Ca sĩ Hà Phương: Làm điện ảnh vì không muốn là "bình hoa di động" bên chồng'

Thứ Tư, 15/05/2019, 16:22
Bộ phim điện ảnh "Đi tìm Julia" do ca sĩ Hà Phương viết kịch bản, sản xuất và đóng vai chính vừa ra mắt khán giả Mỹ vào cuối tháng 4. Khán giả bất ngờ khi Hà Phương đánh dấu sự trở lại với nghệ thuật sau nhiều năm im hơi lặng tiếng bằng một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, thay vì con đường ca hát quen thuộc.


- So với chị gái - ca sĩ Cẩm Ly và em gái - ca sĩ Minh Tuyết, dường như con đường nghệ thuật của Hà Phương chững lại sau khi lập gia đình với tỷ phú Chính Chu tại Mỹ. Lý do gì để chị quyết định quay về với nghệ thuật?

+ Hồi mới lấy chồng, tôi vẫn tiếp tục công việc đi hát như lúc còn ở Việt Nam. Đến khi sinh con đầu lòng thì tôi nghỉ hát để chăm lo tổ ấm. Nhưng tôi chỉ tạm nghỉ một thời gian chứ không bỏ hẳn. Chị Cẩm Ly và em Minh Tuyết chưa chắc mê nhạc bằng tôi. Lúc phải ngưng hát chăm con, tôi nhớ nghề khủng khiếp. Ngày nào cũng mở nhạc từ sáng đến tối mà không chán. 

Để thỏa đam mê và không bị lụt nghề, dù không bước lên sân khấu nhưng tôi vẫn dành chút thời gian rảnh rỗi để học diễn xuất, luyện thanh nhạc, viết kịch bản phim...Tôi sợ càng lớn tuổi thì cơ hội càng hẹp lại. Cho nên khi con cứng cáp, tôi quyết định làm cái gì đó ý nghĩa.

- Ở lứa tuổi chị, nhiều nghệ sĩ hải ngoại chọn về Việt Nam chạy show, làm giám khảo vì con đường này có vẻ dễ đi, trong khi chị lại chọn con đường quá mạo hiểm:làm nghệ thuật ngay trên đất Mỹ. Kinh ngạc hơn khi đó lại là điện ảnh chứ không phải là lĩnh vực âm nhạc sở trường của chị?

+ Thú thật, ở Mỹ, mỗi lần coi phim Trung Quốc hoặc phim có người Trung Quốc hợp tác với ekip Hollywood, tôi thực sự ngưỡng mộ họ. Các sao Hoa ngữ đã chinh phục kinh đô điện ảnh Hollywood, được khán giả Mỹ biết mặt thuộc tên và qua đó quảng bá rộng rãi văn hóa Trung Quốc. 

Tôi tự hỏi nước mình cũng có lắm nghệ sĩ tài năng, nền văn hóa 4.000 năm đặc sắc mà lại ít có cơ hội. Tôi tự nhủ: hay là mình thử sức đi. Làm nghệ thuật ở Việt Nam hay ở Mỹ, tôi nghĩ đó là quan điểm, là sự lựa chọn riêng tư của mỗi người. Bản thân tôi luôn thích những gì lạ lẫm, đòi hỏi nhiều thử thách. 

Và làm phim ở Mỹ, đưa người Việt chinh phục thị trường điện ảnh Hollywood là một thử thách đầy hấp dẫn. Nhiều khi tôi cũng nghĩ, chắc mình bị "khùng" nặng rồi. Nhưng tôi muốn chứng tỏ cho mọi người thấy là tôi sẽ làm được dù khó khăn đến mấy.

- Được biết kịch bản "Đi tìm Julia" có chất liệu từ 70% sự thật cuộc đời chị và 30% hư cấu. Vậy 70% cuộc đời Hà Phương là những gì?

+ Bộ phim mất 8 năm mới chính thức ra rạp. Cách đây 8 năm, tôi có nhận nhiều kịch bản nhưng nó na ná nhau và khá cũ trong khi tôi chỉ thích cái gì mới mẻ. Một lần nghe người bạn nhắc về mặc cảm Edip, tôi thấy đề tài này khá thú vị và tự viết thành kịch bản. Mặc cảm Edip chính là 30% hư cấu của phim. Nội dung phim kể về Julia. Cô có người mẹ là nữ danh ca dòng nhạc trữ tình Việt Nam tên là Phương Hà và cha là một doanh nhân giàu có, tài giỏi ở Mỹ. 

