Nghệ sĩ ghi ta Vũ Đức Hiển:

Âm nhạc khiến con người sống thiện hơn

Thứ Sáu, 03/11/2017, 11:33
Vũ Đức Hiển tin rằng, những người chơi đàn sẽ không bao giờ làm điều ác, họ sẽ sống thiện lương. Niềm tin đó khiến Hiển đắm đuối với con đường của mình, dù đơn độc, thổi bùng phong trào ghi  ta cổ điển ở Hà Nội.

- Lần đầu tiên có một Liên hoan ghi ta quốc tế  Alma tại Hà Nội và do chính một cá nhân đứng ra tổ chức trong thời kỳ tìm kiếm nguồn tài trợ cho âm nhạc thực sự khó khăn. Vì sao anh làm được cú lội ngược dòng đó?

+ Tôi ấp ủ cách đây một năm, Hà Nội phải có một festival ghi ta, trong TP Hồ Chí Minh họ làm được 4 năm rồi. Đó là cách đưa ghi ta đến gần với đời sống hơn để nó không chỉ luẩn quẩn trong giới ghi ta và quốc tế sẽ nhìn thấy mình. Năm nay, lần đầu tiên tổ chức do hãng đàn Alma tài trợ, nhưng chúng tôi đã mời được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới đến Việt Nam.

Liên hoan thực sự thành công và gây được tiếng vang trong cộng đồng ghi ta, bạn bè quốc tế. Các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước như Lê Thu, Châu Đăng Khoa, nghệ sĩ Enrique Munoz Teuel đến từ Tây Ban Nha... có mặt tại liên hoan. Tôi rất vui vì những điều mình làm được còn lớn hơn cả một kỳ liên hoan.

- Tổ chức một festival âm nhạc không hề đơn giản vì khán giả Việt chưa có thói quen đi nghe nhạc. Nhưng anh đã rất thành công trong bài toán khó giải là khán giả?

 + Những vị giám khảo sang đây, họ hài lòng và muốn quay lại vì họ thấy Việt Nam rất thân thiện  và đặc biệt là rất đông khán giả đi xem. Ở các nước, một buổi biểu diễn có 500 khán giả là rất khó, vậy mà 3 đêm diễn ra liên hoan, khán giả lúc nào cũng kín rạp Nhà hát Tuổi trẻ.

Vé bán chứ không phải vé tặng. Tôi rất mừng vì bao công sức mình gây dựng đã bắt đầu có thành quả, tôi nhìn thấy con đường phía trước rộng thênh thang và mình cứ thế bước đi tiếp, bước đi bằng sự háo hức chứ không đơn độc như trước đây.

Một buổi diễn bình thường tôi chỉ bán được 200 vé, đa phần là những khán giả quen, còn trong festival này khán giả được mở rộng ra hơn, rất nhiều người lạ và tình yêu ghi ta sẽ được nhân rộng ra.

- Festival này không đơn giản chỉ là một cuộc liên hoan, mà lớn hơn, nó cho thấy sự trở lại mạnh mẽ của cộng đồng ghi ta, vốn bị ngắt quãng trong đời sống của người Hà Nội?

+ Đêm cuối cùng của festival, nghệ sĩ ghi ta gạo cội Văn Vượng đã bước lên sân khấu khóc và nói rằng: "Các anh Tạ Tấn, Hoàng Bửu, Hải Thoại ơi, các anh có nhìn thấy ghita của Hà Nội rực rỡ như thế nào không?". Tôi rất xúc động vì điều đó. Và tôi tin, các bác ở thế giới bên kia nhìn thấy thế hệ trẻ chúng tôi đang cố gắng duy trì và gìn giữ những giá trị của Hà Nội. Bởi vì các bác ấy vẫn sống trong tâm tưởng chúng tôi.

- Một nghệ sĩ bị coi là "không chính thống" nhưng nỗ lực kết nối để làm nên một festival ghita, thổi lên phong trào chơi ghi ta ở Hà Nội. Điều gì đã thôi thúc Hiển?

