Đại tá - NSNA Trần Hồng: Ánh mắt mẹ ám ảnh tâm hồn tôi

Chủ Nhật, 22/02/2015, 07:00
Đã nhiều năm nay nhắc đến nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng là người ta nghĩ ngay đến những hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà anh đã gắn bó hơn 20 năm qua. Anh đã từng mở 5 cuộc triển lãm riêng về chân dung Đại tướng cùng với những hoạt động đời thường vào những năm cuối đời. Trong đó có một cuộc triển lãm được trưng bày ngay tại quê hương Đại tướng ở Quảng Bình.
Trần Hồng với ảnh gia đình.

Mới đây anh đã tặng tôi cuốn sách ảnh “Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Những khoảnh khắc bình dị”, do NXB Thế giới phát hành quý III năm 2014. Đây là những hình ảnh quý giá nhất được chọn lọc, tạo dựng hình tượng sâu sắc về cố Đại tướng như một ký ức chẳng thể nào mờ phai trong tâm trí mọi người.

Tôi đặc biệt chú ý tới lời tự sự của Trần Hồng về tác phẩm nhiếp ảnh: “Ảnh là CÁI NHÌN của người cầm máy. Đúng, sai, tốt, xấu, nhất nhất mọi người đều nhìn theo CÁI NHÌN đầu tiên của tác giả. Chọn cho mình một chỗ đứng, chớp được những nét tinh vi sâu kín bản chất nhất của một tâm hồn và nhân cách của đối tượng là trọng trách to lớn, thiêng liêng và cao cả của một công dân với tư cách nghệ sĩ”. Chính từ “Cái nhìn” đó mà nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã làm việc hết mình từ khi vác máy ảnh trên vai.

Đó là những kỷ niệm khi được theo đoàn quân sang làm việc ở Cam Pu Chia vào những ngày mới được giải phóng, hồi 7/1/1975. Anh đã chụp được những tấm ảnh đầu tiên về nhà tù đầy tội ác của quân Pon Pot sát hại những người dân Cam Pu Chia. Đây là thời điểm anh đã về báo Quân đội Nhân dân được hai năm sau khi tốt nghiệp Đại học báo chí (Niên khóa 1969-1973).

Có thể nói những hình ảnh về nhà tù ở Cam Pu Chia là “Cái nhìn” đầu tiên đậm chất tố cáo và lên án tội ác diệt chủng của bọn Pon Pot, đã gây xúc động mạnh mẽ cho người xem. Cùng với đó, những hình ảnh mà Trần Hồng ghi được bên nước bạn cũng nêu cao được tình hữu nghị sâu sắc giữa hai dân tộc Việt Nam và Cam Pu Chia. Đó là thành quả của những tác phẩm nhiếp ảnh có giá trị thông tấn đặc sắc của Trần Hồng

“Cái nhìn” của một nghệ sĩ công dân Trần Hồng còn thêm một lần thể hiện, khi anh lên chiến hào tại mặt trận phía Bắc, ở Lạng Sơn năm 1979. Mặc cho nhiều người can ngăn về sự nguy hiểm khi phải đối mặt với súng đạn, nhưng Trần Hồng vẫn không nề hà và dũng cảm vác máy ảnh lên trực diện với kẻ địch để ghi lại những tàn dư, cùng những chứng cứ xác thực của giặc ngoại xâm. Và đó cũng chính là những hình ảnh có giá trị về lịch sử chiến tranh và tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân ta, quyết đánh quyết thắng của quân và dân nước ta.

Sau đó là những ngày anh lăn lộn trên mọi tuyến đường, đến những đơn vị quân đội để chụp ảnh, viết bài và làm tin. Cuộc sống và sinh hoạt của những người lính trong thời kỳ, vừa xây dựng, vừa sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc là một đề tài hết sức phong phú cho sự sáng tạo của người nghệ sĩ nhiếp ảnh như Trần Hồng.

Nhưng có lẽ trong anh lại luôn vang lên những âm thanh và tình cảm của những người hậu phương mà tình cảm những người lính ngày đêm hướng về. Nhất là những hình ảnh của những người mẹ. Người mẹ của thời hậu chiến. Người mẹ của thời bình, nhưng lại là những người phải chịu đựng một cách dai dẳng về những sự mất mát, và hy sinh của những người con mà mình dứt ruột sinh ra. Sự rung động ấy đã trở thành suối nguồn cảm xúc trong trái tim của nghệ sĩ, công dân Trần Hồng, mà anh đã ấp ủ hàng chục năm qua.

