Aung San Suu Kyi: Lu mờ danh tiếng vì khủng hoảng Rohingya

Thứ Năm, 05/10/2017, 11:05
Theo Hãng tin Reuters, trong 2 tuần cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua, có khoảng 370.000 người tị nạn Hồi giáo Rohingya đã bỏ chạy từ Myanmar sang Bangladesh. Ðiều này, cùng với những cáo buộc trước đó, đang phủ một bóng đen lên danh tiếng của bà Aung San Suu Kyi, người từng đạt giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ.


Khủng hoảng tị nạn

Người Rohingya là người Hồi giáo nhóm dân tộc thiểu số sống tại bang Rakhine của Myanmar. Những người Rohingya bị xếp vào diện "không quốc tịch", Chính phủ Myanmar đã từ chối công nhận họ là một trong những dân tộc của đất nước. Vì những lý do này, người Rohingya không có sự bảo hộ hợp pháp và chỉ được coi là những người tị nạn từ Bangladesh và phải đối mặt với sự thù địch từ Myanmar.

Để thoát khỏi tình trạng thảm khốc ở Myanmar, người Rohingya đã cố gắng di cư bất hợp pháp đến các nước Đông Nam Á, cầu xin sự hỗ trợ nhân đạo từ các nước. 

Ngày 1-5-2015, có khoảng 32 ngôi mộ đã được tìm thấy trên khu vực hẻo lánh và núi đá gồ ghề ở Thái Lan, tại đây được gọi là" khu ngồi chờ" cho người di cư bất hợp pháp trước khi họ được đưa qua biên giới vào Malaysia. Duy nhất một người di cư Bangladesh còn sống trong tình trạng sức khỏe rất kém và đã được đưa tới một bệnh viện gần thị trấn biên giới Padang Besar để điều trị. 

4 ngày sau đó, hơn 30 ngôi mộ tập thể với hàng trăm thi thể được Cảnh sát Malaysia phát hiện tại 2 địa điểm khác nhau ở bang Perlis, gần biên giới Thái Lan.

Người Rohingya là người Hồi giáo nhóm dân tộc thiểu số sống tại bang Rakhine của Myanmar.

Theo ước tính có khoảng 140.000 người trong số từ 800.000 - 1,1 triệu người Rohingya đã buộc phải tìm nơi ẩn náu tại các trại di dời sau cuộc bạo loạn ở bang Rakhine năm 2012. Để thoát khỏi sự trấn áp và chính sách khủng bố, hơn 100.000 người đã chạy trốn khỏi Myanmar bằng đường biển kể từ năm 2012. 

Một ước tính có khoảng 3.000 thuyền nhân Myanmar và Bangladesh đã được giải cứu hoặc bơi vào bờ, và vài nghìn người vẫn còn bị mắc kẹt trên thuyền ngoài biển với rất ít thức ãn và nước uống. Cuộc khủng hoảng do những kẻ buôn người gây ra.

Vai trò của bà Suu Kyi

Với vai trò là Cố vấn Quốc gia, bà Suu Kyi được xem như nhà lãnh đạo “sau rèm” của Chính phủ Myanmar. Sở dĩ nói như vậy vì lẽ ra bà Suu Kyi đã được làm Tổng thống khi đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà thắng lớn trong cuộc bầu cử năm 2015, được quyền chỉ định cả tổng thống và phó tổng thống. 

Tuy nhiên, vì chồng và con bà Suu Kyi có quốc tịch nước ngoài, nên theo Hiến pháp bà không được làm tổng thống. Vì vậy, Chính phủ Myanmar đã lập ra một chức vụ mới là Cố vấn Quốc gia để bà làm. Vị trí này được các nhà quan sát nhìn nhận tương đương với thủ tướng hoặc một người đứng đầu chính phủ.

Với vai trò này, bà Suu Kyi lẽ ra phải chịu trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra với người Rohingya. Tuy nhiên, một số nhà hoạt động đã chỉ trích Suu Kyi vì sự im lặng của bà về các cuộc bạo loạn năm 2012 ở bang Rakhine, cũng như sự thờ ơ của bà với tình cảnh của Rohingya. Năm 2012, thậm chí bà Suu Kyi còn phát biểu với báo giới rằng bà không biết liệu người Rohingya có phải là người Myanmar hay không.

