người bị nạn. “Nghe vậy tôi cũng buồn lắm, nhưng tự nhủ mình không làm gì sai, làm bằng cái tâm của mình. Khi thấy người bị tai nạn mà không cứu lòng còn thấy nặng nề hơn”. – bà Liên tâm niệm.

Nhiều năm trôi qua, người ta bắt đầu hiểu được những việc bà làm. Như một phản xạ, hễ có tai nạn người dân lại gọi cho bà Liên đến cấp cứu. Ngôi nhà của bà vô tình trở thành “trạm cấp cứu lưu động”.

Trạm cấp cứu tình người

Giở cuốn sổ dày, đặc kín những danh sách, địa chỉ của những người bị nạn, bà Liên bảo: “Đây không phải là tất cả đâu, có những trường hợp nhẹ nhẹ, sơ cứu xong chưa kịp hỏi tên tuổi thì họ đã đi mất rồi”. Dù là chưa đầy đủ theo cách nói của bà Liên nhưng chúng tôi ước tính con số cũng lên tới cả nghìn người.

Cứu người là từ tâm, nhưng cái tâm trong sáng của bà nhiều khi vẫn bị chính những người bị nạn và thân nhân của họ nghi ngờ. Bà Liên kể, có lần mẹ con bà cứu một trường hợp đâm phải đít xe ôtô bị chảy máu tai và phải theo dõi chấn thương sọ não. Hai mẹ con bà đưa người thanh niên bị tai nạn vào bệnh viện rồi điện thoại cho người nhà đến.

Tủ thuốc bà Liên dùng để cứu chữa những người bị tai nạn giao thông.

Vừa vào đến nơi, người thân của thanh niên này đã xông đến túm cổ hai mẹ con bà Liên vì cho rằng chính hai mẹ con bà là người gây ra tai nạn. “Lúc đó tôi bình tĩnh nói với họ là, cứ để con trai ông bà tỉnh lại sẽ kể cho ông bà nghe vì sao mà cậu ấy bị tai nạn. Nhưng đến khi tỉnh lại được thì cậu thanh niên đó lại bảo cậu ta có 30 triệu đồng để trong cốp xe.

Gia đình kiểm tra thấy mất lại một mực đổ cho mẹ con tôi lấy. Tôi bảo tôi không lấy, nếu cần thì cứ đến cơ quan Công an nhờ điều tra. Cũng may sau đó một người hàng xóm nhà tôi có mách rằng ông ấy đã nhìn thấy một người đàn ông mở cốp xe lấy tiền khi cậu thanh niên đang nằm gục. Sau này cũng bắt được người đàn ông đó và mẹ con tôi được giải oan” – bà Liên kể lại.

Một lần khác, có một thanh niên ở Hải Phòng đi xe máy đến đoạn gần nhà bà vì phải tránh 2 xe máy nên đâm vào ôtô. Lúc bà Liên cùng anh Quý (con trai bà Liên) bắt taxi đưa cậu thanh niên đó về nhà thì cũng bị gia đình chửi bới, khống chế. Họ đoán anh Quý chính là người gây tai nạn còn bà Liên là mẹ đưa con xuống xin lỗi.

Bà Liên đã nói với họ hãy cứ đưa con đi cấp cứu, xe và tài sản của con trai họ vẫn ở nhà bà. Cứ cấp cứu cho con xong rồi nói chuyện. Lúc con trai họ tỉnh lại, được nghe đầu đuôi câu chuyện, họ đã xin lỗi mẹ con bà Liên rối rít. Từ đó thỉnh thoảng vẫn qua nhà bà để thăm ân nhân.

Việc mẹ con bà Liên phải lên giải trình, lấy lời khai trước cơ quan Công an là chuyện rất bình thường. Nhiều lúc con trai cả của bà là anh Đoàn Văn Quý đã khuyên mẹ hay là thôi dừng lại chuyện cứu người, chứ cứ như thế này thì có ngày chết oan. Mỗi lần như thế bà lại khuyên anh Quý là đừng buông, tâm mình trong sáng thì không gì phải sợ. Nhiều người đã thoát chết nhờ vào cái tâm sáng của bà Liên.

