Ca sĩ Đinh Trang: Bình tĩnh để được là chính mình

Thứ Tư, 04/07/2018, 14:44
Hơn 10 năm bền bỉ đi con đường của mình, Đinh Trang chuẩn bị ra album thứ hai mang phong cách thính phòng. Chị cũng là một giọng ca được chọn vào vai chính trong vở nhạc kịch kinh điển "Trà Hoa nữ". "Một con đường gian khổ, lặng lẽ, nhưng hạnh phúc". - Đinh Trang chia sẻ.


- Hơn 10 năm kiên định theo đuổi con đường gian khó, tại sao đến thời điểm này Đinh Trang mới có một sản phẩm thính phòng đầu tiên?

 + Bởi vì đó là ước mơ của tôi từ 10 năm nay khi theo đuổi con đường âm nhạc. Tôi muốn hát những ca khúc mang âm hưởng thính phòng và thực sự để hát cho ra chất không hề dễ dàng. Tôi nghĩ mình cần có độ chín, không ẩu được, đó là hình ảnh của mình, mình không thể ra một album mà còn thiếu cái này cái nọ. 

Đến giờ, sau 10 năm, tôi mới tự tin để làm album đầu tay. Dòng nhạc này đòi hỏi phải có chiều sâu và tình yêu dành cho nó. Đến thời điểm này, tôi tự tin để hát bằng trái tim yêu âm nhạc và bằng cả tình yêu quê hương đất nước. Tôi cũng mong muốn làm một album để lại dấu ấn trong cuộc đời của mình.

- Những bài hát nổi tiếng đã gắn liền với những cái bóng lớn trong nền thanh nhạc như NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ… chị có sợ mình sẽ bị cũ và nhàm?

+ Tôi hát lại những bài hát kinh điển trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, nhưng phối khí theo một cách khác để album không bị một màu  và cũ. Nhiều người khuyên tôi hát bài mới, nhưng tôi nghĩ mình là thế hệ trẻ có trách nhiệm lưu giữ và tiếp nối những ca khúc truyền thống để cho những ca khúc đó sống mãi theo thời gian. 

Đó cũng là trách nhiệm của những người trẻ. Tôi hát "Mẹ yêu con", "Xa khơi", "Người con gái Sông La", "Tình em", "Bài ca hy vọng", "Người Hà Nội", do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và nhạc sĩ Trần Minh Đức, Phan Cường và Cao Xuân Dũng phối khí.

- Vì sao vẫn là thính phòng khi chị biết rõ dòng nhạc này có lượng khán giả khá hạn hẹp và ít cơ hội để nổi tiếng? Chị không chọn con đường dễ dàng hơn như nhiều nghệ sĩ từng làm, hát các bài dân gian, cách mạng hay thậm chí là bolero chẳng hạn?

+ Vì tôi đam mê, yêu thích và thỏa mãn mong muốn được hát. Âm nhạc là tiếng nói của tình cảm và trái tim. Mỗi khi thả hồn vào tiếng hát, tôi như được sẻ chia, bày tỏ tình yêu của mình. 

Nhiều người hỏi tôi sao không chọn dòng nhạc nhanh thành công hơn. Nhưng tôi nghĩ, cái gì cũng có giá trị riêng, thính phòng có giá trị chiều sâu, bền vững và nó luôn tồn tại bền bỉ trong đời sống dù ngoài kia có xô bồ như thế nào.  

Hơn nữa, ngoài việc trở thành nghệ sĩ, tôi muốn sau này làm cô giáo dạy thanh nhạc, truyền tải tình yêu và đam mê của mình đến các thế hệ học sinh. Tôi xác định là một nghệ sĩ nghèo cũng được, nhưng phải được là chính mình và được làm những gì mình thích.  Tôi sẽ hạnh phúc và con cái tôi, gia đình tôi có quyền tự hào về những gì tôi đã làm. 

