Biên đạo múa Tuyết Minh:

Làm nghệ thuật đích thực là chọn con đường độc hành

Chủ Nhật, 14/05/2017, 04:57
Quyết liệt lựa chọn con đường chông gai, tự bỏ tiền dựng vở xiếc - múa đương đại "Úm ba la", Tuyết Minh nói, chị tin làm nghệ thuật tử tế sẽ chạm tới trái tim khán giả.

Giấc mơ không hoang đường

- Lần đầu tiên có sự kết hợp thú vị của xiếc và múa, nghệ thuật sắp đặt và âm nhạc trong vở đương đại "Úm ba la". Chị có thể chia sẻ về cuộc đối thoại này?

+ Trên thế giới, những hình thức kết hợp như thế này rất nhiều rồi, ngôn ngữ đương đại đang mở rộng biên độ của nó. Với "Úm ba la", tôi muốn đẩy mạnh chuyên sâu nghệ thuật và tạo nên sự cộng hưởng của những bộ môn gần nhau như xiếc và múa.

Tuy nhiên, ý tưởng làm vở này không liên quan nhiều đến hai bộ môn nghệ thuật đó bằng việc tôi đang nhìn thấy một lứa nghệ sĩ đang ở tuổi chín của nghề. Nếu không có tác phẩm cho họ làm thì tài năng sẽ mai một đi, những kỹ năng, kỹ xảo sẽ không còn đạt chuẩn như thế này nữa. Nghệ thuật biểu diễn phải đúng thời điểm của nó. Nó quá khắc nghiệt, đôi khi chúng ta có thời gian, tiền bạc nhưng không có lứa diễn viên đó thì vĩnh viễn sẽ không có những vở diễn.

- Hai bộ môn nghệ thuật xiếc và múa có tiếng nói rất hạn chế ở nước ta, liệu sự kết hợp của chị có mạo hiểm không? Sao Tuyết Minh không chọn những thứ thời thượng, ăn khách hơn?

+ Tôi muốn với sự kết hợp thú vị này, tất cả những màn nhảy múa và xiếc hòa vào làm một, cái khó của nó là kể một câu chuyện và dẫn dắt người xem đến từng cung bậc cảm xúc. Ai làm xiếc không được bảo đây không phải là xiếc, còn múa cũng phải là múa chất. Các nghệ sĩ xiếc và múa đời sống khó khăn, không có nhiều cơ hội cho họ biểu diễn và làm nghề, chỉ chạy show kiếm tiền thôi nên nghề cũng vơi đi dần.

Xiếc cũng hiếm dần những người giỏi. Múa nhìn qua tưởng có nhiều nhân tài, nhưng để chuyên sâu còn lại thưa thớt. Nếu chỉ nhăm nhăm chạy theo ăn khách, kiếm tiền thì không làm nghệ thuật được. Tôi tin, có vở diễn tốt  khán giả sẽ xem. Bởi nhiều vở diễn nhập khẩu từ nước ngoài về, chúng ta bỏ tiền ra mua vé rất đông, tuy nhiên, họ tò mò vì thương hiệu, từ Nga, hay Đức, Pháp.

Còn trong nước, khán giả mình chỉ quan tâm đến ca sĩ nào, có nổi tiếng hay không, ít khi họ quan tâm đến nghệ sĩ xiếc hay múa. Vì thế, những vở diễn như thế này sẽ giúp họ nhớ đến một nhân vật nào đó và tên tuổi của diễn viên cũng sẽ được biết đến nhiều hơn. Nếu không làm thì mãi mãi chúng ta chỉ có con số 0.

- "Úm ba la", một câu thần chú trong truyện cổ tích trong sự kết nối đương đại qua ngôn ngữ múa và xiếc sẽ có hình hài như thế nào?

