Dành trọn tình yêu cho biển đảo

Thứ Ba, 29/03/2016, 12:03
Tuổi 85, nhưng vị Đại tá Hải quân vẫn tinh anh và hoạt bát. Ông luôn cười và dí dỏm, đặc biệt ông có một trí nhớ phải gọi là siêu phàm. Những câu chuyện của hơn 50 năm về trước, ông nhớ như mới ngày hôm qua, nhớ đến tận chân tơ kẽ tóc, nhớ khắc tạc vào tim.


Tự hào là lính hải quân

Sinh ra giữa thời cuộc rốn ren, đất nước chìm trong bóng quân thù, Võ Văn Hiến đã xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi của non sông, chàng trai đất võ Bình Định có mặt trong những trận đánh nổi tiếng ở liên khu 5 và mặt trận Tây Nguyên. Năm 1954, khi quân ta chiến thắng lẫy lừng ở Điện Biên Phủ thì ở Tây Nguyên, Võ Văn Hiến tham gia trận đánh cuối cùng đẩy lùi quân Pháp ra khỏi Buôn Ma Thuật. Lệnh tập kết, ông là cánh quân đầu tiên theo tàu Ba Lan ra miền Bắc. 

Ông được biên chế trong Sư đoàn 305, một đơn vị đã đi vào huyền thoại với những chiến công lẫy lừng. Những ngày tháng trên đất Bắc, ông hăng hái tham gia vào các hoạt động Đảng, Đoàn, được kết nạp vào Đảng năm 1957. Năm 1959, Võ Văn Hiến là lứa học viên đầu tiên được cử sang Trung Quốc học về tàu ngầm. Với tố chất thông minh, nhạy bén, Võ Văn Hiến lĩnh hội và tiếp thu đầy đủ những bài học về vật lý siêu âm dưới nước, quan sát, chế tạo tàu ngầm… Ngoài chuyên môn kỹ thuật, lớp học viên của ông còn được học ba ngoại ngữ là Trung Quốc, Tiếng Anh và Tiếng Nga. 

7 năm du học, Võ Văn Hiến trở về nước mang theo khối lượng kiến thức bổ ích áp dụng vào thực tiễn công việc. Tuổi trẻ miệt mài theo lý tưởng, khi trở về, ông may mắn gặp được người bạn đời là hoa khôi xứ Huế, dịu hiền, nết na, hết mực yêu chồng, làm hậu phương vững chắc để ông yên tâm công tác. Đó là mối tình đầu và mối tình cuối. Ông cười dí dỏm bảo rằng: “Lính hải quân yêu ít mà chất lượng”. Những năm ông đi công tác, người vợ ở nhà vừa học đại học vừa nuôi con. Sau này, bà cũng xung phong vào lực lượng Hải quân để cùng chồng gánh vác những trọng trách mà tổ chức giao phó.

Đại tá Võ Văn Hiến vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Là người cán bộ hải quân được đào tạo chuyên sâu về kỹ thuật, Võ Văn Hiến luôn phải đi công tác biền biệt, với khối lượng công việc khổng lồ. Ngày đó, Ủy ban Khoa học, kỹ thuật Nhà nước có ý xin Võ Văn Hiến về làm chính quyền nhưng Quân chủng không đồng ý vì đây là một cán bộ Hải quân đã được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực tàu ngầm, lãnh đạo quân chủng muốn ông phát huy và cống hiến những kiến thức đã được học vào công việc thực tiễn của ngành. Từ đó, Võ Văn Hiến miệt mài làm việc trong xưởng thông tin Hải quân (X56) với vai trò chuyên môn là trưởng ngành, phụ trách bộ phận đo lường, môtô, biến thế.

Người chiến sĩ hải quân tự hào vì có người thủ trưởng kiên cường và dũng mãnh Giáp Văn Cương, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và là đô đốc đầu tiên của Hải quân nhân dân Việt Nam. Dưới thời Thượng tướng Giáp Văn Cương, ông quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ thuyền. Xác định đất nước ta có bờ biển dài, có nhiều đảo xa bờ nên ông quan tâm đến lực lượng Hải quân đánh bộ, đặc công nước, pháo binh, tên lửa bờ biển. 

Kế thừa tư tưởng của tướng Giáp Văn Cương, trên cương vị Trưởng phòng cán bộ quân chủng, Đại tá Võ Văn Hiến đã đưa ra nhiều chính sách đột phá mang tính chiến lược về bộ máy tổ chức hải quân cũng như củng cố, giữ vững tinh thân cho chiến sĩ. Ông mạnh dạn đưa ra đề án thành lập các khu gia đình hải quân nhích dần về biển. 

Lần đầu tiên ở Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh có khu gia đình hải quân, những người vợ, người con của cán bộ chiến sĩ được tạo điều kiện về nơi ăn chốn ở, gần với nơi chồng mình đang công tác. Với cán bộ chiến sĩ hải quân, sau khi tan ca hoặc những ngày nghỉ ít ỏi có thể tranh thủ trở về sum họp với gia đình. Không chỉ nắm bắt tâm tư nguyện vọng của lính, Đại tá Võ Văn Hiến còn am tường, sâu sát đến hậu phương của mỗi cán bộ chiến sĩ hải quân, để họ yên tâm làm nhiệm vụ nơi đầu sóng ngọn gió.

