Ca sĩ Khôi Minh: Học để hát, hát để học

Thứ Ba, 26/03/2019, 15:44
Phần lớn mọi người biết đến anh như một người làm báo với lối viết tưng tửng, gai gai, chứ chưa nhiều người biết đến anh như một ca sĩ. Và vì thế, câu chuyện với anh hôm nay là câu chuyện liên quan đến âm nhạc, nhân sự kiện show diễn “Tình yêu tìm thấy” của anh và bạn bè sắp diễn ra tại Hà Nội, kỷ niệm 18 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.


Cuối cùng người ta làm một công việc là để tìm kiếm điều gì: Tiền bạc hay đơn giản đó chỉ là nhu cầu được bộc lộ mình, được theo đuổi điều mà mình yêu thích? Câu trả lời đó với Khôi Minh ở thời điểm này xem ra khá rõ.
Phần lớn mọi người biết đến anh như một người làm báo với lối viết tưng tửng, gai gai, chứ chưa nhiều người biết đến anh như một ca sĩ. Và vì thế, câu chuyện với anh hôm nay là câu chuyện liên quan đến âm nhạc, nhân sự kiện show diễn “Tình yêu tìm thấy” của anh và bạn bè sắp diễn ra tại Hà Nội, kỷ niệm 18 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

- Không chỉ nhạc Trịnh, anh còn hát nhạc của các nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Vũ Thành An, Cung Tiến, Văn Phụng, Ngô Thụy Miên… nghĩa là hát những ca khúc cũ? Lựa chọn đó có ý nghĩa như thế nào?

+ Đầu tiên, những bài nào mình thấy hay và hợp thì mình chọn hát thôi. Ngoài ra cũng phải nhìn thẳng vào thực tế là mình… đâu có tiền để mua hoặc đặt bài. Mà cũng không có gì đảm bảo là bài đặt đó sẽ hay, trong khi với nhạc xưa tất cả đã được thời gian bảo chứng. Chưa kể với đặc thù Việt Nam, kho tàng nhạc xưa một thời kỳ ít được khai thác nên với không ít người nghe và cả người hát, nó vẫn không bị nhàm cũ. Và nói chung trong nghệ thuật, hay/dở đáng quan tâm hơn mới/cũ.

- Chứ không phải vì anh làm báo thì anh đọc tác phẩm của người nhạc sĩ tốt hơn?

+ Khi viết báo, tôi buộc phải quan tâm đến đời tư của nghệ sĩ, còn nếu để hát có lẽ chỉ cần đọc nhạc sĩ qua tác phẩm là đủ. Mỗi người đem lại một giọng điệu, một không gian âm nhạc khác nhau rất thú vị. Chẳng hạn Ngô Thụy Miên bay bổng lãng mạn, Vũ Thành An nồng nàn đắm đuối trong khi Phạm Duy đa diện, đầy kịch tính, không né tránh những đề tài hóc búa nhất…

- Ở tòa soạn mọi người có gọi anh là ca sĩ không?

+ Có, một số đồng nghiệp khi gặp cũng hay hỏi dạo này nhiều show không, cát-xê cao không… Nhưng việc mình vẫn đến tòa soạn đã là câu trả lời hùng hồn nhất. (cười)

- Thế còn khi đi gặp các ca sĩ khác để viết bài, họ có biết anh là ca sĩ không?

+ Cũng chỉ một vài ca sĩ biết họ đang gặp đồng nghiệp, chứ mình chỉ nổi tiếng trong giới báo chí làm văn nghệ thôi. Mới lại gần đây mình mới tạm coi mình là ca sĩ. Còn nhiều người chắc vẫn sẽ nhìn mình như một người ham vui, mê ca hát. Có khi họ còn chẳng tin mình có thể trở thành ca sĩ ở tuổi này.

- Ca sĩ theo quan niệm của anh?

+ Là phải kiểm soát được hơi thở, âm thanh, lên sân khấu phải tự nhiên, cuốn hút, biết trò chuyện với khán giả bằng cả giọng hát và nói.

- Học nghề báo, đi làm báo, rồi lúc không còn trẻ mấy anh lại bắt đầu với ca hát, thậm chí còn quyết tâm đi học ở Nhạc viện. Sao anh không bỏ hẳn nghề báo mà tập trung vào con đường ca hát, hay là phải đợi đến khi thành ca sĩ nổi tiếng rồi mới bỏ nghề báo?

