"Dê và hoa" Cuộc chơi hội họa chào năm mới của hai họa sĩ gạo cội

Thứ Năm, 15/01/2015, 11:00
Những ngày cuối năm 2014, Đỗ Phấn và Chu Hùng Sơn, hai họa sĩ gạo cội, hai người bạn thân thiết, gặp nhau trong một cuộc chơi hội họa thu hút đông đảo sự quan tâm của công chúng tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài - Hà Nội. "Dê và hoa" là triển lãm chung thứ 2 của họ, sau 12 năm. Đầu năm con dê hơn một thập kỷ về trước họ cũng đã cùng nhau chơi một cuộc chơi đầy ngẫu hứng như vậy…
Năm 2014 là năm của Đỗ Phấn, với nhiều dấu ấn anh để lại trong lòng công chúng. 3 cuốn sách văn học được xuất bản trong một năm, cùng với đó là giải thưởng cao quý của Hội Nhà văn Hà Nội cho tiểu thuyết "Dằng dặc triền sông mưa" đưa Đỗ Phấn trở thành cái tên được nhắc nhiều trong đời sống văn học. Nhưng ở lĩnh vực hội họa, anh cũng được quan tâm không kém, và cũng lao động sung sức không kém.

Không mấy người sáng tạo đặc biệt như Đỗ Phấn, vừa vẽ tranh vừa viết văn. Những lúc chữ nghĩa "bí rì rì", anh quay sang chơi với màu và bố cục. Tranh vẽ vừa để giải tỏa mình, vừa là nguồn sống chính để nuôi nghề viết. Đỗ Phấn vẽ tranh dê, vừa là rất "thời sự" dịp cuối năm con Ngựa, vừa là vì tình cảm trìu mến đặc biệt anh dành cho con vật hiền lành bé nhỏ này. Hình ảnh con dê có gì đó thật nhẹ nhàng, nhẫn nhịn, khiêm nhường, bình an.


Con dê chả bao giờ gây hấn, đánh lộn với đồng loại hay những con vật khác. Nó bao giờ cũng chủ kiến hòa bình, nghiêng về cách giải quyết mọi việc ôn hòa nhất. Nó cũng không muốn phô phang, nổi bật ở đâu cả. Nó sống đời sống bình thản, ít tranh giành, giàu tình thương và lòng trắc ẩn. Đỗ Phấn nói, thế giới nhiều bất an, vì con người thường hay bị lòng tham chi phối. Con người luôn muốn sở hữu nhiều hơn và nhiều hơn nữa, vô cảm và không chia sẻ.
Từ phải qua trái: Họa sĩ Chu Hùng Sơn, họa sĩ Đỗ Phấn, họa sĩ Lương Xuân Đoàn trong lễ khai mạc triển lãm.

Con dê chả bao giờ gây hấn, đánh lộn với đồng loại hay những con vật khác. Nó bao giờ cũng chủ kiến hòa bình, nghiêng về cách giải quyết mọi việc ôn hòa nhất. Nó cũng không muốn phô phang, nổi bật ở đâu cả. Nó sống đời sống bình thản, ít tranh giành, giàu tình thương và lòng trắc ẩn. Đỗ Phấn nói, thế giới nhiều bất an, vì con người thường hay bị lòng tham chi phối. Con người luôn muốn sở hữu nhiều hơn và nhiều hơn nữa, vô cảm và không chia sẻ.

Con dê chính là hình ảnh tượng trưng của lòng mong muốn thế giới sẽ ôn hòa hơn, con người sống với nhau giàu tình thương hơn, tinh thần nhường nhịn tương thân tương ái cao hơn. Tranh dê của Đỗ Phấn cho người xem một cảm giác thật ấm áp. Anh thường dùng những tông màu nhẹ nhàng như xanh, hồng, tím, ghi để biểu đạt. "Năm nào tôi cũng vẽ tranh con giống, để chơi, hoặc đơn giản là tặng bạn bè, và cả bán nữa. Riêng con Dê thì tôi có một tình cảm đặc biệt với nó. Về mặt tạo hình, con dê dễ vẽ hơn một số con khác. Nó là con vật chung thủy với con người, được con người thuần hóa từ lâu, nhưng lại vẫn là một con vật hoang dã.

