Âm nhạc là chốn nương thân

Thứ Tư, 14/08/2019, 10:34
Tôi nhớ, sinh thời, Nhà Thơ Nguyễn Trọng Tạo từng nói rằng, ai đã từng nghe Tố Nga hát thì không bao giờ quên được. Tiếng hát mặn mòi, tha thiết, chất chứa nhiều nỗi niềm của chị đã chạm đến cảm xúc của nhiều người. Nhưng có lẽ, điều đáng trân trọng hơn ở chị là một Tố Nga dấn thân làm nghề, như con tằm rút ruột nhả tơ.


Hai năm trước, khi ra mắt album “Giếng quê” sau nhiều năm vắng bóng, NSƯT Tố Nga vẫn còn dè dặt chia sẻ những câu chuyện của chị. Nhưng sau hai năm, theo dõi hành trình của chị tôi hiểu hơn ý chí, khát vọng của một người phụ nữ mạnh mẽ và khát khao làm nghề như Tố Nga. Chị đã dành gần như thời gian và tâm sức cho những dự án lớn và điều ý nghĩa hơn, đó là sức lan tỏa của những điều ý nghĩa mà chị đang làm. 

Hai năm trước, chị từng tâm sự với tôi rằng: “Tôi như được hồi sinh, khép lại cánh cửa của quá khứ, tôi vững vàng hơn, tự tin hơn trong hành trình phía trước và âm nhạc đã mang lại cho tôi niềm tin yêu để vững bước trên con đường của mình. Âm nhạc đã cứu rỗi tâm hồn tôi”.

Với ai đó, âm nhạc mang lại hào quang, sự nổi tiếng và tiền bạc. Còn với Tố Nga, cô gái đến từ miền Trung nắng gió, tôi hiểu, âm nhạc với chị còn là chốn nương thân để chị đi qua những giông bão cuộc đời. Âm nhạc, còn là nơi chị được cống hiến, được thỏa sức để sáng tạo và sống trọn với đam mê. Vì thế hai năm trở lại, Tố Nga liên tục cho ra đời các sản phẩm mà sản phẩm nào của chị cũng gây tiếng vang bởi sự chỉn chu, cẩn thận và có giá trị, lan tỏa trong cộng đồng. 

Năm ngoái là MV “Cúc ơi” xúc động về 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc. “Cúc ơi” dựng lại câu chuyện về sự hy sinh dũng cảm của 10 cô gái đang tuổi thanh xuân. Có thể nói đó là một MV được đầu tư kỹ lưỡng về hình ảnh cũng như công sức, tiền bạc. Tố Nga nói, chị đã mất 12 năm thai nghén cho một MV để đời như thế. Và năm nay, cũng vào dịp 27-7, Tố Nga lại trình làng một MV xúc động khác, cũng đề tài chiến tranh nhưng nhìn từ góc nhìn của người ở lại, “Gửi vào thương nhớ”.

Không theo trào lưu hay xu hướng như nhiều nghệ sĩ trẻ dùng MV để nổi tiếng, cũng không chạy đua với các ca sĩ trẻ về lượng view hàng triệu, thậm chí trăm triệu view, Tố Nga làm MV đơn giản chỉ để tri ân các anh hùng liệt sĩ mà có lẽ, với chị, cảm giác như đó là một “định mệnh”. Với tâm huyết, sự sáng tạo cũng như tiền bạc chị dồn vào đó, “Gửi vào thương nhớ” cũng là cách người nghệ sĩ thỏa mãn đam mê làm nghề. 

Dòng nhạc của chị, chắc chắn sẽ không bon chen với những con số view khủng nhưng nó sẽ bền và sâu lắng hơn. Tố Nga quan niệm, những nghệ sĩ theo dòng nhạc truyền thống cũng không thể ở mãi trong vỏ bọc của mình, bảo thủ với lựa chọn của mình. 

Tôi hỏi Tố Nga, vì sao tên tuổi của chị nổi tiếng như vậy, chị vẫn còn đắm đuối dấn thân. 

Tố Nga cười: “Tôi làm để thỏa mãn sự sáng tạo của người nghệ sĩ, làm vì thích. Và hơn nữa làm vì được chơi nghề, cảm giác đó rất sướng. Và sau nữa là tri ân những khán giả đã yêu mến tôi, đồng hành với tôi trong nhiều năm qua”. Và thực tế đã chứng minh điều đó, sự lan tỏa của “Gửi vào thương nhớ” vượt ra ngoài mong đợi của chị và ê kíp. Nhưng không phải vì thế mà cái tên Tố Nga sẽ nổi hơn, sẽ mang lại cho chị nhiều tiền bạc hơn, điều quan trọng là những thông điệp chị muốn gửi gắm, sẻ chia có cơ hội lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ.

Tố Nga tâm niệm, chiến tranh đã lùi xa, những thế hệ trẻ lớn lên như con trai chị không có khái niệm về chiến tranh. Thậm chí, chiến tranh là một khái niệm xa lạ với giới trẻ. Chị muốn làm những sản phẩm để các con có thể tiếp cận chiến tranh, hiểu về chiến tranh ở một góc nhìn khác, không mưa bom bão đạn, không đổ máu, hy sinh, nhưng chiến tranh được cảm nhận một cách sâu lắng, trân trọng. Với “Gửi vào thương nhớ”, Tố Nga đã làm được điều đó. 

