Ca sĩ Lan Anh: Một mình làm show, liều vì đam mê

Chủ Nhật, 30/09/2018, 12:34
Từng đoạt giải nhất cuộc thi hát thính phòng và nhạc kịch chuyên nghiệp toàn quốc, Lan Anh được công chúng yêu mến với tên gọi "chim sơn ca" của âm nhạc thính phòng Việt Nam. 


Đầu tháng 11 tới đây, nữ ca sĩ sẽ tổ chức một live show âm nhạc cá nhân mang tên "Ánh trăng tình yêu" tại Hà Nội. Đây sẽ là show diễn "để đời" của riêng cô, vì "có thể sau này tôi sẽ không thể làm được một show diễn lớn, với sự đầu tư kỹ càng, tỉ mỉ, công phu như vậy".

- Lan Anh thân mến, để tổ chức một show diễn đẳng cấp đúng nghĩa của dòng nhạc thính phòng, thì sự đầu tư về mọi mặt là vô cùng lớn. Khán giả vô cùng bất ngờ khi biết, chị tự làm chương trình này mà không cần tới một đơn vị tổ chức biểu diễn hỗ trợ. Ôm đồm mọi việc như vậy, có quá sức vóc của một nữ ca sĩ không nhỉ?

+ Tôi không muốn để một công ty tổ chức biểu diễn làm show cho mình vì tôi biết, họ thường can thiệp khá sâu vào tổng thể chương trình. Show diễn này là vô cùng quan trọng đối với tôi, vì vậy tôi muốn tự mình bắt tay vào. 

Tôi và đạo diễn âm nhạc sẽ lên kịch bản chương trình phù hợp, làm sao có thể "phô" được những gì tốt nhất mình có, cống hiến cho khán giả những thứ mình thích nhất, ưng nhất. Đây là lần đầu tiên tôi làm live show riêng, nên tôi muốn làm bằng tất cả khả năng, đam mê của mình. 

Từ sân khấu đến âm nhạc, khách mời, dàn nhạc hàng trăm người...là cả một sự cố gắng lớn, không phải lúc nào cũng có cơ hội để làm được. Có thể chỉ một lần trong đời tổ chức được show riêng thôi, nên tôi phải dốc lòng với chương trình.

- Vừa lo việc chuyên môn ca hát, vừa lo tài chính để tổ chức chương trình, trăm vạn bề khó. Xin hỏi một điều hơi tế nhị, chương trình của chị có nhà tài trợ không?

+ Thú thật là tôi chỉ có một chút tiền, bạn bè cũng hỗ trợ được một phần nữa, còn thì tôi phải tự bán vé, tự quảng cáo. Đi xin tài trợ thì hơi khó, vì mình là danh nghĩa cá nhân, không phải tổ chức hay đơn vị doanh nghiệp nào. Mặt khác, là nghệ sĩ, tôi rất ngại mở lời đi xin tài trợ, ngại lắm. Dù chương trình của mình rất cần sự hỗ trợ về tài chính, vì nó tốn kém hơn các chương trình bình thường. Tôi lại là người cầu toàn nữa.

- Năm ngoái, nghệ sĩ Đăng Dương, người cũng hát dòng nhạc giao hưởng thính phòng giống chị đã có một show diễn vô cùng thành công, thậm chí giành được giải thưởng Cống hiến danh giá. Liệu chị có chịu áp lực gì khi làm show này không, có ngại không nếu công chúng so sánh show của chị với show của Đăng Dương?

+ Tôi không nghĩ gì nhiều về chuyện so sánh mình với nghệ sĩ nào cả. Dĩ nhiên chương trình anh Đăng Dương năm ngoái đã gây một ấn tượng rất mạnh trong công chúng, và đó còn là niềm khích lệ cho các nghệ sĩ dòng nhạc giao hưởng thính phòng chúng tôi nữa. Với chương trình của mình, tôi chỉ biết mình làm tốt nhất có thể. Làm sao mọi thứ đều hoàn hảo, đều là những điều mình ưng ý, hài lòng nhất là được.

- Lo từ A đến Z một show diễn lớn, chị có thấy mình "liều mạng" không?

+ Tôi thấy mình cũng không liều mạng lắm. Mà nếu có liều mạng thì đã sao, nhất là được liều cho công việc mình đam mê, yêu thích. Tôi sợ nhất là ngồi im một chỗ, không làm gì cả. Tôi không quen với nhàn.

