Barack Obama: Từ "đứa trẻ hư" đến Tổng thống Mỹ

Chủ Nhật, 17/05/2020, 15:19
Từ một "cậu bé da đen" rồi "một đứa trẻ hư" đến Tổng thống nước Mỹ, con đường trưởng thành của ông Obama giống như một bộ phim sinh động trong đó ông Obama là vai chính nhưng đạo diễn lại là mẹ của ông.


Bố của ông Obama là học sinh gốc Phi đầu tiên được vào trường đại học Hawaii. Người sinh viên da đen đến từ xứ Kenya đã làm một người phụ nữ da trắng xinh đẹp đắm say. Quen biết nhau mấy tháng hai người kết hôn, hôn lễ tiến hành lặng lẽ và bí mật vì bị nhiều người phản đối. 

Bà Ann Soetoro đã làm một việc mà những người phụ nữ thời đại đó không bao giờ làm là lấy một người da đen Phi Châu. Khi sinh ra Obama được hai năm, chồng bà lại đưa một người phụ nữ khác về quê hương, vì thế bà Ann Soetoro quyết định ly hôn, mặc dù ly hôn là đau khổ và cuộc sống sau đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn nhưng bà nói rằng bà dám làm dám chịu.

Sau khi ly hôn, bà Ann Soetoro phải rất vất vả để sống và nuôi con. Một thời gian sau bà tái hôn với một người Indonesia nên họ phải chuyển về Indonesia để sinh sống. Ở ngoại ô Jakarta đường sá lầy lội, lạm phát tăng và giá cả đắt đỏ. Trong trường học có một thằng bé da đen, tóc xoăn cộng với thân hình béo mập bọn trẻ thường hét lên "mọi đen". Có lúc quá mặc cảm, Obama chạy về nhà xin tiền mẹ mua xà bông thơm muốn rửa cho hết màu đen nhưng bà Ann Soetoro nói với con trai rằng đã làm một người da đen rồi thì không nên tự ty. 

Sau này Obama được gửi đến Hawaii và lớn lên dưới sự chăm sóc của bà ngoại. Do thông minh, học giỏi Obama được vào học trường tốt nhất ở địa phương. Trong trường học sinh da trắng chiếm đa số chỉ có ba đứa trẻ da đen và lần này Obama lại có sự mặc cảm nghiêm trọng với màu da của mình do những hành động vô ý của người thân và mọi người xung quanh.

Có một buổi tối khi về nhà, bà ngoại vẻ mặt vô cùng bực tức phàn nàn rằng lúc đợi xe gặp một người ăn xin, bà đã cho người này 1 đôla nhưng người đó hình như cảm thấy chưa đủ vẫn cứ tiếp tục van nài làm bà rất khó chịu. Obama tò mò hỏi bà rằng trước đây họ vẫn gặp những người ăn xin sao bà không bực tức, bà ngoại giận dữ nói nhưng lần này là một người ăn xin da đen!

Obama ngây người như khúc gỗ. Bà ngoại ác cảm với người da đen, thái độ này của bà ngoại đã gây nên sự tổn thương sâu sắc đến tâm hồn Obama. Obama nghĩ rằng nếu mình không phải là cháu ngoại thì có lẽ bà cũng chán ghét mình như những người da đen kia. 

Từ hôm ấy, để mình có thêm lòng tự tin, Obama nói khoe với bè bạn trong lớp rằng bố mình là dòng dõi Hoàng tộc châu Phi và mình là hậu duệ của dòng dõi Hoàng tộc. Và cũng rất kỳ lạ bè bạn lại tin ở lời nói dóc của Obama, cũng từ đấy Obama bắt đầu tự tin khi giao lưu với mọi người. Tự tin và tự ty dường như niềm vui chỉ là nỗi đau khổ mịt mù, đồng thời nó cũng khắc họa tâm lý của Obama lúc ấy.

Rất nhanh sau đó, là đến thời kỳ Obama bị sa ngã. Mới hơn 10 tuổi, Obama giống như những người da đen tuyệt vọng khác không biết ý nghĩa cuộc sống ở đâu. Nhà nghèo, màu da bị người ta chế nhạo, tiền đồ vô vọng, con đường đi lên quanh co khúc khuỷu thậm chí không có lối thoát. Obama sống trong những ngày phóng túng bừa bãi và làm nhiều việc... bất hảo như trốn học, lạm dụng ma túy, chơi bời lêu lổng. 