Thực tế, Chính phủ Myanmar coi người Rohingya là những người di cư bất hợp pháp từ Bangladesh và các vùng lân cận sang. Vì vậy, chính phủ nước này phủ nhận họ là công dân Myanmar, mặc dù nhiều gia đình người Rohingya đã sinh sống ở đó từ nhiều thế hệ.

Năm 2016, bà Suu Kyi bị buộc tội không bảo vệ người Hồi giáo Rohingya của Myanmar trong suốt cuộc bức hại năm đó. Các chuyên gia về tội phạm nhà nước từ Đại học Queen Mary ở London đã cảnh báo rằng Suu Kyi đang "hợp pháp hoá nạn diệt chủng" ở Myanmar.

Và ngày 4-9 mới đây, Yanghee Lee, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Myanmar, đã chỉ trích phản ứng của bà Suu Kyi đối với tình hình thực sự nghiêm trọng tại Rakhine: "Bà Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, cần phải bước vào - đó là điều mà chúng ta mong muốn từ bất kỳ chính phủ nào, bảo vệ mọi người trong phạm vi quyền hạn của mình".

Tính đến ngày 8-9, một bản kiến nghị trên trang change.org đã tập hợp được hơn 380.000 chữ ký, yêu cầu rút lại giải thưởng Nobel Hòa bình đã trao cho bà Suu Kyi, vì bà đã không ngăn chặn một "tội ác chống lại nhân loại ở đất nước của mình".

Sơ lược tiểu sử

Bà Suu Kyi sinh ngày 19-6-1945 tại Rangoon. Trong cuộc bầu cử phổ thông năm 1990, đảng NLD của bà giành 59% tổng số phiếu và 81% (392 trên 485) ghế trong nghị viện. Tuy nhiên, bà chưa bao giờ được nhậm chức thủ tướng và đã bị chính quyền quân sự quản thúc tại gia trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Bà chịu sự quản thúc tại gia của chính quyền quân sự trong gần 15 năm trong tổng số 21 năm quản chế cho đến khi được thả vào tháng 11-2010, qua đó trở thành một trong những tù nhân chính trị được biết đến nhất trên thế giới.

Năm 1990, bà Suu Kyi được trao tặng Giải tưởng niệm Thorolf Rafto và Giải thưởng Sakharov cho Tự do tư tưởng. Bà tiếp tục được trao tặng giải Nobel Hòa bình năm 1991 và giải Jawaharlal Nehru cho sự Thông cảm quốc tế của Chính phủ Ấn Độ, Giải thưởng Simón Bolívar của Chính phủ Venezuela  năm 1992. 

Năm 2007, Chính phủ Canada công nhận Suu Kyi là công dân danh dự của Canada, là người thứ tư có được vinh dự này. Năm 2011, bà được trao tặng Huy chương Wallenberg. Hiện nay bà là hội viên danh dự của Câu lạc bộ Madrid. Ngày 19-12-2012, bà được trao tặng Huân chương Vàng Quốc hội (Congressional Gold Medal), 1 trong 2 giải thưởng cao quý nhất của Mỹ, bên cạnh Huân chương Tự do Tổng thống.

Ngày 1-4-2012, NLD thông báo Suu Kyi đã trúng cử vào Pyithu Hluttaw, cơ quan Hạ viện của Myanmar, đại diện cho khu vực Kawhmu; NLD cũng giành được 43/45 ghế trống trong Hạ viện. Năm 2014, bà Suu Kyi được xếp thứ 61 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới theo Forbes.

Trong các cuộc bầu cử năm 2015, đảng của bà giành chiến thắng vang dội, chiếm 86% số ghế trong Quốc hội - hơn 67% số đại đa số cần thiết để đảm bảo rằng các ứng cử viên của đảng được bầu làm tổng thống và phó tổng thống. Do vướng một điều khoản trong Hiến pháp, bà không thể trở thành tổng thống, nhưng bà đã đảm nhiệm vai trò mới là Cố vấn Quốc gia, một vị trí được xem là lãnh đạo chính phủ trong thực tế.

Ước Lễ
.
.
.