- Ngoài những tên tuổi đáng chú ý như đạo diễn âm nhac, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, dàn nhạc giao hưởng mặt trời với các nghệ sĩ danh tiếng, thì khách mời của live show "Ánh trăng tình yêu" gồm những ai?

+ Khách mời sẽ gồm NSND Quang Thọ, NSƯT Tấn Minh, nhóm Dòng Thời Gian, ca sĩ trẻ Đăng Long và nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn. Những khách mời tên tuổi đó sẽ cùng với tôi làm nên một đêm "Ánh trăng tình yêu" tuyệt nhất có thể.

- Được biết Tấn Minh là một người anh, một người bạn rất thân thiết của ca sĩ Lan Anh. Chị có thể kể đôi chút về tình bạn của hai người?

+Thực ra tôi với anh Tấn Minh là đồng hương, biết nhau từ lúc còn nhỏ. Anh Tấn Minh lớn hơn tôi mấy tuổi. Anh vào học Nhạc viện, đi biểu diễn và sớm nổi tiếng. Vào dịp nghỉ hè anh ấy về nhà, tôi thường đến hát cho anh ấy nghe. 

Tôi hỏi anh Tấn Minh là em muốn thi vào Nhạc viện, anh thấy có được không. Anh Minh bảo, được chứ. Đến lúc tôi thi đỗ vào Nhạc viện thì anh Tấn Minh ra trường. Anh em từ đó vẫn luôn quý mến nhau, hay đi biểu diễn cùng với nhau.

- Được mệnh danh là "chim sơn ca" của nhạc thính phòng nhưng lúc tôi biết buổi đầu vào nhạc viện học và biểu diễn, chị theo đuổi nhạc trữ tình, nhạc xưa, bolero và thậm chí cả nhạc trẻ nữa. Thông thường tôi thấy nhiều nghệ sĩ họ học cổ điển, khó quá, không kiên trì được thì quay sang nhạc trẻ chẳng hạn. Chị thì ngược lại, chuyển từ các dòng nhạc dễ hát sang khó hát, vì sao?

+ Khi còn trẻ, tôi thích hát những dòng nhạc trẻ trung. Bolero, hải ngoại, nhạc trẻ... tôi hát tất. Tôi học nhạc trẻ đến hết năm thứ 3 ở nhạc viện thì các thầy cô thấy tôi có tố chất hát thính phòng, mới khuyên tôi nên chuyển sang dòng nhạc này. Tôi thấy mình hát được thính phòng. Việc tập luyện và vượt qua được những khúc thức khắt khe của nhạc dòng nhạc này, tôi cảm thấy vui như vừa làm được một việc khó.

Tôi là người thích chinh phục việc khó mà. Những bài hát cổ điển nước ngoài hát bằng kỹ thuật giao hưởng thính phòng khó lắm, nhưng hát được rồi thì bản thân mình cũng thấy say với vẻ đẹp của bài hát. Nhạc thính phòng khó hát, nhưng nghe thì hay. 

Và tôi quyết định chuyển sang học thính phòng. Tôi học nhanh lắm, nhanh đến mức các thầy cô cũng không ngờ luôn. Chỉ trong 2 năm tôi đã học được kỹ thuật hát thính phòng tốt. Rồi tôi đi thi hát thính phòng và được huy chương vàng.

- Nhưng năm trước, ca sĩ Lan Anh bất ngờ cho ra mắt khán giả MV hát nhạc bolero. Nguyên cớ từ đâu chị lại hát bolero, dòng nhạc tưởng như xa lạ, không liên quan gì đến nhạc thính phòng?

+ Thực ra tôi là người hát đa dạng nhiều thể loại được. Nhạc thính phòng tôi rất yêu. Nhưng những dòng nhạc khác tôi cũng thích lắm. Tôi nghe được rất nhiều thể loại, như dân ca, nhạc trẻ, bolero. Tôi cũng khá thích bolero. Nghe bolero tôi không thấy "sến" như người ta nói. Tôi thấy đó là một thể loại âm nhạc giàu tâm tình và thậm chí có sự sang trọng của nó. 

Tôi nghĩ cái chất sang trọng đó của bolero còn tùy thuộc vào người hát. Hiện nay có một số người hát cứ thê thảm hóa bolero. Thực ra bolero có nhiều cách hát, không nhất thiết cứ phải làm cho não nề đi mới đúng chất bolero. Biến bolero thành kiểu nhạc như thế nào là do văn hóa của người hát, tôi nghĩ vậy.

