Ảo thuật gia Nguyễn Việt Duy Từ cậu bé bán kem đến “Kỳ tài lộ diện”

Thứ Hai, 30/10/2017, 15:46
Việt Duy cho biết anh yêu ảo thuật không đơn giản vì tiền, mà vì ảo thuật giúp anh mang niềm vui đến cho người khác và được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người.


Lần đầu tiên tôi gặp ảo thuật gia Nguyễn Việt Duy là một buổi trưa nắng nóng ở Sài Gòn. Chỉ cần nhìn thoáng, tôi đã nhận ra anh ngay bởi trông anh không khác mấy so với những lần xuất hiện trên truyền hình, có điều bên ngoài trông anh đầy vẻ cương nghị và “phong trần” hơn.

Sau cái bắt tay siết chặt, chúng tôi bắt đầu chuyện trò như những người bạn thân thiết, vì Duy rất cởi mở và nhiệt tình, không bị mắc bệnh “sang chảnh” như một số nhân vật nổi tiếng khác.

Tuổi thơ khó nhọc và 2 lần chết hụt

Nhìn Việt Duy sang trọng, lịch lãm và tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu; cùng một Việt Duy tự tin, thành đạt ở ngoài đời  hôm nay, ít ai tưởng tượng nổi anh từng phải trải qua những tháng ngày ấu thơ vô cùng cơ cực.

Duy sinh năm 1981 và lớn lên tại một xã miền núi nghèo thuộc huyện Ba Vì (Hà Nội). Vì bố mẹ chia tay từ khi cậu còn nhỏ, mẹ phải một tay chèo chống nuôi 2 con trai ăn học, nên gia đình Duy rất khó khăn. Gia cảnh bần hàn thường xuyên thiếu đói, cộng với tuổi thơ tinh nghịch, nên có lúc Duy đã “chui rào” ăn trộm mít nhà hàng xóm. 

Tuy nhiên, trong lúc leo lên hái mít, cành cây gãy và cậu bị ngã từ trên cao xuống, gãy tay bất tỉnh nhưng không ai hay. Vài tiếng sau, Duy tỉnh lại cố gắng nhịn đau tự đi về nhà, từ đó tự hứa sẽ không bao giờ ăn cắp ăn trộm bất cứ thứ gì nữa.

Đến năm lớp 7, dù có học lực khá nhưng Duy phải bỏ học vì “không kiếm đâu ra nổi 30 nghìn đồng đóng học phí”. Thế là, cậu bé mới 13 tuổi phải tạm xa sách bút để bắt đầu cuộc mưu sinh đầy mồ hôi và nước mắt.

Đầu tiên, cậu đi bán kem. Nhà không có xe đạp, vác thùng kem nặng trĩu trên lưng, Duy len lỏi trên từng thửa ruộng, mang từng que kem mát lạnh bán cho những người nông dân đang quần quật làm đồng. Đến mùa đông lạnh lẽo, nghề bán kem xếp xó, Duy nhảy xe từ Ba Vì về Hà Nội làm phụ hồ. Nhìn thằng bé gầy gò hì hục đội cát, đội ximăng, ai cũng thấy thương. Nhưng làm chưa được bao lâu Duy lại gặp tai nạn ngã từ tầng 3 của tòa nhà xuống, may nhờ có tấm bạt phía dưới đỡ lại nếu không chắc đã mất mạng.

Năm 1997, thấy cảnh nhà nheo nhóc, con cái vất vả, bố Duy quyết định đưa cả 2 anh em vào TP Hồ Chí Minh. Ông bắt Duy đi học lại. Nghe lời bố, Duy xin học bổ túc buổi tối, 1 năm 2 lớp, còn ban ngày Duy phải đi làm đủ thứ nghề, từ bán báo dạo, bán vé số, phụ mẹ bán sữa đậu nành đến đi bốc vác để có tiền phụ giúp gia đình. Duy kể, mỗi ngày bán báo, vé số lãi khoảng 15.000 đồng. Còn những ngày đi bốc vác, có ngày phải bốc cả chục tấn hàng, đêm về không ngủ được vì chân tay đau nhức rã rời.

