Bà đầm thép 4.0 cần thêm nhiều chất thép

Thứ Tư, 11/10/2017, 10:33
Sau khi đảng Liên minh Dân chủ Cơ Ðốc (CDU) giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 24-9 vừa qua, “Bà đầm thép” nước Ðức Angela Merkel bước vào nhiệm kỳ Thủ tướng thứ tư, tiếp tục nắm trong tay vận mệnh đất nước hùng mạnh nhất châu Âu.


Những thuận lợi và khó khăn nào đang chờ người đàn bà thép của nước Đức trong nhiệm kỳ 4.0 này?

Chỗ dựa vững chắc

Khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra đã kéo theo khủng hoảng nợ công khu vực đồng euro khiến nhiều nước châu Âu điêu đứng. Một trong những nền kinh tế đầu tàu của lục địa già lúc đó là Pháp cũng không thể gượng dậy, khiến Tổng thống Nicolas Sarkozy (2007-2012) và François Hollande (2012-2017) mất tín nhiệm của người dân và phải lần lượt ra đi.

Trái lại, dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, nước Đức vẫn “vững vàng trong gió bão”. Công quỹ của Chính phủ Liên bang vẫn đầy với thặng dư ngân sách trong năm tài khóa 2016 lên tới 25 tỷ euro. Trong quan hệ thương mại, Đức cũng luôn trong tình trạng xuất siêu (253 tỷ euro năm 2016), kể cả với “công xưởng sản xuất của thế giới” là Trung Quốc.

Tỷ lệ thất nghiệp của Đức cũng ở mức thấp, chỉ 5,4%, bằng một nửa so với Pháp. Tháng 8 vừa qua, kinh tế Đức tuyển dụng thêm 740.000 công nhân viên. Đây là một sự cải thiện đáng kể so với năm 2003, khi có trên 10% dân Đức không có việc làm.

Trong khi đó, GDP đạt mức tăng trưởng cao nhất từ 5 năm trở lại đây. Thị trường bất động sản đang sung sức. Ngành xây dựng đang ở trên đỉnh cao nhất tính từ năm 1995 tới nay. Nền công nghệ xe hơi Đức, với các nhãn hiệu nổi tiếng như Mercedes,Volkswagen... đều phá kỷ lục số xe bán ra, bất chấp tai tiếng gian lận khí thải được gọi là “dieselgate”. Lĩnh vực này chiếm 13% GDP và đem lại 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của hàng “Made in Germany”.

Không chỉ vậy, dưới sự dẫn dắt của bà Merkel, nước Đức nổi lên như một “người lính cứu hỏa” trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cuộc khủng hoảng đồng euro và khủng hoảng người tị nạn. Ảnh hưởng của Đức với các vấn đề toàn cầu cũng tăng lên và trở thành chỗ dựa vững chắc cho Liên mình châu Âu.

Vẫn có điểm yếu

Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa bà Merkel có thể “kê cao gối” mà ngủ trong chiến thắng. Ngay cả về kinh tế, dù đạt được những thành tựu đáng kể nhưng cũng có một số vấn đề tồn tại.

Lợi thế của mô hình kinh tế Đức dựa trên một số cột trụ như là một hệ thống giáo dục và đào tạo rất thực tiễn, đáp ứng sát nhu cầu của thị trường lao động bên kia bờ sông Rhin. Cột trụ thứ hai là Đức trông cậy vào mạng lưới có tên gọi là “Mittelstand”, tức là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhưng lại rất hiệu quả và có năng suất cao. Trong gần 20 năm trở lại đây, các đơn vị sản xuất này hưởng lợi từ hàng loạt các biện pháp cải tổ do cựu Thủ tướng Gerhard Schroder tiến hành.

Khi đó, Thủ tướng Gerhard Schroder tung ra một chiến dịch cải tổ hệ thống bảo hiểm lao động, tạo những việc làm bán thời gian, đôi khi mức lương được ấn định chỉ 1 euro/giờ. Một trong những điểm nổi bật nhất của chương trình cải tổ đó là tạo điều kiện cho giới chủ tuyển dụng nhân viên với giá rẻ, xóa bỏ bớt những rào cản về hành chính hay các khoản đóng góp cho quỹ an sinh xã hội phía chủ. Nhờ vậy, thị trường lao động Đức đã đứng vững sau khủng hoảng tài chính mùa thu 2008.

Chính sách này đã hạ thấp hẳn tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc, thị trường lao động được "uyển chuyển" hơn. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra một lượng lớn công việc có thu nhập thấp. Theo tổ chức công đoàn DGB, hiện có 1,2 triệu người lao động Đức lương không đủ sống, họ vừa đi làm vừa phải ngửa tay xin trợ cấp xã hội.

Thu nhập thấp, nên sức mua của xã hội cũng đi xuống. Năm 2015, sức mua của 45% người lao động còn thấp hơn so với hồi năm 1995. Hiện tại, 16,7% dân Đức bị đe dọa lâm vào cảnh nghèo khó.

Xu hướng đáng ngại

Đảng CDU của bà Merkel đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng thắng ở thế yếu, chỉ giành được 33% phiếu bầu, thấp nhất kể từ năm 1949. Vì vậy, bà Merkel chắc chắn phải liên minh với các đảng yếu hơn để trở thành liên minh đa số, và để làm như vậy bà phải chấp nhận một số yêu sách của họ.

