Dị nhân đóng giày

Thứ Hai, 27/07/2015, 09:00
Trái bom oan nghiệt hất tung lão lên trời, những vết thương chằng chéo xé rách cơ thể, quật ngã ý chí của lão. Lão còn sống nhưng vĩnh viễn mất đi chức năng nghe, nói. Thế giới câm lặng phủ trùm trước mặt, lão đã muốn chết. Người ta bốc lão đi nước ngoài chữa trị, cho lão học nghề, lão lại muốn sống để trả nợ cuộc đời. Hơn 40 năm, lão trở thành người kỹ thuật viên chỉnh hình câm điếc đặc biệt. Bàn tay lão kiến tạo ra hàng nghìn đôi giày cho những bệnh nhân khuyết tật, vực dậy niềm tin cho họ bước đi trên đường đời.
Chiếc áo xanh công nhân bạc phếch, nhuộm trắng mồ hôi, nhuốm đầy dầu nhớt, nhựa giày đã mục rách nhưng lão vẫn mặc. Lão cần mẫn đo, vẽ, chỉnh sửa thật tỉ mỉ từng họa tiết của một đôi giày khuyết tật. Lão ngước lên nhìn tôi, nở một nụ cười thay cho lời chào. Lão xé tờ lịch đưa cho tôi, ý của lão muốn tôi hãy viết những gì cần hỏi vào tờ giấy đó. Lão nheo mắt đọc, rồi cười ú ớ. Lão khua tay, múa chân ra dấu nhưng tôi chẳng hiểu gì.

Lão kéo anh Mỹ đến phiên dịch. Tất cả những người kỹ thuật viên làm ở xưởng đều có khả năng nhìn, hiểu và phiên dịch được ý của lão. Tên thật của lão là gì thì không ai nhớ, chính lão cũng không nhớ nổi từ sau tai nạn kinh hoàng hơn 40 năm về trước. Ngày người ta bốc lão đi chữa trị, thấy lão không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào, người ta đặt tên lão là: Nguyễn Văn Câm. Như thế thật phũ phàng với một con người đã mất mát quá nhiều thứ, sau này đồng nghiệp đã thay cho lão một cái tên khác là… Hồ Tiềm.

Hồ Tiềm sinh ra tại Quảng Nam trong một gia đình nông dân quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Cha lão sớm thoát ly đi làm cách mạng. Năm Hồ Tiềm 16 tuổi,  cha hy sinh tại chiến trường miền Nam. Là con trai cả trong nhà, lão cùng mẹ còng lưng trên những cánh đồng cằn khô lo cho cả gia đình. Trong một lần đi cày đồng, máy bay Mỹ thả bom oanh tạc ngay bên cạnh.

Ông Hồ Tiềm luôn miệt mài với công việc.

Một tiếng nổ long trời lở đất hất tung lão ra xa vài chục mét. May mắn sống sót nhưng hậu quả bom đạn đã cướp đi của lão cái quyền được nghe, nói. Thế giới lặng câm phủ trùm lấy cuộc đời chàng thanh niên đang tuổi sung sức nhất của đời người. Những vết sẹo chồng chéo, xé rách cơ thể, quật ngã ý chí của lão. Bỗng chốc, lão trở thành người tàn tật. Những tháng ngày sống trong thế giới của người câm điếc, lão đã nghĩ đến cái chết. Nhưng rồi thương mẹ, thương các em mồ côi nheo nhóc, lão lại bừng tỉnh.

Lấy hết can đảm, lão cố sống để trả nợ đời. Cuối năm 1969, một tổ chức phi chính phủ của Đức đưa lão và một số người khuyết tật khác ra nước ngoài điều trị vết thương. Vừa chữa bệnh, lão vừa được học nghề đóng giày chỉnh hình. Lão hăng say học tập, bền bỉ tập luyện khiến nhiều người khâm phục. Nhiều báo nước ngoài tìm gặp và phỏng vấn người thanh niên khuyết tật nhưng có ý chí đến từ Việt Nam.

Bốn năm ở nước Đức, lão được về quê hương. Ở mảnh đất "chó ăn đá gà ăn sỏi", lão không thể phát huy hết tiềm năng của nghề đóng giày. Lão khổ sở, loay hoay đi tìm lối thoát. Rồi lão vào Sài Gòn, đi làm những việc không tên để kiếm sống. Sau có người giới thiệu lão về Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP. Hồ Chí Minh) đóng giày cho những bệnh nhân khuyết tật. Được làm đúng nghề, lão ngày đêm vùi mình bên những đôi giày chỉnh hình cho người không may mắn giống lão.

Đồng nghiệp đánh giá cao trình độ chuyên môn của lão. Lão được ông trời phú cho đôi tay khéo léo và cái đầu thông minh. Hơn 40 năm, những đóng góp của lão đã giúp nhiều đôi chân tìm lại được bước đi của chính mình. Nhiều bệnh nhân đi trên đôi giày của lão đóng, họ thân thương dành cho lão những tình cảm không thể nói bằng lời.

Nhiều đôi chân đã đứng vững nhờ những đôi giày của người kĩ thuật viên câm điếc.