Tranh của họa sĩ Đỗ Phấn.

Vì thế, tôi thường vẽ con dê hết sức khoáng đạt, tự nhiên, không câu nệ gò bó. Nếu bạn để ý kỹ, con dê còn có một vẻ gì rất nghệ sĩ.  Trong cuộc sống, những người tuổi Dê cũng thường hay hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật". Họa sĩ Cao Tuấn, cán bộ tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài cho hay, người xem đặc biệt yêu thích tranh dê của Đỗ Phấn, vì tinh thần tươi vui của nó. Phần lớn những bức tranh dê được bày trong triển lãm đã được người xem mua. Ai cũng muốn có một bức tranh dê bày trong nhà nhân dịp đầu năm mới để cầu mong một năm bình an, nhẹ nhàng, vui tươi sẽ đến với mình và gia đình mình.

Chu Hùng Sơn thì khác, anh ít vẽ con giống. Sở trường của anh là tranh hoa. Tinh tế, trong trẻo, tràn ngập suy tư là cảm giác mà tranh của Chu Hùng Sơn mang đến cho người xem. Chu Hùng Sơn nguyên là giám đốc Nhà triển lãm 29 Hàng Bài-Hà Nội- một địa chỉ vô cùng quen thuộc với giới hội họa cả nước. So với người bạn Đỗ Phấn tên tuổi xuất hiện nhiều trên truyền thông, báo chí, Chu Hùng Sơn trầm tĩnh và kín tiếng hơn.

Tranh của họa sĩ Chu Hùng Sơn.

Giới họa sĩ thường nói với nhau, Chu Hùng Sơn là tay kiêu ngạo và khó tính bậc nhất. Vẽ tranh nhiều, triển lãm nhiều trong nước và quốc tế, nhưng trong suốt cuộc đời làm nghề của mình, Chu Hùng Sơn ít chịu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông báo chí. Anh không tuyên bố, phát ngôn, cũng ít bàn luận về nghề. Quan điểm của anh, là người nghệ sĩ thì hãy lao động và nói bằng tác phẩm của mình.

Suốt những năm làm công tác triển lãm mỹ thuật, là "bà đỡ" cho hàng trăm triển lãm cá nhân và tập thể trong lĩnh vực hội họa, Chu Hùng Sơn chỉ tâm niệm một điều, phải làm sao tổ chức được những triển lãm mỹ thuật chuẩn mực nhất, nâng tầm giá trị tác giả và tác phẩm hội họa. Anh cũng rất dị ứng với việc một số họa sĩ trẻ mới vào nghề thường dùng chiêu trò mánh lới để PR tên tuổi quá mức, hay tạo ra những giá trị ảo để lừa mị công chúng.

 Chu Hùng Sơn thường nói với bạn bè, người làm nghệ thuật phải biết giữ cho mình những khoảng lặng, khoảng riêng, phải biết sống trong sự vô danh cần thiết mà sáng tạo. Vô danh để không bị phiền nhiễu bởi ánh sáng của những thứ hào quang giả tạo, không sa đà vào những cuộc tranh luận vô bổ, hay việc chăm chút hình ảnh bắt mắt. Vô danh để có thời gian ngồi im lặng trong bóng tối, đào sâu vào chính mình, tìm kiếm những gì bên trong để gọi chúng lên tác phẩm. Nếu cứ mải lo xiêm áo, anh ta sẽ mất nhiều thời gian, và đôi khi mất cả tự do cần thiết để làm việc.