Cuộc sống của tôi cũng ngổn ngang nhưng tôi lựa chọn con đường bình tĩnh, không vội vàng, không bằng mọi cách để vươn lên kiếm tiền, nổi tiếng nhanh; bình tĩnh để được là chính mình, biết dung hòa cuộc sống của mình. Có lúc tôi tự hỏi, mình bất chấp để có tiền, sau này khi có tất cả mình có buồn không. Chắc chắn tôi sẽ buồn. 

Ngay xưa, mọi người đi chơi còn tôi ở nhà nghe nhạc giao hưởng, nó giúp cho thẩm mỹ âm nhạc của tôi tốt hơn. Tôi vui vì thấy mình đang đi đúng hướng. Có thể  nhạc thính phòng chưa làm mình nổi tiếng nhưng nó cho mình một giá trị riêng. Nó làm tôi hạnh phúc, chỉ cần được hát, được đứng trên những sân khấu như thế là hạnh phúc rồi.

- Thực tế, tôi thấy nhiều nghệ sĩ chuyển sang hát bolero, thậm chí còn ra album?

+ Đó là sự thay đổi của thời thế  và của từng cá nhân, với tôi, đến thời điểm hiện tại, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ hát bolero. Có người bảo tôi tại sao không tham gia các cuộc thi game show, tôi thử nghĩ, mình đứng trên sân khấu đó sẽ như thế nào, có lẽ nó không hợp với tôi. 

Thôi, tốt nhất cứ đúng là mình. Đại chúng của ta thích các thể loại dễ nghe, họ thích hoài niệm về quá khứ. Nếu nghe cổ điển hay opera đau đầu lắm. Có cung thì có cầu. 

Ca sĩ bây giờ quá nhiều, người ta phải phục vụ số đông. Có lẽ hiếm có những người như nghệ sĩ Đăng Dương, mấy chục năm vẫn kiên định với con đường của mình. Đó là người tôi ngưỡng mộ, nể trọng, anh là tấm gương cho thế hệ chúng tôi.

- Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, khán giả thờ ơ với dòng nhạc này một phần lỗi từ nghệ sĩ, không tạo ra các sân khấu để khán giả lựa chọn?

+ Nhiều năm qua, các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này đang nỗ lực đưa nhạc thính phòng đến gần hơn với khán giả. Chính nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cũng rất tâm huyết với dự án tạo sân chơi cho những nghệ sĩ theo đuổi nhạc thính phòng và đưa thính phòng đến gần hơn với công chúng. 

Muốn người ta biết đến thì mình phải có chương trình biểu diễn, có truyền thông, báo chí. Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng có rất nhiều ý tưởng và tôi may mắn, nhiều năm trước dù chỉ là cô bé mới bước vào nghề nhưng cũng được anh tin tưởng, cộng tác. 

Tôi hy vọng, mỗi người góp một phần bé nhỏ của mình để tạo ra một cộng đồng nhỏ và từ đó lan tỏa tình yêu âm nhạc thính phòng rộng hơn trong xã hội. Tôi cũng có niềm tin rồi đâu sẽ vào đó, chính sự kiên định sẽ tạo nên sức mạnh, một sức mạnh đầy nội lực sẽ góp phần tạo ra những giá trị để âm nhạc thính phòng vẫn không bị đánh gục trong đời sống ồn ào của âm nhạc. Tôi nghĩ, làm gì mình cũng phải có niềm tin, có niềm tin là có tất cả và đôi khi, chúng ta đang sống bằng niềm tin.

- Cách đây hai năm, trong một cuộc trò chuyện với Đinh Trang, tôi thấy chị khá bi quan khi nói về đời sống âm nhạc, về nền thanh nhạc Việt Nam đang bị xuống cấp. Đến bây giờ, chị nhìn vấn đề này như thế nào?