+ Hồi bé mỗi lần nghe bà kể chuyện, "úm ba la" là có một cái bánh đa, một củ khoai lúc đói bụng để ăn, nó như một câu thần chú để trẻ con ước mơ những điều nó muốn. Và khi chúng ta lớn lên, ai cũng hiểu, thế giới mơ mộng đó không còn tồn tại nữa, phải nỗ lực thì ước mơ mới thành sự thật. Con người vẫn tự viễn tưởng ra những giấc mơ đôi khi hoang đường và bị lôi cuốn vào những thử thách đó.

Với "Úm ba la", tôi muốn nhắc mọi người trở lại với điều ước trong sáng của mình, thành công của mỗi người chỉ đơn giản là đạt được điều mình muốn. Vở diễn rất đơn giản như một đứa trẻ con nghĩ, nhìn theo con mắt của trẻ thơ. Trong vở này tôi thích màu mè, hình thức để nói về sự màu mè, hình thức của ước mơ có thể đánh lừa mình. Sự chân thật, mộc mạc nằm sâu trong trái tim.

Vở diễn có 10 màn với nội dung câu chuyện mang hơi hướng giả tưởng, dẫn dắt khán giả đến với thế giới cổ tích của cậu bé rừng xanh, nàng tiên hắc ám… Toàn bộ diễn viên tham gia vở diễn là các nghệ sĩ xiếc từng đoạt nhiều giải thưởng của Đoàn xiếc II - Liên đoàn Xiếc Việt Nam và những thí sinh bước ra từ cuộc thi "Thử thách cùng bước nhảy" và nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí.

Giải thưởng không còn nhiều giá trị

- Dốc tiền túi làm một vở diễn để tạo sân chơi cho những người làm nghề, chị có nghĩ là mình mơ mộng, thiếu thực tế không?

+ Tôi sống rất thực. Để tồn tại với nghệ thuật rất vất vả, khó khăn nhưng nếu mình sống thật, sống hạnh phúc với những câu chuyện của mình thì cuộc sống đáng sống hơn, hơn là cứ an nhàn làm công việc của một công chức và đi show kiếm tiền. Tôi vẫn bay đi đây, đi đó làm giám khảo, nghe có vẻ sang chảnh thế thôi nhưng không phải được sống với niềm yêu thích của mình. Làm một vở diễn rất vất vả, mất thời gian nhưng vui vì tôi nhìn thấy khao khát làm nghề của các em, thu nhập ít ỏi nhưng các em đam mê, yêu thích.

Nhiều em chia sẻ, có thể đi show, kiếm nhiều tiền nhưng không sướng bằng làm "Úm ba la". Họ vẫn thích chơi nghề, chơi nghệ thuật. Tôi nghĩ mình đã theo nghề này rồi, đã học và đam mê nó, sống cùng với nó từ bé. Nếu chỉ nghĩ đến bản thân thì đủ rồi. Nhưng nếu nghĩ về các thế hệ học sinh, khi họ nhìn lên xem thế hệ trước làm được gì, cái mất sẽ lớn hơn được. Mất niềm đam mê, mất tinh thần truyền lửa cho thế hệ sau, họ nhìn vào để cố gắng và cống hiến.

- Chị nói chị đang nhìn thấy một lứa các tài năng, nhưng thực tế, trong nhiều năm qua, tài năng múa đang dần thiếu vắng. Theo chị nguyên nhân ở đâu?

+ Bây giờ giải thưởng cũng dễ dàng, các tác phẩm múa tập thể cũng được nhận huy chương cá nhân mà. Nó không còn là giá trị nữa. Quan trọng hơn là bao nhiêu người có thể theo nghề, bao nhiêu người đủ đam mê để làm những vở chuyên nghiệp.

Ở ngay Hà Nội cũng không có nhiều tài năng. Những người giỏi ít ỏi không có đất dụng võ cũng sẽ mai một dần. Bây giờ các chương trình nghệ thuật đều có nhảy múa nhưng nó có phải là nghệ thuật đỉnh cao không, nghệ thuật mà mình mong muốn không, lại là câu chuyện khác.

- Vì sao?

+ Có nhiều thứ dẫn đến điều đó. Nếu không thay đổi cách đánh giá về các cuộc thi liên hoan thì các thế hệ sau còn thiếu vắng tài năng hơn, bởi ta không quan tâm đến thực chất mà chỉ quan tâm đến phong trào, việc thi thố khá dễ giải.