Thực ra đề tài về người mẹ, Trần Hồng đã có sự chuẩn bị từ rất sớm trong sự nghiệp của mình. Anh kể có hai hình ảnh người mẹ mà anh đau đáu trong lòng, làm cho trái tim anh rung động và quyết định bắt dầu dựng nghiệp từ đây.

Hình ảnh đầu tiên là người mẹ sinh thành ra anh ở quê hương Hà Tĩnh. Mỗi lần về thăm mẹ là một lần anh lại được mẹ gội đầu cho và còn kỳ lưng cho anh tắm như những ngày còn thơ. Tối nằm trên võng, anh lại được mẹ ru bằng những vần điệu ví dặm hay ngâm những câu thơ Kiều cho nghe. Khi ấy anh được sống lại với những tình yêu thương của mẹ và của những người chị, người anh cùng với bà con thôn xóm. Đó là bức ảnh mẹ đầu tiên mà anh chụp bằng cả cuộc đời mình.

Nhắc đến mẹ anh đưa cho tôi xem hình ảnh bà mà anh chụp được khi bà vào tuổi 95, với những nét khắc khổ đầy ưu tư vì nhớ đứa con xa nhà đã bấy nhiêu năm vất vả trên mọi nẻo đường. Tôi nhìn ảnh bà mà cũng ứa nước mắt cùng anh với nỗi nhớ xót xa vì giờ bà đã đi xa. Mãi mãi Trần Hồng sẽ không bao giờ được chụp ảnh mẹ mình nữa.

Đến hình ảnh thứ hai mà cũng là một trong những bức ảnh đầu tiên mà anh chụp về mẹ. Anh kể đó là hồi đầu, năm 1973 khi mới về báo Quân đội nhân dân, anh còn ở số 8 Lý Nam Đế. Cùng ở khu nhà có hai bà cháu quấn quýt hàng ngày. Mỗi khi bà đi chợ về là đứa cháu lại chạy ùa ra đón với niềm vui tràn ngập. Tình cảm của bà cũng vậy, nụ cười và niềm vui của cháu đã xua tan đi nỗi âu lo mưu sinh thường ngày. Bà và cháu có niềm vui giao hòa như tiếp cho nhau sức sống trường cửu và mạnh mẽ biết bao.

Nhìn thấy người bà ấy là Trần Hồng lại nhớ đến mẹ mình ở quê hương xa xôi. Và, anh đã lấy máy chụp được những bức ảnh đẹp thể hiện tình cảm sâu lắng giữa hai thế hệ và hình tượng người mẹ nổi bất tình yêu thương con cháu. Đó chính là những bước đi đầu tiên mà Trần Hồng đeo đuổi đề tài về những người mẹ trong suốt những năm tháng sau này.

Xem lại sách ảnh chân dung mẹ của Trần Hồng, mới thấy giải thưởng xuất sắc của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh trao cho anh năm 1998 quả là rất xứng đáng sau hơn 20 lao động ghi lại những khoảnh khắc tâm trạng của những người mẹ. Nhiều kỷ niệm về những người mẹ anh hùng mà người nghệ sĩ giàu tình cảm như anh đã đem lại cảm xúc cho người xem qua những chân dung người mẹ ở khắp nơi mà anh đã đi qua.

Có lẽ cụ bà Nguyễn Thị Thứ, người mẹ anh hùng ở Quảng Nam có 9 người con hy sinh cho tổ quốc đã làm rung động tâm hồn của Trần Hồng một cách kỳ lạ nhất. Anh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh đi lại để thăm bà không biết bao lần và lần nào anh cũng chụp ảnh bà. Nếu tính cả những người thân thiết khác của gia đình mẹ Thứ thì bà còn cả con rể và cháu ngoại cũng hy sinh trong chiến đấu thì mẹ Thứ phải mang nỗi đau chồng chất quá lớn lao.

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ bên những bát cơm mong đợi con cháu trở về.

