Nghệ sĩ violon Hoàng Rob:

Âm nhạc phải là bản nguyên của chính mình

Thứ Hai, 12/12/2016, 15:14
Hoàng rob là một cái tên khá hot trong cộng đồng mạng khi anh từng gây bão truyền thông với những bản cover violon nổi tiếng. Nhưng Hoàng nói, đó không phải là con đường của một nghệ sĩ thực thụ.


Với Hoàng, âm nhạc là hành trình đi tìm bản nguyên của chính mình, bằng những khác biệt và sáng tạo.

- Theo đuổi violon thường là con đường dài và khó khăn, nhưng Hoàng lại bắt đầu khá muộn. Vì sao vậy?

+ Violon là mơ ước của tôi từ lâu lắm rồi, nhưng ở Quảng Bình không nhiều người biết đến cây đàn ấy. Tôi rất thích nhóm nhạc như Bond và âm nhạc của họ đã ảnh hưởng nhiều đến lựa chọn của tôi sau này.

Sau hai năm tiết kiệm tiền mừng tuổi, có 700 ngàn tôi đã mua đàn violon, mọi người vẫn đùa nó chỉ dùng để chụp ảnh cưới được thôi. Nhưng tôi vẫn mua vì thích quá, rồi về tự mày mò. Sau đó, tôi quyết định ra Hà Nội, giống như con ếch bước ra khỏi giếng, được nghe nhiều, đọc nhiều, gặp gỡ nhiều, tôi có ý thức nghiêm túc hơn với việc học đàn.

- Bắt đầu khá muộn, nhưng với Hoàng có lẽ lại là một lợi thế khi anh không bị ảnh hưởng quá nhiều từ việc học hành quá kinh viện ở Việt Nam, phải chăng vì thế mà anh có một lối đi khác biệt, rộng mở hơn?

+  Thực tế, tôi không phải cố gắng và nỗ lực kinh khủng mới có thành quả hôm nay mà cứ tự nhiên như thế, mình yêu âm nhạc một cách thuần khiết nhất thì mọi thứ sẽ đến với mình.

Một trong lý do mà tôi khác biệt là tôi không học nhạc viện, bởi các bạn khổ luyện từ bé về âm nhạc cổ điển, thính phòng và tư duy đó sẽ ngấm sâu vào trong đầu họ, rất khó khăn để phá bỏ, để bứt phá.

- Anh nghĩ gì khi giới truyền thông đánh giá rằng, Hoàng là một trong những người đưa violon đến gần hơn với đại chúng?

+ Mọi người vẫn bảo tôi tiên phong, nhưng tôi nghĩ điều đó không quan trọng bằng việc mình đang làm những điều là bản nguyên của mình. Âm nhạc trong album trước đây của tôi hay dự án "Hừng đông", đều là những điều tôi ấp ủ từ lâu rồi, tôi không chạy theo những giá trị bên ngoài hay số đông. Tôi nghĩ mình cứ làm thôi, khán giả cảm nhận những điều mới họ sẽ tiếp nhận, ủng hộ.

- Cũng như Hoàng từng làm dự án "Tự nguyện", cũng là cách khám phá bản nguyên của chính mình?

+ Với "Tự nguyện" tôi muốn nói rằng, tôi rất yêu Việt Nam, tôi đi nhiều, có thời gian sống cả năm ở châu Âu, nhưng tôi thấy Việt Nam vẫn là nơi đáng sống nhất, tôi luôn nghĩ, mình chỉ có thể ở Hà Nội chứ không phải một thành phố nào khác, phải ăn đồ ăn Việt Nam.

Tôi ở trên một căn hộ tầng cao nhưng vẫn trồng hoa sen, hoa chuối. Tôi là một người luôn hướng đến những giá trị Việt Nam. Vì thế tôi làm "Tự nguyện" đi khắp nơi để ca tụng vẻ đẹp của đất nước mình và để trải nghiệm nữa. Trải nghiệm ở Nhà hát Lớn rất khác với trải nghiệm mình đứng trên một con thuyền, trôi giữa sông, đứng trong hang Sơn Đòong…

Những trải nghiệm làm cho tuổi trẻ của mình đẹp hơn. Rất thú vị. Tuy nhiên, đó không phải là dự án âm nhạc thuần túy, đó là một dự án media và âm nhạc chỉ là cái cớ thôi.