Người ta gọi Obama là "đứa trẻ hư" và không biết nên làm thế nào với anh ta, các thầy giáo đều nói: "Các nhà tù ở nước Mỹ có thể mở cửa đón anh ta bất cứ lúc nào". 

Đúng lúc này, vì để làm luận án tiến sĩ nhân chủng học, bà Ann Soetoro đã chủ động đến Indonesia làm việc. Obama cảm thấy rất lạ trước hành vi của mẹ nhưng bà nói để con trai hiểu: "Làm người phải biết theo đuổi mục đích mà mình yêu thích và nên làm những việc có ích cho xã hội như vậy mới có được niềm vui chân chính". Lời nói của mẹ làm Obama bừng tỉnh và Obama quyết tâm lấy lại giấc mơ đã mất - Mặc dù tôi là người da đen nhưng tôi phải làm cho mọi người tôn trọng tôi.

Từ đấy, Obama thừa nhận với thân phận màu da của mình, cố gắng học tập và thi đỗ vào đại học Columbia, vừa học Obama vừa theo mẹ tham gia công tác tình nguyện viên cộng đồng. Qua công tác cộng đồng, Obama thấy rằng giúp đỡ người khác là mang lại niềm vui cho mình.

Ông Obama thửa nhỏ và mẹ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Obama chỉ làm việc hai năm ở Wall Street nơi có thu nhập cao rồi trở về làm công việc phục vụ cộng đồng người da den ở Chicago. Công tác cộng đồng đều là những việc linh tinh như sửa chữa đường sá, nhà cửa và vấn đề chiếu sáng v.v... Mặc dù là những việc vụn vặt tầm thường, lương thấp nhưng  Obama rất cần cù và say sưa với công việc. Bằng những việc làm tốt đẹp, Obama thi đỗ vào trường đại học Harvard rồi giành được học vị tiến sĩ luật. Giống như mẹ vì hạnh phúc của người khác mà Obama làm việc quên mình.

Đúng vào thời điểm này mẹ ông qua đời vì bệnh ung thư. Trước khi ra đi bà đã kịp hoàn thành luận án tiến sĩ với 1000 trang phân tích tỷ mỉ và tường tận tình hình nông dân Indonesia. Obama đọc luận án của mẹ và xúc động vô cùng. 

Trong khi xử lý việc hậu sự của mẹ, Obama còn phát hiện ra rằng ở Indonesia mẹ có mối quan hệ rất tốt đẹp với những người xung quanh. Mặc dù mẹ không hề để lại cho mình một lời di chúc hay một món tài sản nhưng Obama cho rằng sự tự tin, dám làm dám chịu, tinh thần nhiệt tình hăng say của mẹ là báu vật còn quý hơn cả tiền bạc, của cải.  

Với tinh thần của mẹ để lại, Obama nhanh chóng nổi lên trên chính trường. Kinh nghiệm công tác ở cộng đồng không những giúp Obama vào được đại học Harvard mà còn giúp ông Obama đánh bại được nhiều đối thủ có thế lực để trở thành Thượng nghị sĩ. Khi ông Obama quyết định tranh cử Tổng thống, kinh nghiệm này đã giúp ông một lần nữa thành công.

Nhưng ông Obama không bao giờ nghĩ rằng năm nào ông mạo nhận là hậu duệ của Hoàng tộc châu Phi để đến một ngày trở thành Tổng thống nước Mỹ. Ông nhớ lại lời nói của mẹ khi cuộc đời đang chìm nổi: "Obama, mẹ cảm thấy rằng bố của con là một người da đen thông minh nhất và đẹp trai nhất, bây giờ con phải thay thế bố con".

Từ một "cậu bé da đen" rồi "một đứa trẻ hư" đến Tổng thống nước Mỹ, con đường trưởng thành của ông Obama giống như một bộ phim sinh động trong đó ông Obama là vai chính nhưng đạo diễn lại là mẹ của ông.

Rất nhiều người cũng như ông Obama có thời kỳ tự ty và sa ngã, có lúc do dự ngập ngừng và mất phương hướng nhưng rất may là ông Obama đã học được ý nghĩa chân chính của cuộc sống từ người mẹ: Sự cống hiến đối với xã hội là thước đo giá trị đích thực cuộc sống của một con người. Tin rằng nếu chúng ta nắm vững được thước đo này thì cuộc sống của chúng ta cũng sẽ như ông Obama vui vẻ, thành đạt và hạnh phúc.

Nguyễn Đình Thiêm - Theo "Xinhuanet.com"
.
.
.