+ Tôi vẫn luôn trăn trở làm sao đưa ghi ta đến gần với công chúng bởi tôi nghĩ, âm nhạc sẽ khiến con người sống thiện lương, trong lành hơn. 5 tuổi tôi đã tập đàn, tưởng tượng mình là người nổi tiếng, chơi đàn khiến bao người khóc, cười. Và tôi chọn nó như là nghiệp của đời mình vậy.

- Một mình đơn độc trong hành trình đó, anh có mệt mỏi?

+ Trong 4 năm qua, tôi đơn độc gây dựng phong trào chơi ghi ta bị coi là không chính thống. Ghi ta là bộ môn cần tri thức nhưng xuất phát điểm dễ dàng quá, nhiều người chơi như một người thợ và chơi đàn không hay, vì họ không có tri thức.

Tôi nhìn thấy những tín hiệu khả quan sau kỳ liên hoan này vì sẽ có nhiều festival được tổ chức, đó là sự cạnh tranh và tôi thấy mình không còn đơn độc vì mục đích cuối cùng là khán giả có cơ hội được thưởng thức những đêm biểu diễn tuyệt vời.

- Theo anh, vì sao ghi ta ở nước ta có vẻ không được coi trọng và có vị thế như piano hay violin?

+ Vì ghi ta có xuất phát điểm thấp hơn. Nhưng nếu đạt đến đỉnh cao, nó không kém các loại nhạc cụ cổ điển khác. Ở Việt Nam, nhận thức về âm nhạc chưa sâu sắc, còn ở nước ngoài, các nhạc cụ bình đẳng với nhau. Ghi ta vẫn là nhạc cụ có tỷ lệ người thích đông nhất trên thế giới. Âm thanh của nó gần với người nhất. Nó giản dị, phóng khoáng, không câu nệ.

Về học thuật, ghi ta không kém piano, violin. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hai nhạc cụ cổ điển piano và violin đã đạt đến chuẩn mực, không còn gì để khai thác nữa, còn ghi ta là vô tận của kỹ thuật. Học ghi ta một thời gian phải nâng cấp kỹ thuật của mình, đó là sự vô tận về tính năng và âm thanh. Càng khám phá càng mê đắm.

- Hà Nội đã có một thời kỳ rực rỡ của ghi ta, theo anh, vì sao nó bị ngắt quãng?

+ Bây giờ cuộc sống vội quá, mọi thứ ồn ào, náo loạn hơn, phim ảnh cũng dễ giải trí hơn, toàn phim bom tấn, ghita cũng ảnh hưởng vì học ghita rất cầu kỳ, cần thời gian. Kiểu như bây giờ rất khó kiếm một người trẻ đọc Gorky hay Lev Tolstoy. Ghi ta phải chống chọi với nhạc pop, rock, bolero... Vậy mà chúng tôi đã vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt đó để chiếm lĩnh trái tim khán giả. Tôi thấy mình đang thành công.

-  Vì sao anh chọn cổ điển chứ không phải là một thứ âm nhạc thời thượng hơn, dễ chiều công chúng hơn?

+ Cách đây 4 năm, sau nhiều năm bôn ba, lang bạt, tôi trở về Hà Nội, bây giờ người ta chỉ chơi đệm hát thôi, ghi ta cổ điển không ai nghe nữa. Tôi nghe nói thế, liền nghĩ ngay đến việc mở lớp dạy cổ điển. Ban đầu không có tiền, trong túi chỉ có mấy triệu đồng, đi vay bạn bè, tôi chỉ nghĩ, ghi ta cổ điển cần tồn tại trong đời sống, không thể ngắt quãng được.

Anh vừa là trưởng ban tổ chức, vừa là nghệ sĩ chơi đàn của festival.