Trần Hồng đã để lại hai tác phẩm gây xúc động mạnh mẽ cho người xem. Đó là hình ảnh mẹ Thứ ngồi trước mâm cơm với 9 chiếc bát và đũa bày ra để tưởng nhớ đến các con và coi đó là sự xum vầy trong niềm an ủi đến nặng trĩu tâm trạng. Bức ảnh toát lên sự cô đơn vĩ đại của người mẹ đã hiến dâng cả 9 người con cho đất nước.

Bức ảnh thứ hai về mẹ Thứ khi đã đến tuổi 100, được thể hiện qua tác phẩm “Giấc mơ của bà mẹ”. Anh kể đó là giây phút may mắn mà anh ghi lại được khi đến thăm mẹ Thứ đúng lúc đang ngủ trưa. Mẹ ngủ trong một giấc mơ êm đềm với hình ảnh người con trai trở về. Đó là di ảnh của người con đã in dấu hình chiếc khăn rằn của mẹ ngả trên ngực con trai như một niềm chia xa trong nỗi nhớ mong con trở về. Mẹ vẫn sống để chờ đợi con. Sự đợi chờ ngỡ như vô vọng. Nhưng cuộc trở về của những người con trong mơ là rất có thể. Mẹ đã được nhìn từng mặt 9 người con trai trở về trong giấc mơ của mình. Khoảnh khắc quý giá ấy đã làm nên một tác phẩm để đời cho Trần Hồng về chân dung mẹ.

Với mẹ anh hùng Nguyễn Thị Khánh, có 7 người con là liệt sĩ, ở xã Bình Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang lại gây cho Trần Hồng một cảm xúc thẳm sâu trong trái tim. Anh đã đi lại mấy lần thăm mẹ và cũng đã chụp nhiều ảnh. Nhưng rồi có lần khi mẹ Khánh được Sư đoàn 4 xây tặng căn nhà tình nghĩa, Trần Hồng đã có dịp về thăm.

Khi anh vào căn nhà mới đúng lúc mẹ ngồi một mình với mâm cơm chỉ có một con cá khô trước mặt. Người mẹ ngồi một mình trong căn nhà mới sao mà lại thấy mênh mông nỗi cô đơn đến thế. Khi thấy Trần Hồng mặc quân phục bước vào thì mẹ Khánh ngỡ con mình trở về, đã òa lên khóc và tất bật chạy ra đón con. Trần Hồng quá xúc động và cũng không cầm được nước mắt. Mãi sau đó anh mới chụp được bức ảnh mẹ Khánh với ánh mắt đang mong con trở về trong nỗi buồn mênh mang đến vậy…

Đặc điểm nổi bật trên những chân dung mẹ là những nụ cười, rưng rưng trong nỗi nhớ mong, với những nét vui nửa chừng. Đó là hình ảnh trung thực mà Trần Hồng đã lưu giữ và truyền cảm đến người xem tác phẩm của anh. Những bước chân của người nghệ sĩ vẫn rong ruổi trên những nẻo đường đến với những người mẹ.

Trần Hồng tâm sự, với ước muốn ghi lại được khoảnh khắc của những người mẹ của những người con ở phía bên kia giới tuyến một thời đã hy sinh một cách vô ích. Hay có những người mẹ có cả hai đứa con ở hai chiến tuyến khác nhau, cùng với nỗi đau chan chứa và sâu lắng về những người con đã chết của mình. Với anh đó là những người mẹ chứa đựng nỗi đau khôn xiết và ẩn chứa những ẩn ức suốt cuộc đời. Bởi nói cho cùng đó cũng là những người mẹ đáng được an ủi sẻ chia với tấm lòng nhân ái. Trần Hồng là thế. Và, cũng chính vì thế mà đã hơn 40  năm qua, anh vẫn đau đáu khôn nguôi về những thân phận người mẹ trên khắp thế gian này…

- Đại tá -Nhà báo-Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng, sinh năm 1947 tại Hương Khê, Hà Tĩnh.

- Nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân. Đã tổ chức 8 cuộc triển lãm ảnh cá nhân (chuyên ảnh chân dung). Đoạt 20 giải thưởng ảnh trong nước và quốc tế. Đã xuất bản 2 tập sách ảnh: “Chân dung mẹ”-1997 và “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những khoảnh khắc bình dị”-2014.

Cảnh Linh
.
.
.