Lão vẫy tay kéo tôi lại lục tìm trong ngăn kéo bàn làm việc một xấp giấy tờ. Đôi mắt lão rạng rỡ đưa cho tôi xem những bài báo viết về lão. Lão chỉ trỏ, ú ớ ra dấu cho người phiên dịch rằng: "Lão vui lắm, lão đang rất hạnh phúc". Ở phía sau mặt giấy có nhiều nét chữ khác nhau của nhiều bệnh nhân. Họ bày tỏ lòng biết ơn, sự thán phục đối với người kĩ thuật viên chỉnh hình đặc biệt. Một em bé bị dị tật ở chân, nhờ đôi giày lão đóng đã thay đổi cuộc đời.

Em đã có bước chân vững vàng, chắc chắn, có cuộc sống tự tin và mạnh mẽ hơn. Là cụ ông bị vẹo cột sống, bước thấp bước cao suốt nhiều năm trời. Lão tỉ mẩn nghiên cứu mấy ngày liền để đóng cho cụ ông đôi giày phù hợp. Ngày xỏ chân vào giày, cụ ông bước đi đều đặn, vững vàng không còn cà nhắc nữa. Cụ ông ôm lão sung sướng, cười mà nước mắt chảy ròng ròng. Còn nhiều và rất nhiều những tình cảm của bệnh nhân khác nữa, lão nén vào tim, lấy đó làm niềm hạnh phúc trong công việc.

Mỗi lần người phiên dịch quay sang hỏi lão bằng ngôn ngữ riêng, lão lại chìa hai ngón tay lên, đấm mạnh vào ngực. Thấy tôi ngơ ngác, người phiên dịch giải thích: "Ông ấy muốn nói là ông rất yêu công việc này, yêu bằng cả trái tim. Ông sẽ không đánh đổi bất cứ thứ gì để thay bằng việc mình đang làm. Bởi đây không phải cái nghề mà là cái ơn ông mang nặng suốt đời. Ngày xưa, nếu như ông không được các nhà hảo tâm đưa đi chữa trị, tạo cho một công việc thì đời ông không biết sẽ đi về đâu".

Khi nhắc đến gia đình, lão bỗng cười rất tươi, thể hiện bằng hành động quyết liệt, dứt khoát và tự tin. Lão có mối tình thật đẹp với một cô gái cùng cảnh ngộ điếc câm. Họ bén duyên với nhau trong những lần lão mang áo sang cho cô vá. Cô thợ may mến cái tính thật thà, thương cái thân lầm lũi cô độc một mình nên "mở cửa" cho lão.

Thể hiện tình cảm bằng ánh mắt, cử chỉ, phải nhiều lần lão mới ngộ ra. Lão sung sướng không thể diễn tả. Lão bắt đầu chủ động hẹn hò, chở người thương đi ăn chè, xem phim. Một năm sau đó, cô ấy chính thức về làm vợ lão. Ba đứa con, hai trai một gái ra đời. Trong đó hai đứa hoàn toàn khỏe mạnh, còn một đứa bị tai nạn không bình thường, lão buồn lắm. Giờ lão đã có cháu nội 7 tuổi, mỗi ngày lão phải đưa rước đi học hai lần. Lão cho đó là niềm vui lớn nhất tuổi xế chiều.

Hồ Tiềm lôi trong hộc bàn ra một tấm hình nhàu nhĩ, cũ nát được ép nhựa cẩn thận. Lão chỉ vào ngực mình, lại chỉ từng người trong tấm hình để nói với tôi rằng: Đây là tổ ấm hạnh phúc của lão bao năm nay. Anh Hùng phiên dịch: "Tấm hình này khi nào lão cũng mang theo bên mình. Thấy ai lão cũng đưa ra khoe. ­Mỗi lần như vậy, niềm hạnh phúc lại ánh lên sau nụ cười, ánh mắt của lão".

Những đồng nghiệp trong xưởng đều rất đồng cảm và quý mến lão. Đa số họ đều có khả năng "nói chuyện" bằng hình thức phi ngôn ngữ với lão. Những năm tháng gắn bó với lão trong xưởng giày là ngần ấy thời gian họ làm phiên dịch cho lão từ giao tiếp với bệnh nhân đến việc phiên dịch bệnh án của bác sĩ để lão thực hiện những đôi giày cho bệnh nhân một cách chính xác và hiệu quả nhất.

Gia đình nhỏ của ông Tiềm.

Anh Hùng chia sẻ: " Hồ Tiềm sống rất chân thật, cởi mở với anh em. Ông làm việc nghiêm túc, say mê, hầu như không nghỉ buổi nào. Có lẽ ông trời đã bù đắp lại cho người đã chịu nhiều mất mát, phú cho ông có một sức khỏe dẻo dai, bền bỉ. Nhiều khi có tâm trạng, ông không nói ra mà chỉ buồn, làm việc lặng lẽ. Cùng sống, cùng làm việc với nhau chúng tôi hiểu được nỗi lòng của ông ấy".

Lão được đánh giá là chân chất, hiền lành. Nếu không bằng lòng điều gì đó, lão tự đấm vào ngực mình. Lão không bao giờ giận bệnh nhân, cho dù người đó quát mắng trước mặt. Một phần vì lão chẳng nghe được họ quát cái gì, nhưng cái chính là lão hạnh phúc vì được đóng giày cho họ.

63 tuổi, lão vẫn cường tráng về sức khỏe, vẫn hăng say lao động. Bước chân khập khiễng của lão đổ dài theo chiều dài hành lang bệnh viện. Bức tường vô hình trong thế giới vắng âm thanh của người khiếm thính càng gần hơn khi người ta hiểu được những việc lão đang làm. 

Ngọc Thiện
.
.
.