Biên đạo múa Tuyết Minh đang hướng dẫn vở diễn.

Ở nước ngoài, họ coi liên hoan là cuộc vui vẻ, còn ta lấy liên hoan làm giải thưởng và các liên hoan, cuộc thi bị cào bằng. Phải thay đổi cách đánh giá đó. Người nghệ sĩ thực sự phải trải qua khổ luyện, khó khăn mới đạt được thành công. Chúng ta mất hẳn thế hệ 8X, 9X, 10X, những diễn viên múa solo đỉnh cao.

Sống ở thời điểm này phải vượt khó thôi, phải làm điều gì đó. Tôi cũng không quen sống hưởng thụ, muốn làm điều gì đó có ích cho mọi người, thay vì làm từ thiện theo phong trào thì làm cho nghề. Nhiều người chỉ nhăm nhăm đến việc làm sao thu được nhiều tiền, còn tôi thì cho rằng làm sao những người làm nghệ thuật có nhiều cơ hội làm nghề.

Nghệ thuật đương đại đang bị xét nét

- Tôi nhớ, trong một cuộc họp báo Festival múa quốc tế, ban tổ chức đã đưa ra yêu cầu, các vở diễn Việt Nam phải dùng âm nhạc Việt Nam để bảo tồn bản sắc dân tộc. Chị nghĩ sao?

+ Đó là lý do vì sao chúng ta tụt hậu so với thế giới. Nghệ thuật đương đại đang bị xét nét. Công nghệ đã phát triển rất mạnh mẽ nhưng ta đang kéo tụt mọi thứ xuống, cứ nghĩ bảo tồn là không sử dụng cái gì của nước ngoài là sai. Nghệ thuật phải sống với công chúng. Nghệ thuật bây giờ đang xa rời đời sống, khán giả họ thích những thứ sống động, thực tế như cuộc sống mà họ đang trải qua. Giới trẻ bây giờ giỏi và cập nhật, không thể bắt họ ăn mãi món ăn cũ được.

Như series nhạc kịch của Nguyễn Phi Anh Anh hấp dẫn vì nói được tâm tư của con người trong đời sống hôm nay. Nhà hát nhạc Vũ kịch cũng cố gắng dàn dựng lại một số tác phẩm kinh điển nhưng những tác phẩm mới rất ít. Trong khi ngôn ngữ múa đã thay đổi rất nhiều. Chúng ta cần khuyến khích những thể nghiệm đương đại. Đó chính là hơi thở cuộc sống.

Nghệ thuật là muôn màu, mình phải làm những tác phẩm mới vì nghệ thuật kinh điển chỉ là một nhánh trong dòng chảy mà thôi. Gần như ta đang thiếu những tác phẩm đương đại, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, những cập nhật của ta đang bị chậm so với thế giới.

- Sau S. Dance tour và bây giờ là "Úm ba la", Tuyết Minh có tự tin để tiếp cận khán giả không?

- Tôi tự bỏ tiền túi ra làm vở nên không quan tâm nhiều đến lợi nhuận, tôi muốn có một cách nhìn mới về nghệ thuật múa và xiếc, mang đến một tiếng nói đối thoại của hai ngôn ngữ.  Và tôi hạnh phúc khi có những người bạn đồng hành, không hề đơn độc trên con đường của mình.

Khi tôi diễn "Con tạo xoay" 3 đêm ở Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội chật kín người. Đầu năm 2016, tôi diễn S dance tour, tất cả mọi người đều đứng lên nhảy cùng. Điều đó minh chứng rằng, chúng ta có khán giả, vấn đề là tác phẩm của bạn ra sao. Với "Úm ba la", tôi sẽ sửa sang vở liên tục để mỗi năm lại có một phiên bản mới để tiếp cận khán giả chứ không phải diễn xong mấy đêm là cất vào kho.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị. Chúc chị thành công trên con đường vắng của mình.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.