Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên:

Bài học đầu tiên là nhân cách làm người

Thứ Năm, 02/07/2015, 15:00
Dù SEA Game 28 đã kết thúc, nhưng cái tên Ánh Viên vẫn "đốt cháy" trái tim mỗi người dân Việt Nam. Sự trỗi dậy của Ánh Viên trên đường đua xanh khiến người ta ngỡ ngàng và sửng sốt. Nhưng có nghe em "rút ruột" mới thấm thía được rằng, phía sau 8 tấm huy chương vàng và 8 lần phá kỷ lục SEA Game, là mồ hôi và máu. Em phải kìm nén nỗi nhớ, giọt nước mắt và những nhu cầu riêng. Em đã trút 100% sức lực của tuổi trẻ cho bơi lội. Khi đứng trên bục vinh quang, tim em rung lên hai tiếng: Việt Nam.
Sinh ra không phải là ngôi sao

Nhà văn hóa Thanh niên (TP Hồ Chí Minh) như vỡ tung bởi tiếng hò reo vỗ tay của người hâm mộ dành cho "nàng tiên cá" Ánh Viên. Người ta đã mở cả một cuộc thi đố vui có thưởng về cuộc đời của cô gái vàng quê Cần Thơ, rồi lấy tên em để đặt cho hồ bơi…

Hiện tượng Ánh Viên đang nổi lên như một luồng ánh sáng lan tỏa hào quang có thật vào hàng triệu trái tim con dân nước Việt. Cô gái có sải tay vời vợi, có đôi chân "vịt" vạm vỡ, có sức mạnh phi thường trên đường đua xanh, nhưng hôm cô xuất hiện lại rụt rè và đầy e thẹn. "Cô gái vàng" e ấp như gái mới về nhà chồng. Đó là sự e ấp chất phác, đúng với bản chất Ánh Viên. Em nói: "Đứng trên này em run hơn trên bục nhận huy chương vàng".

Ánh Viên sinh ra không phải là ngôi sao và em cũng không biết cách đánh bóng hay tô hồng bản thân. Em lăn xả cho bơi lội bởi khát khao chinh phục ước mơ, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Nụ cười của em chất chứa cảm xúc ngượng ngùng, có đôi chút choáng ngợp trước dòng người ngột ngạt phía dưới. Nụ cười của em còn "lấm lem" sông nước, ruộng đồng và sự ngỡ ngàng trước "hàng rào" người hâm mộ. Trên khán đài, em đứng khom lưng, chân luống cuống, tay vụng về, run run…

Có tiếng nói nhỏ phía dưới: "Sao đứng có một tư thế? Sao không thấy tạo dáng trước hàng trăm ống kính chĩa vào mặt"? Một anh nhiếp ảnh gia loay hoay mãi không chụp được tấm hình đẹp của Ánh Viên quay sang trả lời: "Em quê mùa mà, đâu có chuyên nghiệp như mấy anh chị showbiz cứ thấy máy ảnh, máy quay là tạo đủ kiểu dáng".

Ánh Viên và HLV Đặng Anh Tuấn nhận được sự quan tâm đặc biệt của người hâm mộ Việt Nam.

5 tuổi, Ánh Viên được ông nội bế ra bờ kênh cho tập bơi. Lần đầu lặn ngụp dưới nước, cô bé thích lắm. Nghe người ta nói muốn bơi giỏi thì bắt con chuồn chuồn cho nó cắn vào lỗ rốn. Ánh Viên thắc mắc, sao ông nội không làm cách đó. Thế là hôm sau, cô bé lén bắt con chuồn chuồn cho cắn đến tóe máu lỗ rốn. Tuổi thơ của Ánh Viên chỉ dừng lại ở con chuồn chuồn. Em chưa kịp nghịch ngợm, tung tẩy, quậy phá… thì bị lôi tuột vào "lò rèn". 

