Phó Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, NSƯT Tạ Minh Tâm:

Âm nhạc cách mạng vẫn có chỗ đứng trong lòng mỗi người

Chủ Nhật, 12/11/2017, 10:28
NSƯT Tạ Minh Tâm có phần trẻ và phong độ hơn so với độ tuổi của mình. Vài năm nữa thôi, anh sẽ về hưu. Hôm chúng tôi hẹn phỏng vấn anh, anh đang bận việc trong đó có việc phải luyện giọng chuẩn bị cho đêm nhạc kỷ niệm 40 năm ca hát "Live Concert Tâm" diễn ra vào lúc 19h30 ngày 25-11 tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.


- Trong "Live Concert Tâm" kỷ niệm chặng đường 40 năm ca hát, anh sẽ kể câu chuyện gì?

+ Live Concert là dịp để tôi trải lòng, gửi gắm những tâm tư sâu kín về chặng đường 40 năm gắn bó cùng Nhạc viện TP Hồ Chí Minh nói riêng và âm nhạc nói chung. Đó là những lời tri ân sâu sắc mà tôi góp nhặt, hun đúc suốt 40 năm làm nghề và giờ đây, tôi muốn gửi đến quý khán giả - những người luôn yêu mến, ủng hộ tôi trong suốt mấy chục năm qua.

Chương trình sẽ có hai phần. Phần một bao gồm các ca khúc cách mạng Việt Nam, phần hai là các tác phẩm cổ điển, các vở nhạc kịch opera thế giới. Đây đều là những tác phẩm đồng hành với Tạ Minh Tâm suốt 40 năm qua. Chương trình có tổng cộng 18 bài hát.

NSƯT Tạ Minh Tâm là gương mặt hiếm hoi ở miền Nam nổi danh nhờ nhạc cách mạng. - Ảnh: NVCC.

Tôi sẽ hát khoảng mười mấy bài; còn lại sẽ do một số đồng nghiệp, học trò của tôi thể hiện như Cho Hae Ryong, Ngọc Tuyền, Võ Hạ Trâm, Thế Vĩ. Chương trình do NSƯT Lê Thủy làm đạo diễn. Chỉ huy dàn nhạc là NSƯT Trần Vương Thạch.

- 40 năm chỉ hát nhạc cách mạng và nhạc cổ điển?

+ Đa dạng hơn nữa chứ. Có điều, khán giả thích Tạ Minh Tâm hát nhất vẫn là nhạc cách mạng. Còn nhạc cổ điển thì tôi không nói bởi so với thế giới, khán giả của dòng nhạc này ở nước ta khá kén.

Tôi là một trong những ca sỹ lớn lên trong giai đoạn chiến tranh; vì thế, có những cảm xúc cũng như trải nghiệm về cuộc chiến, về giai đoạn khó khăn của đất nước. Có lẽ vì vậy, tôi sẽ cảm nhận tốt hơn thế hệ sau về mảng đề tài này.

Với lại, nhạc cách mạng được nhiều người hát, ai cũng hát được nhưng để hát cho ra hồn, ra chất thì bên cạnh cảm nhận, trải nghiệm, còn đòi hỏi kĩ thuật thanh nhạc tương đối vững vàng mới chuyển tải được hết chiều sâu của tác phẩm. Có lẽ tôi may mắn hát ra được cái hồn, cái chất đó nên được khán giả dành nhiều sự ưu ái chăng?

- Nhưng có một thực trạng thế này: Hình như giới trẻ ngày nay ít nghe nhạc cách mạng. Có bạn còn cho rằng, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Là một người gắn bó với dòng nhạc này mấy chục năm qua, anh nghĩ sao?

+ Họ nghĩ như vậy, đó là suy nghĩ riêng của từng người. Nhưng cái gì hay thì nó vẫn sống mãi, không thể phủ nhận được; mà có muốn phủ nhận cũng không được. Vấn đề là nó được sử dụng đúng lúc đúng nơi hay chưa?

Tôi cho rằng, nhạc cách mạng sẽ luôn có chỗ đứng riêng của nó trong tâm hồn Việt Nam, trong sâu thẳm, tâm thức của mỗi người dân Việt Nam mỗi khi nhắc đến những cuộc kháng chiến hoặc có một dịp nào đó gợi đến kí ức đó. Và các bài hát của nhạc cách mạng làm cho kỉ niệm thêm phần ý nghĩa, cảm xúc.