Ông chỉ lên chiếc phù hiệu mỏ neo đeo trước ngực, nói đầy tự hào: “Giờ nghĩ lại mình thấy không có gì phải hối tiếc với những tháng năm mang màu áo hải quân. Mình làm được nhiều việc trọng đại lắm đó. Ví dụ như trả lại danh dự cho một đồng chí bị hàm oan suốt 25 năm”. 

Đó là trường hợp người lính hải quân công tác tại Khánh Hòa, bị tổ chức khai trừ khỏi Đảng vì nghi ngờ tham gia tổ chức Quốc dân Đảng. Suốt 25 năm, người lính này ôm đơn đi gõ cửa các cơ quan từ địa phương đến tận trung ương. 25 năm, tóc một con người đã bạc, chân đã yếu, mắt đã mờ nhưng danh dự bị mất thì có chết cũng không nhắm được mắt. Hiểu thấu nỗi lòng của đồng đội, phải thật sự có oan khiên thì người ta mới lặn lội đi đòi lại công lý gian truân và trường kỳ như vậy, 

Đại tá Võ Văn Hiến quyết tâm tìm cho ra lẽ phải. Ông âm thầm về những nơi người đồng đội từng sống và sinh hoạt, gặp các cụ bô lão, những người có uy tín trong Đảng và nhân dân xác minh. Tất cả họ đều ký xác nhận: “Ở địa phương không tổ chức Quốc dân Đảng để đồng chí đó tham gia”. Đến các vị lãnh đạo cấp cao cũng khẳng định, đồng chí đó tốt, vào thời điểm ấy không có tổ chức Đảng phái nào hoạt động tại địa bàn thì không thể nói họ tham gia được. Cuối cùng người đồng chí của ông đã được giải oan, được khôi phục danh dự đảng viên cộng sản.

Dù tuổi cao nhưng ông vẫn tích cực tham các hoạt động xã hội.

Người bạn chiến đấu Hồ Ngọc Minh đã đề tặng ông bốn câu thơ trong bài “Ngưỡng mộ” của mình:

Dùng cả võ văn hiến đức tài
Công thành danh toại chí làm trai
Đời thường đáng tướng mà không tướng
Ẩn hiện có không ảo thực hài”

Trái tim yêu biển

Một trong hai người con gái của ông hiện đang công tác trong lực lượng Hải quân, tiếp nối truyền thống đầy tự hào của gia đình. Cháu ngoại đầu vừa lớn ông đã gửi vào trường thiếu sinh quân rồi cho ra đảo “thực tập” cuộc đời. Một năm dãi nắng, dầm gió ở Trường Sa, trở về đất liền ông tiếp tục định hướng cho cháu thi vào Trường Sĩ quan Lục quân 2. Hiện nay, cháu ngoại của ông đã trở thành người chiến sĩ trên tuyến đầu Tổ quốc.

Nghỉ hưu, ông được đồng đội tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh quận 1. Trong hoàn cảnh nào cũng vậy, ông là đầu tàu trong các hoạt động tri ân, về nguồn của những người lính giữa thời bình. Với ông, biển đảo luôn là nỗi nhớ, là một điều gì đó thiêng liêng và sâu thẳm trong trái tim. Ông đã từng đi rất nhiều địa phương có bờ biển, để tìm kiếm vùng đất phù hợp cho dự án nghỉ dưỡng cựu chiến binh. Cuối cùng, ông chọn Cần Giờ, nơi có rừng, có sông và có biển. Ông dồn tiền vào mua đất, mang nhiều loại cây xanh và hoa ra trồng và xây dựng những khu nhà nghỉ dưỡng quay mặt ra biển, hướng ánh nhìn về chiến khu Rừng Sác. 

Ông rất ưu ái và dành tình cảm đặc biệt với cựu chiến binh, những người đã chịu nhiều hy sinh mất mát cho cuộc chiến tranh của dân tộc, bất cứ ai có nhu cầu nghỉ dưỡng du lịch đều được mời gọi và đón tiếp chân tình. Với bàn tay và cái đầu tinh anh của vị Đại tá, vùng đất Long Hòa (Cần Giờ) cát trắng phau đã biến thành nơi xanh tươi ngút ngàn, có hồ nước ngọt mát lành, có rặng phong lan tỏa hương ngây ngất suốt đêm ngày, ông đặt tên là cho đứa con tinh thần của mình là Tâm Ngọc. Mỗi lần nhớ biển, ông lại đi về Tâm Ngọc, lắng mình nghe tiếng thì thầm của biển cả và dạo những bước chân thanh thản ven bờ cát trắng.

Cả đời mang màu áo lính hải quân, chất biển đã lặn ngấm vào màu da tiếng nói của vị đại tá già. Những khi có chuyến tàu ra đảo, ông lại sốt sắng muốn lên đường, gặp các anh lính hải quân trẻ măng, nụ cười tỏa nắng trên đảo khiến lòng ông cứ rạo rực. Ông kể cho lính đảo nghe về thời hải quân của ông, đó là những tháng năm gian khó giữ đảo, xây đảo để có được một biển đảo Việt Nam đẹp và hùng vĩ như bây giờ. Lính đảo thích lắm, chăm chú nghe và sôi nổi hỏi chuyện. Rồi ông đọc thơ, tiếng thơ từ lòng biển cả dội về, như tiếng sóng dạt dào giữa trùng dương mênh mông, như lời hịch của nhưng trái tim yêu đảo: 

Khắc sâu ý chí ông cha
Biển đảo chủ quyền Tổ quốc ta
Một tấc một ly thề giữ vững
Kẻ nào xâm phạm quyết không tha
”.

Ngọc Hoa
.
.
.