Những ngày khổ luyện bên Mỹ, Ánh Viên như con "mọt nước". Thế giới của em chỉ có làn nước xanh và những bữa ăn ngồn ngộn thịt, cá, tôm. Ánh Viên không có Facebok, không có điện thoại. Nhiều lần HLV Đặng Anh Tuấn thử lòng học trò bằng cách để mở Ipad trên bàn rồi đi ra ngoài. Ông cố tình đánh dấu để kiểm tra tính cách đạo đức của cô học trò. Nhưng Ánh Viên không bao giờ đụng đến những thứ không phải của mình và giữ đúng chuẩn mực đã được thầy quy định. Những ngày mệt mỏi rã rời, em không muốn ăn. Khi ấy, thầy chỉ cần nói: "Cơm thịt con ăn là mồ hôi, nước mắt của nhân dân đó". Ánh Viên lại vục đầu vào ăn, cố ăn và cố tập.

Ở một đất nước đầy rẫy sự lạ lẫm, với một cô bé chưa kịp lớn đã phải xa quê hương, xa vòng tay cha mẹ, thì nỗi nhớ là điều gì đó quá khủng khiếp. HLV Đặng Anh Tuấn kể lại, Ánh Viên rất ít khóc. Em có sự kìm chế cảm xúc tốt. Em thể hiện nỗi buồn trên mặt và tự giải tỏa nỗi buồn bằng việc lao mình xuống nước. Tuy nhiên trái tim con người không phải sỏi đá, huống hồ đó lại là trái tim non trẻ của một cô gái chưa từng va vấp.

Ngày 29 Tết, Ánh Viên lặng lẽ đi vào phòng gặm nhấm nỗi nhớ. Và em đã ôm mặt khóc. Tiếng khóc bị ức chế lâu ngày, cứ thế bung ra. Thầy Đặng Anh Tuấn vào phòng nói với Ánh Viên: ''Nếu con nhớ nhà thì mình về, không tập luyện nữa và không nghĩ đến các cuộc thi nữa". Cô bé đã hy sinh cả những giọt nước mắt của mình vì môn bơi lội, vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Đó chỉ là những chi tiết rất nhỏ trong hành trình chinh phục vinh quang của Ánh Viên.

Ánh Viên chưa thích nghi được sự nổi tiếng của mình.

Bài học làm người

Có người hỏi Ánh Viên: "Hiện nay có nhiều vận động viên khi nổi tiếng rồi, họ được rất nhiều quốc gia săn đón, mời chào hậu hĩnh. Họ sẵn sàng ký hợp đồng thi đấu hoặc nhập tịch để "sở hữu" vận động viên (VĐV) nổi tiếng. Em có nghĩ đến việc sau này sẽ "xuất ngoại" không?''. Đây là câu trả lời mà tôi thấy Ánh Viên tự tin nhất: "Em không bao giờ nghĩ đến việc đó. Em là người Việt Nam, em chỉ sống và cống hiến cho quê hương Việt Nam thôi".

Ước mơ ngày nhỏ của Nguyễn Thị Ánh Viên chỉ là học thật giỏi, nhưng việc bơi lội đến với em từ rất sớm. Và rồi, tuổi trẻ của em bị "đánh cắp" trên những cung đường bơi. Ánh Viên đến với bơi lội từ tháng 9 năm 2010, lúc đó cô bé chỉ nặng 39kg, người gầy tong teo, đen nhẻm. Khi Ánh Viên lao người xuống nước, thì ở phía sau đó là ánh hào quang. HLV Đặng Anh Tuấn đã phát hiện ra được điều này.

Ông nhận định, đây sẽ là một vận động viên lớn trong tương lai. Ngày ấy, ông Nguyễn Thành Long, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Quốc gia II là người đã vượt qua mọi rào cản để nhận Ánh Viên. Được nhận vào tập luyện, nhưng Ánh Viên vẫn chưa là gì cả. HLV Đặng Anh Tuấn phải đi khắp nơi vận động xin tài trợ, nhưng cũng không được.

Đi xin mỏi gối chùn chân, cuối cùng được ông Phạm Viết Muôn - lúc ấy là Chủ tịch Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam tài trợ cho 3.000 USD. Ánh Viên sang Malaysia thi đấu và được huy chương bạc cự ly 400m hỗn hợp. Khi Ánh viên đạt huy chương bạc rồi, HLV Đặng Anh Tuấn khẳng định thêm một lần nữa về tiềm năng Ánh Viên: Một viên ngọc đang ẩn trong lớp vỏ bọc.