“Năm 2010, một lần tôi đi từ xa về thấy gần trước cửa nhà mình rất đông người. Tôi đoán chắc lại xảy ra tai nạn nên chạy đến. Tôi nhìn thấy một người đàn ông nằm sấp như con ếch, máu chảy ướt hết áo, mọi người ở đó nói với tôi là anh ta chết rồi, đừng động vào nữa. Tôi bảo người ta chết thì cũng phải khiêng người ta vào trong này chứ, chả lẽ cứ để nằm ngoài đường thế à.

Vừa nói tôi vừa cúi xuống áp tai sát vào người đó nghe ngóng, không ngờ tôi vẫn thấy anh ta thở phập phồng. Tôi nhờ mọi người khiêng người bị nạn vào nhà tôi và hô hấp. Một lúc sau người đàn ông đó tỉnh dậy và nói: “Ô, chị Liên à, chị vừa cứu em à? Hóa ra người đó ở cách nhà tôi mấy cây số và đã biết về tôi”.

Năm 2014, có trường hợp chị Nguyễn Thị H đi xe máy chở con đi học qua đường, vì tránh xe container nên va chạm với ôtô và bị kéo lê gần 50 mét. Chị H bị văng ra ngoài, gãy xương đùi và chấn thương sọ não, cháu bé bị chui vào gầm ôtô cùng với chiếc xe máy. Nhìn cảnh đó ai cũng nghĩ con gái chị H đã chết vì chiếc xe do va chạm mạnh nên bốc cháy.

Chứng kiến cảnh thương tâm, bà Liên đã bảo anh Quý mang cho bà cái chăn dập lửa để bà chui vào kéo đứa trẻ ra. Nhiều người có mặt lúc đó đã khuyên bà không nên vào. Họ bảo, đằng nào nó cũng chết rồi, chui vào có khi mình cũng chết theo. Dù vậy, bà vẫn không thể cầm lòng được và quả quyết, nó tội thế, nếu chết thật rồi thì cũng phải lôi nó ra.

Khi bà Liên chùm chăn lôi được cháu bé ra thì đúng lúc xe máy phát nổ. “Khi đưa được cháu ra khỏi gầm xe, tôi thấy nó vẫn thoi thóp thở nên ra sức hô hấp. Khoảng 30 phút sau cháu tỉnh dậy được. Cả hai mẹ con cháu nó hãy còn sống, giờ con bé vẫn đạp xe đạp đi học qua đây. Khi nào rảnh lại vào bà Liên chơi” - bà Liên chia sẻ.

Có những người khi được bà Liên cứu sống đã gọi bà bằng mẹ. Đó là trường hợp của anh Nguyễn Khắc Hùng. Anh Hùng bị ôtô đâm gãy xương đùi, lúc bị nạn bà Liên đã nẹp xương cho anh sau đó mới đưa vào bệnh viện. Tại đây, các bác sĩ đã xét nghiệm và phát hiện anh Hùng bị nhiễm HIV.

Bệnh viện đã từ chối chữa trị. Biết được hoàn cảnh đáng thương của anh Hùng bà Liên đã tự nguyện mua bông gạc, kim tiêm về băng bó và điều trị cho anh Hùng. Khi vết thương lành anh Hùng đã bất khóc nói với bà Liên rằng, cho con được nhận bà làm mẹ. Với bà Liên, đó là thứ hạnh phúc không gì đo đếm được.

Hỏi người phụ nữ đã sắp bước sang tuổi thất thập, mái tóc bạc trắng rằng bà định làm công việc này đến khi nào thì bà hồ hởi trả lời: “Đến khi nào tôi không còn sức nữa. Nhưng khi tôi yếu rồi hoặc chết rồi thì tôi vẫn muốn con trai và cháu của tôi sẽ thay tôi giúp người gặp nạn”. 

Phong Anh
.
.
.