Ðơn giản để sống hết mình

Thứ Tư, 23/11/2016, 14:24
Tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ Biên đạo múa toàn quốc 2016”, không ngạc nhiên khi tiết mục “Ru đêm” của một diễn viên múa chưa qua trường lớp biên đạo nào như Sùng A Lùng lại đoạt huy chương vàng. Bởi trước đó “Ru đêm” làm ban giám khảo ngỡ ngàng tán thưởng.


Ngỡ ngàng vì sự mới mẻ, vì cách kết hợp giữa dân gian và đương đại rất tinh tế, tài tình của chàng trai dân tộc H’mông. Tự biên đạo, tự độc diễn, “Ru đêm” là câu chuyện của cậu, là nỗi khát khao được mặc váy, mơ là chính mình…

- Là diễn viên múa đang lên của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, tại sao bạn lại chuyển vào TP Hồ Chí Minh?

Vì tôi muốn khám phá, muốn thay đổi môi trường sống. Hồi mới ra trường, gia đình ai cũng kêu về làm ở Phòng văn hóa xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, mức lương cũng khá. Nhưng tôi không thích chôn chân một chỗ, tính tự lập lại được rèn từ ngày nhỏ trèo đèo lội suối, tự nấu cơm trên đường đi học nên tôi quyết tâm một mình xuống Hà Nội làm việc. 

Được 3 năm thì lại muốn vào Sài Gòn. Quả thật, đây là môi trường tuyệt vời để mình tha hồ sáng tạo nghệ thuật. Mọi người nói tôi sống theo kiểu rất hoang dã. Vâng, tôi đơn giản hóa mọi thứ, bỏ ngoài tai mọi đàm tiếu mà sống cho thanh thản.

Sùng A Lùng trong bộ ảnh "Những kẻ mộng mơ" của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi.

- Tôi xem bạn múa, có cảm giác bạn đang “lên đồng”. Mọi người thì bảo bạn là người ăn ngủ cùng vũ điệu. Như bạn nói, “Ru đêm” thể hiện con người mình. Đó là một vở múa nội tâm, khán giả cảm thấy con người đó giằng xé, chất ngất khổ đau để được là chính mình, cụ thể là hình tượng cái váy Mèo mà bạn khao khát được mặc. Vậy mà bạn vừa bảo mình sống đơn giản lắm, bỏ ngoài tai mọi lời đàm tiếu?

À, thật ra, cái váy đó chỉ là ước muốn trong một đêm tôi khao khát trở thành một người con gái trong khi thân xác vẫn là con trai. Cái uất ức dồn nén chỉ xuất hiện trong một đêm đó. Một đêm mà có thể đại diện cho một cuộc đời. Trong cái đêm đó, tôi muốn cháy lên, bùng nổ, làm tất cả những gì mình thích, muốn được mặc váy nhưng cuối cùng mình vẫn không thể. Tôi không thể không phải vì tôi từ chối giới tính thật của mình. 

Kết vở múa, dù không mặc được, tôi vẫn ôm cái váy như kiểu mình ôm chính giới tính của mình, ôm con người mình, nó vĩnh viễn theo mình suốt quãng đời còn lại. Tôi làm vở này không phải chỉ dành cho một mình tôi mà dành cho nhiều người đồng tính khác, họ sẽ thấy mình trong đấy. Họ sẽ thấy sự uất ức, giằng xé trong nội tâm của mình. Tôi may mắn hơn họ rất nhiều vì không ít người đồng tính bị gia đình, người đời hắt hủi, đối xử tệ hại.

- Khán giả ấn tượng không chỉ ở chiếc váy xòe mà còn ở điệu hát ru của dân tộc H’mông mà bạn hát mộc trong vở múa. Nó có ý nghĩa gì vậy?

