Bill Bratton: "Siêu cớm" Mỹ được mời làm Cảnh sát trưởng London

Thứ Ba, 20/02/2018, 12:12
Có 3 cơ quan cảnh sát phương Tây được đánh giá cao nhất trên bình diện quốc tế là London, New York và Los Angeles. “Siêu cớm” Bill Bratton trở thành người duy nhất trong lịch sử Mỹ từng lãnh đạo hai lực lượng cảnh sát hàng đầu New York và Los Angeles.


Bill Bratton được Thủ tướng Anh David Cameron mời làm lãnh đạo Sở cảnh sát London vào năm 2011. Tuy nhiên, quyết định này đã gây ra nhiều tranh cãi vì một số quan chức cấp cao của Anh cho rằng điều này như “một cái tát vào mặt” người Anh.

Siêu cảnh sát trưởng

Bill Bratton tên đầy đủ là William Joseph Bratton, sinh ngày 6-10-1947 tại Boston, bang Massachusetts. Ông tham gia quân đội Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp trung học năm 1965 và lấy bằng cử nhân Luật Đại học Massachusett Boston. Năm 1970, Bratton bắt đầu sự nghiệp cảnh sát tại thành phố Boston.

10 năm sau, Bill Bratton trở thành người trẻ nhất trong lịch sử đảm nhiệm vị trí Phó Cảnh sát trưởng thành phố Boston. Bratton thăng cấp rất nhanh, từ Trưởng phòng Cảnh sát đến Cảnh sát trưởng của thành phố khác tại nhiều bang khác nhau. Vì vậy, ông được báo chí đặt cho biệt danh "Siêu cớm".

Bill Bartton trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy Vịnh Massachusetts từ năm 1983 đến 1986, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông New York năm 1990. Cảnh sát trưởng thành phố Boston từ 1993-1994. Cảnh sát trưởng thành phố New York lần thứ nhất từ 1994-1996. Từ năm 2002-2009, ông là Cảnh sát trưởng thành phố Los Angeles. Từ năm 2014-2016 là Cảnh sát trưởng thành phố New York lần thứ 2. “Siêu” Cảnh sát trưởng Bratton trở thành người duy nhất trong lịch sử Mỹ từng lãnh đạo 2 lực lượng cảnh sát hàng đầu New York và Los Angeles.

Ngày 11-9-2009, Bill Bratton được Nữ hoàng Anh Elizabeth II trao tặng Huân chương vì đóng góp thúc đẩy quan hệ giữa Cảnh sát Anh và Mỹ.

Thành tích lẫy lừng

Điểm nổi bật nhất của Bill Bratton trong thời gian làm sếp cảnh sát tại nhiều thành phố ở Mỹ là việc ông áp dụng các biện pháp mạnh tay, "không ngại vỡ tủ kính" để xử lý triệt để nạn băng nhóm đường phố ở Boston vào năm 1993.

Năm 1994, Cảnh sát trưởng New York Bill Bratton đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Ông mạnh tay dẹp loạn các tệ nạn xã hội, gái điếm, ma cô cộm cán, bọn du thủ du thực tụ tập vẽ bậy trên tường và gây mất trật tự đường phố ở New York.

Thời gian này, tỷ lệ tội phạm đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử của thành phố New York, tội phạm nguy hiểm đã giảm 33% và các vụ án mạng giảm phân nửa. Ngoài ra, ông còn là “kiến trúc sư trưởng” của hệ thống quản lý tội phạm bằng máy tính CompStat, hiện đang được sử dụng trên toàn nước Mỹ.

Dưới thời Bratton làm Cảnh sát trưởng thành phố New York, bất cứ ai không có giấy tờ tùy thân sẽ phải về đồn cảnh sát kiểm tra cá nhân, kiểm tra dấu vân tay hoặc có thể bị bắt giam. Quan điểm của ông là phải làm sao cho bọn tội phạm chẳng những sợ mà phải nể phục cảnh sát.

Năm 2002, Thị trưởng James Hahn phải nhờ đến Bratton làm Cảnh sát trưởng Los Angeles. Và Bratton tuyên bố là sẽ kéo giảm tội phạm 25%, và sẽ “cởi áo từ quan” nếu không đạt kết quả như vậy. Đúng như tuyên bố của “siêu cớm” Bratton, tỷ lệ tội phạm tại thành phố này bắt đầu giảm dần theo từng năm.

Thị trưởng James Hahn nói về “siêu cớm” Bratton với sự nể phục: "Ai cũng thề hứa điều tốt đẹp hơn vào cuối năm, trong khi Bratton luôn hứa làm tốt hơn vào đầu năm mới. Và hiệu quả làm việc của ông ấy không chỉ đạt mà còn vượt mọi sự mong đợi".

Và thật sự danh tiếng của Cảnh sát trưởng Los Angeles, Bratton nổi như cồn với chiến tích dẹp tan các cuộc bạo loạn đô thị. Đây cũng là nơi ông ghi lại chiến tích lẫy lừng trong phòng chống bạo loạn sắc tộc tại Mỹ. Và cũng chính điều này mà (cựu) Thủ tướng Anh David Cameron  đã mời ông về làm Cảnh sát trưởng London để dẹp các cuộc bạo loạn năm 2011.

“Đáng tin” tốt hơn “đáng sợ”

Trong thời gian ông công tác tại Los Angeles, tỷ lệ tội phạm ở thành phố này liên tục giảm: tội phạm nguy hiểm giảm 40%, số vụ giết người giảm 41%.