- Một giọng hát hay, riêng biệt, nhưng Lan Anh có vẻ lười xuất hiện trên truyền thông, không "chăm chỉ" trong việc làm mới, đánh bóng tên tuổi mình thì phải?

+ Thực ra tôi vẫn hoạt động âm nhạc đều đặn. Tôi cũng tham gia khá nhiều chương trình trên truyền hình. Nhưng cũng có thời gian, một số chương trình tôi từ chối, vì mình bận công việc giảng dạy quá. Đôi khi những chương trình không thấy phù hợp tôi cũng xin không tham gia. Việc xuất hiện trên truyền thông thì thường là khi tôi có một sản phẩm mới. 

Mỗi người có một cách đánh bóng tên tuổi khác nhau, nhưng tôi không muốn làm gì quá với con người mình. Thôi thì cứ đúng bản chất của mình mà sống, mà làm việc. Mọi thứ cứ để bình thường, tự nhiên thôi. 

Chẳng hạn như trên trang facebook cá nhân, tôi cũng chỉ thỉnh thoảng post một vài cái ảnh mình đang sắp sửa biểu diễn, để mọi người hiểu mình vẫn là nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật mỗi ngày. Tôi không mời ai xem tôi, kiểu như "ngay lúc này, trên truyền hình, mọi người mở ra xem ngay nhé", ví dụ thế.

- Nghĩa là Lan Anh khá thoải mái trong tư thế nghệ sĩ, không bị áp lực gì cả?

+ Tôi không cố điều gì. Mình sống tự nhiên như thế này, được hát thế này mỗi ngày là vui rồi, có gì quan trọng lắm những việc khác, như đánh bóng tên tuổi.

- Những năm gần đây, dòng nhạc đỏ, dòng nhạc thính phòng cổ điển quay trở lại sân khấu biểu diễn nhiều hơn, được công chúng quan tâm hơn, các nghệ sĩ cũng vì thế mà kiếm tiền nhiều hơn. Hỏi thật, Lan Anh giàu cỡ nào?

+ Một số ca sĩ giàu vì ngoài đi hát họ tham gia sự kiện, đầu tư kinh doanh nhà hàng, bất động sản... Tôi thì không làm thêm gì cả, tôi chỉ chuyên tâm vào việc hát thôi.

- Một ngày của Lan Anh được hình dung ra sao?

+ Một ngày của tôi khá bận bịu với việc đi dạy học, đi diễn, đi thu âm, rồi sau đó về nhà với con.

- Là giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia, bạn thấy giới trẻ theo dòng nhạc của mình có nhiều không?

+ Bây giờ phần lớn các em vào học thính phòng. Giống như người ta để tâm vào việc xây một cái móng nhà cho thật tốt, thật chắc chắn. Cái móng nhà tốt rồi thì sau đó họ muốn xây nhà như thế nào, bao nhiêu tầng cũng được. 

Ở khoa tôi dạy, các em học kỹ thuật cổ điển xong, khi lựa chọn dòng nhạc để theo đuổi thì thường tập trung vào hai nhánh là nhạc dân gian và nhạc thính phòng, ít em chọn nhạc nhẹ. Có thể vì nhạc nhẹ bây giờ cũng khá bão hòa rồi, hát dễ nhưng nổi tiếng chưa chắc đã dễ.

- Show cá nhân thì bây giờ mới thấy Lan Anh làm, nhưng đĩa nhạc thì thấy chị đầu tư cho ra mắt công chúng thường xuyên. Thời nay thói quen nghe của công chúng chuyển nhiều sang công nghệ số, các nghệ sĩ thường than rằng, rất khó bán đĩa. Vì sao Lan Anh vẫn chăm chỉ việc này?

+ Đúng vậy, bán đĩa giờ rất khó. Nghệ sĩ làm đĩa thì chỉ xác định lỗ cầm chắc. Nhưng với một đời nghệ sĩ thì đĩa lại rất quan trọng. Nó là những sản phẩm âm nhạc đánh dấu những chặng đường nghệ thuật mình đã đi. 

Nó cũng là tài sản cá nhân của mình, cái mà mình sẽ để lại cho công chúng, hay đơn giản là cho những người thân yêu, cho con cái của mình. Hơn nữa việc làm đĩa cũng kích thích mình sáng tạo, làm ra cái mới, không ngừng vận động. Tôi không thể ngừng việc làm đĩa nhạc cho mình, dù biết là phải bù lỗ là như vậy.

- Xin cảm ơn ca sĩ Lan Anh.

Hội Vũ
.
.
.