Nếu nghĩ đến giai đoạn lịch sử đó, nghe được bài hát trong thời kì đó thì cảm xúc sẽ nhân lên nhiều lần chứ? Nó vẫn luôn có giá trị chứ. Tất nhiên, nó không phải là hơi thở thời đại này nữa. Nhưng cái gì thuộc về lịch sử, nó hay và nó đúng, thì nó sẽ bất tử. Mỗi một thời kì sẽ có những tác phẩm lắng đọng, trầm tích của thời đó và những giá trị sẽ lưu lại muôn đời.

Những thứ không có giá trị thì tự khắc sẽ bị đào thải. Cho nên chúng ta mới có những tác phẩm đi cùng năm tháng, từ những bài hát như "Cây trúc xinh", "Qua cầu gió bay"… vẫn sống đến ngày nay. Đó chính sức nặng của hai chữ "thời gian". Tương tự, nhạc cách mạng cũng sẽ có những tác phẩm sống mãi như thế.

- Nói như thế hiện anh có lạc quan quá không?

+ Tôi rất lạc quan. Tôi đang chia sẻ một cảm nhận có thực. Âm nhạc cách mạng vẫn có chỗ đứng trong lòng mỗi người khi nhắc về những cuộc kháng chiến dù nó đã lùi xa. Không ai quên nó cả, nhất là những người đã sống, đã đi qua giai đoạn đó.

NSƯT Tạ Minh Tâm hát trong đêm nhạc "Tình ca đỏ" năm 2007. - Ảnh: NVCC.

Những người trẻ cũng thế, đừng nghĩ họ lãng quên. Thử nghĩ mà xem, đất nước chúng ta chỗ nào mà không có mộ liệt sĩ? Chỗ nào mà không có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng… Nhạc cách mạng sẽ luôn sống, sẽ luôn được nghe trong những dịp đặc biệt như ngày lễ, ngày kỉ niệm…

Có người cho rằng tôi đang nói xạo. Không! Những ca sỹ như Tạ Minh Tâm vẫn đang sống được nhờ nhạc cách mạng. Vẫn sống được nghĩa là nhiều người vẫn có nhu cầu muốn nghe. Nếu không có chỗ đứng, có lẽ, tôi đã chuyển sang hát nhạc thị trường lâu rồi.

- Tôi hiểu ý anh. Nhưng không ít người khi nhắc đến nhạc cách mạng lại… ngại và mặc định đó là thứ âm nhạc phục vụ chính trị nên giáo điều, cứng nhắc? Chúng ta có không ít chương trình, ca sỹ hát như cái loa, máy móc… 

+ Do cách thể hiện chứ thực ra nhạc cách mạng không phải là nhạc chính trị đơn thuần. Với tôi, nó là những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Các tác giả thời kì đó soạn, viết ra theo đơn đặt hàng của trái tim, chứ không phải đơn hàng của tiền bạc như nhạc thị trường bây giờ.

Bây giờ, người ta viết vì rating, vì cuộc bầu chọn nào đó, vì cuộc chiến giành giật view; không như ngày trước, các nhạc sỹ sáng tác vì cảm xúc, tình cảm, vì nhu cầu tự thân của họ đối với đồng đội, với vận mệnh Tổ quốc nên đầy cảm xúc.

Còn bây giờ, có không ít chương trình, ca sỹ, nhạc công thể hiện chiếu lệ, cho có; thành ra, nhạc cách mạng dễ thành một thứ nhạc rao giảng đạo đức, sáo mòn, không chạm được vào trái tim của công chúng.

Âm nhạc thực chất là một thứ ngôn ngữ để chuyển tải cảm xúc. Vì vậy, nhạc cách mạng cũng là những bài tình ca, cũng đều là những khúc hát trữ tình. Nếu mình nghĩ nó là chính trị, yếu tố cảm xúc sẽ giảm đi. Nhạc cách mạng ra đời trong chiến tranh.

Đó là cảm xúc của con người trong cuộc chiến, là tình cảm giữa con người với con người, giữa con người với quê hương, xứ sở, tình cảm con người giữa ranh giới sống chết gắn với vận mệnh dân tộc… Tình ca đâu chỉ là tình yêu đôi lứa? Ai dám nói "Câu hò bên bờ Hiền Lương" của nhạc sỹ Hoàng Hiệp không phải là tình ca? Đều là nhạc cách mạng hết đấy chứ. Nếu người ca sỹ hiểu điều đó rồi, họ sẽ thể hiện được cảm xúc trong bài hát một cách trọn vẹn.