Đạo diễn Lam Hạ không xây dựng về một cuộc chiến khốc liệt với bom rơi, đạn nổ, bi thương như người ta vẫn nghĩ về những bộ phim của chiến tranh, mất mát trong câu chuyện cũng được khắc họa một cách nhẹ nhàng nhưng khiến người xem ám ảnh, thấy đau đến tận tim. 

Trước khung cảnh mái nhà tranh vẫn thế, giấc mơ hồn nhiên vẫn thế, những luống rau mẹ trồng vẫn xanh ngắt như vậy, nhưng chỉ có cha đi là không về, để cho bài hát vẫn còn dang dở, để cho đôi mắt trẻ thơ cứ cồn cào những mong chờ. 

Và chắc chắc, không nhiều người dám “chơi lớn” như Tố Nga khi mang cả dàn nhạc giao hưởng 40 người ra quay ở Nghĩa trang Đường 9, nhằm thể hiện mong ước của người cha thấy con gái mình được hát giữa dàn nhạc giao hưởng thật lớn. Chị mời các nghệ sĩ thuộc dàn nhạc giao hưởng Nhạc viện Huế vào hỗ trợ.

Năm nay Tố Nga kỷ niệm 25 năm ca hát. Nhìn lại chặng đường nghệ thuật trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió và cuối cùng nghề hát lại giúp chị đứng vững, giúp chị đi qua những trắc trở tình riêng để vững vàng hơn. 

Tố Nga từng rất mong mỏi được làm một liveshow kỷ niệm 25 năm ca hát vào cuối năm nay. Nhưng, cuối cùng, Tố Nga bất ngờ dồn hết kinh tế vào để thực hiện MV “Gửi vào thương nhớ”, mà dừng lại liveshow mình hằng khát khao. 

Chỉ như thế thôi cũng đủ biết, MV “Gửi vào thương nhớ” được Tố Nga đầu tư đến mức nào, và có ý nghĩa như thế nào đối với chị. Chị như một người kết nối giữa quá khứ và hiện tại, với tư cách là một sứ giả đem thông điệp về tình yêu, niềm tin, sự tự hào của những người chiến sĩ đã ngã xuống đối với thế hệ hôm nay.

Giờ thì đứa con tinh thần của Tố Nga đã có đời sống riêng, sau bao nhiêu trăn trở, sau nhiều tâm sức chị đã dành cho nó. Cũng như MV “Cúc ơi” hay nhiều tác phẩm  khác mà Tố Nga đã làm. Tôi nhớ, sinh thời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng nói về giọng hát của Tố Nga rằng: “Ai đã nghe Tố Nga hát rồi thì không bao giờ quên được”. Đúng vậy, tiếng hát của Tố Nga sâu lắng, da diết, nó chạm vào trái tim người nghe một cách tự nhiên, sâu lắng. 

Chị nói, ở tuổi này, sau khi trải qua nhiều khúc quanh của đời sống, chị hát hay hơn bao giờ hết. Tiếng hát của chị có vị mặn của biển miền Trung, có cả vị mặn của nước mắt đời chị và có cả những hạnh phúc mà chị có trong cuộc đời. Nó là kết tinh của năm tháng… Nhưng có lẽ, điều tôi cảm nhận được ở Tố Nga là những khán giả đồng hành cùng chị trên một hành trình dài. 

Cuộc họp báo nào của chị ở Hà Nội cũng chật kín khán giả chứ không chỉ báo chí và giới làm nghề. Nhiều khán giả bay từ nước ngoài, từ Hà Tĩnh, từ miền Nam ra. Mới thấy, họ đã đi cùng chị, yêu thương Tố Nga như thế nào. 

“Nhiều lúc tôi nhận được những tin nhắn chia sẻ của khán giả rất xúc động, có những người con xa xứ, cô đơn, nghe tôi hát như một chốn nương thân cho họ vơi bớt nỗi nhớ nhà và có thêm động lực để làm việc. Tôi hạnh phúc vì điều đó”.

Khán giả của Tố Nga không chỉ phía dưới ánh đèn sân khấu mà họ đồng hành cùng chị trong những chuyến thiện nguyện, họ coi âm nhạc của Tố Nga như một chốn nương thân, sẻ chia. Với người nghệ sĩ, có lẽ đó là hạnh phúc lớn nhất trên hành trình nghệ thuật của mình chứ không phải tiền bạc hay sự nổi tiếng.

Tố Nga giờ sống bình yên với cậu con trai của chị. Bình yên sau những bão giông của cuộc đời và chị đang ấp ủ nhiều dự dịnh cho riêng mình, 2 album và có thể là một liveshow. Có thể đây là thời điểm chị hát hay nhất. Tôi cảm giác chị dồn hết tinh thần và tâm huyết trong những năm gần đây, như một cuộc chạy đua với thời gian để bù lấp lại cho khoảng trống nhiều năm qua chị đóng kín mình. Chị như con tằm rút ruột nhả tơ để dâng cho đời những vị ngọt, những đắm say. Đó là hạnh phúc mà chị lựa chọn.

Linh Nguyễn
.
.
.