Cánh nhà báo thường kháo nhau, chả bao giờ "cậy lời" Chu Hùng Sơn được, vì anh khó tính quá, cực đoan quá. Nhưng xét đến cùng, đó cũng là sự cực đoan đáng yêu của một người nghệ sĩ hiểu được đâu là giá trị thật của nghệ thuật. Nhà văn Đỗ Chu từng nhận xét: "Người làm nghệ thuật như Chu Hùng Sơn là hiếm, trong thời buổi ai dính dáng tí văn nghệ nào cũng chỉ chực nhảy ra đám đông để khua chân múa tay nổi đình nổi đám. Có một số kẻ bất tài, lười lao động còn chỉ nhăm nhăm dùng truyền thông để tạo ra danh ảo. Nghệ sĩ thật sự thì không có thời gian cho việc đó. Danh tiếng của họ là do lao động của họ, tác phẩm của họ tạo ra".

Tranh của họa sĩ Đỗ Phấn.

Chu Hùng Sơn vẽ nhiều đề tài, nhưng Hoa là một trong những đề tài yêu thích của anh. Họa sĩ nào cầm cọ chả từng vẽ hoa và đàn bà. Nói vậy để biết đụng vào những đề tài quen thuộc là rất khó. Hoa trong tranh của Chu Hùng Sơn là sự dồn nén và bung nở của xúc cảm. Hoa chỉ là cái cớ để họa sĩ nói những câu chuyện của tình yêu, của đời sống thường nhật. Chu Hùng Sơn có một kỹ thuật vẽ điêu luyện của một người được học hành đào tạo bài bản lại có cả cuộc đời làm công tác triển lãm tranh, xem và nghiên cứu tranh của đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Cũng bởi đọc nhiều xem nhiều mà anh biết tránh không lặp lại những gì mà người khác đã đi. Ý thức cá nhân mạnh đã khiến cho tranh của Chu Hùng Sơn có một dấu ấn đặc biệt trong đời sống hội họa. Ít tham gia các sự kiện, ít ngồi nhậu với bạn bè ở đám đông, ít xuất hiện trên truyền thông và tìm tên Chu Hùng Sơn trên google cũng chả có mấy thông tin, nhưng anh là họa sĩ sống khỏe bằng nghề, được đồng nghiệp đánh giá cao và nể trọng.

"Dê và hoa" là câu chuyện kể tiếp của 12 năm về trước. Vào năm con Dê, hai người bạn Đỗ Phấn và Chu Hùng Sơn rủ nhau làm triển lãm. Triết lí của họ thật đơn giản, những gì đẹp nhất, tinh khôi, thơm hương và bình an nhất là thứ mà con người ta muốn đạt tới cuối cùng.

Mọi tranh giành đều sinh ra bi kịch. Lòng tham là khởi nguồn cho cái ác. Vật lộn với cuộc đời, tìm kiếm rất nhiều ảo mộng, nhưng càng trải nghiệm con người ta càng có xu hướng quay về với những gì giản dị gẫn gũi nhất. Là niềm vui từ phía trong của tâm hồn, như hoa nở buổi sớm. Là lòng trắc ẩn, yêu thương, hòa hợp như tinh thần khoai thai của một chú dê đáng yêu trên cánh đồng cỏ xanh. So với 12 năm trước, hai người bạn họa sĩ đã già hơn rất nhiều. Họ đều đã ở tuổi lên ông lên bà, đã nghỉ hưu và ít vướng bận rồi. Nhưng tinh thần trẻ trung, yêu đời, tươi mới trong những bức tranh Dê và hoa của họ thì vẫn còn đầy ắp.

Trong buổi khai mạc triển lãm, tiễn biệt một năm nhiều vui buồn qua đi và chờ đón hy vọng một năm mới an lành đang tới, hai họa sĩ vui vẻ chia sẻ rằng, họ mong trời cho mình sức khỏe, năng lượng, để 12 năm nữa, 24 năm nữa, vào năm con Dê, họ lại có tranh "Dê và hoa" để triển lãm. Đó cũng là cách để những người nghệ sĩ gửi gắm tình yêu của mình với cuộc đời, với công chúng…

Bình Nguyên Trang
.
.
.