+ Tôi vẫn hay trò chuyện cùng thầy giáo, NSND Trung Kiên, ông rất buồn, nói rằng chúng ta đang đi lạc lối hết rồi nhưng không biết làm thế nào. Một cộng đồng nhỏ theo đuổi âm nhạc chuẩn mực rất ít so với cả một đám đông ấy. Thế hệ thầy Trung Kiên, cô Mộ La đã định hướng và dạy dỗ để sản sinh ra những giọng ca chuẩn mực. 

Ngày xưa các cô chú đi thu thanh, hát hay lắm, còn bây giờ chuyên môn của giới trẻ rất đáng báo động. Ngày xưa học thật, làm thật. Tôi thấy thanh nhạc quá khó, tôi học năm thứ 10 rồi, ngày nào cũng luyện thanh mà vẫn lo cuối năm có đủ sức hát 16 bài chuẩn mực của thính phòng hay không. Mình luôn nghiêm túc, chăm chỉ mà cảm thấy mình còn thiếu, nhiều cái phải học. 

Còn giới trẻ bây giờ không biết vị trí của mình, họ cứ nghĩ họ hát hay, có một bài được tung hô nên chủ quan, cứ nghĩ mình giỏi. Khi vào phòng thu là lộ hết. Cho nên chị thấy đấy, ở Việt Nam ít có ca sĩ nào hát live được với dàn nhạc giao hưởng. Đôi khi cũng buồn, bởi khi chạy show, yêu cầu của công chúng rất dễ dãi. Chỉ cần ca sĩ đến thu và xinh đẹp là lên hát, cần gì chuyên môn. Chính điều đó làm hỏng suy nghĩ của các bạn trẻ.

- Rõ ràng, chúng ta không thiếu những người trẻ tài năng, nhưng chúng ta thiếu sự định hướng?

+ Tôi vẫn dạy sinh viên, động viên các em không được đốt cháy giai đoạn, cứ từ từ không vội vàng. Các sinh viên của tôi cũng chạy show nhiều, tôi thường nhắc, đi hát thì đi hát nhưng vẫn chăm chỉ tập để giữ cái gì mình đang học. 

Có những em đi theo show của bolero, cứ nghĩ sẽ nổi nhưng liệu em có khả năng nổi như thế không. Cái đích của các em là gì,  phải có định hướng rõ ràng. Càng ngày tài năng càng mai một. 

Tôi rất lo cho những bạn có năng khiếu không được định hướng, dần dần các em theo nhau, mải mốt đi kiếm tiền thì nền âm nhạc chuyên nghiệp cũng sẽ ít dần tài năng và như thế chúng ta càng thụt lùi với văn minh thế giới. (Thực tế bây giờ chúng ta đang tụt hậu rồi). 

Văn hóa nghệ thuật là bộ mặt, nền tảng của một quốc gia nhưng ở ta không được chú trọng. Chúng ta coi âm nhạc chỉ là một thứ để giải trí chứ không phải là văn hóa.

Ca sĩ Đinh Trang trong một concert.

- Chị có thấy mình, đơn độc?

+ Nhiều người bảo tôi không biết tận dụng nhan sắc của mình, biết đâu tôi sẽ nổi tiếng hơn. Nhưng điều tôi chăm chút là những giá trị bên trong. Nghệ sĩ cần sự tỏa sáng không chỉ ngoại hình mà cả tâm hồn, trí tuệ. Tôi rất "nông thôn", mộc mạc. 

Mọi người vẫn gọi đùa tôi là cô Thắm, cho dù tôi đuối hơn nhiều người về kinh tế, các mối quan hệ, nhưng tôi rất tự tin vì tôi đã đi con đường bằng chính đôi chân của mình. Nhiều lúc tôi thấy lạc lõng, mình cứ theo đuổi một con đường mịt mờ. Nhưng có những người anh lớn như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, nghệ sĩ Đăng Dương đã giúp tôi có động lực và niềm tin đi tiếp.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của chị.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.