+ Ai làm báo đều biết nghề này khó bỏ. Chưa kể nó vẫn đang là một nghề nuôi sống mình. Mình đủ khách quan để nhìn nhận mình và những gì mình đang có, không còn những ảo tưởng kiểu như mình là một “tài năng không gặp thời” này kia.

Càng theo đuổi việc ca hát thì mình càng nhận ra, giọng hát hay năng khiếu chưa đủ, mà cần phải hy sinh rất nhiều thứ khác nữa. Nhà mình không ai làm nghệ thuật nên mình sẽ phải tự khai phá con đường này từ đầu. 

Tuy làm báo nhưng mình không thuộc dạng quảng giao hay đầy quyền lực để làm một dạng ông bầu cho chính mình. Nên không soi được chân của nó là vậy. Hơn nữa, nghề báo cho mình biết được không ít thứ thuộc về mặt tối, hậu trường của nghề ca hát. Những thứ đó nó giống như cái barie chặn không cho nước sông phạm nước giếng.

Ca sĩ Khôi Minh chọn dòng nhạc xưa để biểu diễn.

- Thời gian gần đây, thấy anh liên tục làm show, xem ra cũng sắp sống được bằng nghề ca hát?

+ Mỗi show của mình ở phòng trà hiện có khoảng 70 đến 100 khán giả. Không hiểu sao khán giả vẫn đến, nên là cứ 2-3 tháng mình lại can đảm làm một show. Thực ra lượng khán giả như vậy cũng vừa sức mình, chứ đông quá lại áp lực. 

Vừa theo dõi và cũng tham gia biểu diễn ca nhạc, mình nhận ra một điều, những ca sĩ có giọng hát hay và đặc biệt thì nổi tiếng và có đông khán giả đã đành, nhưng những ca sĩ hát bình thường, thậm chí dở đi nữa vẫn có khán giả. 

Mình thấy khán giả rất bao dung, và ca sĩ dù ở tầm mức nào cũng cần phải biết ơn khán giả vì điều đó. Chỉ cần họ lao động hết mình, vì nghệ thuật hay thậm chí vì tiền đi nữa thì vẫn luôn có khán giả cho riêng họ.

Vì thế mình hiểu khán giả đến với mình đơn giản vì cái duyên chứ không phải mình tài cán, hay ho gì. Và biết đâu chính cái ngây ngô hay nực cười trên sân khấu lại giúp ca sĩ thu hút khán giả cũng nên, miễn là anh ta vẫn đang nỗ lực để bớt ngây ngô hơn.

 - Nghĩa là từng có lúc anh rất bi quan với việc đi hát?

+ Vâng, bi quan đến độ không dám đi hát luôn (cười)… Năm 2009 bắt tay vào làm album mình vẫn nghĩ là mình hát hay. Vì hồi nhỏ cũng có thi thố đoạt giải này kia ở tỉnh. Bẵng đi nhiều năm, đi làm báo rồi quay lại hát, mình vẫn nghĩ giọng mình chẳng kém ai, chẳng qua không gặp may mà thôi. Nhưng vào phòng thu mới biết giọng mình thế nào. Giọng hát cũng như bất cứ kỹ năng nào nếu không dùng đến, mài giũa sẽ mai một. 

Album đầu tiên thu âm cực kỳ chật vật. Tính mình vốn không được bạo dạn lắm, lên sân khấu đã run rồi, lại còn tự thưởng thức cái dở của mình nữa nên càng khủng hoảng. Rồi mỗi lần đi diễn về thất vọng về bản thân kinh khủng, thấy mình kệch cỡm, lố bịch và… cần cơ hội để làm lại, nếu không muốn hình dung của bạn bè, khán giả về mình mãi mãi chỉ là như thế.

Và mình sẽ cứ ngã rồi lại dậy như thế cho đến khi bỗng nhiên đỗ Nhạc viện. Tức là tình cờ biết trường tuyển sinh tại chức thì thi chứ không định trước. Đúng là có học có khác, biết thế đi học từ lâu rồi (cười).

- Giờ đi học nhạc viện rồi thì tự tin hơn chứ?