Việc đầu tiên HLV Anh Tuấn dạy Ánh Viên đó là nhân cách làm người. Ông chưa dạy Ánh Viên thành tài, vì ông biết chắc rằng cô bé sẽ thành tài. Dạy Ánh Viên phải sống như thế nào, tránh xa những cái gì. Đầu tiên là tránh xa Facebok và điện thoại. Ánh Viên thành công không chỉ là 8 huy chương vàng mà quan trọng hơn cô bé đã thành người có nhân cách.

Vui vẻ tặng chữ ký.

Từ một cô bé "nòng nọc" ở ao nhà, sau 5 năm khổ luyện, Ánh Viên trở thành "nàng tiên cá" thách thức các kình ngư trên đấu trường bơi lội khu vực. Ở em có một ý chí thép, một tinh thần thép. Bài học đắt giá nhất những người thầy dạy Ánh Viên chính là bài học làm người. Ánh Viên cứ tập đi, đừng nghĩ rằng tập luyện sẽ đổi được cái gì. Thành công đến với mình thì mình phải quên ngay. Ánh Viên mạnh mẽ trên đường bơi, chính là việc Ánh Viên khát khao chiến thắng, phải đạt được vị trí số một.

Khi chạm tay vào thành hồ bơi, quay lại nhìn bảng điện tử thấy mình là số một rồi thì lập tức quên ngay chiến thắng đó và hãy nhìn lại con số 0. Bởi vì chiến thắng ngay bây giờ không phải là chiến thắng của ngày mai. Ánh Viên điền vào phía trước con số 0 cho đến con số cuối cùng trước khi đi ngủ. Mỗi ngày thức dậy, bắt đầu bằng con số 0.

Thất bại hôm nay sẽ là thất bại ngày mai, nhưng thành công hôm nay sẽ chưa hẳn là thành công ngày mai. Phải biết quên trong chiến thắng và biết nhớ đến thất bại. Nguyễn Thị Ánh Viên mang hàm Đại úy lúc 18 tuổi, Đại úy trẻ nhất trong lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam. Tính kỷ luật nghiêm khắc trong môi trường Quân đội đã tôi rèn nên một Ánh Viên có đầy đủ bản lĩnh, sức mạnh và tinh thần quật cường cống hiến cho thể thao Việt Nam.

Kỳ tích mang tên Ánh Viên

Cách đây 22 năm, SEA Game cũng tổ chức tại Singapore, nước chủ nhà đã rất đỗi tự hào với tay bơi Joscelin Yeo đã gây chấn động đường đua xanh khi giành 9 huy chương vàng, trong đó có 7 huy chương vàng cá nhân.

Lúc ấy, giới thể thao Việt Nam buồn bã, trăn trở đặt ra câu hỏi: Bao giờ thì bơi lội Việt Nam nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung mới có được một VĐV như Joscelin Yeo? Và hai năm sau (năm 1995), ngành bơi lội Việt Nam đã chuẩn bị cho SEA Game 18 tổ chức tại Thái Lan rất chu đáo. Lúc đó, Việt Nam có VĐV xuất sắc được kỳ vọng nhất là Nguyễn Kiều Oanh.

Một cán bộ ngành thể thao ngày ấy từng nói: "Đời tôi chỉ ước mong thấy được một VĐV bơi lội Việt Nam đoạt một huy chương vàng, một huy chương đồng là đủ lắm rồi". Câu chuyện 20 năm trước cho chúng ta thấy, huy chương vàng bơi lội quý giá đến nhường nào. Và ngày ấy, Kiều Oanh sau 4 tháng tập huấn tại Nga, tham gia SEA Game và cũng chỉ về được hạng tư. Giấc mơ huy chương đồng của những người làm thể thao 20 năm trước vẫn bất thành. Trong khi đó, 20 năm sau, một Ánh Viên đoạt 8 huy chương vàng cá nhân.

Khổ luyện với tinh thần thể thao cao thượng, Ánh Viên đã khẳng định được ý chí và sức mạnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Joscelin Yeo bây giờ là Phó chủ tịch Hiệp hội Bơi lội Singapore, sau khi chứng kiến màn trình diễn ngoạn mục của "nàng tiên cá" Việt Nam, đã tìm đến Ánh Viên để chúc mừng và tỏ lòng khâm phục. 

Ngọc Thiện
.
.
.