- Từ "Tự nguyện" đến "Hừng đông" là một hành trình khám phá thú vị bản nguyên của Hoàng rob. Sao anh tự làm khó mình thế, khi chọn một con đường mạo hiểm với violon bằng những bài mới?

+ Tôi nghĩ nghệ thuật là vậy, mình không thể đi cover lại bài của người khác mãi. Nhiều người vẫn hỏi, vì sao sau bản cover "Say you do" đạt được những thành tựu lớn, một dấu mốc đẹp, được báo chí ca tụng là top 10 hiện tượng truyền thông của năm, tôi lại không tiếp tục con đường đó.

Nhiều người bảo tôi không cần làm gì to tát, chỉ cần đợi Sơn Tùng ra bài mới là cover thì lợi nhuận từ Youtube cũng nhiều, giới trẻ yêu thích, nhiều nơi biểu diễn. Nhưng tôi muốn hướng đến một hình ảnh nghệ sĩ cao cấp hơn, trưởng thành hơn, phải có những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân của mình.

Khán giả Việt không có thói quen nghe không lời, tôi cũng suy nghĩ nhiều về điều đó nhưng mình cứ làm thôi. Âm nhạc nghệ thuật phải đào sâu, hướng tới những giá trị mới mẻ, khác biệt.

Những thành công nho nhỏ tôi đạt được ngày hôm nay,  thì việc tự học hay học trong nhà trường chỉ chiếm 30% thôi, còn 70 % là tôi học ở ngoài đời, từ những tháng ngày ra Hà Nội, đi biểu diễn đàn ở quán cà phê với mức thù lao chỉ 50 ngàn, dần dần biết nhiều bài hơn thì 100 ngàn. Cho đến khi lần đầu được chơi đàn cùng với các nghệ sĩ lớn, các ca sĩ hàng đầu, va chạm với âm nhạc, với nghệ sĩ và tiếng đàn của mình cũng hoàn thiện từ đó.

- Nhưng việc làm một live concert violon ở Nhà hát Lớn trong thời điểm này có quá liều lĩnh?

+ Làm một đêm violon đương đại riêng quả là một thử thách, tôi mất 2 năm vật vờ giữa hai câu hỏi làm hay không làm. Nhiều người hỏi tôi tại sao những người đi trước như Bùi Công Duy, Xuân Huy chưa làm một live concert riêng mà tôi lại làm.

Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng, âm nhạc cổ điển là những giá trị mình ngưỡng mộ và những người đi trước như Bùi Công Duy, Xuân Huy là những người giữ đền. Tuy nhiên, không có nghĩa mình ngưỡng mộ họ là mình không được dạo chơi, vì thế người giữ đền cứ giữ đền, người bảo vệ thánh địa âm nhạc cứ bảo vệ, còn mình cứ đi ngao du tìm những giá trị của riêng mình thôi.

Vì thế tôi làm đêm nhạc này có hai lý do, để hiện thực hóa những ca khúc trong album, để thấy ca khúc của mình có sức sống và lý do thứ hai là để cho mọi người thấy mình không phải là nghệ sĩ mạng, của những bản cover hay chỉ đứng kéo đàn trong hàng. Tôi là một nghệ sĩ và có thể biểu diễn trên sân khấu cùng dàn nhạc.

- Tôi nhìn thấy đâu đó, những nghệ sĩ dám dấn thân đi một con đường riêng của mình, trở thành những nghệ sĩ độc lập. Những giá trị đương đại đang được đón nhận, dù khá dè dặt và khó khăn. Hoàng có lường trước những chông gai phía trước?

+ Tôi đã đi qua quãng thời gian cover và bây giờ đang xây ngôi nhà của riêng mình. Tôi cũng đã đi qua nỗi buồn của người nhạc công ở Việt Nam, như nhạc công luôn có cát xê thấp nhất, nhạc công có nghĩa vụ đợi ca sĩ… Việt Nam bắt đầu hội nhập và rất nhiều giá trị quốc tế đã tràn vào.