+ Đầu tiên phải nói rằng việc học những môn chuyên ngành hoàn toàn xa lạ căng thẳng có khi còn hơn lên sân khấu. Nhưng có thời gian và thầy cô kèm cặp rồi cũng qua được. Những nỗi sợ đàn, sợ nốt nhạc… dần dần cũng bớt, sợ sân khấu cũng thế. Quan trọng là việc học làm cho mình bớt ảo tưởng. Vì trong trường toàn người hay người giỏi… Từ đó mình chỉ là người bình thường cố gắng làm tốt công việc của mình mà thôi.

 - Nhưng càng nhiều tuổi lên, mỗi chúng ta sẽ càng nhìn rõ mình hơn, biết nhiều về hạn chế của mình hơn nữa. Điều này có vẻ không tốt lắm cho một người nghệ sĩ. Đôi khi họ cần một chút ảo tưởng để “sống chết” với công việc của mình?

+ Đúng là khả năng mơ ước hoặc hoạch định trước tương lai với nghệ sĩ rất quan trọng. Từ đó họ mới có thể làm được những điều với người khác là không tưởng. Chứ nếu cứ thực tế quá có khi lại khó tiến xa. Nói chung là vẫn phải đủ ảo tưởng thì mới vẫn hát, vẫn làm show… ở độ tuổi này. Như Trịnh Công Sơn viết “Mọi người vẫn tới/Ta chưa lạc loài…”, mình quý trọng những giờ phút còn đứng trên sân khấu, được hạnh ngộ khán giả.

- Điều này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn. Vậy rốt cục, anh tìm kiếm gì trong việc đi hát, làm một ca sĩ?

+ Phải là người mạnh mẽ lắm mới có thể từ bỏ sân khấu, một khi họ từng thăng hoa trên đó. Khi bước lên sân khấu, bạn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình. Bạn tự dưng đẹp lên mà chưa cần trang điểm. Giống như mình được chạm vào một nguồn thiên hứng nào đó. Khi ấy, nghệ sĩ trở thành một kênh chuyên chở những giá trị thẩm mỹ đến người xem. Sân khấu được gọi là thánh đường, ở góc độ khác lại như chất gây nghiện là vì vậy.

- Nó cũng giống như nhu cầu được bộc lộ chính mình?

+ Đúng vậy, mỗi chúng ta, mỗi lúc đều cần một hay nhiều phương tiện để bộc lộ chính mình. Nhu cầu được nói ra, được viết ra, được biểu hiện những gì mình yêu thích rất quan trọng. Đó là cách để mọi người giao tiếp, kết nối với nhau và với một cái gì đó lớn hơn, đẹp hơn. Chẳng hạn ca sĩ chỉ thăng hoa đúng nghĩa khi có khán giả chứng kiến. Đối với mình hát là sống, viết là sống, đơn giản vậy thôi. Hát hay viết đều là những cách để học bài học về cuộc sống.

Vừa làm báo, vừa đi hát, Khôi Minh xem đó là nhu cầu thể hiện mình.

- Nghề báo với nghề hát theo anh có khác nhau nhiều không?

+ Nghề báo giống như tấm gương soi chiếu đủ mọi thứ. Người làm báo phải trường mặt ra với cuộc đời chứ không thể lánh đi đâu được. Ca sĩ tưởng nhàn nhã hơn nhưng không hẳn, họ cũng phải xuất hiện trước công chúng bằng xương bằng thịt chứ không phải chỉ bán băng đĩa mà sống được. Hai công việc đều đòi hỏi sự năng động và dấn thân. Một điểm khác là báo chí không cho phép người ta nuôi nhiều ảo tưởng như làm nghệ thuật.

- Nếu có kiếp sau chẳng hạn, anh có nhất định phải làm ca sĩ không, và sẽ lựa chọn ngay từ đầu chứ không nửa nọ nửa kia như hiện nay?

+ Làm bất cứ một công việc gì như tôi nói cũng là cách để hiểu về cuộc đời và tất nhiên hiểu về công việc đó. Khi đã đủ hiểu rồi chúng ta nên làm một điều gì khác hay hơn chứ.

- Cảm ơn ca sĩ Khôi Minh! 

Vũ Quỳnh (thực hiện)
.
.
.