Biên đạo múa Tuyết Minh: Tôi đã bước ra khỏi nỗi buồn

Thứ Năm, 14/01/2016, 08:48
Tuyết Minh xuất hiện trước tôi với vẻ mặt mộc, giản dị. Thẳng thắn và chân thành trong cuộc trò chuyện, chị đã gác lại những nỗi muộn phiền vì câu chuyện danh hiệu để bắt đầu cho những dự án dài hơi của mình. "Đã đến lúc, tôi không chỉ làm cho chính mình nữa, mà cho cộng đồng, cho các nghệ sĩ trẻ", Tuyết Minh nói.


- Chị có buồn không khi lần này, chị không được danh hiệu nghệ sĩ ưu tú?

+ Chuyện đó đã qua rồi, không ai giữ mãi trong mình một nỗi buồn. Nếu mình bước ra khỏi những thứ đó, mình sẽ làm được nhiều điều tốt hơn cho mọi người và cho chính mình. Tôi làm nghề, dấn thân với múa, chỉ với mong muốn rằng, chúng ta có thể duy trì được nghề múa ở Việt Nam, chứ không vì giải thưởng hay sự vinh danh. Bởi tôi nghĩ, mình có một danh hiệu cao hơn tất cả, đó là danh hiệu trong lòng nhân dân, sự tôn trọng của những người làm nghề.

- Tôi nhớ nhiều năm qua, Tuyết Minh gây dấu ấn bởi những vở diễn lớn "Con tạo xoay", "Chiến thắng mùa hoa đào", "Tình yêu Hà Nội", toàn những vở nặng ký về đề tài lịch sử được chuyển tải bằng ngôn ngữ múa. Vì sao chị chọn những đề tài được coi là khô khan này?

+ Những câu chuyện lịch sử được kể bằng ngôn ngữ múa, quả thật rất khó khăn, nhưng đó là đam mê của tôi. Tôi nghĩ, mỗi con người sinh ra trong cuộc đời này đều muốn lưu dấu vết của mình trên nhân gian. Tôi muốn được viết, muốn kể cho mọi người nghe những câu chuyện đời sống bằng ngôn ngữ chuyển động của cơ thể. Tại sao không. Nỗi buồn, niềm vui, hạnh phúc hay bất hạnh đều ra đi từ đó. Đặc biệt, tôi muốn khai thác những vẻ đẹp văn hóa, tâm hồn Việt qua ngôn ngữ chuyển động của cơ thể, để giúp mọi người hiểu hơn chiều sâu của văn hóa Việt Nam. Tôi nhớ, khi có ý tưởng dựng vở "Chiến thắng mùa hoa đào", tôi đã đi một mạch từ Hà Nội vào Bình Định, đến Rạch Gầm - Xoài Mút, gặp gỡ những con người am hiểu về lịch sử, nghe họ kể lại những câu chuyện xưa. Đọc sách, nghiên cứu thôi chưa đủ, phải đi đến tận vùng miền ấy, cảm nhận văn hóa, lịch sử vùng đất ấy, mới đủ chất liệu giúp tôi thăng hoa trong sáng tạo. Tôi làm gì cũng cầu toàn và khá quyết liệt như thế.

- Diễn viên múa thường là con nhà nòi, trong khi bố mẹ Tuyết Minh là nghệ sĩ tuồng. Vì sao chị chọn múa?

+ Bố mẹ tôi là những nghệ sĩ tuồng, tôi sinh ra và lớn lên trong khu văn công Mai Dịch, đi học về là nhảy vào xem các phòng tập. Rồi ngày tuyển thì tôi đi tuyển vào múa, cũng chỉ là sự tình cờ thôi. Lúc đó chưa có ý thức gì để đam mê, chỉ biết là mình thích làm nghệ thuật. Nhưng rồi học dần, nó ngấm vào máu tự lúc nào. Tôi nhớ không khí của thời đó, ở khu văn công, cuộc sống của người nghệ sĩ tình cảm lắm, họ yêu thương, nương tựa vào nhau. Bây giờ đã khác nhiều, thậm chí rất khó tìm lại không khí đó.

- Giờ nghĩ lại, chị có thấy điều gì tiếc nuối, vì mình không chọn các môn nghệ thuật dễ nổi tiếng hơn. Trong khi nghề múa vất vả, cực nhọc, tên tuổi lại rất lặng lẽ?