Khát vọng vươn lên

Dù vất vả như vậy, nhưng Duy vẫn luôn khao khát học hỏi. Cậu đã tranh thủ thời gian tới Nhà Văn hóa Thiếu thi quận 10 học võ karatedo. Thương cậu học trò nghèo có năng khiếu võ nghệ, thầy quyết định truyền dạy miễn phí. Miệt mài tập luyện 2 năm, Duy cùng các bạn không phụ lòng sư phụ, khi liên tục tham gia nhiều giải đấu và mang về kha khá huy chương. 

Sau đó, Duy lại được thầy dạy võ tin tưởng chọn làm phụ tá trong 3 năm liền, chủ yếu tại Nhà Văn hóa Thiếu nhi quận 10 và Trường Trung học Cảnh sát Thủ Đức. Đã có lúc, Duy nghĩ cuộc đời mình sẽ đi theo nghiệp võ. Thế nhưng, trong một giải đấu Duy bị giãn dây chằng đầu gối nên không thể tiếp tục được nữa. Thế là cuộc sống lại tước đi của Duy một cơ hội.

Dù rất buồn, Duy vẫn cố gắng lấy được tấm bằng tốt nghiệp cấp ba, sau đó xin làm vệ sĩ của Công ty Sao Mai. Đầu tiên Duy làm việc tại Bà Rịa-Vũng Tàu, sau đó tiếp tục được tuyển vào làm tại nhà hàng nổi Bonsai. Nghĩ đời mình chẳng thể khá lên nếu thiếu đi kiến thức, Duy quyết định đầu tư học tiếng Anh. Anh chàng bảo vệ hiền lành, ngày tới lớp, đêm kỳ cạch vừa làm vừa tranh thủ bật băng cátxét học nghe, luyện viết đã chiếm được cảm tình đặc biệt của ông chủ người Đức.

Ảo thuật gia mời giám khảo Thành Lộc lên biểu diễn cùng với mình.

Một lần, anh còn xả thân cứu người khiến ai nấy đều khâm phục. Đó là năm 2004, khi tàu đang đi ngang cầu Sài Gòn, nghe tiếng kêu cứu dưới sông, Duy đã lập tức nhảy xuống cứu người, không màng nguy hiểm. Anh cứu được người bị nạn, nhưng bản thân suýt chết đuối, bị rớt mất đôi giày và một số đồ đạc. Ông chủ của Duy lại càng nể phục chàng trai trẻ này hơn. Vì thế, năm 2006, khi nghe tin Duy đăng ký theo học một lớp ngắn hạn về quản trị kinh doanh nhà hàng tại Singapore bằng số tiền tích cóp sau nhiều năm, ông ủng hộ bằng một lời hứa sẽ luôn chào đón anh tại Bonsai khi trở lại.

Bén duyên với ảo thuật

Như một cơ duyên, tại nhà hàng nơi Duy vừa học vừa thực tập ở Singapore, anh gặp một ảo thuật gia nổi tiếng thường biểu diễn phục vụ khách tại đây. Thấy Duy sáng dạ, ông dạy cho anh vài trò biến hóa thú vị với đồng xu bé xíu. Gần một năm miệt mài luyện tập, mỗi ngày vài tiếng, Duy đã tự tin biểu diễn trước khán giả. Để rồi từ đồng xu ban đầu, chiếc khăn tay đến bộ bài, sợi dây, bông hoa..., tất cả biến hóa khôn lường trong bàn tay phù phép điệu nghệ của Duy.