Trong khi đó, có sự nổi lên rất đáng ngại của đảng cực hữu AfD. Mặc dù chỉ nhận được 13% phiếu bầu, nhưng đây thực sự là một cơn “địa chấn” ở nước Đức, với lịch sử của chủ nghĩa cực đoan cánh hữu dưới thời Adolf Hitler, và sự phản đối sau chiến tranh thời Nazi. 

Với kết quả này, lần đầu tiên trong vòng 50 năm, một đảng cánh hữu sẽ có mặt trong Quốc hội Đức. AfD giờ là đảng lớn thứ ba nước Đức và là đảng đối lập chính. Với việc có mặt tại Quốc hội, nó sẽ có tiềm năng lớn mạnh hơn nữa. Điều này khiến nhiều người lo ngại, vì lãnh đạo AfD công khai ủng hộ tư tưởng phát xít và bài Hồi giáo, cũng như giảm nhẹ tội lỗi của Đức Quốc xã đã gây ra.

Việc AfD nổi lên có khả năng sẽ đào sâu quyết định gây tranh cãi của chính quyền Merkel trước đây khi mở rộng cửa cho người tị nạn từ Trung Đông, mà đa phần là Hồi giáo. Năm 2016, Đức đã phải chi tới 20 tỷ euro cho người tị nạn và hiện đang phải tìm cách hội nhập 1 triệu người nhập cư vào xã hội Đức. Khi chiến dịch tranh cử bước vào giai đoạn nước rút, bà Merkel nhận ra những vấn đề bất ổn từ số đối tượng nhập cư vào Đức không có giấy tờ tùy thân cũng như tình trạng lạm dụng quy chế tị nạn.

Trong 4 năm tới, bà Merkel sẽ phải cân bằng được giữa lo ngại về an ninh của người dân Đức với những giá trị nhân đạo được ghi trong Hiến pháp, nhằm không để cho AfD có điều kiện tranh thủ tạo lợi thế. Bằng cách này, bà Merkel dù không từ bỏ cam kết giúp đỡ người tị nạn nhưng vẫn giảm được số lượng người chạy vào Đức, thẳng tay trục xuất số người nhập cư phạm tội.

Những thách thức toàn cầu 

Bên cạnh các vấn đề trong nước, bà Merkel còn phải đương đầu với nhiều thách thức từ bên ngoài trong nhiệm kỳ thứ 4. Với châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ rõ quan điểm của nước Pháp về cải cách châu Âu. 

Bà Merkel đã thận trọng tỏ ý ủng hộ, song trong chiến dịch tranh cử, bà lại có xu hướng không tán thành một số quan điểm của ông Macron, chẳng hạn như việc tạo ra một EU “đa tốc độ” hay một ngân sách chung cho khu vực đồng euro. Mặc dù trước công chúng các nhà lãnh đạo của hai quốc gia đầu tàu của EU luôn giữ nụ cười, song theo giới quan chức, sự khó chịu đang ngày một tăng ở hậu trường.

Bên cạnh đó, bà Merkel có quan điểm cứng rắn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin về cuộc xung đột ở Đông Ukraine. Tuy nhiên, bà có thể hy vọng rằng ngày càng có nhiều lời kêu gọi hâm nóng mối quan hệ giá lạnh giữa hai bên khi rất đông các nghị sĩ ủng hộ Nga tham gia Quốc hội. Trong số 7 đảng có trong Quốc hội, chỉ có đảng CDU của bà Merkel và đảng Xanh là chủ trương giữ nguyên cách thức cũ.

Với Mỹ, dù Đức là đồng minh thân cận, song tình cảm giữa Tổng thống Donald Trump và bà Merkel đã có chút sứt mẻ. Hai bên dường như mâu thuẫn trong các vấn đề then chốt, từ biến đổi khí hậu tới tự do thương mại và thỏa thuận hạt nhân Iran. Tờ Bild của Đức viết: “Với hai người này, việc điều chỉnh mối quan hệ sẽ rất khó”. Sự khác biệt giữa họ lại một lần nữa lộ rõ trong vấn đề Triều Tiên, khi bà Merkel bác bỏ bất cứ một giải pháp quân sự nào.

Đặc biệt, Đức đã đối đầu với một số nước Đông Âu - nhất là Hungary - khi các nước này từ chối chấp nhận lượng người tị nạn được phân bổ đổ tới châu Âu năm 2015, và sự cãi vã này không có dấu hiệu giảm bớt. 

Bà Merkel cảnh báo: Đức hiện cũng tranh cãi với chính phủ cánh hữu của Warsaw về việc chính phủ này cứ khăng khăng rằng Đức đang nợ Ba Lan tiền bồi thường từ Thế chiến II. Trong khi đó, quan hệ của Đức với đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ trong khối NATO đã chạm tới đáy sau một loạt tranh cãi do Berlin chỉ trích Ankara tiến hành đàn áp sau vụ đảo chính bất thành ở nước này. Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi người Đức gốc Thổ bỏ phiếu chống lại phe bảo thủ của bà Merkel.

Vĩnh Ðông
.
.
.