Bài hát ru đó tôi học từ bố. Nó là bài hát cổ, tôi cũng không nhớ tên. Nội dung của nó như kiểu tôi đang tâm sự với một người chị nào đó rằng tôi cầm cây bút vạch ra cuộc đời mình, đã lỡ vạch ra con đường đấy thì dù có khó khăn vấp ngã thế nào thì mình cũng mãi đi theo. Giống như tôi chọn nghề múa thì sống chết với múa. Múa là cuộc sống, là hơi thở của tôi. Lên sân khấu, tôi cảm thấy mình đang phiêu ở đâu đó. Đôi lúc nó ảnh hưởng cả ngoài đời. Mọi người thường gọi tôi là thằng điên. Có lẽ nhờ cái điên ấy mà tôi tránh được mọi va chạm bên ngoài.

- Bạn thích múa từ khi nào?

Hồi học tiểu học, mấy năm liền tôi làm quản ca. Mình múa bản năng vậy thôi chứ không biết múa cụ thể là như thế nào. Đến năm lên lớp 9, tôi đi thi múa ở Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội tại Hà Nội thì lúc đó mới hiểu về múa.

- Có phải từ khi thích múa, bạn mới thấy mình khác với các bạn trai thông thường khác?

Ngay hồi nhỏ đi học, tôi đã thấy mình khang khác. Tôi không thích con gái, chỉ thích các bạn nam, tính tình lại bẽn lẽn. Thấy tôi có những hành động như con gái nên bạn bè trêu nhiều, thậm chí chúng còn đánh đập nữa. Nhưng chính điều đó lại trở thành động lực cho bản thân mình. Tôi rất ghét người khác trêu mình. 

Lâu dần nó trở thành nỗi uất ức. Nhưng uất ức của tôi không bùng ra mà nó tích tụ trong lòng. Khối tích tụ đó trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh để tôi cố gắng học tập, cố gắng chứng minh cho những người từng ăn hiếp mình thấy rằng tôi không hề kém cỏi. Bây giờ lớn rồi, nhìn lại những chuyện đó chỉ thấy là chuyện trẻ con.

- Đồng tính với nhiều người là chuyện khủng khiếp. Với một chàng trai dân tộc thiểu số như bạn, lại ở bản làng miền núi heo hút, chưa hiểu nhiều về giới tính thứ ba, người ta có định kiến gì hay không?

Thật ra, người dân ở bản Chảng Phàng chẳng biết giới tính của tôi là gì. Họ luôn mặc định chỉ có con trai và con gái. Con trai lớn lên thì lấy vợ, con gái thì lấy chồng.  Nếu tôi bảo “Tôi là pê đê” thì họ hỏi “Thế cái đấy là gì?”. “Cái đấy là không lấy được vợ”,  “Tại sao lại không lấy được vợ?”. 

Đấy, tới đó thì mình không muốn giải thích nữa vì có nói họ cũng không hình dung được. Nhiều khi nói với bố mẹ mà bố mẹ vẫn không hiểu, mình chậc lưỡi, nếu bố mẹ không hiểu thì thôi, kệ đi. Mẹ thì lúc nào cũng bảo là đàn ông thì phải lấy vợ con ạ, để sau này có người còn chăm sóc mình, có con nối dõi. 

Tôi nói “Thật ra con cũng chẳng cần lấy vợ đâu, con còn 4 đứa em. Vậy thì con sẽ có nhiều đứa cháu và sẽ dạy dỗ chúng như con cái của mình, thế là quá đủ”. Mẹ trợn mắt: “Thế mày không sợ về già không ai nuôi mày à?”. Tôi cười: “Chẳng lẽ tụi cháu lớn lên trong sự đùm bọc của bác nó mà sau này tụi cháu không nuôi nổi bác khi bác già à?”. 

Bà con ở bản không biết về đồng tính. Nhà tôi cũng như nhà họ còn nghèo lắm, kiếm miếng ăn đã khó nên người ta có cuộc sống và suy nghĩ đơn giản để sống nhẹ nhàng. Ngày vác cuốc đi làm rồi về ăn cơm và đi ngủ.

- Nước ta đã cho phép chuyển đổi giới tính, vậy bạn có định tìm lại cơ thể đã bị ông trời đánh tráo?