Kết thúc khóa học, Duy quyết định về nước và trở thành thỏi nam châm tỏa ra lực hút khó cưỡng, với thực khách đủ mọi quốc tịch và màu da vẫn tối tối tụ tập ăn uống ở nhà hàng nổi Bonsai với những màn ảo thuật độc đáo. Cái tên Việt Duy xuất hiện trong khá nhiều cuốn cẩm nang của giới mê du lịch khám phá quốc tế, với lời quảng bá “Đến với suất diễn kéo dài tiếng rưỡi mỗi đêm của ảo thuật gia trẻ này, thực khách hãy cẩn thận vì có thể mất toàn bộ tư trang mà không hề hay biết” (tất nhiên sẽ được trả lại cho từng người vào cuối buổi).

Vốn tiếng Anh lưu loát, kinh nghiệm “đối nhân xử thế” thu lượm suốt quãng thời gian lăn lộn mưu sinh nơi hè phố đã giúp Duy “đọc vị” từng đối tượng khán giả, giúp anh chọn đúng loại tiết mục mà họ muốn xem. Khoản lương cứng 15 triệu đồng cộng thêm tiền tip và những buổi chạy show bên ngoài đã mang lại cho anh nguồn thu nhập “rủng rỉnh” xấp xỉ 50 triệu một tháng. Và Duy biết, mình đã chọn đúng nghề.

Mới đây, trong tập 5 của “Kỳ tài lộ diện” phát sóng ngày 13-10 trên kênh THVL1, Nguyễn Việt Duy là thí sinh có số điểm cao nhất với 39,5 điểm, được ban giám khảo đánh giá là ảo thuật gia đạt “đẳng cấp quốc tế”, giành quyền đi tiếp vào vòng trong.

Dám ước mơ, kiên trì theo đuổi

Chia sẻ về bí quyết thành công của mình, Việt Duy nói rất ngắn gọn: “Chỉ cần dám ước mơ và làm tất cả để theo đuổi đến cùng giấc mơ ấy”. Với những bạn trẻ muốn theo đuổi con đường ảo thuật, Duy khuyên: “Hãy tập luyện và trải nghiệm”. Anh cho biết nhà ảo thuật đầu tiên phải có kỹ năng cao, sau đó là khả năng ứng xử, xử lý tình huống. “Tôi trưởng thành nhờ có hàng chục năm kinh nghiệm biểu diễn hằng đêm trên nhà hàng nổi Bonsai, mỗi đêm diễn 1,5-2 tiếng, tiếp xúc với đủ loại người”, Duy chia sẻ.

Duy cho biết cộng đồng ảo thuật gia tại Việt Nam hiện nay rất đông đảo, vì vậy, mỗi ảo thuật gia đều phải tạo ra được một sự khác biệt. “Người say mê và quyết đi theo nghiệp ảo thuật không hiếm. Nhưng để không lẫn vào đám đông cần tạo cho mình một màu sắc riêng, thật sự khác biệt”. Sự khác biệt của Duy đó là anh tự sáng tạo ra những màn biểu diễn trước nay chưa từng có ở Việt Nam và cả trên thế giới. “Đó là những màn biểu diễn “bản quyền” của tôi”, Duy hóm hỉnh.

Dám ước mơ, và bằng một nỗ lực phi thường, cậu bé sống nhờ đường phố ngày trước giờ đã có một công ty riêng chuyên tổ chức sự kiện. Thu nhập khá từ những màn ảo thuật giúp giấc mơ “phải thành công, phải thoát nghèo” của nhiều năm về trước thành hiện thực. Thế nhưng, Duy cho biết anh yêu ảo thuật không đơn giản vì tiền, mà vì ảo thuật giúp anh mang niềm vui đến cho người khác và được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người. “Tôi là người thích mang niềm vui đến cho người khác”, Duy cười.

Trong cuộc trò chuyện, Duy cũng “khoe” với tôi về cô con gái rất dễ thương. Tôi để ý mỗi lần nhắc đến con, gương mặt anh lại bừng sáng, ánh mắt ấm áp đầy yêu thương. Tôi chợt nhận ra, Việt Duy không chỉ là một ảo thuật gia tài ba, mà trên tất cả anh còn là một người cha đầy tình yêu với con cái.

Văn Hùng
.
.
.