“Siêu cớm” Bratton không ngần ngại cho cảnh sát sử dụng súng bắn đạn cao su, hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông quậy phá. Tại các thành phố do ông quản lý, Bratton áp dụng giải pháp cùng lúc vừa "không khoan nhượng" vừa “tiếp cận cộng đồng”. Ông thường xuyên tiếp xúc nói chuyện với dân chúng tại các khu vực phức tạp về an ninh, nhiều tệ nạn xã hội để tìm hiểu những khúc mắc và đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Lễ chia tay Cảnh sát trưởng New York Bill Bratton vào ngày 16-9-2016.

Cảnh sát trưởng Bratton đã đến tận các nhà thờ, thánh đường Hồi giáo và cả các nhà xác chỉ nhằm thực hiện cho được phương án ngăn ngừa tội phạm. Ông hiểu rất rõ điều mà người dân cần ở một người cảnh sát, đó là giải quyết những vấn đề họ phải đối mặt hàng ngày. Theo ông, người dân cần các sĩ quan cảnh sát đáng tin cậy, những người không chỉ dùng phương tiện sức mạnh để trấn áp tội phạm mà còn phải biết quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của cộng đồng.

Ông biết cách giải tỏa căng thẳng sắc tộc bằng cách tăng tỷ lệ cảnh sát người da màu trong các thành phố do ông làm tổng tư lệnh.

Cảnh sát trưởng “tinh thần” của thành phố London

Vụ bạo loạn 4 ngày bắt đầu từ đêm 6-8-2011 gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản đã để lại nỗi kinh hoàng trong dân chúng thành London. Niềm tin của công chúng Anh đối với chính phủ trong việc bảo đảm an ninh công cộng cũng từ đó bị "lung lay".

Thủ tướng Anh David Cameron cảm thấy cần phải thay đổi cách làm trong công tác chống bạo loạn, bảo đảm an ninh trật tự ở các thành phố lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nước Anh cũng như thủ đô London đang chuẩn bị ráo riết cho Olympic 2012. Chính vì điều này, Thủ tướng Cameron chính thức thông báo việc mời ông Bill Bartton, "siêu" Cảnh sát trưởng Mỹ, sang Anh để làm Cảnh sát trưởng thành phố London vào ngày 12-8-2011.

Thủ tướng Cameron cho rằng người Anh cũng cần phải học hỏi ở Bratton cách áp dụng các biện pháp mạnh kết hợp với tiếp cận cộng đồng nhằm tìm hiểu nguyên nhân sâu xa làm nảy sinh bạo loạn để có cách xử lý hiệu quả nhất. Vì ở Anh, cảnh sát còn do dự trong việc áp dụng các biện pháp mạnh tay như Bratton.

Nhờ mối quan hệ tốt đẹp sẵn có với nước Anh, nên việc "siêu" Cảnh sát trưởng Bratton được mời hỗ trợ nước này chống bạo động là điều dễ hiểu. Ông đã có những lời khuyên cho người Anh, như “bắt bớ không phải là giải pháp tốt nhất”. Ngoài ra, Bratton đã góp ý xây dựng đội ngũ cảnh sát đa sắc tộc để duy trì quan hệ chặt chẽ với các cộng đồng người nhập cư. Điều này cũng là một cách giúp nước Anh giảm các vụ bạo loạn trong dân chúng.

Tuy nhiên, quyết định mời “Siêu cớm” Bratton làm Cảnh sát trưởng London nảy sinh nhiều tranh cãi. Một số quan chức và cảnh sát cấp cao của Anh cho rằng điều này như “một cái tát vào mặt” người Anh, nên nhiều quan chức Anh đã chống lại việc “nhập khẩu công nghệ” Cảnh sát Mỹ.

Dù “Siêu cớm” không được tuyển chọn vào vị trí Cảnh sát trưởng thủ đô London vì những quan ngại của người Anh về việc bổ nhiệm một người nước ngoài vào vị trí mang trọng trách an ninh quốc gia. Tuy nhiên, ông Bratton vẫn được Thủ tướng Anh David Cameron mời làm cố vấn cho Chính phủ Anh trong việc lập lại trật tự an ninh tại thủ đô London.

Di sản của “Siêu cớm”

Di sản của “siêu” Cảnh sát trưởng Bratton là “thuyết kính cửa sổ bể”, theo đó một tội nhỏ như đập bể cửa kính mà không trị từ đầu thì sau này sẽ khó trị. Thế nên, ông đã "không ngại vỡ tủ kính" để xử lý triệt để nạn băng nhóm tội phạm nơi thành phố ông quản lý.

Bratton còn là cha đẻ của hệ thống quản lý Compstat, được đánh giá cao và áp dụng rộng rãi tại nhiều tiểu bang. Hệ thống này sử dụng thông tin máy tính đáp ứng nhanh về tội phạm, giúp các cảnh sát khu vực có biện pháp giảm tội phạm trong khu vực mình quản lý, và chính sự thay đổi về cách quản lý đó góp phần quan trọng trong việc làm giảm tỷ lệ tội phạm tại các thành phố ở Mỹ.

Bratton cũng chủ trương thành lập lực lượng cảnh sát đa sắc tộc để hòa hợp hòa giải dân tộc, mang lại sự công bằng cho mọi người trong việc đóng góp vào trật tự an toàn cho nước Mỹ. Đây cũng là một cách gián tiếp ngăn ngừa bạo lực sắc tộc.

Ngày 16-9-2016, "siêu" Cảnh sát trưởng Bill Bratton nghỉ hưu ở tuổi 68, sau 45 năm cống hiến cho lực lượng thực thi pháp luật Mỹ. Nhưng di sản và tên tuổi của ông sẽ còn tồn tại mãi theo thời gian, sẽ khó có sĩ quan Cảnh sát khác có thể phá vỡ kỷ lục “Siêu cớm” của ông.

Hoa Nam (Tổng hợp)
.
.
.