Khi sự nghiệp đang lên thì Phương Hà bỏ hết để theo chồng. Song cô vẫn ấp ủ mong ước ca hát, diễn kịch, đóng phim ngay trên đất Mỹ. Không may, Phương Hà mất sớm vì tai nạn giao thông. Cô bé Julia lớn lên nhờ vòng tay yêu thương của cha và bà ngoại. Cô theo đuổi sân khấu kịch nói để dấn thân vào ngành công nghiệp giải trí Mỹ. Tình yêu của Julia dành cho cha mình trở nên mù quáng khi cô căm ghét tất cả những người phụ nữ đến sau với cha...

Hình ảnh ca sĩ Phương Hà và nhiều mẩu chuyện nhỏ của Julia chính là câu chuyện thật của tôi trên đất Mỹ. Ví dụ chuyện tôi gặp ông xã và tạm dừng ca hát để chăm sóc gia đình, sự hòa nhập của mình trên xứ lạ, chuyện nói tiếng Anh bị "đớt" khiến bạn bè trêu... đều là chuyện thật được đưa vào phim. Đồng thời, phim còn thể hiện chân thật những suy nghĩ, rào cản và hy vọng của một nghệ sĩ Việt tìm cách khẳng định mình giữa nước Mỹ thượng lưu. Thú thật khi viết kịch bản, không ít đoạn khiến tôi bật khóc. Nó làm tôi nhớ lại thời chân ướt chân ráo sang Mỹ.

Bộ phim "Đi tìm Julia" khai thác sâu cuộc sống của nghệ sĩ Việt trên đất Mỹ.

- Tại sao sau 8 năm, bộ phim mới ra mắt?

+ Vì tính tôi quá cầu toàn, muốn cái gì cũng thật hoàn hảo. Hơn nữa, bộ phim khai thác đề tài khá khó, đi sâu vào tâm lý phức tạp. Nếu mình làm không khéo thì không truyền tải nổi thông điệp. Vậy nên, dù nhiều người bảo phim ổn rồi nhưng tôi cứ thấy hơi lấn cấn là lại sửa.

- Lần đầu dấn thân vào điện ảnh, chị đã hợp tác với dàn ekip đình đám như diễn viên Richard Chamberlain (nam diễn viên Hollywood nổi tiếng với vai cha Ralph trong bộ phim kinh điển "Tiếng chim hót trong bụi mận gai"), đạo diễn Igor Sunara (người có nhiều tác phẩm gắn liền với Whitney Houston, Liza Minnelli, Diana Ross, Rod Stewart, Bon Jovi…), chị có cảm thấy áp lực không?

+ Đảm nhiệm nhiều vai trò như nhà sản xuất, biên kịch, nữ chính, nhiều lúc tôi thấy mình như đang bơi trên biển. Tôi không biết đi đâu về đâu vì mình không quen biết ai và cũng không hiểu lắm về thị trường điện ảnh Mỹ. Cộng tác với các tên tuổi lớn cũng khiến mình rất áp lực. Nhưng qua thời gian, tôi trưởng thành hơn, hiểu biết nhiều hơn về văn hóa Mỹ và cách làm phim của họ. Đã được học về diễn xuất bài bản nên tôi không gặp khó khăn trong quá trình nhập vai. Khó khăn lớn nhất của tôi là tiếng Anh khi làm việc với ekip. Mình qua Mỹ lúc đã lớn tuổi nên âm điệu không thể chuẩn như người bản xứ.

- Nhiều người ngạc nhiên khi thấy bà xã tỷ phú Chính Chu lại lao tâm khổ tứ "sống chết" với phim ảnh, thay vì yên phận ở nhà trông con, thỉnh thoảng đi làm từ thiện. Vậy ông xã có ý kiến gì với chuyện phim ảnh của chị không?