+ Tôi nghĩ trong đời mỗi người đều có những mối lương duyên. Múa đến với tôi cũng vậy. Và tôi yêu nó, dù để có được ngày hôm nay, tôi và nhiều nghệ sĩ múa đã phải đánh đổi rất nhiều, những ngón chân vẹo vọ, máu đổ trên sàn tập. Nhưng, mỗi nghề đều có những đặc thù của nó. Ai cũng lựa chọn nghề để nổi tiếng thì lấy ai giữ lửa cho múa.

Tuyết Minh - giám khảo của “Thử thách cùng bước nhảy”.

- Tôi thấy bây giờ, các game show nhảy trên truyền hình rất nhiều, nhưng phát hiện ra tài năng liệu có đất dụng võ khi ở nước ta, múa thực sự chưa có đời sống?

+ Đó cũng là điều tôi đang trăn trở. Sắp tới, tôi sẽ làm một chương trình festival múa đưa những vũ công tài năng của chương trình Thử thách cùng bước nhảy cùng các thể loại nhảy múa mới giới thiệu với khán giả trẻ ở các trường đại học. Tôi dự định kết hợp với 15 trường đại học ở Hà Nội để làm chương trình này. Ngoài việc hiểu hơn về cộng đồng múa bây giờ, chúng tôi sẽ dạy cho các bạn sinh viên điệu nhảy flash most và sẽ làm một kỷ lục về nhảy flash most gồm các sinh viên và nghệ sĩ nhảy cùng nhau.

- Phải chăng đó là cách chị đưa múa đến gần với công chúng?

+ Sau tất cả những gì tôi đã trải nghiệm, tôi nghĩ, mình không chỉ làm cho bản thân nữa, mà nên lùi lại để làm gì đó cho nghệ sĩ trẻ và học sinh, để họ có cơ hội được kết nối với khán giả. Tôi muốn có sự cọ xát với công chúng, chứ không chỉ tập luyện để dành cho các cuộc thi hay những vở diễn kinh điển rất ít người xem. Thế hệ chúng tôi gần như nằm ngoài mối liên hệ với khán giả.

Hơn 20 năm làm việc, dù mình đã đạt được những thành công nhất định, nhưng tôi vẫn thấy nuối tiếc, vì mình vẫn đi theo lối cũ và mang nặng một tư duy an phận, mất đi sự hừng hực sống. Bây giờ tôi muốn các em được làm việc và cống hiến nhiều hơn, gắn bó hơn với cuộc sống, với khán giả bởi nghệ thuật luôn mang hơi thở của cuộc sống.

Tôi cứ chờ đợi làm những gì lớn lao, tử tế, mang ý nghĩa chính trị xã hội. Nhưng khán giả họ không chờ những dịp như thế, họ vẫn có nhu cầu thưởng thức, tiếp cận với nghệ thuật ở nhiều góc cạnh. Tôi muốn hướng các bạn sống thực với chính mình, cống hiến những gì mình đang có, để rồi các bạn ấy sẽ lớn lên. Và tôi nghĩ, không phải chỉ những thứ kinh viện, kinh điển mới có giá trị, mà nghệ thuật chính là đời sống. Đó cũng là một cách để nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của khán giả, bằng cách cho họ xem hàng ngày.

- Chị có tin là festival đó sẽ được đón nhận ở Việt Nam, khi múa chưa thực sự được quan tâm, thậm chí là vắng bóng. Chị có bao giờ nản vì điều đó?

+ Sau những va chạm với cuộc sống, tôi thấy mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Ngày xưa, tôi vẫn cứ ấp ủ những dự định lớn lao, đôi khi là quá mơ mộng. Rồi có khi làm những vở diễn tiền tỷ nhưng lại đắp chiếu để đấy, trong khi với kinh phí như thế, mình có thể đi vào đào tạo, ủng hộ, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ.