Thật ra, tôi rất hài lòng và yêu cơ thể của mình nên chắc chắn không phẫu thuật chuyển giới. Điều quan trọng là mình chỉ có một cuộc đời để sống nên mình cố gắng sống cho thật tốt đẹp, sống làm sao để khi cuối đời không cảm thấy hối hận, nuối tiếc.

- Nghe nói trong tình yêu, người đồng tính rất nhạy cảm và yêu mãnh liệt? Làm nghệ thuật như bạn thì mức độ chắc còn cao hơn?

Tôi đang ế dài đây (cười). Trước đây tôi cũng từng có người yêu. Không biết chị nói có đúng không nhưng quả thật tôi yêu ai thì mãnh liệt lắm. Người ta nói gì tôi cũng tin hết. Chắc có lẽ vậy mà mình bị phụ bạc. Trong lúc mình đang cuồng si, mê đắm như thế thì người kia bắt đầu nhạt nhẽo, hững hờ vì có người thứ ba.

- Nhìn những bộ ảnh thời trang phi giới tính bạn làm mẫu, thấy biểu cảm của bạn rất có hồn và lạ. Nhưng có lẽ bộ ảnh “Những kẻ mộng mơ” của nhiếp ảnh gia Tâm Bùi chụp về cuộc sống gia đình của người đồng tính nam, thì đẳng cấp người mẫu ảnh của bạn càng được khẳng định.

Khi chụp hình tôi thoải mái lắm. Mình nghĩ đơn giản, mình còn trẻ thì tranh thủ chụp hình chứ già rồi thì lên hình đâu đẹp nữa. Nhân vật đóng vai chồng tôi là anh Huy, anh cũng là dân đồng tính nhưng hơi ngại khi diễn, còn bé Bơ thì đóng vai con. Diễn để chụp bộ ảnh nhưng tôi cứ mong ước sau này mình cũng có một gia đình nho nhỏ như thế, thật hạnh phúc, nhẹ nhàng. 

Tôi là người nội tâm, chỉ thích chỗ nào yên tĩnh, ít người chứ chỗ nào đông vui, xôm tụ là mình lại không ưa. Có lẽ vì mình mơ ước như vậy nên bộ ảnh trông rất thật và tự nhiên. Mình cũng chỉ là người mẫu nghiệp dư thôi, làm chủ yếu theo bản năng.

- Qua những hoạt động nghệ thuật của mình thì thông điệp bạn muốn nhắn nhủ đến cộng đồng người đồng tính là gì?

Tôi không ép ai giống như tôi nhưng mọi người hãy tập coi mọi việc xảy ra quanh mình một cách nhẹ nhàng, đừng nặng nề một cái gì vì như thế mình sẽ càng thêm đau khổ rồi hủy hoại bản thân. Cha mẹ cho hình hài, cuộc đời này cho mình sống thì mình hãy sống cho mình và cho những người mình yêu thương. Nếu ai phản bội ta, không sao cả, ta sống hết mình đi, đừng để sau này nối tiếc. Gặp chuyện buồn thì cố gắng xả nỗi buồn thật nhanh, đừng giữ trong lòng. 

Nhiều bạn nhắn tin cho tôi bảo em là người đồng tính, em không dám công khai vì sợ bạn bè trêu chọc, ba mẹ đau lòng. Tôi nhắn nhủ rằng em có biết em sẽ sống lại thêm một hay hai cuộc đời nữa hay không thì tại sao em lại giấu. Em hãy tập nói điều đó với người thân nhất, họ xứng đáng được biết đầu tiên và sẽ động viên mình. 

Hồi 17 tuổi, lần đầu tiên tôi tiết lộ giới tính của mình với người bạn thân nhất. Hóa ra nó cũng giống như mình. Rồi dần dần mọi người đều biết. Nhiều bạn bè hỏi là các em có sợ bị đánh bị trêu không. Tôi bảo không sợ, vì mình không hại ai, mình không làm gì xấu xa cả.

Xin cảm ơn bạn!

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)
.
.
.