+ Ông xã là người hỗ trợ Hà Phương hết mình, cả về tài chính lẫn tinh thần để làm bộ phim này. Lúc đầu nghe tôi trình bày dự định, ảnh nói chắc khó thực hiện lắm vì thị trường Mỹ vô cùng khắc nghiệt, khó tính. Nhưng tôi bảo em sẽ ráng để người ta biết rằng Việt Nam cũng có người tâm huyết như thế. Dù đủ đầy điều kiện kinh tế nhưng tôi vẫn lao theo nghệ thuật vì đơn giản tôi đam mê. 

Thêm nữa, tôi không muốn làm bình hoa di động bên chồng, cũng như xóa bỏ suy nghĩ của mọi người rằng cô ấy may mắn khi lấy được người chồng giàu có. Tôi muốn chứng tỏ mình có năng lực, làm nhiều việc có ích và tạo những món quà vô giá để lại cho con. Điều quan trọng là chồng mình thấy được sự học hỏi, vươn lên không ngừng của vợ mà trân quý mình hơn. Mình không chỉ trau chuốt cho vẻ đẹp bề ngoài mà còn trau dồi kiến thức, tài năng. Làm được điều đó, tôi thấy tự tin hơn khi sánh vai cùng ảnh.

Ca sĩ Hà Phương (giữa) cùng dàn diễn viên phim "Đi tìm Julia".

- "Đi tìm Julia" không đơn thuần là bộ phim tái hiện một phần cuộc đời chị mà còn ấp ủ giấc mơ đưa văn hóa Việt, con người Việt chinh phục Hollywood. Chị thấy mình có tham vọng và mạo hiểm quá không?

+ Khi thực hiện bộ phim, tôi cũng mang tâm lý của người trở về cội nguồn. Trong phim, những thông điệp, suy nghĩ mang đậm tinh thần Á Đông. Các phong tục, món ăn như áo dài khăn đóng, chả giò, hủ tiếu... là nét đẹp truyền thống được đưa lên màn ảnh. 

Nếu sau bộ phim này, khi công chúng Mỹ đã biết đến Hà Phương ít nhiều thì tôi sẽ có nhiều cơ hội để tiếp tục làm phim về đất nước, con người Việt Nam. Rất vui là khi phim ra mắt, khán giả Mỹ có nhiều phản hồi tích cực. Năm 2017, "Đi tìm Julia" là một trong ba bộ phim đặc biệt được chiếu mở màn Liên hoan phim Châu Á Thế giới (The Asian World Film Festival) diễn ra tại Los Angeles.

- Vậy chị không hát dân ca nữa ư? Người ta vốn rất mê các bài hát mang âm hưởng dân ca, trữ tình mà chị từng thể hiện như "Hoa cau vườn trầu", "Hương tóc mạ non", "Mời anh về thăm quê em"...

+ Tôi vẫn hát dân ca nhưng chỉ thỉnh thoảng thôi. Âm nhạc là lĩnh vực tôi không bao giờ từ bỏ. Tuy nhiên, để khán giả Mỹ biết đến mình thì tôi còn hát thêm nhạc tiếng Anh. Bây giờ tôi hát nhạc trẻ cũng được mà opera cũng được. Còn điện ảnh là con đường dài hơi mang nhiều thử thách thú vị.

- Được biết chị còn ra mắt tiểu thuyết "Đi tìm Julia" sau khi phim đóng máy. Thông thường, người ta chuyển thể từ tiểu thuyết thành phim, còn trường hợp chị thì ngược lại.

+ Phim gói gọn 90 phút nên bị lược bỏ hoặc cắt đi nhiều đoạn tâm huyết trong kịch bản. Do đó, tôi viết cuốn sách để công chúng hiểu hơn về bộ phim. Tôi không có ý định theo nghiệp viết văn. Do yêu cầu quảng bá bộ phim nên mình phải viết sách. Cuốn sách được viết bằng tiếng Anh rồi chuyển ngữ sang tiếng Việt. Quá trình này có sự hỗ trợ của nhà văn Katz Judy (bản tiếng Anh) và nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc (bản tiếng Việt) vì tôi không phải là dân viết chuyên nghiệp.

- Cảm ơn ca sĩ Hà Phương và mong bộ phim sẽ sớm ra mắt tại Việt Nam!

Nguyễn Trang (thực hiện)
.
.
.