Song song với festival múa được tổ chức định kỳ hàng năm, tôi sẽ mở một trung tâm nghệ thuật đào tạo về múa có tên là Dance for life. Trung tâm của tôi sẽ cộng tác với nước ngoài để cấp chứng chỉ của ISTD, một chứng chỉ quốc tế về múa, ở Việt Nam mới chỉ có trường Soul Dance của Thanh Bùi cấp chứng chỉ này. Tôi sẽ tập hợp những người giỏi từ nước ngoài về giảng dạy về biên đạo, thậm chí đào tạo giáo viên để nâng cao tay nghề cho các nghệ sĩ. Điều đó rất cần thiết ở Việt Nam.

Đã đến lúc tôi nghĩ mình cần lùi lại để suy nghĩ và góp sức làm điều gì đó cho các nghệ sĩ nhiều hơn. Trường nghệ thuật của tôi sẽ bổ khuyết những khoảng trống trong chương trình giảng dạy truyền thống ở nhà trường, để làm cho múa gần hơn với đời sống. Ở Việt Nam, cơ hội cho những diễn viên trẻ không nhiều, việc cấp chứng chỉ quốc tế này sẽ tạo cơ hội cho họ có những công việc phù hợp với khả năng của mình hơn.

- Có một thực tế là nghệ sĩ múa ở Việt Nam chiếm một lực lượng khá đông đảo, nhưng họ lại không có tiếng nói mạnh mẽ như các bộ môn nghệ thuật khác, theo chị vì sao?

+ Nhân lực múa ở Việt Nam khá đông, nhưng không có cơ hội công việc nhiều, họ ẩn dật trong các đoàn tự do, không được trang bị bằng cấp, cũng như điều kiện làm việc. Ở TP Hồ Chí Minh họ cởi mở hơn, thực chất hơn, vì thế múa cũng có đất sống hơn, chứ ở miền Bắc thì gần như vắng bóng. Đôi khi tôi cũng thấy buồn, vì lực lượng nghệ sĩ múa rất đông, nhưng tiếng nói của họ không mạnh mẽ bằng các loại hình nghệ thuật khác, bởi múa không được đào tạo bài bản, nền tảng văn hóa cũng chưa thực sự cao. Đó là một thiếu hụt mà tôi nghĩ, cũng cần bổ trợ. Khi trình độ cao, thì họ tự biết cách bảo vệ cho mình và có tiếng nói.

- Thế còn những dự định cho biên đạo múa, chị từng nói, sẽ đi với múa đến cùng cơ mà?

+ Sắp tới, tôi sẽ làm vở "Vợ chồng A Phủ", đây là vở tương đối lớn sẽ làm theo phong cách nhạc kịch, kết hợp với nhiều ngôn ngữ múa đương đại. Cuối năm, khi trung tâm hoạt động, tôi sẽ hoàn thành nốt kịch bản mà tôi đang ấp ủ "Người cầm lái", kể về chặng đường Bác ra đi từ Bến cảng Nhà Rồng tìm đường cứu nước.

Đây là vở mà tôi ấp ủ từ lâu. Tôi muốn khai thác khía cạnh Bác đã tiếp nhận những tinh hóa văn hoa ở những vùng đất Bác đã đi qua, hòa trộn với lòng yêu nước và những gì Bác được thẩm thấu qua quê hương, tạo nên tinh thần, văn hóa của Người. Nó sẽ được cách điệu theo ngôn ngữ múa đương đại. Đó là câu chuyện về Bác Hồ, nhưng không nặng về chính trị. Tôi sẽ khai thác ở góc độ Việt Nam là nơi hội tụ những vẻ đẹp văn hóa của nhiều đất nước, chứ không nói về chiến tranh, tàn khốc.

- Nghệ sĩ múa sống khá chật vật, nhưng thấy Tuyết Minh rất thong dong với nghề, xin hỏi, chị có sống được bằng nghề không?

+ Tôi bắt đầu được chọn làm gì và không làm gì. Đó cũng là một may mắn, vì nghệ sĩ múa sống vất vả, cực nhọc, phải chạy show kiếm sống. Tôi sống hoàn toàn bằng nghề đấy chứ, nhưng tôi quan niệm cuộc sống rất đơn giản, không phải nghệ sĩ là cứ phải bóng bẩy, hào nhoáng, phải hàng hiệu. Tôi đi làm bằng xe máy, nhiều khi sẵn sàng bắt xe ôm đi cho kịp giờ một chương trình nào đó, vì chị biết giao thông ở Hà Nội rồi đấy.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.