Nhiều nghệ sĩ đã dấn thân và tìm con đường của mình. Thực tế có nhộn nhạo, có tranh giành bài này lấn át bài kia, nhưng cũng có những tín hiệu đáng mừng. Những nhóm Indie đang nổi lên rất giàu năng lượng như Ngọt, họ nói về những vấn đề khác trong cuộc sống, như những chuyến đi, chuyện trà đá vỉa hè.

Các bạn ấy không có kế hoạch quảng bá mà vẫn nổi lên như là những hiện tượng, rõ ràng âm nhạc của các bạn có đời sống.

Cách đây 5-6 năm, tôi cũng rất cực đoan khi nghe nhạc, nhưng dần dần sống và hòa theo dòng chảy âm nhạc, tôi thấy như thế là ấu trĩ bởi đời sống đương đại có nhiều giá trị thú vị.

Những giá trị mới có thể không được tiếp nhận ngay nhưng nếu mình cứ bền bỉ thì công chúng sẽ đón nhận. Những gì mình có được từ âm nhạc, mình sẽ đầu tư ngược lại cho âm nhạc, cũng giống như mình đang sống trong một ngôi nhà tranh, mình biểu diễn và tiệm cận với khán giả hơn, mình sẽ xây được ngôi nhà một tầng và cứ xây lên như thế, chắc chắn hơn là việc mình ngồi trong một ngôi nhà tranh và mơ về một thời mộng ước xa xôi.

Tuy nhiên, con đường không dễ dàng vì ở Việt Nam, nhạc công thu nhập không cao, trong khi kinh phí để thực hiện dự án lại đắt đỏ. Quan trọng nhất là mình phải có ê kíp đứng sau quản lý và chuyên nghiệp hóa dần.

Trước đây, tôi cũng tự làm mọi việc nhưng tôi nhận ra rằng mình chỉ có thể làm một việc thôi là âm nhạc và phải làm cho tốt. Những tín hiệu đó là quá tuyệt vời nhưng các nghệ sĩ cần phải chuyên nghiệp hóa để tiệm cận với quốc tế.

- "Hừng đông" là câu chuyện mang đậm dấu ấn cá nhân của Hoàng Rob, vậy anh sẽ kể câu chuyện gì trong hành trình đi tìm chính mình đó?

+ Tôi thấy nhiều bạn trẻ hiện nay hay buồn chán cuộc sống thị thành, muốn tìm về thôn quê. Còn tôi, tôi yêu Hà Nội và chưa bao giờ thấy ngột ngạt, mệt mỏi cả.

Album của tôi là "Hừng đông" của những buổi sáng trong lành, có tiếng cười của những đứa trẻ, hay "Tiếng đêm", "Mây bay cuối trời" là những điều đẹp đẽ mình tìm được trong cuộc sống, Nhưng mỗi câu chuyện của tôi đều có những giá trị ẩn ngầm.

Đó là câu chuyện về chú chim sâu, tôi muốn nói về sự tự do, niềm kiêu hãnh, mưa bóng mây là nói về tuổi trẻ của đời người, tiếng vọng là công cuộc đi tìm cái tôi của tuổi trẻ, nó hoàn toàn gắn liền với cuộc sống chứ không phải là cái gì quá thể nghiệm, quá đương đại rồi trách công chúng không hiểu.

- Tôi tò mò về cuộc sống hàng ngày của một người nổi tiếng trong cộng đồng mạng như Hoàng Rob sẽ thế nào nhỉ?

+ Tôi vẫn đi làm công chức nhà nước ở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Vui mà, cuộc sống là vậy, không nên nghệ sĩ, bay bổng quá. Công việc của một công chức giúp tôi đằm lại và biết cân bằng cuộc sống hơn.

Tôi sống giản đơn, công việc yêu thích của tôi là hàng ngày chăm sóc khu vườn bé nhỏ của mình. Tôi không đi diễn để kiếm tiền mua đồ hiệu hay những thứ phù phiếm.

Vì thế, tôi sẽ lại đầu tư cho âm nhạc, đầu tiên là live show ở Nhà hát Lớn. Cuộc sống hàng ngày của tôi rất chậm, suốt ngày cây cỏ và không quá nhiều thời gian cho những tham vọng.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của Hoàng.

V.H (thực hiện)
.
.
.