Học sinh đông  lên nhanh chóng, 4 năm tôi có hơn 6.000 học sinh và hiện tại, lúc nào cũng có 300-400 người học. Khi ghi ta mới nổi lên, càng ngày tôi càng tìm người giỏi hơn tôi để chơi cùng. Tôi không bao giờ nghĩ mình là số 1, tôi muốn mọi người nhìn tôi là người giúp ích cho phong trào chứ không phải là số 1. Vai trò của tôi không chỉ là nghệ sĩ biểu diễn mà là phát triển và kết nối cộng đồng ghi ta và mang nó đi ra thế giới.

Còn vì sao tôi chọn cổ điển ư, tôi là người thích lội ngược dòng, làm những gì không ai làm. Rõ ràng là khó khăn hơn rất nhiều. Số lượng người đi xem một lần không quay lại khá đông, người ta ngại nghe. Tôi không bảo nhạc cổ điển hơn những dòng nhạc khác, vì mỗi dòng nhạc tồn tại đều có lý của nó, nhưng tôi có lý do, cổ điển ít người nghe thì tôi muốn đẩy nó lên, vì nó là tinh hoa của nhân loại.

Và một lý do giản dị hơn, hai con trai của tôi sẽ nhìn thấy bố mình không hề kém cỏi. Tôi nghĩ, sống trên cuộc đời này, mỗi người đều nên hướng tới làm gì đó có ích cho cộng đồng, chứ không chỉ đi làm và kiếm tiền là xong. Đó là giá trị mình để lại cho con cái.

- Và anh bắt đầu con đường gập ghềnh đó như thế nào?

+ Tôi bắt đầu dạy học, viết những chia sẻ trên mạng xã hội về những thứ tốt đẹp của cây đàn ghi ta. Rồi chuyển soạn những bài hát nổi tiếng của Việt Nam theo phong cách cổ điển. Cứ thế, rót một thứ tưởng như lạ mà quen vào tai người nghe.

Nhạc cổ điển luôn hướng tới ngày mai, nỗi nhớ là nỗi nhớ của ngày hôm nay. Nó không khiến người ta đắm chìm trong ngày hôm qua như nhiều dòng nhạc khác. Nhạc cổ điển khiến họ phải tiến, không nỗi đau nào bằng nỗi đau được diễn tả trong nhạc cổ điển nhưng nỗi đau đó mạnh mẽ, khiến cho con người mạnh mẽ hơn chứ không yếu đuối, ủy mị.

Hồi trước đệm hát rất mạnh, cách đây vài năm ai cũng học đệm hát, rồi có dòng finger, sang hơn dòng đệm hát, kết nối với quốc tế, rất năng động. Nhưng âm nhạc đó không sâu sắc như cổ điển, bây giờ, tôi có cảm giác cổ điển  đang lấn lướt hai phần kia, vì nó trí thức và đang đi sâu vào công chúng.

- Hẳn giấc mơ ghi ta của anh không dừng lại ở đây?

+ Tôi một lần nữa lỗi hẹn với chính mình, cách đây 3 năm, tôi từng mơ một chương trình biển diễn có baner treo khắp đường phố, như một niềm kiêu hãnh của ghi ta để khẳng định rằng nó đang tồn tại trong cộng đồng. Ghi ta đang hòa vào dòng chảy của đời sống. Một đứa trẻ đi học, nếu nghe ghi ta cổ điển từ bé, nó sẽ không nghe những loại nhạc vớ vẩn, dễ dãi khác.

Đức hiển và nghệ sĩ ghi ta Lê Thu.

Đó là điều quan trọng. Với nghệ thuật không được dễ giải. Và giấc mơ của tôi sẽ không dừng lại. Năm tới tôi sẽ kết nối ghi ta với các nhạc cụ khác như nghệ sĩ cello Đào Tuyết Trinh và hướng tới những chương trình bán vé, và tôi muốn khán giả bỏ tiền mua vé, đó mới là những khán giả thực sự của mình, bởi họ có tình yêu với âm nhạc.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Hiển và chúc giấc mơ của anh sẽ thành hiện thực.

Hạnh Nguyên (thực hiện)
.
.
.