- Ngoài thể hiện khúc tâm tình của con người trong chiến tranh, so với những dòng nhạc khác, nhạc cách mạng có một giá trị khác biệt ở chỗ định hướng, hiệu triệu lên đường?

+ Nghệ thuật có chức năng giáo dục, định hướng con người. Nhưng trong thứ nhạc tạm gọi là nhạc thị trường, người ta vứt luôn cái đó, miễn sao nghe cho sướng tai, cho vui và xả stress là được, chẳng quan tâm định hướng, giá trị gì. Không riêng âm nhạc mà những lĩnh vực nghệ thuật khác cũng vậy. Bây giờ, đa số, người ta chẳng quan tâm tới hai yếu tố đó đâu.

Mỗi một thời đại, mỗi một thời kì sẽ có nhu cầu của nó. Khổng Tử nói một câu rất hay, đó là: "Nghe nhạc của một nước, biết vận nước đó thịnh hay suy". Thời đó, vận mệnh đất nước như vậy, lòng người chung một lý tưởng như vậy, thì đương nhiên nó sẽ đẻ ra những ca khúc như vậy. Bây giờ có không ít người chỉ quan tâm tới tiền nên giành giật nhau để sống, nên mới có thứ nghệ thuật thỏa mãn nhu cầu cá nhân, dục vọng cá nhân.

- Nói như thế thì nền âm nhạc hiện tại là một bước thụt lùi ư?

+ Tôi không nói đó là bước thụt lùi, nhưng ở thời kinh tế thị trường phát triển, mặt trái của nó cũng nảy sinh, có người đang nhao nhao vào làm giàu. Âm nhạc phản ánh điều đó. Nhan nhản người không có giọng vẫn đổ xô vào làm ca sỹ. Không ít ca khúc được gọi là hot nhưng tuổi thọ tính bằng ngày. Có những ca khúc ra hôm nay, ngày mai đã chẳng còn ai nhớ đến nữa.

Tôi không nói nó đi lên hay đi xuống. Điều đó hãy để mọi người suy ngẫm và tự đánh giá. Khi nói như vậy, tôi không có ý phủ nhận giá trị của âm nhạc thị trường, hay còn gọi là âm nhạc giải trí. Giải trí cũng có giá trị của giải trí chứ không phải là không.

Nhưng chúng ta cần phải sòng phẳng giữa các giá trị. Có không ít người làm ra những sản phẩm giải trí, lại ngộ nhận đó là những tác phẩm nghệ thuật. Tôi hay đọc trên báo những câu đại loại như, anh A hi sinh vì nghệ thuật, chị B cống hiến cho nghệ thuật… Không phải đâu.

- Nhưng thứ âm nhạc mà anh vừa nhắc đến lại đang thống lĩnh đời sống thưởng thức của đa số công chúng, nhất là giới trẻ. Có phải tự dưng đâu, thưa anh?

+ Thực ra, âm nhạc thị trường chỉ là "móng tay" của nền âm nhạc nói chung. Nhưng bây giờ, nhất là giới trẻ, nhắc đến âm nhạc, chỉ nhắc về ca khúc thị trường. Rõ ràng, đó là một khoảng trống mênh mông cho những điều còn lại. Chúng ta không thể xem thường âm nhạc giải trí được. Nó chỉ là "móng tay" thôi nhưng nó đang có ảnh hưởng không phải là nhỏ...

Với NSƯT Tạ Minh Tâm, những tác phẩm tiêu biểu của nền âm nhạc cách mạng sẽ sống mãi.

- Theo anh, vì sao lại vậy?

+ Do trình độ dân trí, do những bất cập của nhận thức… Bây giờ, cuộc sống con người ta đang lo toan nhiều thứ, không nghĩ nhiều tới những giá trị nhân bản. Mà giới trẻ đang là khách hàng, là "thượng đế" của âm nhạc Việt Nam nên âm nhạc chiều lòng bộ phận giới trẻ cũng không có gì là khó hiểu. Mà giới trẻ, đa số chỉ thích những thứ vui vui, đơn giản, dễ chịu, thỏa mãn bản năng là chính. Và không ít người hiểu lầm, cho rằng thứ âm nhạc mình đang nghe là những giá trị nghệ thuật đích thực.

- Xin cảm ơn NSƯT Tạ Minh Tâm!

Đậu Dung (thực hiện)
.
.
.